Vấn đề tồn tại người trong triết học hiện sinh của K.Jaspers

Tồn tại người là vấn đề trung tâm trong triết học hiện sinh của K.Jaspers. Với quan niệm hiện sinh về tồn tại người, ông đã cố gắng làm sáng tỏ những căn nguyên của mọi hiện tượng xã hội trong chính sự tồn tại cá nhân, ý thức cá nhân, mà đúng hơn là ở bình diện dưới lý tính của ý thức. Quan niệm hiện sinh về tồn tại người được K.Jaspers xây dựng trên những tư tưởng cơ bản về nhân học và triết học, và từ quan niệm, có thể nói, khá độc đáo của ông về con người và Thượng đế, với phương pháp “soi vào hiện sinh” của ông.

Bằng phương pháp độc đáo của riêng mình, nhà triết học Đức, một trong những người sáng lập chủ nghĩa hiện sinh - K.Jaspers (1883 - 1969) đã đưa ra một cách tiếp cận triết học khác với nhiều nhà triết học phương Tây cùng thời. Một mặt, ông bác bỏ việc triết học truyền thống lấy một nguyên tắc triết học nào đó làm nguyên tắc phổ biến, đúng đắn để xây dựng phương pháp cho một hệ thống triết học có ý nghĩa phổ biến. Mặt khác, ông cho rằng, việc các nhà triết học căn cứ vào mô hình khoa học để xây dựng triết học khoa học cũng là không phù hợp, cho dù giữa khoa học và triết học luôn có mối quan hệ không thể tách rời, triết học không thể thiếu khoa học, vì khoa học đem lại cho triết học phương pháp nhận thức có thể có, những kết quả nghiên cứu được trình bày có hệ thống và chính xác về mặt phương pháp luận; còn sự hiện diện của triết học trong khoa học lại có ý nghĩa của mối liên kết nội tại trong khoa học(1). Vì vậy, theo K.Jaspers, cần phải có sự làm rõ đối với những vấn đề, như giá trị, ý nghĩa, nguồn gốc, nhân học, con người, Thượng đế,... của triết học nhằm xác lập những quan niệm triết học mới và đặc sắc về tồn tại người trong triết học hiện sinh được xây dựng trên cơ sở của triết học khoa học.(1)

Trong tác phẩm Tâm lý học của thế giới quan (1919), lần đầu tiên, K.Jaspers nói đến khái niệm “tình huống giới hạn” (Grenzsituation) như một khái niệm mấu chốt để hiểu được triết học hiện sinh. Theo ông, chỉ trong các “tình huống giới hạn”, như cái chết, tội lỗi, đấu tranh, ngẫu nhiên, người ta mới có thể cảm nhận được mình là ai. Trong những tình huống đó, sự định hướng và giá trị của ai đó mới được bộc lộ và do vậy, con người cần phải nhìn thẳng vào những “tình huống giới hạn” ấy với đôi mắt mở to. Thêm nữa, những “tình huống giới hạn” có thể làm sâu sắc thêm ý nghĩa đối với siêu việt (Thượng đế). Do vậy, nó có thể được xem là kích thích quan trọng nhất của triết học. Bởi lẽ, nó góp phần giải tỏa sự căng thẳng và cho phép chúng ta thực sự cảm nhận được tính chủ quan của mình, khích lệ sự tự phản tư của mình. Song, cũng “có những hoàn cảnh thiết yếu không thể thay đổi, tuy bên ngoài có vẻ thay đổi chút ít hay ra như chúng không phô trương hết tiềm lực của chúng. Đó là những hoàn cảnh giới hạn, bất dịch... ta gọi là những giới hạn bất dịch, tức là hoàn cảnh bất khả vượt và bất khả di dịch”(2).

Trong tác phẩm Triết học gồm 3 tập, khi nhìn vào toàn thể vũ trụ, K.Jaspers đã chỉ ra ý nghĩa của tất cả những cái đang hiện hữu để hướng lên một cách mạnh mẽ, từ lĩnh vực những sự vật, vật chất lầm lỳ qua hiện sinh tinh thần của con người đến miền siêu việt của Thiên chúa mà ông gọi là Hữu thể tự thân hay Tự thể (An-sich-Sein).

Theo K.Jaspers, không phải bất cứ con người nào, bất cứ ai cũng có thể vươn tới cấp độ hiện sinh nhân vị. Từ cấp độ sự vật đến cấp độ hiện sinh con người luôn cần đến một bước nhảy, một sự vượt bỏ. Bởi theo ông, con người tuy được sinh ra làm người, nhưng do chưa thực sự vươn tới mức hiện sinh, nên họ vẫn sống chỉ như cây cỏ, cầm thú, sống vô ý thức, vô trách nhiệm, sống nô lệ cho dư luận,... và do vậy, họ chỉ như những đơn vị người, chứ chưa phải là những nhân vị tự do và luôn bị giới hạn trong những ràng buộc của cuộc sống. Để trở thành nhân vị tự do và đạt được tự do, theo ông, con người phải ý thức sâu xa về trách nhiệm làm người của mình và phải nắm lấy ý nghĩa nhân sinh của cuộc đời mình, phải tự quyết về cuộc đời mình. Với ông, “nhân vị tự do thì ý thức về quyền tự do của mình, đồng thời cũng ý thức sâu xa về trách nhiệm làm người của mình: Người tự do và tự chủ phải biết hoàn toàn nắm lấy trong tay tất cả ý nghĩa cuộc nhân sinh của mình, cho nên người đó phải tự quyết về mình”(3) Với quan niệm này, ông phản đối việc sử dụng phương pháp thực nghiệm trong nghiên cứu con người, đặc biệt là hiện sinh người, và đề nghị thay thế phương pháp này bằng phương pháp “soi vào hiện sinh”, tức là nhận định dần dần, lâu dài. Với K.Jaspers, con người luôn có giới hạn và mong muốn hướng tới hiện sinh, siêu việt và do vậy, nó phải trải qua các bước nhảy để đi từ lĩnh vực vật chất tới lĩnh vực tinh thần của hiện sinh. Trong lĩnh vực hiện sinh, con người cũng cần đến nhiều bước tiến, mặc dù những bước tiến này không được gọi là những bước nhảy thực thụ (vì nó không đưa tới một lĩnh vực khác hẳn), nhưng chúng cũng luôn thúc đẩy con người tiến lên. Con người luôn phải vượt lên chính mình và trong đà đi lên không ngừng này, tới một lúc nào đó, nó sẽ cảm thấy “bị chặn lại” bởi những “tình huống giới hạn” và khi đó, nó buộc phải thực hiện những bước nhảy và bước nhảy cuối cùng có tên gọi là “niềm tin triết học” (foi philosophique)(4). Theo K.Jaspers, tính có giới hạn của con người thể hiện tính có cấp độ của Tồn tại với ba cấp độ khác nhau theo mức độ “bị giằng xé” của hiện sinh người - đó là: sự vật, nhân vị và siêu việt(5).


Từ đó, khi nhấn mạnh vai trò quan trọng của lý tính trong việc làm “sáng tỏ sự hiện sinh”, K.Jaspers cho rằng, có phương pháp tư duy không (có ý nghĩa) phổ biến, nhưng lại phát hiện được cái cấu thành chỗ dựa và chuẩn tắc của cuộc sống. Nó không đem lại tri thức về những sự vật xa lạ, mà chỉ ra một cách hoàn toàn rõ ràng cái Tôi thực sự thấu hiểu, cái Tôi mong muốn và những cái gì tôi thực sự tin. Khi tôi tư duy như vậy, tôi tự tạo ra tôi và làm cho tự ý thức của tôi trở nên trong sáng. Như vậy, có thể nói, cách lập luận này của Jaspers có chứa đựng tinh thần của triết học Descartes. Và hơn nữa, trong tư tưởng của ông còn thể hiện sự gắn bó giữa hiện sinh và siêu việt. Sự tồn tại của chúng luôn có sự tương hỗ lẫn nhau và nếu không còn siêu việt thì hiện sinh ấy là hiện sinh không đáng tin cậy. Và, như nhà nghiên cứu Wahl đã nhận xét, với K.Jaspers, “hiện sinh không phải chỉ là nhân vị tự ý thức về mình và có tương quan với chính mình, nhưng nhân vị đó còn phải giữ vững tương quan với siêu việt là nguyên ủy của mình. Hiện sinh chính là mối tương quan đó với siêu việt. Nếu không có tương quan đó, không có hiện sinh trung thực”(6).

Triết học có vai trò quan trọng là làm sáng tỏ sự hiện sinh, đưa ý thức đến với bản thân mình và thực hiện sự giao tiếp với các hiện sinh khác. Với quan niệm này, Jaspers đã buộc tội sinh học, tâm lý học, xã hội học khi nghiên cứu con người đã bỏ qua sự hiện sinh. Theo ông, sự hiện sinh trong tính đơn nhất và không lặp lại của mình không thể trở thành đối tượng của những tranh luận vô bổ, chung chung, mà bao giờ cũng là sự hiện sinh của tôi, của riêng tôi chứ không phải là của một ai khác và do vậy, không thể đồng nhất hiện sinh của tôi với của ai khác trong cuộc đời này và sự hiện sinh đích thực không thể đạt được bằng con đường khoa học. Rằng, với tư cách cái có nhân cách, sự hiện sinh không có điểm nào chung với sự vô nhân cách: Tôi tồn tại vì tôi không tự cho phép mình trở thành đối tượng, thành khách thể; tôi thấu hiểu mình, tôi tồn tại trong quá trình hiện thực hoá những khả năng của mình và do vậy, tôi là con người tồn tại trong khả năng; tôi đồng nhất với bối cảnh, tôi không thể là một cái gì đó, nếu tôi đã là một cái gì đó, tôi trùng hợp với thực tại và sứ mệnh của mình.(4)

Theo K.Jaspers, hiện sinh khác so với sinh tồn và chủ nghĩa sinh tồn; rằng, hiện sinh là việc con người vươn lên trên mức sống của sinh vật, vì nó là cuộc sống tinh thần; hiện sinh là ý nghĩa của đời sống, người ta chỉ vươn tới hiện sinh khi đã ý thức được mình sống để làm gì, sống để thể hiện cái định mệnh cao quý và độc đáo của mình, chứ không phải sống để mà sống.

Với K.Jaspers, hiện sinh bắt đầu xuất hiện khi con người ý thức sâu xa rằng mình là một chủ thể, tức là chủ động tạo ra nhân cách và bản lĩnh cho mình. Do vậy, ở đây, khoa học thực nghiệm hoàn toàn bất lực, vì hiện sinh là một thực tại tinh thần, nên không một máy móc, một công thức nào có thể diễn tả được. K.Jaspers gọi đây là hiện sinh khả hữu (existence possible) để nói lên vai trò chủ động của chủ thể trong việc xây dựng nhân cách và định mệnh cho chính mình: “Tôi chỉ là cái Tôi do chính tôi tạo nên nhưng tôi chỉ tạo nên, nhưng tôi chỉ tạo nên cái Tôi trung thực là tôi... Cái Tôi trung thực đó không ở sau lưng tôi, nhưng ở trước mặt tôi; không phải là cái Tôi hiện nay, nhưng là cái Tôi đang trở thành, tức là cái mà tôi quyết tâm và đang toan tính để trở thành”(7).

Với quan niệm đó, K.Jaspers cho rằng, trên bình diện hiện sinh, con người tự nhận mình là một chủ thể tự do và cũng đồng thời ghi nhận tự do tính của chủ thể khác. Với ông, tự do là hành động xuất phát tự trong tâm khảm của con người. Tự do là do tự con người đã quyết định như thế và nó hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự quyết định này, tức là tự do của hiện sinh. Tự do này luôn có tính điều kiện và có những giới hạn về mặt nguyên tác của nó. Đây thực sự là ý nghĩa sâu xa của hiện sinh và cũng là đặc tính của hiện sinh. Con người chỉ tự do thực sự, khi và chỉ khi nó ý thức sâu xa về tính chất giới hạn của tự do hiện sinh: Tự do của hiện sinh trước hết là một tự do có giới hạn và bị quy định, bị giới hạn. Bởi lẽ, chính thân xác cũng bị quy định bởi sức khỏe, bởi sức chịu đựng; bị giới hạn bởi khả năng suy nghĩ, bởi hoàn cảnh... Vì thế, Jaspers khẳng định: “Tự do của con người không thể có khi thiếu ý thức về sự kiện bị giới hạn của hiện sinh”(8). Quan niệm này cho thấy, với ông, ý nghĩa của tự do hiện sinh nằm trong chính sự thất bại của tự do. Và, khi sử dụng phương pháp “soi vào hiện sinh”, nghĩa là sử dụng sự suy tư để nhận định, để lý giải tự do, ông đã nhận thấy tự do là một hành động đầy ý thức, chứ không phải là hành vi tùy tiện của con người. Từ đó, ông quả quyết “tự do là nguồn mạch”, tự do đồng nghĩa với sự tự chọn của con người.

Như vậy, có thể nói, tự do hiện sinh của Jaspers khác với tự do sinh tồn, tự do bừa bãi và cũng khác với tự do tiêu cực của những kẻ yếu hèn. Tự do hiện sinh là trách nhiệm và lo âu của con người tự giác và dám tự quyết. Nhân vị tự do là ý thức về quyền tự do của mình, đồng thời cũng là ý thức sâu xa về trách nhiệm làm người của mình. Nhưng rốt cuộc, tự do theo quan điểm của Jaspers vẫn chỉ là tự do theo chân Chúa. Bởi, như chính ông đã lập luận: Con người không tự sáng tạo nên mình và do vậy, tự do của con người là một tặng phẩm do Chúa ban cho; tự do của con người không phải là sự tuyệt đối, mà là một khả năng hữu hạn, một tự do hữu hạn vì chính con người là hữu hạn. Bản tính con người là hữu hạn, nhưng “hữu hạn tính của con người không khép kín lại như nơi con vật”(9). Với quan niệm này, Jaspers đã lên án cái gọi là “tự do tuyệt đối” mà theo ông, là không thể có, và những ai cho rằng điều ấy là có thì đó là điều nhảm nhí, cố chấp, thậm chí còn là điên rồ, hay là bị quỷ ám. “Tất cả những ai muốn cho mình có tự do tuyệt đối đều là hạng bị quỷ ám”(10).

Jaspers cho rằng, con người khi từ bỏ được bản tính cầm thú, bản tính loài của mình để vươn tới hiện sinh, vươn tới một nhân vị người, tự ý thức, tự chịu trách nhiệm về mình thì nó trở thành con người hiện sinh, hay như ông thường nói, vươn tới sự Siêu việt. Ở đây, Siêu việt được ông hiểu như là vũ trụ tri thức bao la đối với con người. Theo Jaspers thì Siêu việt trước tiên phải là sự vươn lên, tức là sự đi lên không ngừng của hiện sinh (transcender) và sau đó, Siêu việt được hiểu chính là Mặc khải, là Chúa, là Thượng đế - những Siêu việt thể (la transcendance).

Coi sự siêu việt là đích hướng của hiện sinh, triết học hiện sinh của Jaspers đã hướng tới siêu việt như hướng về đích tối hậu của nó. Đây là phần đặc sắc nhưng cũng là phần khó hiểu nhất trong triết học Jaspers, khi mà ở đó, hiện sinh và siêu việt luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau tới mức, nếu không nắm được mối liên hệ này thì hiện sinh không còn đáng được coi là hiện sinh trung thực nữa. Trong mối tương quan này, Jaspers đã trình bày quan điểm của ông về thế giới, về hiện sinh.

Triết học Jaspers là sự kết hợp tinh tế và sâu sắc triết học Kierkegaard với triết học Nietzsche, cộng với một tinh thần năng động của truyền thống và hiện đại, nhưng lại khác với đường lối tiêu cực của Sartre. Trong triết học Jaspers, người ta nhận thấy tinh thần hiện sinh khá sâu sắc, khi ông tha thiết với tất cả mọi hình thái hiện sinh của con người trong không gian và thời gian. Và, khi bác bỏ những luận điểm về con người của Plato, Comte, Hegel, Nietzsche..., ông cho rằng, những quan niệm này nhất định sẽ đưa con người tới chỗ tự tôn mình làm Thượng đế và do vậy, sẽ đưa con người tới những cái điên rồ vô lý(11).

Với quan niệm này, Jaspers đi tìm cái siêu việt qua chủ nghĩa vô thần và tôn giáo. Theo ông, cái vô thần và tôn giáo có thể tìm thấy bằng phương pháp “soi vào hiện sinh” để nhận ra hiện sinh trung thực qua những hình thức sinh hoạt được mệnh danh là tự do. Coi đây cũng là phương pháp “suy tư” để nhận định đâu là siêu việt đích thực, ông đã chỉ ra những khiếm khuyết của Nietzsche trong quan niệm về con người, khi đặt con người ngang hàng với Thượng đế. Theo Jaspers, con người là hữu hạn, con người không tự sáng tạo ra mình và do vậy, tự do của con người là một tặng phẩm do Thượng đế ban tặng. Tự do của con người là không tuyệt đối; nó chỉ là một tự do hữu hạn, vì bản tính con người là hữu hạn.

Với phương pháp “soi vào hiện sinh”, Jaspers đã vạch rõ, vô thần là con đường cùng (impasse), là giới hạn của hư vô, là lời cảnh báo, mách bảo chúng ta là không thể đo lường vô thần để đạt tới siêu việt. Và, khi sử dụng phương pháp “soi vào hiện sinh” để dõi theo sinh hoạt của con người tôn giáo, ông đã nhận ra ở đó những ưu điểm lớn, nhưng cũng cảnh báo những nguy hiểm mà các hình thức tôn giáo có thể mang lại cho hiện sinh. Ông phê phán tôn giáo và khước từ tôn giáo vì hai lẽ: Đức tin tôn giáo thường là sự yên nghỉ và đức tin tôn giáo có thể sinh ra mê tín. Theo ông, sự khiếp nhược và lười biếng đã sinh ra tôn giáo. Do vậy, khi “soi vào hiện sinh”, ông cho rằng, ít ra là ở điểm này, tôn giáo không đưa tới siêu việt, mà chỉ đưa tới những thần tượng, tức những siêu việt giả hiệu mà thôi. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ vai trò của tôn giáo và không khước từ tôn giáo như đã khước từ vô thần: “Tôn giáo đã thực hiện tất cả những gì là lợi ích và vững bền trong lịch sử nhân loại”(12).

Với quan niệm như vậy về tôn giáo, Jaspers đặt câu hỏi: Vậy, có nên duy trì tôn giáo hay không, hay là bác bỏ nó như một quá trình mà nhân loại đã bước qua? Để trả lời câu hỏi này, ông đưa ra khái niệm “niềm tin triết học”. “Niềm tin triết học”, theo ông là một hình thức tín ngưỡng, là yếu tính của tương quan giữa ta và siêu việt. “Niềm tin triết học là niềm tin của con người vào những khả năng của mình. Niềm tin này nói lên tự do tính của con người”(13). Quan niệm này cho thấy, với Jaspers thì niềm tin triết học không phải là tri thức, mà là vô thức, tức là một đức tin; nó không có mục đích thay thế đức tin tôn giáo, mà chỉ có ý nghĩa củng cố cho đức tin đó tự vượt lên chính mình; nó là “một hành vi hiện sinh, khi hiện sinh tự ý thức rằng mình sống trong tương quan với siêu việt, trong thực tại của siêu việt”(14).

Jaspers không đưa ra một định nghĩa cụ thể về siêu việt. Ông mới chỉ cho chúng ta thấy mối tương quan giữa con người và siêu việt. Theo ông, con người không có khả năng bắt gặp siêu việt thể một cách rõ ràng và phân minh. Siêu việt chỉ là đối tượng của hiện sinh, nghĩa là kinh nghiệm sống, chứ không phải là đối tượng của tri thức. Do vậy, siêu việt thể vừa là khả nghiệm, vừa bất khả nghiệm; con người chỉ có thể bắt gặp Thượng đế trong sinh hoạt tinh thần, chứ không không thể bắt gặp Ngài trong những luận lý khách quan. Hơn nữa, con người cũng bất khả ngôn về vấn đề này, vì Thượng đế “vượt quá bình diện khả nghiệm”(15). Và, với tư cách vừa là khả nghiệm, vừa là bất khả nghiệm, siêu việt chính là đối tượng của hiện sinh, tức là kinh nghiệm sống, chứ không phải là đối tượng của tri thức.

Jaspers thường coi “bao dung thể” (danh từ mà Jaspers thường dùng để gọi “siêu việt thể”) như một thực tại bao trùm trên bốn bình diện của tồn tại: hữu thể khả nghiệm; lĩnh vực của ý thức nói chung; lĩnh vực của tinh thần; lĩnh vực của hiện sinh. Với ông, hiện sinh tương quan với siêu việt trong sự thành kính, tin tưởng và nếu mất đi tương quan này thì hiện sinh cũng mất đi tính trung thực và không còn tính vươn lên nữa. Điều này cho thấy, quan niệm của ông về “bao dung thể” mới chỉ là một ý tưởng căn bản và đó “cũng là một trong những ý tưởng khó hiểu nhất của ông”(16).

Với câu hỏi: Con người là gì? Và chúng ta có hiểu được con người không? Jaspers cho rằng, chúng ta có thể đề cập đến vấn đề con người bằng hai đường lối khác nhau: Một như là đối tượng khảo cứu của khoa học; hai như là một tự do hiện hữu vượt lên trên mọi khảo cứu của khoa học. Trường hợp thứ nhất, chúng ta bàn về con người như một đối tượng khách quan; còn trường hợp thứ hai, chúng ta bàn về “con người như một thực tại không thể khách quan hóa được” và do vậy, chúng ta không thể biết về nó một cách chính xác, minh bạch, rõ ràng, chúng ta cũng không thể biết được bản chất của nó, mà chỉ có thể “cảm nghiệm được bản chất của nó ở tận nguồn tư tưởng và hành động của ta”(17) trên cơ sở những hiểu biết của chúng ta còn hạn chế so với những gì chúng ta có khả năng. Do vậy, tự do của chúng ta là khi chúng ta phải phục tùng những yêu sách, những hướng dẫn tối cao mà chúng ta tin tưởng, tức là con người luôn quyết định về chính cuộc đời mình, cũng như phải có trách nhiệm với xã hội mà chúng ta đang sống. Với quan niệm này, Jaspers cho rằng, con người càng tự do thì nó càng nhận thấy mình thực sự nhận được sự hướng dẫn của Thiên chúa, của siêu việt, bởi con người luôn tin rằng cái tự do ấy không tự nhiên mà có, mà đó chính là một sản phẩm do siêu việt ban tặng cho con người, là tiêu chuẩn để con người hiểu mình hơn, hiểu sự hiện sinh Người của mình hơn. Do vậy, với con người thì sự tồn tại, tự do cũng có nghĩa là Chúa dẫn dắt sự tự do ấy. Một khi con người “đã nhận thấy những bế tắc của kiến thức khoa học về con người”, thì đó cũng là lúc nó “đủ sáng suốt tự ủy thác cho một sức nhiệm mầu nào đó hướng dẫn” mình bằng chính tự do của mình và khi đó “tự do ấy quy hướng về Thiên chúa”(18). Đây chính là “Niềm tin triết lý”, để từ đó lại đặt ra vấn đề là, làm thế nào để chúng ta nhận ra được siêu việt hiện hữu đang hướng dẫn chúng ta hay nói một cách khác, có khi nào con người bắt gặp được Thiên chúa không? Và, sự gặp gỡ đó diễn ra như thế nào? Jaspers đã giải quyết vấn đề này bằng một ví dụ rất cụ thể như sau: “Mỗi ngày Kierkegaard đều phải tự vấn và phó thác mình cho Thiên chúa hướng dẫn. Như vậy ông luôn luôn cảm thấy mình sống trong bàn tay Thiên chúa... Nghĩa là Thiên chúa hướng dẫn ông, nhưng không phải theo một lối hữu hình, cũng không phải bằng những mệnh lệnh hiển nhiên mà là bằng chính tự do của ông. Nên tự do ấy quyết định gì cũng đều quyết định trong sự liên hệ với căn cơ siêu việt”(19). Như vậy, ở đây Jaspers đã cho chúng ta thấy, tự do của con người luôn dẫn dắt bởi Chúa với tư cách “Siêu việt thể” bằng một đường lối khác hẳn đường lối của trần gian, nghĩa là bằng duy có tự do của ta”(20). Rằng, Thiên chúa hướng dẫn con người bằng chính phán đoán của con người về bản thân mình, về những lý do, những động lực thúc đẩy con người hành động, được tự do và thành thật tự vấn, tự phê phán mà trong các phán đoán ấy, con người gián tiếp nhận thấy sự phán đoán của Thiên chúa - một phán đoán quan trọng, quyết liệt và không bao giờ nghe thấy trong trần gian. “Vì vậy tuy không phải hoàn toàn đúng y hệt, nhưng cũng có thể gọi sự giao dịch giữa Siêu việt thể và con người cũng là một sự giao dịch giữa nhân vị và nhân vị”(21), tức là con người xem mình với Thiên chúa như một ngôi vị của sự kính trọng, đồng thời nâng mình lên cho xứng đáng với những gì Siêu việt thể đã ban tặng để có thể ứng xử và thông giao với Chúa.

Như vậy, có thể nói, trong triết học Jaspers không chỉ có những tư tưởng chân thành và sâu sắc về con người, mà còn chứa đựng cả những suy tư, khát vọng của ông trong việc đi tìm định mệnh con người, với những cố gắng không biết mệt mỏi nhằm giúp cho con người vượt ra khỏi cảnh “sa lầy tự mãn” để “hướng vượt xa hơn”. Những tư tưởng này đã có ảnh hưởng tích cực, sâu sắc tới nền triết học hiện đại. Và, ở đây, điều đáng ghi nhận nhất trong tư tưởng về con người của ông là sự thức tỉnh con người, đòi hỏi con người tự ý thức về trách nhiệm làm người của mình cho xứng đáng với sự hiện sinh ấy.

Tư tưởng của Jaspers về “tự do tính”, về “thông giao” cũng mang nhiều ý nghĩa, khi nó giúp cho con người nhận thức được khả năng tự do của bản thân mình, đồng thời ý thức được tình trạng bi đát của tự do bị giới hạn bởi chính con người. Tư tưởng này của ông cũng cho thấy tự do là ý nghĩa căn bản của hiện sinh, nhưng đó không phải là tự do vô lối, vô ý thức của con người.

Triết học hiện sinh của Jaspers cũng đã ít nhiều đóng góp cho tư tưởng triết học tôn giáo nhân loại, khi nó thực sự là một cảnh tỉnh, “ngăn cản không cho các tôn giáo an nghỉ trong những sinh hoạt quá hình thức và trong chỗ dung túng cho những mê tín của quần chúng”(22). Với những ai chưa tin vào Siêu việt, thì tư tưởng của Jaspers như một sự chỉ dẫn để họ trở về với hiện sinh trung thực, khi nhận thức rõ sự hữu hạn của cuộc đời để sống trong mối tương quan với Siêu việt.

Bên cạnh những giá trị đó, triết học hiện sinh của Jaspers lại thể hiện lập trường duy tâm chủ nghĩa, khi nghiên cứu con người nhưng lại không thấy được ý nghĩa vật chất, kinh tế trong việc giải thích nguồn gốc và bản chất của ý thức con người với tư cách sự thống nhất giữa cái sinh học và cái tôi xã hội. Thêm nữa, khi đề cao vai trò và ý nghĩa cá nhân, triết học này đã không thấy được động lực thực sự của lịch sử. Chủ nghĩa hiện sinh của Jaspers cũng chưa phải là một chủ nghĩa nhân vị chân chính, khi nó không đi tới sự tuyên bố xoá bỏ chế độ người bóc lột người. Và, như Tiến sĩ triết học Trần Thái Đỉnh đã nhận xét: “Jaspers tỏ ra tự mâu thuẫn khi ông muốn chủ trương một thứ siêu việt ngoài tôn giáo. Ông càng tự mâu thuẫn khi muốn chủ trương một niềm tin hoàn toàn triết học, nghĩa là một niềm tin ngoài tôn giáo: ông mâu thuẫn, vì chính ông đã dùng phương pháp “soi vào” để nhận định rằng nếu không có truyền thống tôn giáo thì không thể có tín ngưỡng và cũng không thể có kinh nghiệm hiện sinh về siêu việt”(23).

NCS. NGUYỄN LÊ THẠCH (*)
THS. LUYỆN THỊ HỒNG HẠNH (**)
BÀI ĐÃ ĐĂNG TRÊN TC TRIẾT HỌC, SỐ 6 (253), THÁNG 6-2012

(*) Nghiên cứu sinh, Học viện Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
(**) Thạc sĩ, Phó trưởng khoa Lý luận chính trị, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên.
(1) Xem: Đỗ Minh Hợp (chủ biên). Triết học hiện sinh. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr.413.
(2) Karl Jaspers. Triết học nhập môn (Lê Tôn Nghiêm dịch và giới thiệu). Nxb Thuận Hóa và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2004, tr.64 – 65.
(3) Trần Thái Đỉnh. Triết học hiện sinh. Nxb Văn học, Hà Nội, 2008, tr.194-195.
(4) Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.195.
(5) Xem: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.196.
(6) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh, Sđd., tr.196.
(7) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.208.
(8) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.227.
(9) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Sđd, tr.234.
(10) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.235.
(11) Xem: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.221.
(12) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.241.
(13) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.242.
(14) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.242.
(15) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.247.
(16) Dẫn theo: Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.246.
(17) Karl Jaspers. Triết học nhập môn. Sđd., tr.124.
(18) Karl Jaspers. Sđd., tr.128.
(19) Karl Jaspers. Sđd., tr.129-130.
(20) Karl Jaspers. Sđd., tr.130.
(21) Karl Jaspers. Sđd., tr.135.
(22) Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.255-256.
(23) Trần Thái Đỉnh. Sđd., tr.255.

Nguồn http://vientriethoc.vass.gov.vn
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất