Câu chuyện giáo dục ( 7)

Mô hình duy thực: Từ cuộc đời của bậc tôn sư

Aristoteles (384-324 tr. CN)

Khác với những người theo mô hình lý tưởng trong giáo dục, các nhà duy thực, tất nhiên, gần gũi hơn với thực tế cuộc sống và nhận rõ ranh giới giữa cái khả thi và cái bất khả thi.Tuy nhiên, ta đừng vội hiểu lầm: không thích những giấc mơ không tưởng không đồng nghĩa với việc "là là" trên mặt đất, chấp nhận và vừa lòng với hiện trạng một cách không phê phán.

Hướng đến thực tại là hướng đến sự đa dạng muôn màu của cuộc sống, lưu tâm đến vô vàn động cơ và mục đích của con người (khác với mô hình lý tưởng chỉ quan tâm đến một số ít và được chọn lọc). Cái nhìn đa nguyên về thực tại mang lại tinh thần dân chủ cho mô hình duy thực. Đặc biệt, những yêu cầu đạo đức, chính trị không được đặt ra quá cao, trái lại, vừa với tầm với của con người, nói lên kích thước nhân đạo của mô hình này.

HIỆN THÂN CỦA MÔ HÌNH DUY THỰC

Ta không nhắc đến Aristoteles (384-324 tr. CN) như một nhân vật lịch sử đã lùi quá xa vào quá khứ. Ta đến với ông như một hiện thân sống động và còn đầy sức thuyết phục của một mô hình giáo dục mang nhiều tính hiện đại: mô hình nhà giáo và nhà khoa học chuyên nghiệp.

Trong bộ sách quý: "Cuộc đời và sự nghiệp của sáu trăm nhân vật quan trọng nhất trên thế giới" (1977), Olof Gigon viết như sau về ông: "Aristoteles không phải là bậc giáo chủ khai thị những chân lý vĩnh cửu, cũng không phải người chiến sĩ đấu tranh đến cùng cho công lý cho dù thế giới vì thế mà trở thành tro bụi. Ông cũng không phải là con mọt sách mua vui với việc chẻ sợi tóc làm tư, và càng không phải là một ông già khó tính ban bố nhỏ giọt từng mẫu chân lý cho những môn đồ sùng kính. Trong toàn bộ sự nghiệp, ông chỉ tha thiết một điều, đó là sự khách quan: sự sáng sủa về ý nghĩa của các khái niệm và sự vững chắc của các luận cứ. Thế giới quan của ông gắn với thực tại càng sát sườn càng tốt, còn đạo đức học và triết học chính trị của ông đòi hỏi nơi con người và cộng đồng đúng những gì họ đủ sức làm được, không hơn và không kém. Ngay từ thời cổ đại, ai muốn đi tìm sự đam mê cuồng nhiệt hay sự thoát tục êm đềm thì đến với Platon và các nhà khắc kỷ, còn ai muốn được thông tin khách quan về những gì ta có thể biết được và làm được, hãy đến với Aristoteles".

Ôn lại vài nét tiểu sử của ông, thiết nghĩ cũng không thừa: Aristoteles sinh năm 384 tr. CN, con của vị ngự y cho vua Amyntas II xứ Macedonie, mồ côi cha rất sớm. 17 tuổi rời quê nhà, lên Athens, vào làm môn đệ trong Viện Hàn Lâm của Platon suốt 20 năm cho đến khi Platon qua đời (347). Có lẽ do không được chọn làm "chưởng môn" nối nghiệp, ông rời Athens, cư ngụ ba năm trên đảo Lesbos, cơ hội tốt để ông đắm mình nghiên cứu sinh vật học và động vật học từ kho tàng thiên nhiên dồi dào của vùng này.

"Rễ của giáo dục thì đắng, nhưng quả của nó thì ngọt"
Aristoteles

Năm 342, nhận lời mời của vua Philipp II xứ Macedonie, làm thầy dạy cho chàng hoàng tử trẻ tuổi, sau này sẽ lừng danh là Alexandre Đại đế. Cậu học trò nổi tiếng này không quên công ơn thầy: trên đường viễn chinh, gom góp những mẫu vật hiếm và lạ chuyển về cho thầy làm tiêu bản nghiên cứu, kể cả tài liệu quý về "Lô gíc học Ấn độ"! 

Năm 335, ông quay về Athens, mở trường riêng ("Học Viện") và dành suốt 12 năm để giảng dạy và biên soạn. Sau cái chết đột ngột của Đại hoàng đế trẻ tuổi vào năm 323, "Học Viện" có nguy cơ bị các thế lực mới trả thù và phá hủy, Aristoteles nhường lại cho môn đệ coi sóc và tạm lánh sang đảo Eunoea và qua đời một năm sau đó. Lý do Aristoteles biện hộ cho sự lánh mình: ông không muốn Athens lại phạm tội ác lần thứ hai đối với triết học (lần thứ nhất là với Socrates). Thêm một bài học "duy thực" về con đường "xuất" và "xử"!

CHÂN LÝ TRƯỚC ĐÃ

Aristoteles thường được trích dẫn qua câu nổi tiếng, đại ý: "tôi yêu Platon, nhưng còn yêu chân lý hơn nhiều" (amicus Plato, sed magis amica veritas). Thật thế, tuy có nhiều chỗ tương đồng, nhưng khó có thể bảo Aristoteles là người kế tục Platon về triết học. Nội dung, phong cách và triết thuyết giáo dục (ít được phát biểu minh nhiên) của Aristoteles trái ngược hẳn với Platon ở những điểm cốt lõi. Aristoteles trước hết là một nhà bác học bách khoa. Phần lớn nhất trong sự nghiệp của ông dành cho việc nghiên cứu, mô tả, phân loại những hiện tượng thường nghiệm của tự nhiên, xã hội, ngôn ngữ. Thư viện của ông thu thập hầu như toàn bộ những bản "hiến pháp" đương thời (161 bản!) và rất nhiều những bộ sưu tập về thực vật và động vật. Trong số 171 tác phẩm được nhắc đến ở thời cổ đại, phần ông đã chiếm tới 47 quyển. Ông mới thật sự là người giữ... một bồ trong bốn bồ chữ của thiên hạ! Quan trọng hơn thế, ông là cha đẻ của rất nhiều bộ môn khoa học đang giảng dạy ngày nay trong các trường đại học.

Công trình của ông được chia thành ba loại, liên quan đến ba năng lực nhận thức khác nhau: lý thuyết, thực hành và tạo tác. Lĩnh vực thứ nhất (lý thuyết) dành cho "những sự vật bất biến" (như thần học, bản thể học, lôgíc học, số học, thiên văn học, và cả các bộ môn khoa học thường nghiệm: vũ trụ học, khí tượng học, tâm lý học, động vật học, thực vật học). Lĩnh vực thứ hai liên quan đến đời sống thực hành (theo nghĩa: hành động/praxis) của con người ở cấp độ cá nhân và xã hội (như đạo đức học và chính trị học). Sau cùng, phần thứ ba là các khoa học "tạo tác" (theo nghĩa hoạt động sản xuất và sáng tạo/poiesis (như thủ công, nghệ thuật, y khoa...). Khác với thầy mình, Aristoteles không chỉ quan tâm đến các vấn đề trừu tượng mà trước hết đến thế giới hiện tượng, khả giác, cần được quan sát, phân tích và phân loại một cách tỉ mỉ, có hệ thống. Đúng như nhận xét của Bertrand Russell trong "Lịch sử triết học Tây phương", Aristoteles là "người đầu tiên viết như một giáo sư", tức như "một nhà giáo đích thực" chứ không phải như "một triết gia đầy cảm hứng", do đó, văn ông mang tính "phê phán, kỹ lưỡng, khô khốc, không mang dấu vết nào của sự cuồng nhiệt, say sưa".

Phương Tây thật may mắn khi ngay từ đầu đã có hai con đường, hai phong cách làm khoa học và giáo dục khác nhau để hậu thế lựa chọn hoặc tìm cách kết hợp!

CON ĐƯỜNG DUY THỰC

Con đường duy thực - được hiểu như tương phản với con đường Platon - xuất phát từ bốn xác tín: 1- ta đang sống trong thế giới có thực; 2- thực tại ấy độc lập với việc ta có "sử dụng" nó hay không; 3- ta có thể nhận thức được thực tại ấy một cách khá vững chắc; 4- và, sau cùng, nhận thức ấy là cơ sở đáng tin cậy để định hướng cho hành động và hoạt động của ta.

Ta sẽ lần lượt tìm hiểu bốn niềm xác tín ấy dưới giác độ triết thuyết giáo dục. 

Bùi Văn Nam Sơn
(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 7, 31.10.2013)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất