Heinrich Heine, 1831
Tranh của von Moritz Daniel Oppenheim
Tác phẩm văn xuôi triết học „Về lịch sử tôn giáo và triết học Đức“ được thi hào Đức Heinrich Heine (1797-1856) công bố lần đầu tiên vào năm 1834 bằng tiếng Pháp trên tạp chí „Revue des Deux Mondes“, ba năm sau khi ông từ Đức sang tị nạn ở thủ đô Paris. Trích dịch phần mở đầu của tác phẩm, chúng tôi muốn giới thiệu một phương diện sáng tạo quan trọng của nhà thơ mà bạn đọc ở Việt Nam còn ít biết đến. Hy vọng những dòng viết của tác giả không chỉ cung cấp một tư liệu độc đáo về „lịch sử tôn giáo và triết học Đức“, mà gián tiếp còn có thể mở ra cho chúng ta gợi ý về một phương thức suy tư về lịch sử dân tộc của chính mình từ giác độ của một nền văn hóa khác.
Người dịch
Vào thời gian gần đây người Pháp nghĩ rằng có thể hiểu về nước Đức nếu như họ làm quen với các sản phẩm văn chương của chúng tôi. Tuy nhiên qua đó, từ tình trạng hoàn toàn thiếu hiểu biết, họ chỉ mới đạt được một hình dung mang tính sơ lược. Bởi các sản phẩm văn chương của chúng tôi đối với họ chỉ là những bông hoa câm lặng, toàn bộ tư tưởng Đức đối với họ là một câu đố hắc búa, chừng nào mà họ chưa hiểu hết được ý nghĩa của tôn giáo và triết học Đức.
Thông qua việc bây giờ thử đưa ra một số lời giải thích về hai lĩnh vực này, tôi nghĩ là có thể làm được một việc hữu ích. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với tôi. Điều cần thiết trước tiên là phải tránh các khái niệm của một thứ ngôn ngữ kinh viện hoàn toàn xa lạ với người Pháp. Thế nhưng tôi lại chưa hề tìm hiểu sâu các khía cạnh tinh vi của thần học cũng như của siêu hình học để có thể có khả năng diễn đạt những điều này một cách thật đơn giản và ngắn gọn cho phù hợp với nhu cầu của công chúng Pháp. Do vậy tôi sẽ chỉ đề cập đến những vấn đề lớn được đặt ra trong thần học và triết học Đức, tôi chỉ làm sáng tỏ tầm quan trọng xã hội của chúng, và sẽ thường xuyên lưu ý đến sự hạn chế của các phương tiện biểu đạt của cá nhân mình cũng như năng lực tiếp thu của người đọc Pháp.
Các nhà triết học lớn Đức nếu tình cờ bắt gặp những trang sách này sẽ nhún vai một cách tao nhã về trình độ hạn chế của tất cả những gì mà tôi viết ra ở đây. Thế nhưng họ cũng cần lưu ý rằng những điều ít ỏi mà tôi nói ra được diễn đạt hoàn toàn rõ ràng và mạch lạc, trong khi các tác phẩm của họ mặc dù rất triệt để, vô cùng triệt để, rất sâu xa, cực kỳ sâu xa, lại cũng vô cùng bí hiểm. Thử hỏi liệu những kho lúa mì đóng chặt có ích gì cho dân chúng một khi họ không có chìa khóa để mở? Nhân dân đang đói trí thức và biết ơn về một mẩu bánh tinh thần mà tôi chia sẻ một cách thành thực với họ.
Tôi cho rằng không phải do thiếu tài năng mà phần lớn các nhà bác học Đức tránh không bàn luận một cách quảng đại về tôn giáo và triết học. Tôi nghĩ rằng sự rụt rè trước các kết quả tư tưởng của chính họ đã ngăn cản họ bộc lộ chúng với nhân dân. Còn tôi, tôi chẳng có sự rụt rè này, bởi tôi không phải là một nhà bác học, bản thân tôi là nhân dân. Tôi không phải là bác học, tôi chẳng thuộc về bảy trăm vị hiền triết của nước Đức. Tôi thuộc về đám đông đứng trước cánh cửa thông thái của họ, và nếu như có chút chân lý nào lọt qua đó, và chút chân lý này đến được tận chỗ tôi, thì chúng dạt đi rất xa rồi: - tôi sẽ chép chúng lại bằng những chữ cái xinh đẹp lên giấy trao cho người thợ sắp chữ; người này đưa chúng lên khuôn chì và lại trao tiếp cho người thợ in; người này in chúng lên, và chúng thuộc về toàn thế giới.
Nền tôn giáo mà chúng ta diễm phúc có được ở Đức là Thiên Chúa giáo. Như vậy tôi sẽ có nghĩa vụ phải kể: Thiên Chúa giáo là gì, nó đã trở thành Cơ đốc giáo La Mã ra sao, từ đó là đạo Tin lành, triết học Đức đã hình thành như thế nào.
Bây giờ để bắt đầu với việc trình bày về tôn giáo, tôi xin thỉnh cầu các con chiên sùng đạo hãy chớ đừng sợ hãi. Xin đừng hoảng sợ, hỡi các tâm hồn ngoan đạo! Sẽ không có các trò bông đùa phàm tục làm xúc phạm lỗ tai các vị. Điều này cùng lắm chỉ còn có ích ở nước Đức, nơi mà hiện thời đang cần thiết phải vô hiệu hóa quyền lực của tôn giáo. Ở đó chúng tôi đang đứng trong một tình trạng như người Pháp trước cách mạng, khi mà Thiên chúa giáo còn liên minh một cách mật thiết nhất với chế độ cũ. Cái này chưa thể nào bị tiêu diệt, chừng nào cái kia còn có ảnh hưởng đối với đa số. Voltaire phải phá lên cười nhạo báng, trước khi Sanson có thể hạ lưỡi dao máy chém của mình xuống. Tuy nhiên cũng như lưỡi dao máy chém này, sự báng bổ kia thực chất chẳng minh chứng được điều gì, mà chỉ gây ra một tác động nhất định. Voltaire mới chỉ có thể động đến được phần xác của Thiên Chúa giáo. Tất cả các trò bông đùa được chắt lọc từ lịch sử của nhà thờ, tất cả những truyện tiếu lâm của ông về giáo lý và nghi lễ tôn giáo, về Kinh thánh, cuốn sách thiêng liêng nhất này của nhân loại, về Đức Mẹ đồng trinh Maria, bông hoa đẹp nhất này của thi ca, toàn bộ những mũi tên triết học mà ông đã nhắm bắn vào giới tăng lữ và tu hành chỉ mới làm tổn thương phần cơ thể của Thiên Chúa giáo, chứ không động vào được phần bản chất bên trong, phần tinh thần sâu xa, phần linh hồn vĩnh hằng của nó.
Bởi Thiên Chúa giáo là một tư tưởng, và với tư cách đó nó không thể nào có thể bị tiêu diệt và bất tử như mỗi một tư tưởng. Vậy tư tưởng này là gì?
Chính bởi vì người ta chưa hiểu rõ tư tưởng này và nhầm lẫn vẻ bên ngoài với nội dung thực chất, mà chưa có lịch sử của Thiên Chúa giáo. Hai trường phái đối lập nhau cùng viết về lịch sử nhà thờ và thường xuyên phản bác nhau, thế nhưng không có bên nào một lần nói được rõ rằng: tư tưởng ấy là gì, cái là cơ sở cho Thiên Chúa giáo, cái bộc lộ trong hệ thống biểu tượng, trong giáo lý và lễ nghi của nó, trong toàn bộ lịch sử của nhà thờ, thể hiện trong đời sống thực tế của các dân tộc theo Thiên Chúa giáo! Chẳng phải Baronius, vị Hồng y Giáo chủ Cơ đốc giáo, cũng chẳng phải Cố vấn triều đình theo Đạo Tin lành Schroeckh có thể giải thích cho chúng ta tư tưởng ấy là gì. Và nếu có lật hết các pho sưu tập giáo nghị hội của Manse, bộ pháp điển nghi thức hành lễ của Asseman, toàn bộHistoria ecclesiastica của Saccharelli, bạn cũng sẽ chẳng thể nào biết được đâu là tư tưởng thực sự của Thiên Chúa giáo. Mà bạn có thể thấy được những gì trong những bộ sử ký của các nhà thờ Cận đông và Tây phương? Ở kia, trong lịch sử nhà thờ Cận đông, bạn sẽ chẳng tìm thấy những gì ngoài các thứ lập luận kinh viện theo lối sợi tóc chẻ làm tư, mà ở đó khoa ngụy biện cổ đại Hy Lạp đã được khôi phục lại; còn ở đây, trong lịch sử nhà thờ phương Tây bạn không thấy gì hơn là các cuộc tranh biện liên quan tới những vấn đề kỷ cương và quyền lợi của nhà thờ, nơi mà pháp điển và nghệ thuật cai trị nhà nước từ thời La Mã cổ đại tự khẳng định lại với các công thức và phương tiện mới mẻ. Quả thực vậy, nếu như ở Konstantinopel người ta đàm luận về khái niệm logos (Chữ), thì ở La Mã, người ta lại tranh cãi về mối quan hệ giữa quyền lực của nhà nước và giáo hội; và cũng như ở đó người ta xích mích nhau về Homousios, thì ở đây lại là về việc thăng chức giáo sĩ. Thế còn những câu hỏi mơn trớn chẳng hạn liệu logos phải chăng là Đức Cha Chúa trời homousios, liệu Maria cần được gọi là Đức Mẹ của Chúa hay của Người, liệu Giê Xu đã nhịn đói vì không có thức ăn, hay Ngài đã nhịn đói chỉ vì Ngài muốn nhịn đói? - Đằng sau tất cả những câu hỏi này toàn là những vụ âm mưu trong triều đình mà kết cục của chúng phụ thuộc vào những lời xì xào độc địa và những trò cười cợt trong các buồng ngủ của Sacri Paletii, về việc liệu Eudoxia hay Pulcheria sẽ bị phế truất; - bởi quí bà này căm ghét Nestorius, kẻ phản bội những cuộc mua bán ái tình của mình, còn quí bà kia thì lại thù hận Cyrillus, người đã bảo vệ Pulcheria, tất cả rốt cuộc đều có nguồn gốc từ những câu chuyện đàn bà và hoạn quan, và trong giáo lý thực ra là người đàn ông, và trong người đàn ông là một đảng phái bị theo dõi và được cất nhắc. Sự thể cũng như vậy ở phương Tây; La Mã muốn trị vì; „khi các toán quân của mình bị tiêu diệt, nó chuyển các giáo điều đến những vùng tỉnh lẻ“; tất cả các tranh chấp tôn giáo đều có nguồn gốc ở sự chiếm đoạt của La Mã; vấn đề là ở chỗ củng cố quyền lực thống trị của Giám mục La Mã. Vị này vốn rất khoan dung về những gì thực sự liên quan đến Đức tin, thế nhưng ngay lập tức sẽ thét ra lửa, một khi các quyền lợi của Giáo hội bị xâm phạm; ông không tranh biện nhiều về các Đức Thánh ngôi thể hiện trong Giê Xu, mà về các hệ quả những nghị quyết của Giáo hoàng Isidor, ông tập trung hóa quyền lực của mình thông qua chế luật, sự bổ nhiệm các Giám mục, việc hạ bệ quyền lực của các vương hầu, các dòng tu, chế độ ở vậy không lấy vợ của giáo sĩ v.v. Nhưng liệu đấy có phải là Thiên Chúa giáo? Liệu tư tưởng của Thiên Chúa giáo có thể bộc lộ cùng chúng ta qua việc đọc những câu chuyện này? Tư tưởng đó là gì?
Có lẽ ngay từ những thế kỉ đầu sau Công nguyên, nếu như chúng ta tìm hiểu một cách vô tư lịch sử của hai dòng Thiện Ác và Ngộ đạo, đã có thể phát hiện thấy tư tưởng này đã hình thành trên phương diện lịch sử ra sao và đã bộc lộ ở thế giới ngoại quan như thế nào. Mặc dù dòng thứ nhất bị coi là tà giáo, còn dòng thứ hai thì bị tước hết thanh danh, và nhà thờ thì đều đã nguyền rủa cả hai, chúng đã để lại ảnh hưởng đối với giáo lí; từ hệ thống biểu tượng của chúng đã hình thành nên nền nghệ thuật Cơ đốc giáo, và phương thức tư duy của chúng đã xuyên thấu toàn bộ cuộc sống của các dân tộc theo Thiên Chúa giáo. Dòng Thiện Ác xét trên thực chất không khác lắm so với với dòng Ngộ đạo. Đặc thù cho cả hai là học thuyết về sự bài trừ lẫn nhau giữa hai nguyên lí Thiện và Ác. Những người theo dòng Thiện Ác thừa kế học thuyết này từ nền tôn giáo cổ đại Ba Tư, mà trong đó Ormuz, Ánh sáng, thù địch với Ariman, Bóng tối. Còn những người kia, các môn đệ thực sự của trường phái Ngộ đạo, lại tin ở tính khởi thủy của nguyên lí tính Thiện, và lí giải về sự xuất hiện của nguyên lí tính Ác thông qua sự thiên xạ, thông qua lớp lớp những Vĩnh hằng, mà càng xa rời khởi thủy, chúng lại càng đục mờ và tha hoá. Theo Cerinthus, Đấng Sáng Thế hoàn toàn không phải là Thượng đế, mà chỉ là một sự thiên xạ của Thượng đế, một trong những lớp Vĩnh hằng; Đấng Hoá công thật sự đã dần dần bị tha hoá, và giờ đây, với tư cách là nguyên lí tính Ác, đối địch với logos, là nguyên lí tính Thiện phát sinh trực tiếp từ Thượng đế. Thế giới quan Ngộ đạo này mang nguồn gốc Ấn Độ, nó hàm chứa học thuyết về sự hiện thân của Chúa trời, về sự diệt dục, về sự đắm chìm trong bản ngã tinh thần, nó đẻ ra đời sống tu hành an nhàn khổ hạnh – cái là tinh hoa của tư tưởng Thiên Chúa giáo. Tư tưởng này chỉ thể hiện rất rối ren trong giáo lí và rất mờ nhạt trong điển lễ. Tuy nhiên khắp nơi chúng ta đều thấy sự hiện diện của học thuyết về hai nguyên lí này; đối lập với Đấng Giê Xu thánh thiện là quỷ Sa tăng độc ác; thế giới tinh thần được đại diện bởi Giê Xu, thế giới vật chất bởi Sa tăng; linh hồn của chúng ta thuộc về Giê Xu, còn thân xác của chúng ta lại thuộc về Sa tăng; và như vậy toàn bộ ngoại giới, tự nhiên, xét về căn nguyên là độc ác, và Xa tăng, ông hoàng của bóng tối, ra sức cám dỗ để khiến chúng ta suy đồi, do đó cần phải khước từ mọi thú vui nhục thể của đời sống, phải hành hạ thân xác của mình, phần vay mượn của quỷ Sa tăng, để cho linh hồn có thể bay bổng diệu vợi hơn nữa trên bầu trời đầy ánh sáng, lên cõi hào quang của Đấng Giê Xu.
Quan niệm này về thế giới, cái là ý tưởng thực sự của Thiên Chúa giáo, đã loang ra một cách cực kì nhanh chóng trên khắp Vương quốc La Mã như một thứ bệnh truyền nhiễm; những nỗi bi thương, có lúc là những cơn tấy sốt, có lúc lại là sự bải hoải, đã kéo dài suốt thời kì trung cổ, và kể cả chúng ta, những người hiện đại, cho đến tận giờ vẫn còn cảm giác co rút và suy nhược ở khắp tứ chi. Cho dù có ai đó trong chúng ta đã bình phục thì người này cũng không sao thoát khỏi bầu không khí nhà thương bao bọc xung quanh, và anh ta sẽ cảm thấy bất hạnh với tư cách là người khoẻ mạnh duy nhất giữa toàn những kẻ bệnh hoạn. Một ngày nào đó, khi nhân loại đã hồi phục trọn vẹn sức khoẻ của mình, khi hoà bình đã được tái lập giữa thể xác và linh hồn, và chúng lại liên kết với nhau trong mối hoà thuận ban đầu: lúc đó người ta sẽ hầu như không thể nào hiểu nổi cuộc xung đột giả tạo mà Thiên Chúa giáo đã gây ra giữa đôi bên. Những thế hệ hạnh phúc và tươi đẹp hơn được sinh thành từ sự ôm ấp tự do lựa chọn và nảy nở trong một tôn giáo của niềm hoan lạc sẽ mỉm cười sầu muộn về các bậc tiền nhân đáng thương của họ, những kẻ đã chối từ một cách khổ sở mọi nguồn vui của trái đất tráng lệ này, và do giết chết nhục cảm ấm áp muôn màu sắc nên đã gần như hoá thành những bóng ma lạnh lẽo! Vâng, tôi quả quyết điều này, những người hậu thế của chúng ta sẽ khôi ngô và hạnh phúc hơn so với chúng ta. Bởi tôi tin tưởng ở tiến bộ, tôi cho rằng nhân loại có thiên chức hạnh phúc, và như vậy tôi coi trọng Thượng đế hơn là các tín đồ sùng đạo kia, những kẻ vẫn cho rằng Chúa đã sáng tạo nên con người chỉ là để làm cho nó đau khổ. Ngay từ bây giờ trên trái đất này tôi đã muốn thông qua phép lành của các thiết chế chính trị và công nghiệp tự do để đạt đến sự cứu rỗi mà theo ý kiến của những người mộ đạo chỉ có thể xảy ra vào ngày tận thế, ở Thiên đường. Cả niềm hi vọng này cũng như niềm hi vọng kia có lẽ đều rồ dại như nhau, và sẽ không có sự phục sinh của nhân loại, kể cả trong ý nghĩa chính trị - đạo đức cũng như trong ý nghĩa tông đồ - Cơ đốc giáo.
Nhân loại có thể vĩnh viễn bị đày vào vòng khổ ải, các dân tộc có thể vĩnh viễn bị những kẻ độc tài dày xéo, bị những kẻ đồng loã của chúng bóc lột và bị những kẻ đê tiện nhục mạ.
Chao ơi, nếu vậy người ta sẽ phải tìm cách giữ lấy Thiên Chúa giáo, cho dù đã nhận ra nó là một lầm lẫn, người ta sẽ mặc áo thầy tu và đi chân trần khắp châu Âu, sẽ thuyết giáo về sự vô nghĩa của mọi thứ của cải trên trần thế và về sự khước từ, giương cao cây thánh giá an ủi trước chúng sinh bị hành hạ và nhạo báng, và hứa hẹn rằng họ sẽ lên thiên đường sau khi đã chết.
Có thể là như vậy, bởi những kẻ có thế lực trên trái đất này đang nắm chắc quyền thống trị của mình và trong thâm tâm đã quyết định sẽ vĩnh viễn lợi dụng nó để mang lại bất hạnh cho chúng ta, đã ý thức về sự cần thiết của Thiên Chúa giáo cho các dân tộc bị trị vì của họ, và quả thực có một tình cảm nhân ái dịu dàng đã khiến cho họ bỏ ra nhiều công sức đến vậy để lưu giữ nền tôn giáo này!
Số phận có hạn định của Thiên Chúa giáo như vậy phụ thuộc vào chỗ liệu chúng ta có cần đến nó nữa hay không. Tôn giáo này từng là một hành động từ bi đối với nhân loại đau khổ trong suốt mười tám thế kỉ cuối, nó đã từng có ý nghĩa tiên giác, hướng thượng, thiêng liêng. Tất cả những gì mà nó đã đóng góp cho nền văn minh, thông qua việc kiềm chế những kẻ mạnh và nâng đỡ những kẻ yếu, thông qua việc nối liền các dân tộc với nhau bởi một thứ tình cảm và ngôn ngữ chung, tất cả những gì mà những kẻ biện hộ của nó vẫn hằng ca ngợi, điều đó thậm chí còn chưa đáng kể so với với sự an ủi vĩ đại mà nó đã đem đến từ chính bản thân mình cho loài người. Vinh quang mãi mãi thuộc về biểu tượng của Đức Chúa chịu nạn, Đấng Cứu rỗi đội mũ gai, Đức Giê Xu bị đóng đinh câu rút, mà máu của Người đã chảy xuống những vết thương của nhân loại như một thứ thuốc làm dịu nhẹ sự đau đớn. Đặc biệt các thi nhân sẽ công nhận với lòng kính cẩn tính cao cả và sự rùng rợn của các biểu tượng này. Toàn bộ hệ thống của những biểu tượng được thể hiện trong nghệ thuật và đời sống thời trung cổ sẽ muôn đời dành được sự ngưỡng mộ của thi sĩ. Quả vậy, đã có một thành quả vĩ đại biết bao trong nền nghệ thuật Thiên Chúa giáo, đặc biệt là trong nghệ thuật kiến trúc! Những giáo đường gô tích chẳng hạn, chúng hài hoà làm sao với nghi thức thánh lễ, và chính bản thân tư tưởng của nhà thờ, nó đã hiển hiện ở đó như thế nào! Hết thảy đều hướng thượng, đều thăng biến: đá mọc thành cành và tán lá, hoá thành cây; quả nho và bông lúa hoá thành máu và thịt; người trở thành Chúa; Chúa trở thành Tinh thần thuần tuý! Sinh hoạt Thiên Chúa giáo thời trung cổ là một nguồn chất liệu quý giá và phong phú vô tận cho các thi nhân. Chỉ thông qua Thiên Chúa giáo mà trên trái đất này đã xuất hiện những trạng thái chứa đựng các tương phản táo bạo, những nỗi bi thương rực rỡ, và những vẻ đẹp mạo hiểm, đến mức người ta phải cho rằng tất cả chúng chưa hề tồn tại trong thực tế, và hết thảy là một cơn mê sảng vĩ đại, giấc mơ của Đức Chúa bị loạn óc. Thế giới tự nhiên dạo đó dường như tự giả trang một cách huyền ảo; tuy nhiên cho dù con người, bị ràng buộc bởi những băn khoăn trừu tượng, có tránh xa nó một cách buồn bực, thì thỉnh thoảng cũng bị nó đánh thức bởi một tiếng nói ngọt ngào đến dễ sợ, đáng yêu đến rùng rợn, khủng khiếp như mang phép lạ, khiến cho con người vô hình trung phải lắng nghe, mỉm cười, rồi hoảng sợ, thậm chí mỏi mòn ốm đau đến chết. Ở đây câu chuyện về con chim hoạ mi vùng Basel hiện lên trong trí nhớ của tôi, và có lẽ là các bạn chưa biết, nên sau đây tôi xin kể lại [...]
HEINRICH HEINE
Trương Hồng Quang dịch từ bản tiếng Đức
Nguồn: Heinrich Heine, Zur Geschichte der Religion und Philosophie in Deutschland, S. 13 ff. Digitale Bibliothek Band 1: Deutsche Literatur, S. 40225 (vgl. Heine-WuB Bd. 5, S. 175 ff.)
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!