Chủ nghĩa Kinh nghiệm, Ngữ nghĩa học và Hữu thể luận


1. Vấn đề các thực thể trừu tượng

Các nhà KNCN [Kinh nghiệm chủ nghĩa] nói chung khá nghi ngờ về bất cứ loại thực thể trừu tượng nào như các thuộc tính, các lớp, các mối quan hệ, các con số, các định đề...vv.

Họ thường cảm thấy rất thông cảm với các nhà duy danh luận hơn là với các nhà duy thực [theo nghĩa trung cổ của từ này]. Chừng nào còn có thể thì họ cố gắng tránh bất cứ qui chiếu nào vào các thực thể trừu tượng và tự giới hạn vào cái đôi khi được gọi là một ngôn ngữ duy danh luận, tức là một ngôn ngữ không chứa những qui chiếu như vậy. Tuy nhiên trong bất kỳ ngữ cảnh khoa học nào dường như không thể tránh chúng được. Trong trường hợp toán học, một số nhà KNCN cố gắng phát hiện một lối thoát bằng cách xử lý cái toàn thể của toán học như một phép tính thuần tuý, một hệ thống hình thức mà đối với nó không có một sự lý giải nào được thực hiện hoặc có thể được thực hiện. Vì vậy nhà toán học được coi là không nói về các con số, các hàm, và các lớp vô hạn, mà chỉ nói về các biểu tượng vô nghĩa và các công thức được thao tác theo các qui luật hình thức nhất định. Đối với vật lý học thật khó để tránh các thực thể bị nghi ngờ, vì ngôn ngữ vật lý được sử dụng để phục vụ cho việc chuyển tải các báo cáo và các dự đoán, và vì vậy mà không thể được coi là một phép tính thuần tuý. Một nhà vật lý học nghi ngờ các thực thể trừu tượng có lẽ có thể cố tuyên bố một bộ phận nhất định của ngôn ngữ vật lý học là không được diễn giải và không thể diễn giải, mà bộ phận đó qui chiếu vào các số thực như các toạ độ không-thời gian hoặc như những giá trị của các đại lượng vật lý, vào các hàm, các giới hạn...vv. Thông thường ông ta sẽ chỉ nói về toàn bộ những sự vật đó giống như bất cứ một người nào khác, nhưng với một tâm trạng bứt dứt không yên, giống như một người trong cuộc sống hàng ngày của ông ta liên quan tới những dằn vặt mà nhiều sự việc không phù hợp với các nguyên tắc đạo đức cao mà ông ta xưng tội vào ngày chủ nhật. Mới đây, vấn đề về các thực thể trừu tượng lại nổi lên liên quan tới ngữ nghĩa học, lý thuyết về nghĩa và chân lý. Một số nhà ngữ nghĩa học nói rằng những cách biểu hiện bất kỳ xác định những thực thể bất kỳ mà chúng không chỉ bao gồm những sự vật vật chất cụ thể mà còn cả những thực thể trừu tượng, chẳng hạn như các thuộc tính được xác định bởi các vị ngữ và các mệnh đề được xác định bởi các câu [1]. Những người khác phản đối rất mạnh thao tác này là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của CNKN và là bước lùi trở lại với một hữu thể luận siêu hình loại Platonic.

Mục đích của bài viết này là minh định vấn đề đang tranh luận. Thực chất và các mối quan hệ mật thiết của việc chấp nhận một ngôn ngữ qui chiếu vào các thực thể trừu tượng trước hết sẽ được thảo luận chung; chúng sẽ chỉ ra rằng việc sử dụng một ngôn ngữ như vậy không hàm ý một hữu thể luận Platonic nhưng lại hoàn toàn có thể so sánh với CNKN và một tư duy khoa học nghiêm nhặt. Vậy là câu hỏi đặc biệt về vai trò của các thực thể trừu tượng trong ngữ nghĩa học cũng sẽ được thảo luận. Hy vọng rằng việc minh định vấn đề này sẽ hữu dụng cho những ai muốn chấp nhận các thực thể trừu tượng trong công trình của họ về toán học, vật lý học, ngữ nghĩa học, hoặc bất kỳ một lĩnh vực nào khác; nó có thể giúp cho họ vượt qua những trở ngại duy danh luận.

2. Các khuôn viên ngôn ngữ học

Có tồn tại các lớp thuộc tính, các con số, các định đề không? Để hiểu rõ hơn về thực chất của những vấn đề có liên quan này, trước hết cần phải thừa nhận một sự khác biệt cơ bản giữa hai loại câu hỏi liên quan đến sự tồn tại hoặc thực tại của các thực thể. Nếu ai đó muốn nói bằng ngôn ngữ của ông ta về một loại thực thể mới thì ông ta phải giới thiệu một hệ thống các cách nói mới liên quan đến các qui tắc mới; chúng ta sẽ gọi thao tác này là việc xây dựng một khung ngôn ngữ cho các thực thể mới đang được truy vấn. Và bây giờ chúng ta phải phân biệt hai loại câu hỏi tồn tại: trước hết các câu hỏi về sự tồn tại của những thực thể nhất định của loại mới trong khung này; chúng ta gọi chúng là các câu hỏi nội tại; và thứ hai: các câu hỏi liên quan đến sự tồn tại hoặc thực tại của hệ thống các thực thể như một tổng thể, được gọi là các câu hỏi ngoại tại. Các câu hỏi nội tại và những câu trả lời khả thể đối với chúng được công thức hoá với sự tiếp sức của các dạng diễn đạt mới. Các câu trả lời có thể được phát hiện bởi các phương pháp thuần tuý logic hoặc bởi các phương pháp theo lối kinh nghiệm, tuỳ thuộc vào việc liệu có phải khuôn viên ấy là một khuôn viên logic hay là một khuôn viên sự kiện. Một câu hỏi ngoại tại là thuộc về một đặc trưng có vấn đề cần được xem xét một cách chặt chẽ.

Thế giới các sự vật. Chúng ta hãy coi đây như một ví dụ về một loại thực thể đơn giản nhất liên quan đến ngôn ngữ hàng ngày: hệ thống trật tự không-thời gian của các sự vật và các sự kiện có thể quan sát. Một khi chúng ta đã chấp nhận ngôn ngữ sự vật với một khuôn viên cho các sự vật của nó, chúng ta có thể nêu lên và trả lời các câu hỏi nội tại, chẳng hạn như “Có một mẩu giấy trắng trên bàn phải không?” “Có thực sự là Vua Arthur đã từng tồn tại?” “Kỳ lân và ngựa người [κένταυρος] là thật hay tưởng tượng?” và những thứ đại loại như vậy. Các câu hỏi này được trả lời bằng các phát hiện kinh nghiệm. Các kết quả quan sát được đánh giá theo những qui tắc nhất định khi khẳng định hoặc phủ định bằng chứng đối với các câu trả lời khả thể. [Tất nhiên đánh giá này thường được tiến hành như một vấn đề thói quen hơn là một thao tác duy lý có cân nhắc. Nhưng nó lại khả thể trong một tái cấu trúc duy lý để sắp đặt những qui tắc rõ ràng cho việc đánh giá. Đây là một trong những nhiệm vụ chính của một tri thức luận thuần tuý khi phân biệt khỏi một tri thức luận tâm lý học]. Khái niệm thực tại xuất hiện trong các câu hỏi nội tại này là một khái niệm phi siêu hình, mang tính khoa học KNCN. Việc thừa nhận một cái gì đó như là một sự vật hoặc một sự kiện thực có nghĩa là thành công trong việc kết hợp nó vào hệ thống các sự vật trong một vị trí không – thời gian đặc thù, sao cho nó phù hợp với những sự vật khác như thật theo những nguyên tắc của khuôn viên đó.

Từ những vấn đề này chúng ta phải phân biệt câu hỏi ngoại tại về thực tại của bản thân thế giới sự vật. Ngược lại với các câu hỏi nội tại, câu hỏi này được nêu lên không phải bởi con người trên đường phố, cũng không phải bởi các nhà khoa học, mà chỉ bởi các nhà triết học. Các nhà duy thực đưa ra một câu trả lời khẳng định, các nhà duy tâm chủ quan đưa ra một câu trả lời phủ định, và cuộc tranh luận cứ tiếp tục trong nhiều thế kỷ mà không được giải quyết. Và nó không thể được giải quyết vì nó được đưa vào các khuôn viên bằng những cách thức sai lầm. Là thực theo nghĩa khoa học có nghĩa là một yếu tố của một hệ thống; vì thế khái niệm này không thể được áp dụng về phương diện nghĩa vào bản thân hệ thống. Những ai nêu lên câu hỏi về thực tại của bản thân thế giới sự vật có lẽ đều có trong đầu không phải một câu hỏi lý thuyết vì việc công thức hoá chúng dường như gợi ý - mà đúng ra là một câu hỏi thực tiễn - một vấn đề về một xác quyết thực tiễn liên quan đến cấu trúc ngôn ngữ của chúng ta. Chúng ta phải lựa chọn xem liệu chấp nhận hay không chấp nhận và sử dụng hay không sử dụng các hình thức thể hiện trong khuôn viên được đặt câu hỏi.

