Các Trường Phái Triết Học Hy Lạp cổ đại, cuộc đời và cái chết của triết gia Socrate.
Nền triết học Hy Lạp cổ đại là khúc dạo đầu cho một bản nhạc giao hưởng, bản hợp xướng của triết học phương tây. Một giai đoạn lịch sử khởi nguyên tiềm tàng của triết học nhân loại làm tiền đề cho toàn bộ hệ thống triết học phương tây sau này.
A. DẪN NHẬP
1- Lý do chọn đề tài
Nền triết học Hy Lạp cổ đại là khúc dạo đầu cho một bản nhạc giao hưởng, bản hợp xướng của triết học phương tây. Một giai đoạn lịch sử khởi nguyên tiềm tàng của triết học nhân loại làm tiền đề cho toàn bộ hệ thống triết học phương tây sau này. Nền triết học trung cổ là khoảng lặng của những phách nhạc thời gian trải qua hàng ngàn năm. Rồi mới được thăng hoa lên những nốt thăng cung bậc là thời kỳ phục hưng. Đây là giai đoạn quan trọng bừng dậy sau dấu lặng mà khoảng trắng quá dài. Từ những âm ba của những nốt nhạc thăng trầm đó mà ta có cả nền triết học cận và hiện đại như nay. Trong bản nhạc giao hưởng đầy tính bác học của triết học phương tây, mà khúc dạo đầu lại rực rỡ âm sắc trang hoàng đó là những trường phái triết học Hy Lạp cổ đại, nó bức ra khỏi những nốt nhạc trời đầy màu sắc thần linh để khảy lên bằng chính đôi tay của người phàm tục. Những đôi tay vàng ấy được phản ánh qua những triết gia dệt nên những trang bất hủ bởi thời gian, một trong những đôi tay đẹp hơn tất cả đôi tay thời bấy giờ là Socrate, triết lý của ông đã mỹ miều và cái chết của ông như là linh hồn của bản giao hưởng bức ra khỏi phím đàn bay xa vào không gian bất tận. Ta muốn tìm hiểu nét nổi bậc của khúc dạo đầu đầy quyến rũ đó không gì khác hơn là hãy nghiên cứu khái quát về Các Trường Phái Triết Học Hy Lạp cổ đại, cuộc đời và cái chết của triết gia Socrate.
2- Phạm vi và phương pháp nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của đề tài giới hạn trong giai đoạn triết học Hy lạp cổ đại. Với phương pháp nghiên cứu là phương pháp lịch sử và đối chiếu. Bài nghiên cứu quy mô như một bài thu hoạch nên các vấn đề được đề cập mang tính khái quát.
B. NỘI DUNG
1- Điều kiện ra đời của triết học Hy Lạp cổ đại
1.1 Về tự nhiên*
Hy Lạp cổ đại chính là cái nôi của nền triết học phương Tây. Đây là quốc gia rộng lớn có khí hậu ôn hòa. Bao gồm miền Nam bán đảo Ban Căng (Balcans), miền ven biển phía Tây Tiểu Á và nhiều hòn đảo ở miền Egee. Hy Lạp được chia làm ba khu vực. Bắc , Nam và Trung bộ.
Trung bộ có nhiều dãy núi ngang dọc và những đồng bằng trù phú, có thành phố lớn như Athen. Nam bộ là bán đảo Pelopongnedơ với nhiều đồng bằng rộng lớn phì nhiêu thuận lợi cho việc trồng trọt. Vùng bờ biển phía Đông của bán đảo Ban Căng khúc khuỷu nhiều vịnh, hải cảng thuận lợi cho ngành hàng hải phát triển. Các đảo trên biển Êgiê (Egée) là nơi trung chuyển cho việc đi lại, buôn bán giữa Hy Lạp với các nước ở Tiểu Á và Bắc Phi. Vùng ven biển Tiểu Á là đầu mối giao thương giữa Hy Lạp và các nước phương Đông. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy nên Hy Lạp cổ đại sớm trở thành một quốc gia chiếm hữu nô lệ có một nền công thương nghiệp phát triển, một nền văn hóa tinh thần phong phú đa dạng. Nơi có nhiều triết gia mà triết lý của họ trở nên bất hủ.
1.2 - Về kinh tế *
Hy Lạp cổ đại nằm ở một vị trí vô cùng thuận lợi về khí hậu, đất đai, biển cả và lòng nhiệt thành của con người là những tài vật, tài lực vô giá để cho tư duy bay bổng, mở rộng các mối bang giao và phát triển kinh tế.
Thế kỷ VIII – VI BC, đây là thời kỳ quan trọng nhất trong lịch sử Hy Lạp cổ đại là thời kỳ nhân loại chuyển từ thời đại đồ đồng sang thời đại đồ sắt. Lúc bấy giờ đồ sắt được dùng phổ biến, năng xuất lao động tăng nhanh, sản phẩm dồi dào, chế độ sở hữu tư nhân được cũng cố. Sự phát triển này đã kéo theo phân công lao động trong nông nghiệp, giữa nghành trồng trọt và ngành chăn nuôi. Xu hướng chuyển sang chế độ chiếm hữu nô lệ đã thể hiện ngày càng rõ nét. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp, thủ công nghiệp từ cuối thế kỷ VIII BC là lực đẩy quan trọng cho trao đổi, buôn bán, giao lưu với các vùng lân cận. Engels đã nhận xét: “Phải có những khả năng của chế độ nô lệ mới xây dựng được một quy mô phân công lao động lớn lao hơn trong công nghiệp và nông nghiệp, mới xây dựng được đất nước Hy Lạp giàu có. Nếu không có chế độ nô lệ thì cũng không có quốc gia Hy Lạp, không có khoa học và công nghiệp Hy Lạp”.(1)
1.3 - Về chính trị - xã hội *[1]
Từ điều kiện kinh tế đã dẫn đến sự hình thành chính trị - xã hội, xã hội phân hóa ra làm hai giai cấp xung đột nhau là chủ nô và nô lệ. Lao động bị phân hóa thành lao động chân tay và lao động trí óc. Đất nước bị chia phân thành nhiều nước nhỏ. Mỗi nước lấy một thành phố làm trung tâm. Trong đó, Sparte và Athen là hai thành phố cổ hùng mạnh nhất, nồng cốt cho lịch sử Hy Lạp cổ đại.
Thành bang Athen nằm ở vùng đồng bằng thuộc Trung bộ Hy Lạp, có điều kiện địa lý thuận lợi nên đã trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa của Hy Lạp cổ đại, và là cái nôi của triết học Châu Âu. Tương ứng với sự phát triển kinh tế, văn hóa là thiết chế nhà nước chủ nô dân chủ Athen.
Thành Sparte nằm ở vùng bình nguyên, đất đai rất thích hợp với sự phát triển nông nghiệp. Chủ nô quý tộc thực hiện theo lối cha truyền con nối. Chính vì thế Sparte đã xây dựng một thiết chế nhà nước quân chủ, thực hiện sự áp bức rất tàn khốc đối với nô lệ.
Do sự tranh giành quyền bá chủ Hy Lạp, nên hai thành phố trên tiến hành cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài hàng chục năm và cuối cùng dẫn đến sự thất bại của thành Athen. Cuộc chiến tàn khốc đã lưu lại sự suy yếu nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và quân sự của đất nước Hy Lạp. Chiến tranh, nghèo đói đã nảy sinh các cuộc nỗi dậy của tầng lớp nô lệ. Nhưng lại thất bại vì họ xuất phát từ nhiều bộ lạc khác nhau, không có ngôn ngữ chung, không có quyền hạn, không được tham gia vào các hoạt động xã hội, chính trị. Chớp lấy thời cơ, Vua Philíp ở phía Bắc Hy Lạp đã đem quân xâm chiếm toàn bộ bán đảo Hy Lạp thế kỷ thứ II BC, Hy Lạp một lần nữa bị rơi vào tay của đế quốc La Mã. Tuy đế quốc La Mã chinh phục được Hy Lạp, nhưng lại bị Hy Lạp chinh phục về văn hóa.
Engels đã nhận xét “không có cơ sở văn minh Hy Lạp và đế quốc La Mã thì không có Châu Âu hiện đại được” [2]. Vì điều kiện kinh tế, nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa mà các chuyến vượt biển đến với các nước phương Đông trở nên thường xuyên. Chính vì thế tầm nhìn của họ cũng được mở rộng, những thành tựu văn hóa của Ai Cập, Babilon đã làm cho người Hy Lạp ngạc nhiên. Tất cả các lĩnh vực, những yếu tố của nước bạn đều được người Hy Lạp đón nhận, “Những người Hy Lạp mãi mãi là đứa trẻ nếu không hiểu biết gì về Ai Cập”.
Trong thời đại này Hy Lạp đã xây dựng được một nền văn minh vô cùng xán lạn với những thành tựu rực rỡ thuộc các lĩnh vực khác nhau. Chúng là cơ sở hình thành nên nền văn minh phương Tây hiện đại.
Về văn học, người Hy Lạp đã để lại một kho tàng văn học thần thoại rất phong phú, những tập thơ chứa chan tình cảm, những vở kịch hấp dẫn, phản ánh cuộc sống sôi động, lao động bền bỉ, cuộc đấu tranh kiên cường chống lại những lực lượng tự nhiên, xã hội của người Hy Lạp cổ đại.[3]
Về nghệ thuật, đã để lại các công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa có giá trị.
Về luật pháp, đã sớm xây dựng một nền pháp luật và được thực hiện khá nghiêm tại thành bang Athen.
Về khoa học tự nhiên, những thành tựu toán học, thiên văn, vật lý… được các nhà khoa học tên tuổi như Thalés, Pythago, Heraclite sớm phát hiện ra. Và đặc biệt, người Hy Lạp cổ đại đã để lại một di sản triết học vô cùng đồ sộ và sâu sắc.
2. Đặc trưng cơ bản của triết học cổ Hy Lạp
Đỉnh cao của nền văn minh cổ đại đó chính là triết học Hy Lạp cổ đại, và cũng là điểm xuất phát của lịch sử thế giới. Nhìn chung triết học Hy Lạp có những đặc trưng sau:
-Thể hiện thế giới quan, ý thức hệ và phương pháp luận của giai cấp chủ nô thống trị.
- Có sự phân chia và các sự đối lập rõ ràng giữa các trào lưu, trường phái, duy vật - duy tâm, biện chứng - siêu hình, vô thần - hữu thần.
- Gắn bó mật thiết với khoa học tự nhiên để tổng hợp mọi hiểu biết về các lĩnh vực khác nhau, nhằm xây dựng một bức tranh về thế giới như một hình ảnh chỉnh thể thống nhất mọi sự vật, hiện lại xảy ra trong nó. Đã xây dựng nên phép biện chứng chất phác, hoang sơ.
- Coi trọng vấn đề về con người.
Triết học cổ Hy Lạp mang tính duy vật tự phát và biện chứng sơ khai. Tách ra khỏi yếu tố thần linh thống trị con người từ xưa, đỉnh cao của triết học cổ Hy Lạp là triết gia Socrate. Ông đã đề cập đến thân phận con người. Đa phần các triết gia có xu hướng hướng ngoại thì Socrate quay về hướng nội, ông đã đề cập đến đạo đức con người.
3-Các trường phái triết học Hy Lạp cổ đại
3.1-Chủ nghĩa duy vật*
Chủ nghĩa duy vật được hình thành từ trường phái Milet- trường phái Heraclite, trường phái Đa nguyên và đạt được đỉnh cao như trong trường phái Nguyên tử luận.
3.1.1-Trường phái Milet*
Trường phái triết học Milet là trường phái của các nhà triết học đầu tiên xứ Lonie, một vùng đất nổi tiếng của Hy Lạp. Nằm chạy dài trên miền duyên hải Tiểu Á, nằm giữ huyết mạch giao thông, là cửa mở đi về phương Đông, và là trung tâm kinh tế, văn hóa của thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Nơi đây được xem là quê hương của nhiều trường phái triết học của triết gia nổi tiếng.
Trường phái này do ba nhà triết học lập nên như: Thales, Anaxi-mène và Anaximandes. Đóng góp quan trọng nhất của trường phái này là đã đặc nền móng do sự hình thành các khái niệm triết học để các triết gia sau này tiếp tục bổ xung và làm phong phú thêm những khái niệm đó như khái niệm chất, không gian, sự đấu tranh của các mặt đối lập v.v… Một điều đáng quý nữa là các triết gia đã xuất phát từ thế giới để giải thích thế giới, khẳng định thế giới xuất phát từ một thời nguyên vật chất duy nhất.
3.1.2-Trường phái Héraclite : (540 – 575 BC)*
Do nhà ẩn dật Héraclite sáng lập. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình quý tộc chủ nô ở thành phố Ephetdơ. Ông sớm trở thành một nhà triết học duy vật thể hiện rõ các tư tưởng biện chứng chất phát từ thời cổ Hy Lạp. Ông coi bản nguyên của thế giới là lửa. Vũ trụ không phải do Thượng Đế hay một lực lượng siêu nhiên nào đó tạo ra, mà nó “đã” và “đang” sẽ mãi mãi là ngọn lửa vĩnh hằng không ngừng bùng cháy và lụi tàn. Tàn lụi và bùng cháy theo cái logos tức là “quy luật, trật tự” nội tại của chính mình. Ông xem thế giới “vừa tồn tại vừa không tồn tại”, “không ai tắm hai lần trong một dòng sông”. Thế giới vật chất “vừa đa dạng vừa thống nhất, vừa mang tính hài hòa vừa xung đột”.
Như vậy, Héraclite là nhà triết học đã nêu lên các phỏng đoán thiên tài về quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, mà sau này Marx đã đề cập và đi sâu. Phép biện chứng duy vật chất phát là đóng góp của triết học Héraclite vào kho tàng tư tưởng của nhân loại. “Thế giới chỉ là ngọn lửa đang bập bùng cháy suốt ngày đêm”.[4]
3.1.3-Trường phái đa nguyên*
Để giải thích tính đa dạng của vạn vật trong thế giới theo tinh thần duy vật Empedocles ( 490 – 430 TCN ) và Anaxagoras ( 500 – 428 TCN ) cố vượt qua quan niệm đơn nguyên sự khai minh của các trường phái như Milet - trường phái Héraclite xây dựng quan niệm đa nguyên về bản chất của thế giới vật chất đa dạng. Empedocles thừa nhận khởi nguyên của thế giới là bốn yếu tố : đất, nước, lửa và không khí. Anaxagorax cho rằng cơ sở đầu tiên của tất cả mọi sự vật là “những hạt giống”. Anaxagorax xem “ mọi cái được trộn lẫn trong mọi cái”.[5]
Tuy nhiên, quan điểm của họ cũng còn mang tính sơ khai, nghĩa là còn hạn chế. Những hạn chế này được thuyết phục bởi thuyết nguyên tử luận. Nhưng thuyết này vẫn còn sơ khai và nhận định bằng cảm tính.
3.1.4-Trường phái nguyên tử luận*
Trường phái này là đỉnh cao của triết học duy vật Hy Lạp cổ đại được thể hiện trong trường phái nguyên tử luận thế kỷ V – III BC. Leucippe là người sáng lập và Démocrite là người kế thừa và phát triển.
Leucippe (500 – 440 BC), ông cho rằng, mọi sự vật được cấu thành từ những nguyên tử. Đó là những hạt vật chất tuyệt đối không thể phân chia được, nó vô hạn về số lượng và vô hạn về hình thức, nó vô cùng nhỏ bé, không thể thẩm thấu được. Tư tưởng của ông không được hiểu một cách đầy đủ, nhưng ông đã để lại qua những trang viết của các học trò ông tổng hợp. Démocrite (460 – 370 BC) là học trò của Leucippe đã kế thừa và phát triển thuyết nguyên tử luận trên một phương diện mới. Theo ông vũ trụ được cấu thành bởi hai thực thể đầu tiên là nguyên tử và chân không. Hai thực thể này là căn nguyên của các sự vật hiện tượng.
3.2-Chủ nghĩa duy tâm*[6]
Giai đoạn Hy Lap cổ đại, chủ nghĩa duy tâm được hình thành trong trường phái triết học Pythagore, trải qua trường phái duy lý Elee và đạt được đỉnh cao trong trường phái duy tâm khách quan của Platon, tức thế giới ý niệm.
3.2.1-Trường phái Pythagore
Pytagore (Pythagore, 571 – 497 TCN) là nhà triết học, toán học uyên bác. Sinh ra và lớn lên ở vùng Tiểu Á. Do ảnh hưởng của toán học ông cho rằng “con số” là bản nguyên của thế giới, là bản chất của vạn vật. Một vật tương ứng với một con số nhất định, con số có trước vạn vật. Và tư tưởng Pythagore cũng thừa nhận sự bất tử và luân hồi của linh hồn. Ông cũng bàn đến các mặt đối lập vôn có của mọi sự vật hiện tượng, ông quy về mười cặp đối lập hữu hạn và vô hạn, chẳn và lẻ, đơn và đa, phải và trái, nam và nữ, động và tĩnh, thẳng và công, sáng và tối, tốt và xấu, tứ giác và đa diện. Mười cặp đối lập này chia làm bốn lĩnh vực là: toan học, vật lý, sinh học và đạo đức. Đó là những mặt đối lập cơ bản của tự nhiên và xã hội. Chính trường phái Pythagore đã đặc nền móng ban đầu cho trào lưu duy tâm thời cổ đại của triết học Hy Lạp.
3.2.2-Trường phái Elée
Trường phái Elée (V – IV BC) do Xénophane thành lập theo chủ nghĩa duy vật, nhưng sau đó Parménide phát triển theo chủ nghĩa duy tâm và được Zeno nhiệt thành bảo vệ và phát huy.
Xénophane (570 – 478 BC) là bạn của Thales nên chịu ảnh hưởng của nhà triết học này. Ông cho rằng mọi cái đều từ đất mà ra, và cuối cùng trở về đất. Đất là cơ sở của vạn vật. Cùng với nước, đất tạo nên sự sống của muôn loài. Parménide (500 – 449 BC) xuất thân trong một gia đình trí thức giàu có ở Elée. Ông cho rằng, “tồn tại” là bản chất chung thể hiện tính thống nhất của vạn vật trong thế giới. “Tồn tại” là một phạm trù triết học mang tính khái quát cao, và nhận thức bởi tư duy, lý tính. Quan niệm “tồn tại”đánh dấu một giai đoạn mới trong phát triển triết học Hy Lạp cổ đại.
Zeno (490 – 430 BC), là người bảo vệ nhiệt thành trường phái Elée. Ông đưa ra những Aporic nghĩa là tình trạng không có lối thoát hay nghịch lý. Thông qua chúng, ông chứng minh rằng, “tồn tại là đồng nhất, duy nhất là bất biến”. Còn tính phức tạp, đa dạng và vận động của thế giới là không thực.
3.2.3-Trường phái duy tâm khách quan
Thể hiện lập trường chính trị của tầng lớp chủ nô bảo thủ chống lại nền dân chủ Athen và hệ thống triết học duy vật của trường phái nguyên tử luận. Được xây dựng bởi Socrate và Platon.
Socrate (469 – 399 BC), khác với nhiều nhà bác học khác là không nghiên cứu về giới tự nhiên, ông dành phần lớn nghiên cứu về con gười, đạo đức. “Con người hãy nhận thức về chính mình”. Bàn về con người dưới khía cạnh đạo đức. Platôn (427 – 347 BC), xuất thân trong một gia đình chủ nô quý tộc ở Athen. Ông trở thành kiệt xuất nhất thời cổ đại Hy Lạp bởi quan niệm triết học duy tâm khách quan. Ông xây dựng chủ nghĩa duy tâm khách quan với nội dung chính là “thuyết ý niệm”, với giá trị bên trong là phép biện chứng của khái niệm và nhiều tư tưởng sâu sắc khác về đạo đức, chính trị, xã hội.
3.3-Chủ nghĩa nhị nguyên
Triết học Aristote :
Aristote (384 – 322 TCN). Ông sinh ra tại miền Bắc Hy Lạp, là học trò xuất sắc của Platon. Nhưng đặc biệt ông phê phán học thuyết “ý niệm” của Platon. Vì ý niệmnó thuộc về thế giới bên kia không có lợi cho người. Theo Platon, ông cho rằng thuộc tính quan trọng của thế giới là “vận động”. Triết học của Platon còn thể hiện ở quan điểm về thế giới tự nhiên. Tự nhiên là toàn bộ của sự vật có một bản thể vật chất mãi mãi vận động và biến đổi. Thông qua vận động mà giới tự nhiên được thể hiện ra. Vận động không tách rời vật thể tự nhiên. Vận động của thế giới tự nhiên có nhiều hình thức, sự tăng và giảm, sự ra đời và tiêu diệt, sự thay đổi trong không gian, sự thay đổi về chất … Tuy nhiên, triết học của ông còn hạn chế, dao động giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, nhưng ông đã mở ra một chân trời mới cho khoa học Phương Tây phát triển.
4. Triết gia Socrate (469 – 399BC)[7]
4.1-Tiểu sử của Socrate
Socrate xuất thân trong một gia đình khá giả ở Athen. Cha làm nghề điêu khắc, mẹ là nữ hộ sinh. Ông hướng về chính thể chủ nô quý tộc chống lại chủ nô dân chủ. Năm 399 BC, ông bị chủ nô dân chủ kết án tử hình về tội “coi thường luật pháp, chống lại chế độ bầu cử dân chủ”. Đối với ông chỉ có văn nói sống động, và văn viết đã bị khô cứng. Vì vậy cuộc đời ông không để lại một tác phẩm nào. Chỉ biết được ông qua đệ tử của ông.
4.2- Quan điểm triết học của Socrate.
Triết học của ông khác với các nhà triết học trước đó. Các nhà triết học trước nghiên cứu về giới tự nhiên. Nhưng ông dành phần lớn vào việc nghiên cứu về con người, về đạo đức, về nhân sinh quan. Triết học không gì khác hơn là sự nhận thức của con người về chính mình, “con người hãy nhận thức chính mình”. Bắt đầu từ ông, đề tài con người trở thành một trong những chủ đề trong tâm của triết học phương Tây. Vì vậy, quan điểm triết học của ông bàn đến vấn đề con người trong đời sống xã hội mà trước hết là hành vi đạo đức.
Xuất phát từ “đạo đức học duy lý”, ông cho rằng, “Hiểu biết là cơ sở của điều thiện, ngu dốt là cội nguồn của cái ác, và chỉ có cái thiện phổ biến mới là cơ sở của đạo đức, mới là cơ sở của đức hạnh. Ai tuân theo cái thiện phổ biến thì người đó mới có đạo đức. Và muốn theo cái thiện phổ biến thì phải hiểu được nó, muốn hiểu được nó phải thông qua các cuộc tranh luận, tọa đàm, luận chiến tìm ra chân lý theo cách thức mà về sau được gọi là “phương pháp Socrates”. Trở nên thấp kém hơn bản thân mìnhkhông phải là cái gì khác hơn ngoài sự ngu dốt, trở nên cao cả hơn bản thân mình không phải cái gì khác ngoài sự thông thái”.
Phương pháp triết học của ông gồm bốn bước : Một là “mỉa mai”, tức là nêu ra những câu hỏi mẹo, mang tính châm biếm, mỉa mai nhằm làm cho đối phương sa vào mâu thuẫn. Hai là “đỡ đẻ tinh thần”, giúp cho đối phương thấy được con đường để tự mình khám phá ra chân lý. Ba là “qui nạp”, tức là xuất phát từ cái riêng lẻ khái quát thành những cái phổ biến, từ những hành vi đạo đức riêng lẻ tìm ra cái thiện phổ biến của mọi hành vi đạo đức. Và phương pháp cuối cùng là “định nghĩa”, là chỉ ra hành vi thế nào đạo đức, quan hệ thế nào là đúng mực. Phương pháp này đối với ông chỉ có những người có tri thức như giai cấp quý tộc và các triết gia mới là những người có đạo đức. Bốn bước này quan hệ chặt chẽ với nhau trên bước đường tìm kiếm tri thức chân thật, bản chất giúp con người sống đúng với tư cách và phận sự, của nó trong đời sống xã hội.
Sự đóng góp của ông thay đổi từ nguyên lý vũ trụ sang nguyên lý nhân minh đã làm nên một bước chuyển mới trong nền triết học. Cho nên, triết học Hy Lạp mới lấy ông làm tiêu chí để phân kỳ, nó là thẩm định những giá trị của tư tưởng Socrates đối với sự phát triển trong lịch sử.
Ông là một trong những nhà tư tưởng nổi tiếng thời cổ đại, ông không để lại cho đời một tác phẩm nào, vì ông chỉ thường xuyên đàm luận mà không viết. Ngày nay chúng ta sở dĩ biết được được về socrates là do các học trò của ông và những tư tưởng khác .
Năm 399 trước Công nguyên ông bị kết án tử hình vì tội hoạt động chống chế độ dân chủ, chủ trương thay tôn giáo đương thời bằng một tôn giáo mới làm giảm hiệu lực của nước nha, là hư hỏng thanh niên. Ông đã từ chối việc cứu ông ra nước ngoài và đã uống thuốc độc tự tử trong tù.
4.3. Tư Tưởng Triết Học Của Socrate
Socrates khác với các nhà triết học khác, ông không hướng về nghiên cứu tự nhiên. Ông dành phần lớn công sức nghiên cứu triết học về nhân bản, về con người và về Đạo Đức, ông đã nói với các học trò rằng không nên đặt vấn đề nghiên cứu tự nhiên, vì giới tự nhiên đã được thần thánh an bài cả rồi, nếu cố công phá khám phá giới tự nhiên là xúc phạm đến thần thánh, thần thánh ở khắp mọi nơi, có sức mạnh kỳ diệu, sáng tạo ra thế giới, có thể nhìn thấy tất cả, nhưng không thích con người phát hiện ra mình.
Do vậy socrates cho rằng triết học không có gì khác hơn là sự nhận thức của con người về chính bản thân mình “ con người hãy nhận thức chính mình”, từ đây con người trở thành một trong những chủ đề trọng tâm nghiên cứu về triết học. Socrates tìm cách khám phá ra các chân lý chung cho con người trong các cuộc đàm thoại, theo ông để có cuộc đàm thoại được, những người tham gia cuộc đàm thoại phải có “ngôn ngữ chung” nhất định, ngôn ngữ đó mang tính khách quan, nhờ đó con người mới khám phá ra chân lý một cách đích thực mà ai cũng phải thừa nhận. Theo ông ý thức của con người trong cuộc đàm thoại, ngoài yếu tố chủ quan, còn có một nội dung khách quan, có tri thức phổ biến mang tính tổng quát. Đó là những tri thức chung mà mỗi con người chúng ta có được bằng nỗ lực của mình. Socrates cho rằng tri thức chung đó là chân lý khách quan thu được trong các cuộc đàm thoại mà ai cũng phải thừa nhận. Nên ý kiến chủ quan của mỗi người không phải là tiêu chuẩn của chân lý. Theo ông khám phá ra chân lý đích thực về bản chất sự vật tức là phải hiểu nó có khái niệm. Nếu không có khái niem xem như không có tri thức. Một vấn đề được lý luận rõ ràng, có lô gíc dễ thuyết phục.
4.4. Nhận Thức Luận Của Socrate.
Nhận thức luận của ông chủ yếu là thể hiện qua đạo đức của con người. Đạo đức học của ông mang tính chất duy lý, ông thừa nhận Đạo Đức và Tri Thức thống nhất là một “ Mỗi điều thiện đó là tri thức và mỗi điều ác đó là sự dốt nát”, mỗi hành vi vô đạo đức đều là kết quả của sự dốt nát của chúng ta. Ông cho rằng cai thiện phổ biến là cơ sở của đạo đức, là tiêu chuẩn của đức hạnh, muốn tuân thủ theo cái thiện thì phải nắm bắt được nó, hiểu nó, để phát hiện được cái phổ biến, phải có phương pháp tìm ra chân lý thông qua các cuộc tranh luận. Theo socrates có 4 phương pháp:[8]
Một là “mĩa mai” đây là một thủ pháp phản biện rằng cách nêu lên những câu hỏi sao cho người đối thoại tự thấy mâu thuẩn với ý kiến của mình, từ đó mới thừa nhận sai lầm trong ý kiến đưa ra, thấy được sự thiếu xót ngu dốt của mình.
Hai là “ đỡ đẻ “ đây là thủ pháp đi liền với thủ pháp thứ nhất, và được thực hiện sau khi tiến hành thủ pháp “ mỉa mai”, bởi vì sau khi làm cho đối phương tranh luận thấy được cái sai của mình thì cần phải giúp đỡ họ tìm ra lối thoát bằng cách đạt tới tri thức đúng trừ bỏ quan điểm sai.
Ba là “ quy nạp” mục đích của yếu tố này là từ những cái riêng lẻ khái quát lên thành cái chung, có ý nghĩa phổ biến, nghĩa là từ những hành vi đạo đức cụ thể, riêng lẻ phải phân tích, so sánh để tìm ra cái thiện phổ biến của mọi hành vi đạo đức.
Bốn là “xác định “, chủ yếu chỉ ra những hành vi Đạo Đức thuộc loại nào, chúng có phụ thuộc và quan hệ với nhau như thế nào.
Socrates đưa nhieu ví dụ để chứng minh: nếu không hiểu được cái chung cái phổ biến, thì người ta không thể nào phân biệt cái chính nghĩa và cái phi nghĩa, cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu ….
4.5. Quan Niệm “ Hãy Tự Biết Người” của Socrate
Trong đền thờ thần Apollon ở Delphes đã có câu chăm ngôn; “Ngươi tự biết ngươi”. Socrates đã lấy câu châm ngôn ấy mà triển khai sâu rộng về mọi mặt, mọi hoạt động trong cuộc đời của socrates, đối với bản thân, cũng như đối với người khác chỉ có một điều duy nhất, nhìn và dẫn cho người ta thấy, làm cho người ta thấy chính bản thân của mỗi người. Hướng về cái nhìn chính ta, nhìn về con người của ta. Mỗi người hãy lam như thế. Tại sao thế gian loài người điên đảo? Tại sao lòng người tràn đầy dục vọng? tại sao giả dối, thù hiềm tràn lan ? ấy chỉ vì ta chú trọng đến những sự vật, sự kiện quanh ta, trong môi trường ta sống mà quên mất con người của ta. Người ta quên mà không biết rằng mình đang quên cái ta thật sự. Quan điểm này cũng tương quan với quan điểm đạo Phật.
Sự quên lãng đó socrates cho rằng; người ta chỉ làm chỉ nghĩ theo bên ngoài, tức là theo dư luận, thành kiến, tình cảm nhất thời, theo ham muốn, tiền tài giàu sang quyền lực … người lười suy nghĩ không thật sự suy nghĩ, người chỉ châm chú những thứ bên ngoài bản than, chỉ nhìn thoáng qua chính bản thân mình. Bởi vì theo thường tình người ta còn cạnh tranh giết hại, giành giựt các thứ bên ngoài. Nếu con người nhìn trở về bản thân mình, biết suy nghĩ sâu xa, suy nghĩ độc lập, không bị dục vọng tình cảm yêu ghét tác động sẽ thấy được ánh sáng ngời chiếu bên trong con người mình. Anh sáng Socrates nói đây là ánh sáng chí thiện, là cái Lý Trí Trong Sáng là Tình Yêu Thương. Anh sáng bên trong con người là ánh sáng nội tại, tạo hóa sinh ra, ai cũng có ánh sáng nội tại vẫn hằng hữu trong con người, nhưng người ta bị những thứ phù phiếm bên ngoài thu hút, lao tâm khổ trí để chạy theo cái xung quanh.
Nếu ngày nào, con người còn bỏ quên ánh sáng nội tại, mà chỉ lo cái bên ngoài, thì người ta chưa đích thực sống với chính. Socrates đã nói rằng; “Anh sáng nội tại trong con người ví như ánh sáng mặt trời, có thể toả khắp nơi. Không một thứ nào bên ngoài con người như tiền tài danh vọng, nhà cao cửa rộng lại tỏa rạng hơn nó.” Chính vì những quan điểm đó mà Socrates đã trọn đời đi lang thang truyền dạy, và cũng chính vì nó mà socrates sẵn lòng hy sinh mạng sống của mình.
Socrates cho rằng con người bỏ đi ánh sáng tâm linh thì sẽ như thế nào?[9]
Hầu hết thế nhân chỉ là con rối giữa cuộc đời mà không còn là con người đích thực của họ. Người ta nói mà không biết những gì mình đang nói, làm mà không biết rõ việc mình làm, tất cả là trống rỗng và dối gạt. Một con người không tự chủ, một con rối giữa đời. Họ không phải là con người độc lập mà phải gọi họ đích thực là nô lệ. Dù cho giàu có đến mấy cũng là một người nô lệ. Nô lệ của dục vọng, của ham muốn….và họ không còn tự mình định đoạt công việc và số phận của mình.
Tạo hóa ban cho mỗi người cái tâm yêu sự lành thiện, không cầu mong gì cả trong lúc làm lành, đấy là Chí Thiện. Ban cho con người lý trí thẳng ngay để phân biệt điều tốt điều xấu, đấy là lý trí trong sáng. Phú sinh cho mỗi người lòng yêu thương, đấy là tình yêu thương. Ba điều trên là ánh sáng nội tại, ai cũng có. Người sống trên đời tốt đẹp và hoàn thiện là do ánh sáng ấy mà nên. Xã hội loài người hòa bình, thịnh vượng ấm no cũng là nhờ những người dân trong xã hội trở về với ánh sáng tâm linh ấy. Nó là căn bản của những người đích thực là một con người, nó là những điều kiện cho một thế giới thái bình mà chúng ta mơ ước.
Anh Sáng Nội Tại chính là luân lý Đạo Đức và tinh thần sáng suốt. Cho nên socrates kêu gọi con người trở về sống với nội tại, tức là trở về Đạo Đức, luân lý. Xã hội thái bình theo Socrates cũng là một xã hội Đạo Đức luân lý ngự trị điều hành.
Socrates nói rằng con người trở về sống áng sáng tâm linh nội tại sẽ như thế nào?
Đó là một người tự biết về mình, một người đạo đức, nhân cách thanh cao, nói những lời đúng đắn. Người ta biết rõ rằng đạo đức thì chân thật bền lâu, hòa bình an ninh, đem lại hạnh phúc, còn những thứ vật chất phù hoa chỉ là tạm bợ, nay còn mai mất, nó nguyên nhân dẫn đến tội ác, đem đến khổ đau. Nếu có lý trí trong sáng trở về mình, tự hiểu mình sống có đạo đức thì xã hội ngày càng tốt đẹp. Đó là kết quả của suy nghĩ, tư duy. Với lý trí trong sáng đưa ta tới tư tưởng thích nghi, hoà hợp với chí thiện, đây là luận đề hoà hợp trong triết lý của Socrates.
Lý trí trong sáng loại bỏ lý trí rối rắm;
Những tư tưởng ích kỷ, hại người, những ý nghĩ ám muội, những âm mưu gian xảo, không thuộc lý trí trong sáng. Đó là phần lý trí rối rắm của những tâm hồn tà gian ác độc, rời bỏ chí thiện và tình yêu thương. Trong xã hội đời thường của Hy Lạp trên 2500 năm trước - thời Socrates, và thực tại thế giới ngày nay ta thấy đại đa số người ta lười tư duy sáng tạo. Con người hay suy nghĩ theo lý trí rối rắm, những khiếm khuyết tệ hại đó làm cho thế giới loạn lạc, loài người suy đồi. Do vậy muốn bỏ đi lý trí rối rắm đó để xây dựng một con người đích thực thì phải qua ba việc:
a-Tự Mình Thanh Tẩy Mình
Khi Socrates đặt câu hỏi với người đối thoại, ông luôn khơi gợi cho con người ấy trở về quán xét mình. Người ấy thấy mọi điểm tựa, mọi điều ham thích mà họ lao tâm tìm kiếm… đều hoàn toàn sụp đổ, khiến người ta sững sờ. Bây giờ người ấy đột nhiên đứng trước một con người mới cũng lại là chính họ. Do họ mới khám phá ra điều này vô cùng lợi ích xây dựng con người tự do, đích thực là chính mình. Tình trang ấy là tự thanh tẩy mình, có thể nói như Hòa thượng Thanh Từ là sự “Giải ngộ”.
b- Sự Tự Định Đoạt Độc Lập Tự Chủ
Sau khi con người tự Thanh Tẩy, thì con người có một tinh thần và trí thông minh mới mẻ, nhờ nhìn và nhận định sự việc không hoặc ít sai lầm, nhận thức sáng suốt hơn. Bởi thế trí thông minh loại bỏ cả những thành kiến, định kiến trở thành vô tư hơn. Nhờ có tinh thần sáng suốt nên con người tự định đoạt việc làm của mình một cách độc lập và tự chủ, không hoặc ít lệ thuộc bởi tác nhân khác.
c-Sự Xây Dựng Con Người Chân Chính, Đích Thực
Con người tàn ác xấu xa, dù quyền lực lóe mắt thiên hạ, dù tiên bạc chất như núi cũng luôn là kẻ khổ sở, vì là kẻ phạm tội trước ánh sáng tâm linh nội tại của chính mình. Trái lại người sống hòa hợp với ánh sáng tâm linh với cái Chí Thiện và Tình Yêu Thương, thì luôn luôn được thư thái, dù gặp những nghịch cảnh của cuộc đời cũng không ảnh hưởng đến tâm hồn thư thái của họ. Nếu bị cư xử việc bất công, người đạo đức vẫn sẵn sàng gánh chịu. Cũng như Socrates cam chịu án tử hình dù án ấy bất công. Một việc làm bị người khác hay một xã hội hiểu lầm …. Tất cả những trường hợp như thế, người đạo đức vẫn xem là những cơ hội để họ có hành vi cao cả, xây đắp thêm hình tượng con người chân chính. [10]
Bởi thế socrates nói; “ Đức hạnh không có lúc chấm dứt, nó luôn luôn tạo tác nên”. Nên trước lúc chết ông nói với Criton: “Các con chỉ chôn cái thể phách của thầy thôi”.
5-Sự Tương Quan Triết Lý của Socrate với Quan Điểm Phật Giáo
5.1-Hãy Tự Biết Người
Qua triết lý “hãy tự biết ngươi” của Socrate cho chúng ta thấy rằng tư tưởng của Socrate đã tương quan rất nhiều với tư tưởng của Phật Giáo[11], điển hình với những câu: “Trong môi trường ta sống mà quên mất con người của ta. người ta quên mà không biết rằng mình quên cái ta thật sự.” hay “Anh sáng nội tại trong con người ví như ánh sáng mặt trời, có thể toả khắp nơi. Không một thứ nào bên ngoài con người như tiền tài danh vọng, nhà cao cửa rộng lại tỏa rạng hơn nó”v.v…
Như vậy với những ý tưởng này thì trong Phật Giáo chúng ta cũng thường bắt gặp qua những lời dạy của Đức Phật qua các kinh sách; “Mọi việc làm hành động ta cần phải tự chủ, vì tự chủ sẽ giúp ta sáng suốt khi làm bất cứ điều gì, nhìn nhận một cách chính xác không đưa đến việc sai lầm. Đức phật đã khẳng định: “Con người là chủ nhân của nghiệp, là người thừa tự nghiệp” hay “Hãy tự mình làm hòn đảo nương tựa cho chính mình, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” cho nên Đức Phật đã bác bỏ tất cả các vấn đề siêu hình không có khả năng đưa đến sự giải thoát khổ đau mà con người phải đối mặt gánh chịu hằng ngày trong cuộc sống.
5.2-Trở Về Sống Anh Sáng Tâm Linh Nội Tại
Socracte cho rằng; “Con người trở về sống với ánh sáng tâm linh nội tại của mình thì con người có đạo đức, nhân cách thanh cao, nói những lời đúng đắn”. Với triết lý nhà Phật không dừng ở đây mà còn tiến xa hơn nữa. Đức phật đã dạy; “Muốn diệt được những tâm tán loạn, vọng chấp, thì không gì bằng là ta hãy trở về sống với bản tâm thanh tịnh sẳn có của mình”[12]. Nếu ta trở về với chính mình thì, việc làm và lời nói chúng ta đúng đắn, có một nhân cách thanh cao, hơn nữa trở về chính mình là một phướng pháp giúp chúng ta đoạn trừ vọng chấp, luôn rạng lọc tâm ý trong sạch, nếu chúng ta hằng sống với tánh ấy thì đây là con đường giúp chúng ta đạt được quả vị an lạc giải thoát. Đức phật cho rằng con người sỡ dĩ trôi lăn trong vòng sanh tử là cũng chính luôn chạy theo dục lạc thế gian (Tham ái)[13], cứ lấy khổ mà làm vui, cho tất cả dục lạc điều là sở đắc của chính mình. Mà quên đi viên ngọc quý ở trong ta[14]. Do đó Đức Phật đã đưa ra phương pháp trở về chính mình là cho chúng ta thấy rằng con đường an lạc và hạnh phúc chính ngay nơi bản tâm chúng ta không tìm đâu khác mà có được.
5.3-Không Trở Về Với Anh Sáng Tâm Linh Thì Như Thế Nào?
Socrates đã nói rằng con người không trở về với ánh sáng tâm linh thì; “Hầu hết thế nhân chỉ là con rối giữa cuộc đời mà không còn là con người đích thực của họ. Người ta nói mà không biết những gì mình nói, làm mà không biết rõ việc mình làm. Tất cả là trống rỗng và dối gạt. Một con người không tự chủ, một con rối giữa đời. Họ không phải là con người độc lập mà phải gọi họ đích thực là nô lệ. Dù cho giàu có đến mấy cũng là một người nô lệ. Nô lệ của dục vọng, của ham muốn….và họ không còn tự mình định đoạt công việc và số phận của mình.”[15]
Qua những triết lý của Socrates ta thấy rằng rất tương đồng với tư tưởng triết lý Phật Giáo. Đức Phật Ngài nói đại ý: “Sỡ dĩ con người trôi lăn trong vòng sanh tử là cũng từ nơi ta không tự chủ được chính mình luôn chạy theo dục vọng tìm cầu, những thứ phù hoa ảo ảnh, họ không biết rằng đây là những sợi dây trói buộc đưa ta đến khổ đau”. Con người khổ đau vì con người không có nhận thức chuẩn mực về thực tại và trước thực tại. “Nguồn gốc của mọi đau khổ là do vô minh”. Đức Phật ngài đã lặp lại nhiều lần trong câu nói quan trọng đó. “Cái khổ của con lừa, con lạc đà chở nặng, cái khổ của kẻ trôi lăn trong lục đạo chưa gọi là khổ. Ngu si không nhận thức được thực tại, không biết được hướng đi mới thật là khổ”[16].
Tất cả những nghiệp nhân xấu ác và vụng của con người đều bắt nguồn từ vô minh, từ chổ không nhận thức được chân tướng hiện hữu thực tại. Hiểu sai lạc đi đến biến kế sở chấp. Màn vô minh dục vọng và tư kiến đã khiến cho trí tuệ con người yếu kém, vô năng, chấp trước. Biến có nghĩa là cùng khắp tất cả, kiến chấp nghĩa là nhận thức và suy tưởng sai lầm, rồi bảo thủ những nhận thức và suy tưởng sai lầm ấy. Vì vậy ta không nắm được thực tại chính mình, mà ta chỉ tạo trong nhận thức những hình bóng sai lạc méo mó về thực tại và điều đó cũng đưa ta vào nẻo khổ đau.
Những ý tưởng của socrate chỉ đưa cho con người đến chỗ hạnh phúc và an lạc thực tại trong cuộc đời này. Còn đối với triết lý Phật Giáo Ngài đã dẫn con người đi xa hơn, đạt đến sự an lạc cứu cánh trong đời hiện tại và cả tương lai.
5.4- Cái chết của Socrate
Ông là nhà triết học cổ đại Hy Lạp đầu tiên đề cập đến con người, ông quan niệm “Hãy tìm hiểu chính mình”, đó là chuẩn mực về đạo đức. Nền tảng đạo đức của ông là Đạo đức học duy lý , nó có ba đặc tính cơ bản: Tri thức, kết hợp lí luận với thực tiễn, hạnh phúc là làm điều thiện.[17] Chính cái tính hiền triết đạo đức trong ông như là giá trị của cái thiện tiềm ẩn mà cả đời ông đã theo đuổi.
Socrate ủng hộ chủ nô quí tộc thời bây giờ, lúc chủ nô dân chủ lật đổ chủ nô quí tộc cũng là lúc cánh cửa cuộc đời ông khép lại.
Socrate bị chủ nô dân chủ cáo buộc ông là “đầu độc và làm bại hoại đạo đức của lớp trẻ”. Ông bị kết án tử hình bằng độc dược.
Môn đệ của ông đã lo lót cho cai ngục để cướp ngục, đưa ông ra khỏi nhà tù nhưng ông từ chối điều đó. Có người cho rằng lúc đó ông đã 70 tuổi, đã già nên không thiết tha gì cuộc sống, ông thấy nó đã quá đủ. Nhưng họ đâu hiểu rằng bản năng sinh tồn của bất cứ ai trên cõi đời này cũng như nhau, chính những người già họ lại càng sợ phải chết vì quỉ thời gian của họ không còn bao lâu nên họ cố mà sống. Ông nói với các môn đệ: “Hãy cứ vui đi, các con chỉ chôn cái thể phách của thầy”.[18] Ông đã an nhiên đón nhận cái chết không chút run sợ.
Người giữ ngục trước lúc đưa bát thuốc độc cho ông lại phân bua, vì nhiệm vụ bắc đắc dĩ ông ta phải làm thế và dặn Socrate bình tỉnh đón nhận. Socrate nhẹ nhàng trả lời: “Tôi sẽ làm như lời ông nói và chúc mọi sự tốt lành”. Socrate quay qua Criton, người học trò thân cận bảo:
-Người ai ngục đó rất tốt với thầy từ lúc thầy vào đây, y đến thăm hỏi luôn, bây giờ y thật tình mến tiếc. Nhưng Criton ơi! Hãy đem chén thuốc độc vào đây nếu thuốc đã chế xong, còn nếu thuốc chưa chế xong hãy bảo người ta chế.
Ông căn dặn một cách nhẹ nhàng, nhã nhặn như bảo học trò dọn cơm lên ăn hàng bữa, như những lời dạy ngọt ngào thuở nào trên lớp học dưới những tàng cây.
Criton muốn kéo dài thời khắc ấy, nói trong nghẹn ngào:
-Thưa sư phụ, mặt trời còn trên đỉnh đồi. Nhiều kẻ đợi trời tối mới uống và trước khi uống họ được ăn uống no say, thỏa thích. Xin sư phụ chớ gấp gáp hãy còn thì giờ.
Socrate nói:
-Những kẻ ấy làm rất phải vì họ có lợi trong việc chần chờ ấy, nhưng ta thì thấy không có lợi gì khi uống chén thuốc độc chậm hơn một chút, đời của ta kể như đã hết. Hãy làm như ta đã nói và xin đừng từ chối.
Những lời đối thoại giữa ông và đệ tử như là cuộc nói chuyện đơn thuần, ông không tỏ ra bất cứ điều sợ hãi nào cả. Sự tôn nghiêm của một nhà hiền triết đã bọc lộ rõ ràng nhất trong thời khắc quyết định nhất.
Ở đây chúng ta thấy Socrate sống thật như cuộc đời của ông, trong tâm ông đã thấu triệt bản chất của cuộc sống, quy luật tất yếu của cuộc đời. “Sống chết là lối đi về, hiệp tan là trò dâu bể”. Nên ông sẵn sàng đón nhận nó như là một qui luật tất yếu mà thôi. Cái hay của nhà hiền triết ở chỗ ông đã ngộ nhập những gì ông đã nói chứ không phải ông nói suông. Vì trên đời này không ít kẻ cho rằng tự tại trong sống chết nhưng trước lúc chết họ lại hoảng loạn, lo lắng, thất vọng.
Có thể nói cái chết của Socrate cũng bình thường như bao người bị tội và xử hành huyết. Nhưng riêng ông thái độ đón nhận cái chết của ông làm cho ông trở nênphi thường trong cái tưởng chừng như bình thường đó.
Người cai ngục đi vào cầm theo chén thuốc độc. Thấy thế Socrate nói:
-Ông bạn là người thông thạo về vấn đề này, xin ông cho tôi biết tôi phải làm thế nào?
Thật ra một triết gia như Socrate thì việc cầm chén thuốc độc đưa vào miệng để kết thúc cuộc đời là quá dễ dàng. Ở đây ông lại hỏi người có phận sự nơi đó là làm như thế nào. Đây là điểm làm cho ông khác những người khác. Thay vì lúc đó họ buồn rầu, chửi rủa, ngất xỉu. Nhưng đối với Socrate ông tỏ ra tôn trọng tất cả, ông không sống vì bản thân ông mà sống vì mọi người, đến cái chết của riêng ông cũng chết sao cho đúng với qui định nơi đó. Điểm này ta thấy giá trị đạo đức trong ông là không muốn làm phiền ai cả, muốn cho mọi người không phải khó xử vì mình, ông muốn mọi người vui vẻ.
- Socrate bưng chén thuốc uống, gương mặt ông không thay đổi sắc, sau khi nghe cai nguc dặn dò vài điều về tiến trình diễn ra cái chết.
Socrate nói với cai ngục như có vẻ nói khôi hài:
-Trước khi uống tôi có cần dành một phần chén thuốc dâng cúng thần linh không?
-Chúng tôi chế thuốc vừa đủ. Cai ngục nghẹn ngào trả lời.
-Tôi hiểu rồi, nhưng dù sao tôi cũng cầu nguyện thần linh phù hộ cho tôi trong cuộc hành trình sang thế giới bên kia.
Nói xong Socrate cầm chén thuốc lên uống một cách vui vẻ.
Trước thời Socrate vai trò thần thánh vô cùng quan trọng, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ. Chế độ đa thần giáo luôn ngự trị trong họ, sự kính tin thần linh xem là tuyệt đối. Có những món ngon vật lạ gì cũng dâng lên cúng thần linh rồi mới được ăn tỏ ra hiếu thuận. Ở đây chén thuốc độc, Socrate lại hỏi cần phải dành một phần cúng thần không. Chi tiết này cho ta thấy hai vấn đề: một là Socrate xem chén thuốc độc này như cao lương mĩ vị, nó là cổ xe trời tạo điều kiện cho ông cởi bỏ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Thứ hai ẩn ý của ông muốn chế giễu họ quá tin vào thần thánh đến mức mê tín.
Lúc ông uống thuốc độc xong các môn đệ của ông đau lòng khóc lốc. Ở đó có những triết gia nỗi tiếng như Platon, Criton, Apollodore. Apollodore khốc rống lên. Socrate nói:
-Cái gì lạ vậy? Ở đây không cho phụ nữ vào là để tránh cái cảnh này. Socrate ngầm trách học trò của mình tỏ ra một chúc tôn nghiêm của những triết gia, ai như nữ nhi thường tình vậy. Ông nói tiếp:
-Người ta cần chết trong thanh tịnh, các con hãy bình tĩnh và nhẫn nại.
Socrate đi dạo một hồi rồi thấy bụng hơi nặng. Nảy giờ người cai gục quan sát hỏi:
-Ông thấy gì không?
-Không.
Ông nằm xuống, người cai ngục đến ấn vào hai chân ông, và nói:
-Tôi thấy hai chân ông đã lạnh và cứng. Socrate cũng lấy tay ấn thử và nói:
-Khi nào thuốc ngấm đến tim là xong.
Khi người ông đã lạnh đến thắt lưng ông bỏ mảnh vải che mặt và nói:
-Criton, thầy nợ Aselepius một con gà, con nhớ trả món nợ ấy.
-Con sẽ trả, còn gì nữa không?
-Ông lặng lẽ ra đi không một điều hối tiếc.[19]
Sự vĩ đại của ông là cái chết đã đến bụng rồi mà ông còn thảng nhiên nhờ đồ đệ trả hộ con gà. Lúc chết như thế mà ông còn nghĩ về người khác.
Tuy Socrate chỉ là một triết gia phương tây, không phải là thiền sư chứng đạo, nhưng phong cách của ông cũng không thua vì những vị ấy. Vẫn bình thản như Bàn Long Uẩn, vẫn hiêng ngang như Tổ Sư Tử, vẫn oai hùng như Mục Kiền Liên…
Chính trong cuộc sống đời thường của sinh lão bệnh tử, Socrate đã bức phá ra khỏi cái bình thường đó làm cho ông trở nên phi thường, đáng được người đời ghi nhận.
6-Vài ưu điểm và hạn chế của triết học Hy Lạp cổ đại
6.1- Ưu điểm:
-Triết học cổ hy lạp như hồi chuông tỉnh thức giấc mộng thần thánh muôn đời của người dân Hy Lạp. Tách ly vai trò của thần thánh ra khỏi ý thức hệ của con người.
-Vai trò của tự nhiên và con người được đề cập một cách khách quan. Nhằm đi đến tìm hiểu con người và tự nhiên từ đâu mà có và đi về đâu.
-Đạo đức lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại được đề cập.
-Là nền tảng cho các trường phái triết học sau này.
-Khoa học Duy nghiệm và Duy lý manh nha hình thành.
-Trả lời phần nào câu hỏi: Con người có khả năng nhận thức thế giới không?
6.2-Hạn chế
-Triết học cổ Hy Lạp còn nằm trên tư duy trừu tượng là chủ yếu.
-Các vấn đề triết học còn chưa rõ ràng, còn rời rạc chưa hệ thống hóa.
-Tuy có đặt vai trò của con người, nhưng chưa hoàn toàn tách khỏi yếu tố thần linh.
C-KẾT LUẬN
Triết học Hy Lạp-La Mã cổ đại là tiếng chuông vàng, là nhịp cầu vững chắc, nối những bến bờ triết học sau này. Đến nay những gì mà triết học Hy Lạp cổ đại mang đến cho nhân loại vẫn còn nguyên giá trị đó. Triết học Hy Lạp cổ đại chia làm ba thời kỳ. Thời ky tiền Socrate, thời kỳ Socrate là thời kỳ cực thịnh, thời kỳ hậu Socrate. Trong giai đoạn này có rất nhiều triết gia nổi bậc như: Thales, Anaximandre, Heraclite, Pythagore, Xenophane, Parmenide, Zenon, Anaxagore, Empedocle, Democrite, Socrate, Platon, Aristote…Triết lý Hy Lạp cổ đại là những viên gạch đầu tiên xây nên toàn bộ ngôi nhà văn minh của Châu Âu ngày nay. Ta có thể thấy cả bề mặt và bề trái của Châu Âu ngày nay qua nền triết học Hy Lạp cổ đại. Điều đó làm cho nó sáng rực rỡ trên vũ đài triết học nhân loại và trở nên bất hủ. Marx nói: “Dại dột cho ai không thấy giá trị Hy Lạp cổ đại”. Những triết gia đã đóng góp vào kho tàng triết học ấy nổi bậc và ngời sáng là Socrate, triết gia đã sống và chết không phải cho riêng mình.
Nếu nền triết học phương tây là bản nhạc giao hưởng vu vươn đầy màu sắc, âm hưởng tuyệt vời. Thì triết học cổ Hy Lạp là khúc dạo đầu hoàn mĩ. Người nghệ sĩ tài ba đánh lên những nốt nhạc dạo đầu ấy chính là nghệ sĩ Socracte, làm say mê lòng người với những giai điệu quyến rũ, như cô gái mười bảy đang xỏa tóc dưới ánh trăng vàng thơ mộng. Bản giao hưởng của triết học phương tây có lúc trầm lúc bổng, có lúc lắng đọng, là những khỏang lặng đến tê lòng người. Khúc dạo đầu của bản giao hưởng ấy trầm hùng từ Thales rồi bay bổng âm điệu tuyệt vời của Socrate, vu vươn của Platon, Aristote v.vv..đến khoảng lặng nghẹt thở của thời kỳ trung cổ, rồi nó lại thăng hoa lên vào thời phục hưng. Rồi huy hoàng tráng lệ thời cận đại và hiện đại của Schopanhaure, Hegel, Karl Marx…
Trong những nhà triết gia phương tây ví như những nghệ sĩ chơi đàn ấy, góp phần cho bản giao hưởng triết học phương tây còn âm vang mãi, thì nghệ sĩ Socrate và khúc dạo đầu của triết học Hy Lạp cổ đại bao giờ cũng lắng đọng trong lòng người với những cảm xúc dịu dàng, yên ả. Dù thời gian có qua đi tiết đấu bản giao hưởng có cách tân cách mấy thì khúc dạo đầu vẫn còn nguyên giá trị với thời gian.
Thích Trí Huệ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1-Nguyễn Hữu Trọng, Các Vấn Đề Triết Học, Viện ĐH Huế, 1962.
2-Nguyễn Tiến Dũng, Lịch Sử Triết Học Phương Tây, nxb, Tổng Hợp TP.HCM, 2006.
3-Hà Thúc Minh-Minh Chi. Đại Cương Triết Học Phương Đông. Trường
ĐHTHTPHCM. 1994.
4-Nguyễn Ngọc Thu – Bùi Văn Mưa, Giáo Trình Đại Cương Lịch Sử Triết Học,nxb, Tổng Hợp TP.HCM, 2002.
5-Bộ GD – ĐT, Triết Học, nxb, CTQG, 1999.
6-Phạm Minh Lăng, Mấy Trào Lưu Triết Học Phương Tây, nxb, ĐH và TH Công Nghệ, 1984.
7-Hà Thiên Sơn, Lịch Sử Triết Học, nxb, Trẻ, 2004.
8-Trần Thái Định, Triết Học Descartes, nxb VH, 2005.
9-SC. TN Hương Nhũ, Tài Liệu Tham Khảo tai HV TP. HCM, 2008.
10-Platon. Biện minh cho Socrate, Tuyển tập, t.1. M.1982
11- William S.Sahakan, MabelL, Sahakan, Lâm Thiện Thanh, Lâm Duy Châu
biên dịch, Triết Gia Vĩ Đại, nxb Tp. HCM
13-Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật Pháp, nxb. Tôn Giáo, 1998.
14- Will Durant, Câu chuyện Triết Học, nxb. QNĐN, 1994.
15- Kinh Tương Ưng I, HT. Thích Minh Châu, nxb.Viện nghin cứu Phật học
Việt Nam, 1996.
16-Nguyễn Hòa, Triết Học Cổ Hy Lạp Giản Yếu, Nxb. Thanh Niên, 2002.
Chú thích
[1] Ha Thúc Minh, Triết học cổ Hy lạp La mã, nxb. Mũi Cà Mau, 1997.
[2]Triết Học , NXB CTQG H Nội, 1999, tr.178
[3] Nguyễn Ngọc Thu - Bùi Văn Mưa, Đại Cương Lịch Sử Triết Học, NXB Tổng Hợp TPHCM, 2003, tr.64.
[4] Nguyễn Tiến Dũng, Lịch Sử Triết Học Phương Ty, NXBTH TP. HCM, 2006, tr. 26
[5] Arixtốt, Siu Hình Học, nxb. Tư Tưởng, Mátxcơva, 1976, t.1, tr. 134.
[6] Nguyễn Tiến Dũng, Lịch Sử Triết Học Phương Tây, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2006.
[7] -Nguyễn Ngọc Thu - Bùi Văn Mưa, Đại Cương Lịch Sử Triết Học, NXB Tổng Hợp TPHCM, 2003.
-Nguyễn Tiến Dũng, Lịch Sử Triết Học Phương Tây, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2006.
-Bùi Văn Hóa, Triết học phương tây, tài liệu giảng dạy, ĐHKHXHNV.
[8] - Will Durant, Câu chuyện Triết Học, NXB QNĐN, 1994, tr. 78.
-Platon, Biện minh cho Socrate, Tuyển tập, t.1. M.1982. tr. 92.
-Ts. Đỗ Minh Hợp-Nguyễn Thanh-Nguyễn Anh Tuấn, Đại Cương Lịch Sử Triết Học Phương Tây, NXB Tổng Hợp Tp HCM. Tr. 97-98.
[9] -Nguyễn Hóa, Triết học cổ hy lạp giảng yếu, nxb. Thanh Niên, Tr.64.
- william S.sahakan, Các Triêt Gia Vĩ Đại, Lâm Thiện Thanh, Tâm Duy Chân - dijch, nxb. TpHCM, tr.132.
[10] Nguyễn hóa, triết học cổ hy lạp giảng yếu, nxb. Thanh Niên, tr.67.
[11] Thích Tôn Nghiêm ( dịch), Lịch Sử Triết Học Phương Tây, nxb. TpHCM, tr.142.
[12] Kinh Di Giáo.
[13] Giáo lý phần Tập đế, trong Tứ diệu đế.
[14] Tinh thần kinh Pháp Hoa, phẩm Thí Dụ.
[15] Nguyễn Hóa, triết học cổ Hy Lạp giảng yếu, Nxb – Thanh Niên, Trang 62.
[16] Sách Da Di Luật Giải.
[17] Bùi Văn Hóa, Triết học, ĐHXHVNV, 2005.
[18] Hà Thúc Minh, Triết học cổ đại Hy Lạp La Mã, nxb. Mũi Cà Mau, 1997, tr. 63.
9 Will Durant, Câu truyện triết học, nxb. QNĐN, 1994, tr. 21.
Nguồn: http://www.hoalinhthoai.com/news/detail/news-2324/
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!