Trong trường hợp ví dụ đặc thù này thường không có sự lựa chọn chủ đích vì tất cả chúng ta đều chấp nhận ngôn ngữ sự vật ngay từ giai đoạn đầu đời của mình như một lẽ đương nhiên. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể coi nó là một vấn đề quyết định theo nghĩa này: chúng ta tự do lựa chọn để tiếp tục sử dụng ngôn ngữ sự vật hay không; trong trường hợp không thì chúng ta có thể tự khuôn bản thân mình vào một ngôn ngữ dữ liệu cảm giác và các thực thể “hiện tượng” khác, hoặc tạo nên một phương án thay thế cho ngôn ngữ sự vật quen thuộc bằng một cấu trúc khác, hoặc cuối cùng chúng ta có thể cố nhịn nói. Nếu ai đó quyết định chấp nhận ngôn ngữ sự vật thì không có sự phản đối lại cách nói rằng ông ta đã chấp nhận thế giới của các sự vật. Nhưng điều này nhất định không được lý giải như là ông ta chấp nhận một niềm tin vào cái thực tại của thế giới sự vật; không có một niềm tin, một khẳng định hoặc một giả định như vậy vì đó không phải là một vấn đề lý thuyết. Việc chấp nhận thế giới sự vật có nghĩa là không có gì hơn chấp nhận một loại hình ngôn ngữ bất kỳ nào đó, nói cách khác là chấp nhận các qui tắc để tạo ra các phán đoán và để kiểm nghiệm việc chấp nhận hoặc bác bỏ chúng. Trên cơ sở các quan sát được thực hiện, việc chấp nhận ngôn ngữ sự vật cũng dẫn đến việc chấp nhận, tin tưởng và khẳng định những phán đoán nhất định nào đó. Nhưng đề tài về thực tại của thế giới sự vật không thể thuộc về các phán đoán này, vì nó không thể được công thức hoá bằng ngôn ngữ sự vật, hoặc dường như bằng bất kỳ thứ ngôn ngữ lý thuyết nào khác.

Việc quyết định chấp nhận ngôn ngữ sự vật mặc dù bản thân nó không phải là quyết định một thực chất nhận thức, nhưng vẫn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tri thức lý thuyết, giống hệt bất kỳ quyết định có chủ đích nào khác liên quan đến việc chấp nhận các qui tắc ngôn ngữ hoặc các qui tắc khác. Các mục đích mà đối với nó ngôn ngữ được định hướng sử dụng, chẳng hạn như mục đích chuyển tải tri thức chân thực sẽ quyết định những nhân tố nào thích hợp cho quyết định đó. Hiệu xuất, kết quả và tính đơn giản của việc sử dụng ngôn ngữ sự vật có thể thuộc về những nhân tố quyết định. Và các câu hỏi liên quan đến các phẩm tính đó thực sự thuộc về một thực chất lý thuyết. Nhưng các câu hỏi này không thể được đồng nhất với câu hỏi về chủ nghĩa hiện thực. Chúng không phải là những câu hỏi chọn lựa có-không, mà là các câu hỏi về cấp độ. Ngôn ngữ sự vật dưới dạng quen thuộc thực sự vận hành bằng một cấp độ hiệu quả cao cho hầu hết các mục đích của cuộc sống hàng ngày. Đây là một vấn đề về sự kiện dựa trên nội dung các kinh nghiệm của chúng ta. Tuy nhiên sẽ là nhầm lẫn nếu mô tả tình huống này bằng cách nói rằng “Thực tế về tính hiệu quả của ngôn ngữ sự vật đang khẳng định bằng chứng cho cái thực tại của thế giới sự vật; thay vào đó chúng ta nên nói rằng “Thực tế này làm cho người ta đáng chấp nhận ngôn ngữ sự vật”.

Hệ thống các thành viên. Chúng tôi xin lấy hệ thống các con số tự nhiên làm một ví dụ về một hệ thống thuộc về một thực chất logic chứ không phải là một thực chất sự kiện. Khuôn viên của hệ thống này được cấu trúc bằng việc đưa vào ngôn ngữ những cách thể hiện mới bằng các qui luật thích hợp: 1) các chữ số như “năm” và câu có dạng “Có năm cuốn sách trên bàn”; 2) thuật ngữ chung “con số” cho các thực thể mới và câu có dạng “Năm là một con số”; 3) những biểu hiện cho các thuộc tính của các con số [chẳng hạn “số lẻ”, “số nguyên tố”], các mối quan hệ [chẳng hạn như “lớn hơn”] và các chức năng [chẳng hạn như “cộng”] và câu có dạng “hai cộng ba bằng năm”; 4) các biến số của các con số [“m”, “n” ...vv] và các phép lượng hoá cho các câu tổng quát [“cho mỗi n...”] và các câu tồn tại [“có một n như sau...”] bằng những qui tắc diễn dịch quen thuộc.

Ở đây lại có những câu hỏi nội tại, chẳng hạn như “Có số nguyên tố nào lớn hơn một trăm không?”. Tuy nhiên ở đây những câu trả lời được tìm ra không phải bởi các tìm tòi kinh nghiệm dựa trên các quan sát mà bởi việc phân tích logic dựa trên các qui tắc cho những cách biểu hiện mới. Vì vậy các câu trả lời ở đây là có tính phân tích, có nghĩa là chân về phương diện logic.

Vậy thì cái gì là thực chất của vấn đề triết học liên quan đến tồn tại hoặc thực tại của những con số? Để bắt đầu, có một câu hỏi nội tại cùng với câu trả lời khẳng định có thể được công thức hoá bằng những thuật ngữ mới, chẳng hạn nói “Có những con số”, hoặc rõ ràng hơn “Có một n mà n là một con số”. Phán đoán này xuất phát từ phán đoán phân tích “Năm là một con số”, và vì vậy tự thân nó là mang tính phân tích. Tuy nhiên đúng ra thì nó là vô giá trị [khác với một phán đoán như “Có một số nguyên tố lớn hơn một triệu cũng mang tính phân tích, nhưng lại không hề vô nghĩa], vì nó không nói nhiều hơn cái thực tế là hệ thống mới đó không phải là rỗng; nhưng điều này được quan sát trực tiếp từ cái qui tắc ấn định rằng các từ như “năm” có thể thay thế cho những biến số mới. Vì vậy không người nào có ý hỏi “Có những con số không?” theo nghĩa nội tại lại cũng khẳng định hoặc nghiêm chỉnh coi đó là một câu trả lời phủ định. Điều này làm cho trở nên hợp lý khi khẳng định rằng các nhà triết học nào xử lý câu hỏi về tồn tại của các con số như một vấn đề triết học nghiêm chỉnh và đưa ra những lập luận dài về khía cạnh đó thì không có trong đầu câu hỏi nội tại. Và thực sự thì nếu chúng ta hỏi họ: “Ý ông định hỏi là liệu bộ khung các con số, nếu chúng ta chấp nhận nó, sẽ được phát hiện là rỗng hay không?” thì có lẽ họ sẽ trả lời “Không hề; chúng tôi muốn một câu hỏi trước khi chấp nhận bộ khung mới đó”. Có thể họ sẽ cố giải thích cái mà họ muốn bằng cách nói rằng đó là một câu hỏi về vị thế hữu thể luận của các con số; câu hỏi liệu các con số có một đặc tính siêu hình được gọi là thực tại hay không [nhưng một loại thực tại lý tưởng khác với thực tại vật chất của thế giới sự vật] hoặc có sự tồn tại hoặc có vị thế của “các thực thể độc lập không”. Thật không may là các nhà triết học này cho đến bây giờ vẫn chưa đưa ra được một cách công thức hoá câu hỏi của họ trong khuôn viên ngôn ngữ khoa học thông thường. Vì vậy phán quyết của chúng ta phải là họ đã không thành công trong việc đưa ra cho những câu hỏi ngoại tại và các câu trả lời khả thể cho bất cứ một nội dung nhận thức nào. Trừ phi và cho đến khi nào họ cung cấp được một lý giải nhận thức rõ ràng, thì chúng ta mới được biện hộ bằng sự nghi ngờ của chúng ta là câu hỏi của họ là một câu hỏi giả, tức là một câu hỏi được che đậy dưới hình thức một câu hỏi lý thuyết trong khi thực tế nó là một câu hỏi không lý thuyết; trong trường hợp này, vấn đề thực tế là liệu có đưa được vào hay không đưa được vào ngôn ngữ những dạng ngôn ngữ học mới tạo ra bộ khung các con số.

Hệ thống các định đề. Các biến số mới “p”, “q” ...v.v, được giới thiệu với một vai trò hiệu quả mà bất kỳ câu [tường thuật] nào cũng có thể được thay thế bằng một loại biến số này; bổ sung cho các câu thuộc ngôn ngữ sự vật cội nguồn, điều đó cũng bao gồm tất cả những câu khái quát với bất cứ loại biến số nào có thể được đưa vào ngôn ngữ. Hơn nữa thuật ngữ khái quát “định đề” cũng được đưa vào. “P là một định đề’ có thể được xác định bởi “p hoặc không p” [hoặc bởi bất cứ loại câu nào khác sinh ra chỉ có các câu phân tích]. Vì vậy mỗi câu dạng “... là một định đề” [nơi mà bất kỳ câu nào cũng có thể đứng ở chỗ chấm chấm...] là có tính phân tích. Chẳng hạn điều này chứng tỏ cho câu đó:

(a) Chicago rộng lớn là một định đề [Chicago is large is a proposition];

[Ở đây chúng ta bỏ qua một sự thật là các qui tắc ngữ pháp tiếng Anh đòi hỏi không phải một câu mà là một mệnh đề that- clause làm chủ ngữ cho câu khác. Vậy là thay cho (a), chúng ta cần phải nói: “That Chicago is large is a proposition”. Các vị ngữ mà các biểu hiện lập luận của chúng có thể được chấp nhận là các câu; các vị ngữ này cũng có thể là dạng câu mở rộng [chẳng hạn như các liên từ chức năng chân theo thói quen] hoặc không [chẳng hạn như các vị ngữ tình thái như “có thể”, “cần thiết”, ...vv]. Với sự trợ giúp của những biến số mới, các câu tổng quát có thể có dạng, chẳng hạn:

(b) “Vì mỗi p, cũng là p hoặc không-p”

(c) “Có một p như p đó là không cần thiết và không-p là không cần thiết”.

(d) “Có một p như p đó là một định đề”.

(c) và (d) là những khẳng định nội tại của tồn tại. Phán đoán “Có những định đề” có thể có nghĩa theo nghĩa (d); trong trường hợp này nó là phán đoán phân tích [vì nó sinh ra từ (a)] và thậm chí là không đáng để ý. Tuy nhiên nếu phán đoán ấy có nghĩa theo một nghĩa nội tại thì nó lại là một phán đoán phi-nhận thức. 

Rất quan trọng để lưu ý rằng hệ thống các qui tắc cho những cách thể hiện ngôn ngữ của khung định đề [mà chỉ có một số qui tắc trong các qui tắc đó được xác định một cách vắn tắt ở đây] là đủ để giới thiệu bộ khung đó. Bất kỳ lý giải thêm nào chẳng hạn như về thực chất của các định đề [tức là các yếu tố của hệ thống được chỉ định, các giá trị của các biến số “p”, “q”...vv] về phương diện lý thuyết đều không cần thiết, vì nếu đúng thì chúng sinh ra từ các qui tắc đó. Chẳng hạn có các định đề là những sự kiện tinh thần [như trong lý thuyết của Russell] không? Việc xem xét các qui tắc cho chúng ta thấy rằng không, bởi vì nếu không thì các phán đoán tồn tại [như (c), (d),vv...] cho thấy rằng các định đề không phải là các thực thể tinh thần. Hơn nữa một phán đoán về sự tồn tại của các thực thể ngôn ngữ [chẳng hạn các biểu hiện, các lớp của các biểu hiện] phải bao gồm một qui chiếu vào một ngôn ngữ. Sự thật thì không có qui chiếu nào như vậy xuất hiện trong các phán đoán tồn tại ở đây cho thấy rằng các định đề không phải là những thực thể ngôn ngữ. Sự thật thì trong các phán đoán này không xuất hiện một qui chiếu nào vào một chủ ngữ [một người quan sát hoặc một người nhận thức] [không có gì tương tự như: “Có một p là cần thiết cho ông X”, chỉ ra rằng các định đề [và các thuộc tính của chúng, như tính cần thiết, ...vv] không phải là chủ ngữ. Mặc dù các loại đặc trưng hoá này hoặc các loại tương tự, nói một cách chặt chẽ là không cần thiết, nhưng thực tế chúng vẫn có thể hữu dụng. Nếu chúng đã được ấn định thì chúng sẽ phải được hiểu không phải như những bộ phận cấu thành của hệ thống mà chỉ như những ghi chú bên lề với mục đích cung cấp cho người đọc những thông tin hữu ích hoặc những liên tưởng hình ảnh thuận tiện có thể làm cho việc học sử dụng các cách biểu hiện của ông ta dễ hơn cái hệ thống trống rỗng của các qui tắc. Một đặc trưng hoá như vậy tương tự với một diễn giải siêu hệ thống mà đôi khi một nhà vật lý cung cấp cho người bắt đầu vào nghề. Chẳng hạn ông ta có thể bảo người tập sự tưởng tượng các nguyên tử của một loại khí hơi là những quả bóng nhỏ quay quanh với một vận tốc lớn, hoặc trường điện từ và các dao động của nó căng thẳng tựa dây chun, còn các dao động của nó thì được thực hiện trong một môi trường chân không. Tuy nhiên thực tế thì toàn bộ những cái có thể nói chính xác về các nguyên tử và trường thì lại tiềm ẩn trong các lý thuyết qui luật vật lý đang được đặt thành vấn đề [2].

Hệ thống các thuộc tính của sự vật. Ngôn ngữ sự vật bao gồm các từ như ‘đỏ”, “cứng”, “đá”, “ngôi nhà” ...v.v, mà chúng ta vẫn dùng để mô tả các đồ vật như vậy. Giờ đây chúng ta có thể đưa vào những biến số mới, chẳng hạn như “f”, “g”, ...v.v, mà đối với nó, những từ ấy có thể được thay thế, và hơn nữa lại là thuật ngữ tổng quát “thuộc tính”. Các qui tắc mới được đặt ra chấp nhận các câu như “Đỏ là một thuộc tính” “Đỏ là một màu”, “Hai mẩu giấy này có ít nhất một màu chung” [tức là “Có một f như là f là một màu, và...”]. Câu sau là một khẳng định nội tại. Đó là một thực chất sự kiện và kinh nghiệm. Tuy nhiên phán đoán ngoại tại, phán đoán triết học về thực tại của các thuộc tính – một trường hợp đặc biệt của đề tài về những cái phổ biến – thì không có nội dung nhận thức.

Hệ thống các số nguyên và số hữu tỷ. Trước hết chúng ta có thể đưa vào một ngôn ngữ có chứa bộ khung các số tự nhiên các số nguyên [dương và âm] làm những mối quan hệ giữa các số tự nhiên, và các số hữu tỷ làm mối quan hệ của các số nguyên. Điều này liên quan đến việc giới thiệu những loại biến số mới, các cách biểu hiện thay thế cho chúng, và các thuật ngữ chung “số nguyên” và “số hữu tỷ”.

Hệ thống các số thực. Dựa vào các số hữu tỷ, các số thực có thể được giới thiệu như những lớp của một loại đặc biệt [các phần] của các số hữu tỷ [theo phương pháp của Dedekind và Frege]. Ở đây lại có một loại các biến số mới được giới thiệu, các cách biểu hiện thay thế cho chúng [chẳng hạn căn bậc hai của 2] và thuật ngữ tổng quát “số thực”.

Hệ toạ độ không-thời gian của vật lý. Các thực thể mới là các điểm không-thời gian. Mỗi điểm là một bội số bốn của 4 số thực được sắp xếp trật tự, được gọi là các toạ độ của nó, bao gồm ba toạ độ không gian và một toạ độ thời gian. Tình trạng vật lý của một điểm hoặc một khu vực không – thời gian cũng được mô tả với sự trợ giúp của các vị ngữ định tính [chẳng hạn như “nóng” hoặc bằng việc gán cho các con số những giá trị của một đại lượng vật lý, chẳng hạn như khối lượng, nhiệt độ]. Bước chuyển từ các hệ thống của sự vật [không chứa các điểm không-thời gian mà chỉ các đối tượng mở rộng với các mối quan hệ không gian và thời gian giữa chúng] đến hệ thống toạ độ vật lý lại là một vấn đề quyết định. Lựa chọn của chúng ta về các đặc điểm nhất định mặc dù tự bản thân nó không mang tính lý thuyết nhưng lại được gợi ý bởi tri thức lý thuyết, cũng như tri thức logic hoặc sự kiện. Chẳng hạn việc lựa chọn các số thực chứ không phải số hữu tỷ hoặc số nguyên làm các toạ độ không bị ảnh hưởng nhiều bởi các sự kiện kinh nghiệm, mà chủ yếu là vì những xem xét tính chất đơn giản toán học. Việc hạn chế vào các toạ độ hữu tỷ không xung đột với bất kỳ tri thức kinh nghiệm nào chúng ta có, vì bất cứ kết quả nào của phép đo lường cũng đều là một số hữu tỷ. Tuy nhiên nó sẽ cản trở việc sử dụng hình học thông thường (chẳng hạn như đường chéo của một góc vuông với cạnh I có giá trị vô tỷ “” [căn bậc hai của 2] và vì vậy mà dẫn đến những rắc rối lớn. Mặt khác, việc quyết định sử dụng ba chứ không phải hai hoặc bốn tọa độ không gian được gợi ý một cách dứt khoát, nhưng vẫn không ép buộc chúng ta, bởi kết quả của những quan sát thông thường. Giả sử nếu những sự kiện nhất định nào đó được quan sát bằng các khoa học duy linh luận, chẳng hạn như một viên đạn lọt ra khỏi một chiếc hộp được gắn kín, được khẳng định mà không có bất cứ một nghi ngờ có lý nào, thì dường như việc sử dụng bốn toạ độ không gian là thích hợp. Ở đây nhìn chung các câu hỏi nội tại là các câu hỏi kinh nghiệm được trả lời bằng những tìm tòi mang tính kinh nghiệm. Mặt khác các câu hỏi ngoại tại về thực tại không gian vật lý và thời gian vật lý lại là những câu hỏi giả. Một câu hỏi chẳng hạn như : “Có thực sự có những điểm không – thời gian không?” là một câu hỏi mơ hồ. Điều đó có thể có nghĩa là một vấn đề nội tại; vậy thì câu trả lời khẳng định tất nhiên là có tính phân tích và không quan trọng. Hoặc nó có thể theo nghĩa ngoại tại: “Chúng ta sẽ giới thiệu những loại hình nào đó vào ngôn ngữ của chúng ta chứ?”; trường hợp này không phải là một câu hỏi lý thuyết mà là một câu hỏi thực tiễn, một vấn đề quyết định chứ không phải khẳng định, và vì vậy mà cái công thức được đề xuất sẽ là nhầm lẫn. Hoặc cuối cùng điều đó có nghĩa sau đây: “Có phải kinh nghiệm của chúng ta chẳng hạn như việc sử dụng các hình thức ngôn ngữ để đặt câu hỏi sẽ thích hợp và có kết quả?”. Đây là một câu hỏi lý thuyết về một thực chất kinh nghiệm mang tính sự kiện. Nhưng nó lại liên quan đến một vấn đề về cấp độ; vì vậy kiểu công thức hoá dưới dạng “thật hay không?” sẽ là không đầy đủ.

3. Việc chấp nhận một loại các thực thể có ý nghĩa gì?

Giờ đây chúng ta sẽ tóm tắt những đặc trưng cơ bản của các tình huống liên quan đến việc giới thiệu một loại các thực thể, các đặc trưng mới giống như các ví dụ khác nhau được phác thảo ở trên. Việc chấp nhận một loại các thực thể mới được thể hiện trong ngôn ngữ bằng việc giới thiệu một khuôn viên các loại hình biểu hiện mới được sử dụng theo một tập hợp các qui tắc mới. Có thể có các tên gọi mới cho các thực thể đặc thù của loại được hỏi; nhưng một số cái tên như vậy có thể đã xuất hiện trong ngôn ngữ trước khi giới thiệu cái khuôn viên mới ấy. Vì vậy, chẳng hạn ngôn ngữ sự vật chứa những từ nhất định thuộc loại “xanh” và “cái nhà” trước khi bộ khung các thuộc tính được giới thiệu; và nó có thể bao gồm các từ như “mười” trong các câu thuộc dạng “Tôi có mười ngón tay” trước khi bộ khung các con số được giới thiệu. Sự kiện giới thiệu bộ khung các con số cho thấy rằng việc xuất hiện các hằng số của loại được hỏi - được coi là những cái tên của các thực thể của loại mới sau khi bộ khung mới được giới thiệu - thì không phải là một dấu hiệu chắc chắn cho việc chấp nhận loại các thực thể mới. Vì vậy việc giới thiệu các hằng số như vậy không được coi là một bước cơ bản trong việc giới thiệu bộ khung đó. Đúng ra thì hai bước cơ bản sẽ là như sau. Trước hết việc giới thiệu một thuật ngữ chung, một vị ngữ ở cấp độ cao hơn cho loại các thực thể mới cho phép chúng ta nói về một thực thể đặc thù bất kỳ là nó thuộc vào loại này [Chẳng hạn “đỏ” là một thuộc tính” “Năm là một con số”]. Thứ hai là việc giới thiệu các biến số của loại mới. Các thực thể mới là các giá trị của những biến số này; các hằng số [và cách biểu hiện phức hợp đóng, nếu có] thì có thể thay thế cho các biến số đó [3]. Với sự trợ giúp của các biến số đó, các câu tổng quát liên quan đến các thực thể mới có thể được công thức hóa.

Sau khi các loại hình mới được đưa vào ngôn ngữ nó có thể được công thức hoá với sự trợ giúp của các câu hỏi nội tại và những câu trả lời khả thể cho các câu hỏi đó. Một câu hỏi thuộc loại này cũng có thể là kinh nghiệm hoặc logic; vì vậy một câu trả lời chân thì cũng là chân về phương diện sự kiện hoặc mang tính phân tích. Từ những câu hỏi nội tại, chúng ta phải phân biệt rõ ràng các câu hỏi ngoại tại, tức là các câu hỏi triết học liên quan đến tồn tại hoặc thực tại của tổng thể hệ thống các thực thể mới. Nhiều nhà triết học coi câu hỏi thuộc loại này là một câu hỏi hữu thể luận, phải được đưa ra và được trả lời trước khi giới thiệu những loại hình ngôn ngữ mới. Họ tin rằng việc giới thiệu các loại hình ngôn ngữ mới là chính thống hoá chỉ khi nào nó có thể được chứng minh bởi một tri thức hữu thể luận cung cấp một câu trả lời khẳng định cho câu hỏi về thực tại. Ngược lại với quan điểm này, lập trường của chúng tôi là việc giới thiệu những cách nói mới không cần bất cứ một sự biện hộ lý thuyết nào vì nó không ẩn chứa bất cứ một khẳng định nào về thực thể. Chúng ta vẫn có thể nói [và đã làm như vậy] về việc “chấp nhận các thực thể mới” vì dạng diễn ngôn này là quen thuộc, nhưng người ta cần phải duy trì một ý nghĩ là đoạn này không có nghĩa là đưa lại cho chúng ta bất cứ một cái gì khác hơn là chấp nhận khuôn viên mới đó, tức là chấp nhận các hình thức ngôn ngữ học mới. Trên hết nó phải không được giải thích là qui chiếu vào một giả định, một niềm tin hoặc một khẳng định về “thực tại của các thực thể’. Không có khẳng định nào như vậy. Một phán đoán được khẳng định mà không được chứng minh về thực tại của hệ thống các thực thể là một phán đoán giả, không có nội dung nhận thức. Để chắc chắn, chúng ta phải đối diện với một vấn đề quan trọng ở điểm này; nhưng đó là một câu hỏi thực tiễn chứ không phải là một câu hỏi lý thuyết; nó là loại câu hỏi liệu có chấp nhận hay không chấp nhận những dạng ngôn ngữ học mới. Việc chấp nhận ấy không thể được phán quyết là thật hay giả, vì nó không phải là một khẳng định; nó chỉ có thể được phán quyết ít nhiều là thích hợp, hiệu quả, có lợi cho cái mục đích mà vì nó, ngôn ngữ ấy được dự định. Những loại phán quyết này cung cấp động cơ cho việc quyết định chấp nhận hay phản bác loại các thực thể đó [4].

Vì vậy rõ ràng là việc chấp nhận một khuôn viên ngôn ngữ không thể được coi là ngầm ẩn một luận thuyết siêu hình liên quan đến thực tại của các thực thể được đặt câu hỏi. Tôi thấy có vẻ như vì lờ đi điều phân biệt quan trọng này mà một số nhà duy danh luận đương thời đã gắn biển cho việc chấp nhận các loại biến số trừu tượng là “Platonism” [5]. Chí ít cũng phải nói rằng đó là một danh pháp học cực kỳ sai lầm. Nó dẫn đến một hậu quả vô lý, mà lập trường của những ai chấp nhận ngôn ngữ của vật lý học với các biến số là những số thực [vì một ngôn ngữ giao tiếp không chỉ là một phép tính] thì sẽ được gọi là Platonistic, ngay cả khi ông ta là một nhà KNCN nghiêm nhặt, là người phản đối siêu hình học Platonic.

Xin được chen ngang một ghi chú lịch sử vắn tắt. Đặc trưng phi-nhận thức của các câu hỏi mà ở đây chúng ta gọi là các câu hỏi ngoại tại đã được Trường phái Viên thừa nhận và nhấn mạnh dưới sự lãnh đạo của Moritz Schlick, là nhóm xướng lập trào lưu CNKN logic. Chịu ảnh hưởng các tư tưởng của Ludwig Wittgenstein, trường phái này đã phản đối cả luận đề về thực tại của thế giới ngoại tại lẫn luận đề về tính phi thực tại của nó như là các phán đoán giả [6]; tương tự như vậy là trường hợp luận đề về thực tại của vạn vật [các thực tại trừu tượng theo danh pháp học hiện nay của chúng ta] lẫn luận đề duy danh luận cho rằng chúng không phải là thực và các tên gọi của chúng được viện dẫn ra không tương hợp với bất cứ hiện thực nào, mà chỉ là flatus vocis [thuần tuý âm thanh]. [Rõ ràng là việc phủ định hiển nhiên một phán đoán giả cũng phải là một phán đoán giả]. Vì vậy sẽ là không chính xác khi phân loại các thành viên của Trường phái Vienna là các nhà duy danh luận như đôi khi người ta vẫn thường làm. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn vào thái độ vị-khoa học và phản-siêu hình của hầu hết các nhà duy danh luận [và hệt như vậy đối với nhiều nhà duy vật và duy thực theo nghĩa hiện đại] bằng cách lờ đi những công thức hoá ngẫu nhiên, giả lý thuyết của họ thì tất nhiên sẽ là đúng khi nói rằng Trường phái Vienna rất gần gũi với các nhà triết học so với những người đối lập với họ.

4. Các thực thể trừu tượng trong ngữ nghĩa học

Vấn đề tính chính thống và vị thế của các thực thể trừu tượng gần đây lại dẫn đến các cuộc tranh luận liên quan đến ngữ nghĩa học. Trong một phân tích nghĩa về phương diện ngữ nghĩa học các cách biểu hiện nhất định trong một ngôn ngữ thường được coi là chỉ định (hoặc đặt tên hoặc biểu thị hoặc biểu nghĩa hoặc qui chiếu vào) các thực thể siêu ngôn ngữ nhất định [7]. Chừng nào các sự vật hoặc các sự kiện vật lý (chẳng hạn như Chicago hoặc cái chết của Caesar) được coi là các vật được chỉ định, thì không xuất hiện một nghi ngờ nghiêm trọng nào. Nhưng sẽ có những phản đối mạnh mẽ đặc biệt của một số nhà KNCN chống lại các nhà KNCN, chống lại các thực thể trừu tượng với tư cách là các vật được chỉ định, chẳng hạn như chống lại các phán đoán ngữ nghĩa học thuộc các loại sau:

1) “Từ ‘đỏ’ xác định một thuộc tính của các sự vật”

2) “Từ ‘màu’ xác định một thuộc tính của các thuộc tính của sự vật”;

3) “Từ ‘năm’ xác định một con số”;

4) “Từ ‘số lẻ’ xác định một thuộc tính của các con số”;

5) “Câu ‘Chicago thì rộng’ xác định một định đề”.

Những ai phê phán các phán đoán này tất nhiên đều không phản đối việc sử dụng các cách biểu hiện trong khi hỏi, như “đỏ” hoặc “năm”; họ cũng sẽ không phủ nhận rằng các cách biểu hiện này là có nghĩa. Nhưng có nghĩa không giống hệt như có nghĩa theo nghĩa một thực thể được xác định. Họ phản đối cái niềm tin mà họ cho là tiền giả định ẩn bằng những phán đoán ngữ nghĩa đó, là cái mà đối với mỗi cách biểu hiện của những loại được đặt câu hỏi (các tính từ như “đỏ”, các con số như “năm”...v.v, có một thực thể thực sự đặc thù mà đối với nó cách thể hiện thuộc về mối quan hệ của việc xác định. Niềm tin này bị bác bỏ vì không thể so sánh với các nguyên tắc cơ bản của CNKN, hoặc của tư duy khoa học. Những cách gắn biển nhằm xúc phạm như “Chủ nghĩa hiện thực Platonic” “thực tại hoá” hoặc nguyên tắc Fido – Fido được gắn cho nó. Nguyên tắc Fido –Fido là tên gọi do Gilbert Ryle [8] đặt cho cái niềm tin bị phê phán mà theo quan điểm của ông, xuất hiện từ một sự suy luận ngây thơ về phép ngoại suy: hệt như có một thực tại mà tôi biết rất rõ, đó là con chó Fido được xác định bằng cái tên “Fido”, vì vậy đối với mỗi cách biểu hiện nghĩa phải có một thực thể đặc thù đại diện cho mối quan hệ của việc xác định hoặc việc đặt tên, tức là mối quan hệ được chứng minh bằng “Fido” – Fido. Vì vậy cái niềm tin bị chỉ trích ấy là một trường hợp thực tại hoá, tức là trường hợp xử lý như là những cách biểu hiện những cái tên lại không phải là những cái tên. Trong khi “Fido” là một cái tên thì những cách biểu hiện như “đỏ”, “năm” ... lại không được coi là những cái tên, không xác định cho bất cứ cái gì.

Thảo luận trước đó của chúng ta liên quan đến việc chấp nhận những khuôn viên giúp cho chúng ta minh định cái tình huống liên quan đến các thực thể trừu tượng như là những thực thể được xác định. Chúng ta hãy lấy phán đoán dưới đây làm một ví dụ:

(a) “Năm” xác định cho một con số”

Việc công thức hoá phán đoán này giả định trước rằng ngôn ngữ L của chúng ta có chứa các hình thức biểu hiện mà chúng ta gọi là bộ khung của các con số, đặc biệt là những biến số bằng số và thuật ngữ tổng quát “con số”. Nếu L chứa những hình thức này thì tiếp theo là một phán đoán phân tích bằng L:

(b) “Năm là một con số”

Hơn nữa để làm cho phán đoán (a) có thể, L phải chứa đựng một cách biểu hiện như “chỉ định cho” hoặc “là một tên gọi của” cho mối quan hệ ngữ nghĩa của việc chỉ định. Nếu các qui tắc phù hợp cho thuật ngữ này được đưa ra thì phán đoán tiếp theo sẽ mang tính phân tích:

(c) “Năm” xác định cho “năm”

[Nói chung bất kỳ biểu hiện nào thuộc dạng ... “chỉ định cho” đều là một phán đoán mang tính phân tích được cung cấp bởi thuật ngữ “...” là một hằng số trong một bộ khung được chấp nhận. Nếu điều kiện sau không được hoàn thành thì cách biểu hiện ấy không phải là một phán đoán]. Vì (a) phát sinh từ (c) và (b), nên (a) cũng mang tính phân tích.

Vì vậy rõ ràng là nếu ai đó chấp nhận bộ khung các con số, thì ông ta phải thừa nhận (c) và (b) và vì vậy mà (a) là những phán đoán chân. Nói chung nếu ai đó chấp nhận một bộ khung cho một loại các thực thể nhất định nào đó thì ông ta buộc phải chấp nhận các thực thể ấy như là những vật được xác định khả thể. Vì vậy câu hỏi về tính có thể chấp nhận của các thực thể của một loại bất kỳ nào đó hoặc của các thực thể trừu tượng nói chung, là những vật được xác định thì được qui giản vào câu hỏi về tính chất có thể chấp nhận của bộ khung ngôn ngữ cho các thực thể đó. Cả các nhà phê bình duy danh luận là những người từ chối vị thế của những cái chỉ định hoặc những cái tên cho những biểu hiện như “đỏ” ‘năm” ... vv, vì họ không chấp nhận sự tồn tại của các thực thể trừu tượng, lẫn những người hoài nghi luận thể hiện những nghi ngờ liên quan đến sự tồn tại và đòi hỏi bằng chứng cho nó đều xử lý câu hỏi về tồn tại như một vấn đề lý thuyết. Tất nhiên họ không có ý nói đó là câu hỏi nội tại; những câu trả lời khẳng định cho câu hỏi này là có tính phân tích, không quan trọng, và cũng rõ ràng cho sự nghi ngờ hoặc phủ định, như chúng ta đã thấy. Các nghi ngờ của họ đúng ra là qui vào tự thân hệ thống của các thực thể; vì vậy chúng có nghĩa là những câu hỏi ngoại tại. Người ta tin tưởng rằng chỉ sau khi đảm bảo rằng thực sự có một hệ thống các thực thể loại được hỏi, là cái mà chúng ta phán quyết khi chấp nhận bộ khung bằng cách thống nhất các hình thức ngôn ngữ vào ngôn ngữ của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta đã thấy rằng những câu hỏi ngoại tại không phải là một câu hỏi lý thuyết mà là một câu hỏi thực tiễn là liệu có chấp nhận được các hình thức ngôn ngữ đó hay không. Việc chấp nhận này không cần một sự chứng minh lý thuyết [ngoại trừ liên quan đến tính chất thích hợp và hiệu quả] vì nó không ẩn chứa một niềm tin hoặc một khẳng định. Ryle nói rằng Nguyên tắc “Fido”- Fido là “một lý thuyết kỳ cục”. Dù có kỳ cục hay không thì Ryle vẫn nhầm lẫn khi gọi đó là một lý thuyết. Đúng ra nó là một quyết định thực tiễn để chấp nhận những khuôn viên nhất định nào đó. Về phương diện lịch sử có thể Ryle đã đúng đối với những ai mà ông coi là đại diện trước đó của nguyên tắc này, đó là John Stuart Mill, Frege, và Russell. Nếu các nhà triết học này coi việc chấp nhận một hệ thống các thực thể như một lý thuyết, một khẳng định thì họ là những nạn nhân của chính sự lẫn lộn siêu hình cũ kỹ đó. Nhưng sẽ chắc chắn là nhầm lẫn khi coi phương pháp ngữ nghĩa của tôi là liên quan đến một niềm tin về thực tại của những thực thể trừu tượng, vì tôi phản đối một luận đề về loại đó và coi nó là một phán đoán giả, siêu hình.

Những người phê phán việc sử dụng các thực thể trừu tượng trong ngữ nghĩa học đã bỏ qua sự khác biệt cơ bản giữa việc chấp nhận một hệ thống các thực thể và một khẳng định nội tại, chẳng hạn như một khẳng định cho rằng có những con voi hoặc những điện tử hoặc những số nguyên tố lớn hơn một triệu. Bất kỳ ai đưa ra một khẳng định nội tại thì đều nhất định phải chịu trách nhiệm chứng minh nó bằng cách cung cấp bằng chứng, bằng chứng kinh nghiệm trong trường hợp các điện tử, bằng chứng logic trong trường các số nguyên tố. Việc yêu cầu một chứng minh lý thuyết là đúng trong trường hợp các khẳng định nội tại nhưng đôi khi lại được áp dụng sai lầm vào việc chấp nhận một hệ thống các thực thể. Vì vậy, chẳng hạn như Ernest Nagel trong một phê bình của ông [9] đã yêu cầu “bằng chứng thích hợp cho việc khẳng định một cách chắc chắn rằng có những thực thể như những vi phân hoặc các định đề”. Ông đặc trưng hoá bằng chứng được yêu cầu trong trường hợp này khác biệt với bằng chứng kinh nghiệm trong trường hợp các điện tử – theo nghĩa rộng, là logic và biện chứng”. Ngoài điều đó ra, không có bất cứ dấu hiệu nào được đưa ra cho cái có thể được coi là bằng chứng phù hợp. Một số nhà duy danh luận coi việc chấp nhận các thực thể trừu tượng như là một loại mê tín hoặc huyền thoại khi gán cho thế giới những thực thể tưởng tượng hoặc chí ít cũng là đáng ngờ tương tự như một niềm tin về những con quỉ và những con nhân mã vậy. Điều đó lại chứng tỏ sự lẫn lộn đã được đề cập ở trên, vì một mê tín hoặc một huyền thoại là một phán đoán nội tại giả [hoặc đáng ngờ].

Chúng ta hãy lấy ví dụ về những con số tự nhiên như là những số từ chỉ số lượng, tức là trong các ngữ cảnh như “Đây là ba quyển sách”. Các hình thức ngôn ngữ học của bộ khung các con số bao gồm các biến số và thuật ngữ khái quát “con số” nói chung được sử dụng trong ngôn ngữ giao tiếp thông thường của chúng ta; và nó dễ cho việc công thức thức hoá các qui tắc rõ ràng trong việc sử dụng chúng. Vì vậy các đặc trưng logic của bộ khung này là đủ rõ trong khi nhiều câu hỏi nội tại, tức là những câu hỏi về số, tất nhiên là vẫn còn để ngỏ. Mặc dù vậy thì cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề ngoại tại của thực tại hữu thể luận của hệ thống các con số vẫn tiếp tục. Giả sử một nhà triết học nói: “Tôi tin rằng có những con số như là các thực thể thật”. Nó cho tôi cái quyền sử dụng các hình thức ngôn ngữ của khuôn viên các con số và để đưa ra những phán đoán ngữ nghĩa về các con số như là những vật được xác định của các chữ số”. Nhà duy danh luận phản đối ông ta: “Ông nhầm; không có các con số. Các chữ số có thể vẫn được sử dụng như là những biểu hiện có nghĩa. Nhưng chúng không phải là những cái tên, không có các thực thể được chúng xác định. Vì vậy từ “con số” và những biến số chữ số phải không được sử dụng [trừ khi phát hiện ra một cách giới thiệu chúng như là những cách chỉ viết tắt, một cách dịch chúng sang ngôn ngữ sự vật duy danh luận”]. Tôi không thể nghĩ về bằng chứng khả thể nào, nếu thực sự tìm ra được, sẽ được cả hai nhà triết học cho là phù hợp, để quyết định cuộc tranh luận hoặc tối thiểu thì cũng đưa ra được một luận đề đối lập khả dĩ hơn những luận đề khác. [Việc giải thích các con số như là các lớp hoặc các thuộc tính ở cấp độ thứ hai theo phương pháp Frege – Russell tất nhiên là không giải quyết được cuộc tranh luận vì nhà triết học đầu tiên sẽ khẳng định, còn nhà triết học thứ hai sẽ phủ định sự tồn tại của hệ thống các lớp hoặc các thuộc tính của cấp độ thứ hai]. Vì vậy tôi cảm thấy bị buộc phải coi câu hỏi ngoại tại như một câu hỏi giả cho đến khi cả hai bên tham gia tranh luận đưa ra được một lý giải chung về câu hỏi như là một câu hỏi nhận thức; điều đó liên quan đến việc xác định bằng chứng có thể được coi là phù hợp đối với cả hai bên.

Có một loại lý giải nhầm lẫn đặc thù về việc chấp nhận các thực thể trừu tượng trong những lĩnh vực khác nhau của khoa học và trong ngữ nghĩa học cần phải được làm rõ. Chắc chắn là các nhà KNCN Anh đầu tiên [chẳng hạn Berkeley và Hume] đã phủ nhận sự tồn tại của các thực thể trừu tượng trên cơ sở là kinh nghiệm trực tiếp bày ra cho chúng ta chỉ bằng những cái đặc thù chứ không phải bằng những cái phổ biến, chẳng hạn bằng vệt đỏ này, chứ không phải là bằng Tính chất đỏ hoặc Màu- Nói – chung; bằng cái tam giác lệch này, chứ không phải bằng Tính chất Tam giác lệch hoặc Tính chất Tam giác nói chung. Chỉ có các thực thể thuộc loại ví dụ nào được phát hiện trong kinh nghiệm trực tiếp mới có thể được chấp nhận là các cấu phần tối hậu của thực tại. Vì vậy theo cách tư duy này thì sự tồn tại của các thực thể trừu tượng chỉ có thể được khẳng định khi người ta có thể chỉ ra rằng một số thực thể trừu tượng nào đó thuộc vào các khuôn viên nhất định hoặc các thực thể trừu tượng đó có thể được xác định trong khuôn viên của những loại thực thể nhất định. Vì các nhà KNCN này không phát hiện ra các thực thể trừu tượng trong lĩnh vực các dữ liệu cảm giác nên họ cũng phủ nhận sự tồn tại của chúng hoặc lại cố gắng một cách vô ích để xác định những cái phổ biến trong khuôn viên của những cái đặc thù. Một số nhà triết học hiện thời, đặc biệt là các nhà triết học Anh theo Bertrand Russell, cơ bản tư duy trong những khuôn viên tương tự. Họ nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa các dữ liệu [được trực tiếp sản sinh trong ý thức, chẳng hạn như các dữ liệu-cảm giác, các kinh nghiệm trực tiếp của quá khứ, ...v.v,] và các cấu trúc dựa trên các dữ liệu. Tồn tại hoặc thực thể chỉ được qui vào dữ liệu; các cấu trúc không phải là những thực thể có thật; các biểu hiện ngôn ngữ tương ứng chỉ là những cung cách diễn ngôn chứ không thực sự xác định cho bất cứ sự vật nào [gợi lại cái flatus vocis của nhà duy danh luận]. Ở đây chúng ta sẽ không phê phán quan niệm chung ấy. [Chừng nào nó còn là một nguyên tắc chấp nhận những thực thể nhất định và không chấp nhận những thực thể khác, bằng cách gác lại bất cứ giả-phán đoán hữu thể luận, hiện tượng luận và duy danh luận nào, không thể có bất cứ phản đối lý thuyết nào đối với nó]. Nhưng nếu quan niệm này dẫn đến cách nhìn nhận rằng các nhà triết học hoặc các nhà khoa học khác chấp nhận các thực thể trừu tượng và vì vậy mà khẳng định hoặc ngầm chỉ sự xuất hiện của chúng là các dữ liệu trực tiếp thì một cách nhìn nhận như vậy phải bị phản bác như một lý giải sai lầm. Các qui chiếu vào các điểm không-thời gian, vào trường điện từ, hoặc các điện tử trong vật lý, vào các con số thực hoặc số phức và các chức năng của chúng trong toán học vào các phức hợp vô thức hoặc tiềm năng kích thích trong tâm lý học, vào một khuynh hướng lạm phát trong kinh tế học, và đại loại như vậy đều không ngầm ẩn một khẳng định rằng các loại thực thể này xuất hiện như là các dữ liệu trực tiếp. Và điều đó tiếp sức cho các qui chiếu vào các thực thể trừu tượng như là những vật được xác định trong ngữ nghĩa học. Một số phê bình của các nhà triết học Anh chống lại những qui chiếu như vậy đã cho ta một ấn tượng là có lẽ vì việc lý giải sai lầm vừa được chỉ ra nên họ đã buộc tội nhà ngữ nghĩa học không quá thuộc về một siêu hình học tồi [như một vài nhà duy danh luận có thể làm] mà là thuộc về một tâm lý học tồi. Sự thật thì họ coi phương pháp ngữ nghĩa học can dự vào các thực thể trừu tượng không chỉ thuần tuý là đáng ngờ và có lẽ sai lầm, mà rõ ràng là ngớ ngẩn, lố bịch, và kỳ cục và họ đã bày tỏ một nỗi ghê tởm và sự phẫn nộ sâu xa chống lại phương pháp này, có lẽ phải được giải thích bằng một lý giải sai lầm về thể loại vừa được mô tả. Sự thật thì tất nhiên nhà ngữ nghĩa học tối thiểu cũng không khẳng định hoặc ngầm ẩn rằng các thực thể trừu tượng mà ông ta qui chiếu lại có thể được trải nghiệm bằng một cảm giác trực tiếp nhất định hoặc bằng một loại trực giác duy lý. Một khẳng định thuộc loại này có lẽ thực sự là một tâm lý học rất đáng ngờ. Câu hỏi về tâm lý học như loại thực thể nào xuất hiện hoặc không xuất hiện như những dữ liệu trực tiếp là hoàn toàn không thích hợp đối với ngữ nghĩa học, cũng hệt như đối với vật lý học, toán học, kinh tế...vv, liên quan đến các ví dụ đã được đề cập ở trên [10].

5. Kết luận

Đối với những ai muốn phát triển hoặc sử dụng các phương pháp ngữ nghĩa học thì câu hỏi quyết định lại không phải là câu hỏi hữu thể luận được khẳng định mà không được chứng minh về sự tồn tại của các thực thể trừu tượng mà là câu hỏi liệu sự xuất hiện của các hình thức ngôn ngữ trừu tượng hoặc nói theo các thuật ngữ kỹ thuật, việc sử dụng các biến số bên ngoài các biến số cho các sự vật [hoặc các dữ liệu hiện tượng] có thích hợp và hiệu quả đối với các mục đích mà vì nó người ta thực hiện các phân tích ngữ nghĩa hay không, đó là sự phân tích, giải thích, chứng minh, hoặc cấu trúc nên các ngôn ngữ giao tiếp đặc biệt là các ngôn ngữ khoa học. Câu hỏi này không được quyết định ở đây, thậm chí cũng không được thảo luận nữa. Nó không đơn giản là một câu hỏi dạng có – không, mà là một vấn đề thuộc về cấp độ. Trong số các nhà triết học đã tiến hành các phân tích ngữ nghĩa học và tìm tòi những công cụ thích hợp cho công việc này, bắt đầu bằng Plato và Aristotle, và nói một cách kỹ thuật hơn dựa trên cơ sở logic hiện đại, với C.S. Peirce và Frege, thì đa số đã chấp nhận các thực thể trừu tượng. Tất nhiên điều đó không chứng minh cho trường hợp này. Trên hết, ngữ nghĩa học theo nghĩa kỹ thuật vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu của nó, và chúng ta phải chuẩn bị cho những thay đổi cơ bản khả thể về các phương pháp. Vì vậy chúng tôi xin thừa nhận rằng các nhà phê bình duy danh luận có lẽ có thể đúng. Nhưng nếu như vậy thì họ sẽ phải đưa ra được những lập luận vững chắc hơn những gì mà họ đã làm. Sức hấp dẫn của tri thức hữu thể luận sẽ không còn nặng đồng cân nữa. Các nhà phê bình sẽ phải chỉ ra rằng có thể tạo dựng một phương pháp ngữ nghĩa học tránh được tất cả các qui chiếu vào những thực thể trừu tượng và đạt được bằng một phương pháp đơn giản hơn đặc biệt là đạt được cũng những kết quả như các phương pháp khác vậy.

Việc chấp nhận hoặc phản bác các hình thức ngôn ngữ trừu tượng hệt như việc chấp nhận hoặc phản bác bất kỳ hình thức ngôn ngữ nào khác trong bất kỳ ngành khoa học nào cuối cùng cũng sẽ được quyết định bằng hiệu quả của chúng với tư cách là các công cụ, tỷ số của các kết quả đạt được so với khối lượng và tính phức tạp của các nỗ lực được đòi hỏi. Việc đưa ra các lệnh cấm giáo điều của các hình thức ngôn ngữ nhất định thay cho việc kiểm nghiệm chúng bằng sự thành công hoặc thất bại của việc sử dụng chúng trong thực tế thì còn tồi tệ hơn là vô ích; điều đó có thể có hại vì nó có thể cản trở sự tiến bộ của khoa học. Lịch sử khoa học cho thấy những ví dụ về các cấm đoán như vậy dựa trên các thiên kiến xuất phát từ các nguồn tôn giáo, thần thoại, siêu hình hoặc các nguồn phi lý khác làm chậm bước phát triển trong những thời đoạn dài ngắn khác nhau. Chúng ta xin học những bài học từ lịch sử. Chúng ta xin đem tự do đến cho những ai làm việc trong bất kỳ lĩnh vực tìm tòi đặc biệt nào để sử dụng bất kỳ cách biểu hiện nào có vẻ hữu dụng đối với họ; công việc trong lĩnh vực đó không sớm thì muộn cũng sẽ dẫn đến việc gạt bỏ những loại hình nào không có chức năng hữu ích. Chúng tôi xin thận trọng trong việc đưa ra những khẳng định và luôn luôn có tính phê phán trong việc xem xét chúng, nhưng lại bao dung trong việc công nhận các loại hình ngôn ngữ.

________________________________________

Tác giả: Rudolf Carnap [5/1891- 11/1970] là một triết gia sinh ở Đức, sống ở châu Âu đến năm 1935 và sau đó sang định cư tại Mỹ. Ông là một thành viên hàng đầu của Trường phái Vienna, và là một trong những người chủ trương nổi bật của Thực chứng luận Logic.

Nguồn: Empiricism, Semantics, and Ontology. In Revue Internationale de Philosophie 4 (1950): 20-40.Reprinted in the Supplement to Meaning and Necessity: A Study in Semantics and Modal Logic, enlarged edition (University of Chicago Press, 1956).

Ghi chú

* Ở đây tôi đã thực hiện một số thay đổi nhỏ trong việc công thức hoá đối với cái hiệu quả mà thuật ngữ “bộ khung” giờ đây chỉ được sử dụng cho hệ thống các biểu hiện ngôn ngữ chứ không phải cho hệ thống các thực thể được đặt câu hỏi.

[1] Thuật ngữ “câu” hoặc “phán đoán” được sử dụng ở đây là đồng nghĩa với các câu tường thuật (định đề trình bày).

[2] Trong cuốn Meaning and Necessity (Chicago 1947) của mình, tôi đã phát triển một phương pháp ngữ nghĩa coi các định đề là các thực thể được xác định bằng các câu [đặc biệt hơn là việc mở rộng các câu]. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm hiểu sự phát triển của hệ thống, tôi đã bổ sung một số giải thích siêu hệ thống phi chính thức liên quan đến thực chất của các định đề. Tôi đã nói rằng thuật ngữ “định đề” “thường được sử dụng không phải cho một cách biểu hiện ngôn ngữ, cũng không phải cho một sự xuất hiện tinh thần chủ quan, mà đúng ra là cho một mục tiêu nào đó có thể hoặc không thể được chứng minh về thực chất... Chúng ta áp dụng thuật ngữ “định đề” cho bất cứ thực thể nào của một loại hình logic nhất định, cụ thể là những thực thể có thể được thể hiện bằng những câu [tường thuật] trong một ngôn ngữ” [tr. 27]. Sau một số cuộc thảo luận chi tiết hơn liên quan đến mối quan hệ giữa các định đề và các sự kiện và thực chất của những định đề giả, tôi bổ sung: “Mục đích của những ghi chú ở trên là tạo điều kiện cho việc tìm hiểu quan niệm của chúng ta về các định đề. Tuy nhiên nếu một người đọc phát hiện ra những giải thích này rắc rối hơn việc minh bạch hoá, hoặc thậm chí không thể chấp nhận thì ông ta có thể bỏ qua chúng” [tr. 31] [tức là bỏ qua những giải thích siêu hệ thống này, chứ không phải là tổng thể lý thuyết của các định đề như là sự mở rộng của các câu, khi người phê bình đã hiểu được]. Dù có khuyến cáo này, nhưng dường như một số người đọc bị bối rối bởi các giải thích này vẫn không bỏ qua chúng mà lại nghĩ rằng bằng cách đưa ra những phản đối chống lại chúng, họ có thể bác bẻ được lý thuyết đó. Điều này tương tự với thao tác của một số người bình thường bằng cách phê phán [một cách chính xác] bức học thinh không, hoặc những mường tượng khác của các lý thuyết vật lý, nghĩ rằng họ đã bác bẻ được các lý thuyết đó. Có lẽ các thảo luận trong bài viết này, một mặt sẽ giúp cho việc minh bạch hoá vai trò của hệ thống các qui tắc ngôn ngữ, cho việc giới thiệu một bộ khung cho các thực thể, và mặt khác là vai trò của các lý giải siêu hệ thống liên quan đến thực chất của các thực thể.

[3] W.V. Quine là người đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của việc giới thiệu các biến số như là cách xác định việc chấp nhận các thực thể. “Cái hữu thể luận mà một người sử dụng ngôn ngữ cam kết với nó đơn giản bao gồm những đối tượng mà ông ta xử lý như là thuộc ... vào phạm vi các giá trị của các biến số của ông ta”. Các ghi chú về Tồn tại và tính Tất yếu, công bố trong Journal of Philosophy, Vol. 40 [1943], pp. 113-127; cũng so sánh Sự xác định và Tồn tại của ông, Journal of Philosophy, Vol. 36 [1939], pp. 702-709; và Về những cái Phổ biến, công bố trong The Journal of Symbolic Logic, Vol. 12 [1947], pp. 74-84.

[4] Để có được một hiểu biết thêm về quan điểm liên quan chặt chẽ với các câu hỏi này xin xem các thảo luận chi tiết trong Herbert Feigl, Existential Hypotheses, công bố trong Philosophy of Science, 17 [1950], pp. 35-62.


[5] Paul Bernays, Sur le platonisme dans les mathematiques [L’Enseignement math., 34 [1935] 52-69]. W.V. Quine ; xin xem ghi chú trước và một bài viết gần đây Về Cái có tồn tại công bố trong Review of Metaphysics, Vol. 2 [1948], pp. 21-38. Quine không công nhận sự khác biệt mà tôi nhấn mạnh ở trên, vì theo quan niệm chung của ông không có những ranh giới rõ ràng giữa chân lý sự kiện và chân lý logic, giữa các câu hỏi về nghĩa và các câu hỏi về sự kiện, giữa việc chấp nhận một cấu trúc ngôn ngữ và việc chấp nhận một khẳng định được công thức hoá trong ngôn ngữ. Quan niệm này dường như đi trệch một cách đáng kể khỏi những cách thức tư duy quen thuộc được lý giải trong bài viết của ông Ngữ nghĩa và các Đối tượng Trừu tượng công bố trong Proceedings of the American Academy of Arts and Sciences, 80 [1951], 90-96. Khi trong bài viết On What There is Quine phân loại quan niệm logic về toán học của tôi [xuất phát từ Frege và Russell] là “chủ nghĩa duy thực Platonic” [tr. 33], thì điều đó không có nghĩa [theo một thông tin cá nhân từ ông] là ông gắn biển cho tôi là thoả thuận với luận thuyết siêu hình Plato về những cái phổ biến, mà chỉ là qui chiếu vào một sự kiện là tôi chấp nhận một ngôn ngữ toán học bao gồm các biến số thuộc những lớp cao hơn. Liên quan đến thái độ cơ bản để lựa chọn một hình thức ngôn ngữ [một “hữu thể luận” trong danh pháp học của Quine, đối với tôi dường như là sai lầm] thì giờ đây đã thể hiện là sự thoả thuận giữ chúng tôi “một lời khuyên rõ ràng là khoan dung và một tinh thần thực nghiệm” [On What There is, tr. 38].

[6] Xem Carnap, Scheinprobleme in der Philosophie; das Fremdpsychische und der Realismusstreit, Berlin, 1928. Moritz Schlick, Posivitismus und Realismus, in lại trong Gesammelte Aufsatze, Wien, 1938.

[7] Xem Nhập môn Ngữ nghĩa học [Cambridge, Massachusetts 1942]; Meaning and Necessity, Chicago, 1947. Sự phân biệt mà tôi rút ra trong cuốn sách sau giữa phương pháp của mối quan hệ tên gọi và phương pháp tăng cường và mở rộng không nhất thiết phải được thảo luận ở đây. Thuật ngữ “sự chỉ định” được sử dụng trong bài viết này theo một cách trung tính; nó có thể được hiểu là sự qui chiếu vào mối liên hệ – tên gọi hoặc vào mối liên hệ tăng cường, hoặc mối liên hệ mở rộng, hoặc vào bất cứ mối liên hệ tương tự nào được sử dụng trong các phương pháp ngữ nghĩa khác.

[8] Gilbert Ryle, Meaning and Necessity In Philosophy, 24 (1949), 69-76.

[9] Ernest Nagel. Review of Meaning and Necessity, In Journal of Philosophy, 45 (1948) 467-472.

[10] Wilfrid Sellars Acquaintance and Description Again trong Journal of Philosophy, 46 (1949) 496-504, đã phân tích rõ ràng các căn nguyên sai lầm “của việc coi mối quan hệ chỉ định của lý thuyết ngữ nghĩa là một tái cấu trúc của cái là hiện diện đối với một kinh nghiệm”. 

Người dịch: Hà Hữu Nga
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất