Chân lý, Lô gíc, và Siêu hình học: Con đường triết lý từ Leibniz đến Heidegger


Triết gia Đức, Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716) là một khuôn mặt lỗi lạc trong lịch sử triết học phương Tây. Ông có nhiều đóng góp trong lãnh vực toán học, lô gíc, vật lý, đạo đức học, và thần học. Tư duy của ông phong phú, sâu thẳm, gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu hiện nay. Ngay cả Martin Heidegger (1889-1976), một triết gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thế giới tư tưởng Tây Phương thế kỷ 20, người đã tự đặt cho mình nhiệm vụ phá hủy lịch sử siêu hình học phương Tây, cũng đã trân trọng dành cho Leibniz một loạt bài giảng được xuất bản thành tác phẩm Metaphysische Anfangsgründe der Logik im Ausgang von Leibniz (Nền tảng căn nguyên siêu hình của lô gíc học khởi đầu với Leibniz, viết tắt là MGL: bài giảng mùa hè ở đại học Marburg năm 1928, xuất bản 1978, dịch sang tiếng Anh 1984).

Heidegger trong loạt bài giảng này (1928, một năm sau khi Sein und Zeit xuất bản) cung cấp một nghiên cứu toàn diện về nền tảng siêu hình học- hiểu như một hệ thống tri thức về thực tại- của lôgíc học hiện đại. Tầm quan trọng của tác phẩm này nằm ở điểm nó soi sáng một giai đoạn chuyển tiếp trong tư tưởng Heidegger trong Sein und Zeit như một nỗ lực vượt qua (Ueberwindung) siêu hình học Tây Phương đến việc phân tích những yếu tố siêu hình học tiềm ẩn trong lý thuyết phán đoán (Urteilslehre) của Leibniz nói riêng và mọi hệ thống lô gíc truyền thống nói chung. Heidegger lập luận rằng bất kỳ một lý thuyết lô gíc nào cũng được xây dựng trên nền tảng căn nguyên của một quan niệm siêu hình học về tính thể/ bản thể (Sein=Being).

Nhưng trước hết chúng ta phải nhớ lại theo quan điểm của Heidegger, triết học là gì. “Philosophia là một nỗ lực hướng đến khả tính về một hiểu biết chân nguyên (Philosophia ist dieBemühung um die Möglichkeit des eigentlichen Verstehens). Chính vì thế nó không phải là nhãn hiệu của bất kỳ loại kiến thức nào đang được phổ biến tràn lan. Nó không phải là sự sở hữu một loại thông tin hay học thuyết nào (kein Besitz des Kentnissen und Lehren). Chủ yếu chúng ta phải truy cầu triết lý (Philosophie muss wesenhaft gesucht), có nghĩa là, đối tượng của triết lý phải được thủ đắc từ uyên nguyên (ihr Gegenstand muss ursprunglich erworben)” (MGL: 15). Vậy thì đối tượng của sự hiểu biết chân nguyên này là gì? Chính là tính thể (Sein). Triết lý là sự hiểu biết về tính thể (Wissenschaft vom Sein). Khi triết lý nỗ lực nắm bắt tính thể thông qua một sự hiểu biết mang tính khái niệm và xác tính (ein begriffliches Verstehen und Bestimmen), nắm bắt on hê on bằng logos, thì triết lý chính là tính thể học (Ontologie) (MGL: 17). Như Heidegger đã viết trong Tính Thể và Thời Tính (Sein und Zeit: SZ): “Vấn đề Tính Thể nhằm xác định những điều kiện tiên thiên không những về khả thể của các khoa học xem xét các hữu thể như hữu thể thuộc về một loại hình nào đó và trong khi làm như vậy đã hoạt động với một sự hiểu biết nào đó về Tính Thể, nhưng đồng thời [cũng nhằm xác định các điều kiện tiên thiên về] khả thể của những tính thể học, chính chúng [các tính thể học này] còn đi trước các khoa học về hữu thể và cung cấp nền tảng cho chúng. Một cách căn bản, mọi tính thể học, cho dù chúng sở hữu một hệ thống phạm trù phong phú và chặt chẽ như thế nào đi nữa vẫn mù quáng và lệch lạc trong chính các mục tiêu của chúng nếu chúng trước hết không soi sang một cách thích đáng ý nghĩa của Tính Thể và xem sự soi sáng này là nhiệm vụ căn bản của chúng (Heidegger nhấn mạnh)” (Die Seinsfrage zielt daher auf eine apriorische Bedingung der Möglichkeit nicht nur der Wissenschaften, die Seiendes als so und so Seiendes durchforschen und sich dabei je schon in einem Seinsverständnis bewegen, sondern auf die Bedingung der Möglichkeit der vor den ontischen Wissenschaften liegenden und sie fundierenden Ontologien selbst. Alle Ontologie, mag sie über ein noch so reiches und festverklammertes Kategoriensystem verfügen, bleibt im Grunde blind und eine Verkehrung ihrer eigensten Absicht, wenn sie nicht zuvor den Sinn von Sein zureichend ge-klärt und diese Klärung als ihre Fundamentalaufgabe begriffen hat).[1] Nhiệm vụ căn bản của triết lý như vậy chính là soi sáng ý nghĩa của Tính Thể (Sein=Being) trong dòng phát triển của lịch sử triết học Tây Phương.

Theo Heidegger vấn tính về ý nghĩa của Tính Thể (die Frage nach dem Sinne des Seins) đã bị truyền thống triết học quên lãng kể từ thời của Platon. Điều đó có nghĩa là lịch sử triết học phương Tây đã không lưu ý đến sự dị biệt tính thể học (ontologische Differenz) giữa hữu thể và Tính Thể nên đã xem Tính Thể như một loại hữu thể cho dù là một loại hữu thể tối cao đi nữa với nhiều tên gọi khác nhau từ eidos (Ý Niệm: Platon) đến energeia (hoạt lực: Aristotle), ousia (bản thể: Aristotle), monad (đơn tử: Leibniz) hay ý chí quyền lực (Der Wille zur Macht: Nietzsche). and Lịch sử triết học phương Tây như thế là lịch sử của sự quên lãng Tính Thể (Seinsvergessenheit). Nói cách khác, lịch sử triết học phương Tây là lịch sử “hữu thể hóa” (onticitization) Tính Thể, biến Tính Thể thành một loại hữu thể nào đó. Như Heidegger giải thích trong Kant và vấn đề siêu hình học: ”Một tri thức hữu thể học không bao giờ tự nó có thể qui chỉ về các đối tượng, bởi vì nếu không dựa trên nền tảng của Tính Thể, ngay chính nó cũng không thể qui hướng vào bất cứ chổ nào” (an ontic knowledge can never alone direct itself ‘to’ the objects, because without the ontological… it can have no possible Whereto)[2]. Lịch sử triết học Tây Phương kể từ thời Platon theo Heidegger đã bị chi phối bởi cấu trúc hữu thể-thần học của siêu hình học (die Onto-Theologische Verfassung der Metaphysik).[3] Chính cấu trúc đó đã dẫn đến trong triết học quan niệm cho rằng tri thức lý tưởng phải được định hướng theo mô hình của khoa học chính xác. Toán học, và sau đó là vật lý học, trở thành chuẩn thức (paradigm) chung cho tất cả mọi loại hình tri thức chắc chắn, được đặt trên nền tảng tối hậu là một thực tại nhất quán và trong suốt, được tri nhận hoàn hảo trong nhận thức của triết gia: thế giới ý niệm của Plato, chuyển động đệ nhất của Aristote, ý niệm về vô hạn của Descartes, nguyên lý túc lý của Leibniz, bản thể tuyệt đối của Spinoza, hay tinh thần tuyệt đối của Hegel. 

Nhưng đặt vấn đề Tính Thể cũng chính là đặt vấn đề Chân Thể/ Chân Lý (Wahrheit).

Triết học và lô gíc học truyền thống nói chung vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng chân lý chính là sự thống hợp (adequatio) giữa trí năng (intellectus) và sự vật (rei) theo công thức nổi tiếng: veritas est adequatio rei et intellectus. Sự thống hợp này triết học kinh viện xem như sự phù hợp (convenientia) giữa sự vật/ sự thể khách quan và phán đoán của trí năng. Môn khoa học chuyên nghiên cứu về phán đoán được gọi là lô gíc học/ luận lí học.

Thuật ngữ lô gíc bắt nguồn từ nguyên ngữ Hi Lạp lógos, thuật ngữ này là viết tắt của logike. Khoa học về lógos gọi là episteme. Lógos có nghĩa là “vị ngữ hóa” (predication), “phát biểu một điều gì đó về một sự thể nào đó” (V.d: Đóa hoa này đẹp. “Đẹp” là vị ngữ). Thuật ngữ chuyên môn của triết học Kinh Viện gọi đó là determinatio, nghĩa là xác định một sự vật nào đó như một điều gì đó (Bestimmen von etwas als etwas). “Chúng ta gọi sự xác định này là tư duy. Lô gíc, khoa học về lógos, như vậy là khoa học về tư duy” (Dieses Bestimmen nennen wir Denken. Logik, die Wissenschaft vom lógos, ist demnach Wissenschaft vom Denken) (MGL: 1). Lógos như thế có thể phù hợp hay không phù hợp với thực tế (angemessen oder unangemessen), có thể đúng hoặc có thể sai (wahr oder falsch) vì nó là một phát biểu, phát ngôn (Aussage) về một điều gì đó. “Sự phù hợp” giữa “mệnh đề phát biểu” và “sự kiện” này (Angemessung=correspondence) triết học kinh viện gọi là adequatio, thuộc về những chân lý thực kiện (veritas facti=Tatsachewahrheiten=vérités de fait= truths of facts).

Mối quan hệ giữa triết học kinh viện và triết học hiện đại có thể thấy rõ trong trường hợp Leibniz. Sau Aristote, người khẳng định lógos là sumploke (kết nối= nexus, connectio), các triết gia kinh viện xem phán đoán được xem là compositio hay divisio. Nói chung, phán đoán là một loại kết nối giữa các khái niệm (Verbindung von Begriffen), một sự liên kết giữa các tiền tượng thể (Verflectung von Vorstellunggen). Mối quan hệ giữa chủ ngữ và vị ngữ trong câu phán đoán là sự phát biểu một điều gì đó về một cái gì đó (de aliquod). “Cái về gì đó” chính là cái “nằm dưới” (subjectum: chủ ngữ là cái “nằm dưới”). Vị ngữ là điều được nói về chủ ngữ, là dấu hiệu của điều được phát biểu về subjectum và nếu điều phát biểu là là đúng, chính xác, thì điều đó phải được áp dụng cho chủ ngữ (esse de ratione subjecti), phải chứa đựng sẵn bên trong chủ ngữ rồi. Leibniz kế thừa và chấp nhận quan điểm này của triết học kinh viện: “cái chứa bên trong” (inesse) subjectum cũng chính là esse (tính thể) của nó. Theo quan điểm này, trong bất kỳ một phán đoán nào đúng vị ngữ đã được hàm chứa sẵn trong chủ ngữ (subjectum) rồi. Đây chính là nguyên tắc đồng nhất (A=A) của Aristote, cũng chính là mệnh đề phân tích của Kant. Leibniz viết: “Tôi cho rằng trong mọi mệnh đề khẳng định đúng, cho dù là phổ quát hay đặc thù, tất yếu hay ngẫu nhiên, vị ngữ đều tồn tại sẵn bên trong chủ ngữ, khái niệm về vị ngữ, một cách nào đó, liên quan đến khái niệm về chủ ngữ. Tôi cũng cho rằng đây là nguyên lý bất khả sai lầm trong mọi loại chân lý đối với người đã nhận biết mọi sự một cách tiên thiên” [Videbam autem commune esse omni propositioni verae affirmativae universali et singulari, necessariae et contigenti, ut praedicatum insit subjecto, seu ut praedicati notio in notione subjecti aliqua ratione involvatur, idque esse principium infallibilitatis in omni veritatum genere, apud eum qui omnia a priori cognoscit. MGL: 42][4]. Ý tưởng “vị ngữ đã được hàm chứa trong chủ ngữ trong một mệnh đề đúng” (praedicatum inesse subject verae propositionis) là quan điểm chủ đạo trong lô gíc học Kinh Viện mà Leibniz kế thừa toàn bộ, như Heidegger đã chỉ ra. Heidegger còn nêu ra tính đa nghĩa liên quan đến khái niệm “chủ ngữ/ chủ thể” (subjectum). Thuật ngữ này có thể chỉ: 1-bản thể cá nhân, hiện thể cá nhân độc lập, 2-chủ ngữ của một câu phát biểu, tức là chủ ngữ lô gíc, 3-chủ thể, theo nghĩa đối lập với khách thể, vừa là một bản thể cá nhân, “cái tôi,” vừa là chủ thể lô gíc. Dù thế nào đi nữa, lý thuyết của Leibniz vẫn theo chiều hướng của “vị ngữ” đã được hàm chứa sẵn (inclusio) trong chủ ngữ nếu một phán đoán được xem là đúng. Lý thuyết esse đã trở thành lý thuyết về inesse.

Trong Luận về siêu hình học (Discours de Métaphysique viết năm 1686, xuất bản lần đầu năm 1846),[5] Leibniz viết: “Dĩ nhiên đúng là khi một số các vị ngữ được gán cho một chủ ngữ duy nhất mà chủ ngữ này lại không thể gán cho bất kỳ chủ ngữ nào khác, nó được gọi là bản thể cá nhân (cá thể). Nhưng điều này chưa đủ, và một định nghĩa như thế chỉ đúng trên danh nghĩa. Vậy chúng ta phải kết luận rằng chúng ta phải xác định ý nghĩa thực sự của việc gán một vị ngữ cho một chủ ngữ có nghĩa là gì. Chắc hẳn là một vị ngữ thật sự phải có một nền tảng nào đó (quelque fondement) trong chính bản chất của sự vật, và khi một mệnh đề không phải là một đồng nhất thể, có nghĩa là một vị ngữ không hàm chứa trong (compris) chủ ngữ một cách hiển nhiên thì nó phải hàm chứa trong đó một cách tiềm năng. Đây là điều mà các triết gia gọi là in-esse khi họ nói rằng vị ngữ được chứa đựng trong chủ ngữ” (MGL: 40).[6]

“Bản thể cá nhân” nói trên được Leibniz gọi là “đơn tử” (monad). Heidegger chỉ ra đây cũng chính là cái Aristote gọi là próte ousia (=tode ti= bản thể đệ nhất). Khái niệm “bản thể” (ousia) của Aristote chỉ một sự vật tồn tại một cách độc lập, hiện diện một cách độc lập. Như vậy chỉ có bản thể mới đủ tư cách để trở thành chủ thể (subjectum) trong một câu phán đoán, vì nó không thể qui gán cho bất kỳ một bản thể nào khác.

Trong những lá thư viết cho Antoine Arnauld, một triết gia chịu ảnh hưởng tư tưởng Descartes và là một thần học gia thuộc Port-Royal, Leibniz giải thích rõ hơn: “Mọi mệnh đề đúng đều có thể chứng minh. Vì vị ngữ đã tồn tại sẵn trong chủ ngữ, như Aristote đã nói, và khái niệm vị ngữ cũng tồn tại sẵn trong khái niệm chủ ngữ nếu ta hiểu khái niệm này một cách hoàn hảo, chân lý như thế tất yếu có thể chứng minh được bằng cách phân tích các hạn từ chủ ngữ thành các yếu tố cấu tạo nên nó” (Omnis propositio vera probari potest, cum enim praedicatum insit subjecto, ut loquito Aristoteles, seu notion praedicati in notione subjecti perfecte intellect involvatur, utique resolution terminorum in suos valores seu eos terminos quos continent, oportet veritatem posse ostendi. MGL: 43)[7]. Bằng chứng về tính chân lý của một phán đoán như thế nằm trong việc phân tích (resolutio) chủ ngữ để xác định các yếu tố cấu thành nó. Khái niệm về bằng chứng chân lý của một mệnh đề nằm trong chính cấu trúc của mệnh đề hiểu như thể hiện một mối tương quan bao hàm (inclusio) vị ngữ và chủ ngữ.

Chính sự kết nối, thông qua việc phán đoán, giữa chủ thể/ chủ ngữ và vị ngữ đã dẫn đến vấn đề chân lí (veritas). Chân lí nói chung theo truyền thống được xem là tồn tại trong các mệnh đề phát biểu đúng. Khái niệm phán đoán phải qui chiếu về khái niệm chân lý và ngược lại, nói đến chân lý là nói đến các mệnh đề phát biểu đúng. Leibniz viết: “Bản chất của chân lý nằm trong sự kết hợp của vị ngữ với chủ ngữ” (Ratio autem veritatis consistit in nexu praedicati cum subjecto. MGL: 47). Bản chất của chân lý nói chung (natura veritatis in universum) nằm trong mối quan hệ giữa các hạn từ trong một mệnh đề. Như đã phân tích ở trên, “đúng” (verum esse) có nghĩa là “vị ngữ đã hàm chứa bên trong chủ ngữ” (inesse).

Theo Leibniz và triết học kinh viện nói chung, chân lý (verum esse) tồn tại trong (in-esse) các mệnh đề phán đoán đúng. Nhưng có rất nhiều các kiểu phán đoán khác nhau, vậy thì kiểu phán đoán nào là đúng nhất? Câu trả lời là các phán đoán căn bản nhất (elementary), sơ nguyên nhất (primordial), và đơn giản (simple) nhất, chính những câu phán đoán cơ bản nhất này (A là A) mới chứa đựng các chân lý sơ nguyên nhất: “Những chân lý sơ nguyên nhất là những chân lý khẳng định tính đồng nhất với chính nó, và phủ định cái đối lập với nó. Ví dụ A là A hay A không phải là không A. Nếu đúng là A là B, thì chắc chắn câu A không phải là B hay A là không B là sai. Tương tự như vậy, mọi sự là cái mà nó là, mọi sự tương tự hay bằng với chính nó, không lớn hơn cũng không nhỏ hơn chính nó. Những chân lý này và những chân lý khác thuộc cùng một loại, mặc dù chúng có thể có những mức độ ưu tiên khác nhau, tất cả đều có thể xếp chung vào một loại gọi là chân lý đồng nhất thể” (Primae veritaes sunt quae idem de se ipso enuntiant aut oppositum de ipso negant. Ut A est B, vel A non est non A. Si verum est A esse B, falsum est A non esse B vel A esse non B. Item unumquodque est quale est. Unumquodque sibi ipsi simile aut aequale est. Nihil est majus aut minus se ipso, aliaque id genus, quae licet suos ipsa gradus habeant prioritatis, omnia tamen uno nomine identicorum comprehendi possunt. MGL: 47). Những chân lý sơ nguyên nhất, căn bản nhất, chính là các chân lý đồng nhất được thể hiện dưới hình thức A=A. Tất cả mọi chân lý khác phải được rút ra từ các chân lý sơ nguyên này. Yếu tính của chân lý (natura veritatis) hệ tại trong tính đồng nhất: inesse (=nội thuộc/ bao hàm) giờ đây đã trở thành idem esse (=đồng nhất). Leibniz khẳng định: “Yếu tính của chân lý hệ tại trong việc nối kết vị ngữ và chủ ngữ, hay vị ngữ đã tồn tại trong chủ ngữ hoặc là một cách tường minh như trong các thể đồng nhất hoặc là một cách ẩn dấu…Trong các đồng nhất thể sự kết nối này và sự nội thuộc của vị ngữ trong chủ ngữ là rõ ràng, minh bạch, còn trong các mệnh đề khác chúng chỉ hàm ẩn và phải được hiển lộ ra thông qua việc phân tích các khái niệm, điều này cấu thành một chứng minh tiên thiên” (Ratio autem veritatis consistit in nexu praedicati cum subject, seu ut praedicatum subjecto insit, vel manifeste, ut in identicis, vel tecte [C.11]…Et in identicis quidem connexio illa atque comprehension praedicati in subject est expressa, in reliquis ommibus implicita, ac per analysin notionum ostendenda, in qua demonstratio a priori sita est. MGL: 48). Yếu tính của chân lý được thể hiện trong các phán đoán vốn được xem là trình bày sự nội thuộc (inclusio) của vị ngữ trong chủ ngữ chính là tính đồng nhất (identitas). Một đồng nhất tính tường minh (identitas expressa) chính là chân lý tự thân (veritas per se). Mọi mệnh đề đúng đều có thể chứng minh một cách tiên thiên, như thế mọi tri thức chân nguyên phải là tri thức tiên thiên.

Leibniz phân biệt hai loại chân lý: chân lý sơ nguyên (veritas originaria) và chân lý phái sinh (veritas derivativa). Chân lý sơ nguyên là chân lý không cần phải chứng minh (vì muốn chứng minh cũng không được, bản thân chúng đã tự hiển nhiên là đúng). Chân lý phái sinh bao gồm hai loại là chân lý tất yếu (veritates necessariae) và chân lý tùy thuộc (veritates contingentes). Riêng chân lý tất yếu có thể qui giản về các chân lý sơ nguyên vốn mang tính tiên thiên y hệt như các tiên đề trong toán học. Các triết gia kinh viện gọi chân lý sơ nguyên và chân lý tất yếu nói chung là chân lý vĩnh cửu (veritates aeternae). Heidegger chỉ ra rằng (MGL: 51) sự phân biệt giữa chân lý vĩnh cửu và chân lý tùy thuộc tương ứng với sự phân biệt giữa hai loại hữu thể: hữu thể tất yếu tự thân (ens per se necessarirum) và thực thể tùy thuộc (entia contingentia), hữu thể vô sinh (ensincreatum), và hữu thể thụ tạo (ens creatum). Chân lý vĩnh cửu thuộc về Hữu Thể Tuyệt Đối tự tư duy về chính mình. Trong truyền thống triết học Platon, các chân lý này là các chân lý tư tưởng hình thức nói chung và chân lý toán học. Chân lý vĩnh cửu có nguồn gốc sơ nguyên trong lý tính tuyệt đối của Thượng Đế được Leibniz mệnh danh là “các chân lý của lý tính” (veritates rationis). Chân lý tùy thuộc thể hiện trong tư duy của các hữu thể thụ tạo được Leibniz gọi là “các chân lý thực kiện” (veritates facti) (MGL: 51). Các chân lý thực kiện tuy không phải là các chân lý tất yếu nhưng chúng cũng là các đồng nhất thể (identicae). Quan điểm triết học nói chung của Leibniz là quan điểm duy lý: lý luận của ông về tính thể chính là khởi nguyên từ lý tính (ratio). Leibniz cũng kế thừa truyền thống triết học kinh viện khi cho rằng tri thức tối cao như vậy chính là tri thức của Thượng Đế (scientia Dei). Tri thức của con người, vốn là các hữu thể hữu hạn, thụ tạo, chỉ có thể nắm bắt các chân lý thực kiện mà thôi. Những chân lý sơ nguyên thì được ban tặng cho con người một cách tiên thiên ngay từ đầu. Ngay cả tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy (Kritik der reinen Vernunft) của Kant hay bộ Lô gíc (Logik) của Hegel chỉ có thể hiểu được trong viễn cảnh của triết học kinh viện. Heidegger khẳng định một cách mạnh mẽ: “Những vấn đề cơ bản của triết học hiện đại mãi mãi khép kín với những người nào không hiểu rõ các mối quan hệ này” (MGL: 54). Ông viết rõ hơn: “Ý nghĩa triết học của định hướng tri thức Thượng Đế (scientia Dei) có nghĩa là tri thức của Thượng Đế hoạt động như việc kiến tạo ra một thứ tri thức tuyệt đối, dựa trên nền tảng đó tri thức của con người hữu hạn được đo lường, kiểm định” (MGL: 54). Tri thức của Thượng Đế, người tri thức một cách tuyệt đối, bao gồm cả những gì có thể có (mere possibilia= khả tính thuần túy) và những điều thực kiện đang tồn tại. Điều này gợi chúng ta nhớ đến lý tưởng tính siêu nghiệm trong triết học Kant. Bản chất của Thượng Đế là khả năng tư duy về toàn thể các khả tính. Tri thức giác tính sơ nguyên này (scientia simplicis intelligentiae) là tri thức lý tính tất yếu tự nhiên (scientia necessaria naturalis), vì nó thuộc về bản tính tự nhiên vốn có của Thượng Đế là tự ý thức tuyệt đối. Bằng tri thức tuyệt đối Thượng Đế tư duy toàn thể tính của thực tại (omnitudo realitatis). Những chân lý tất yếu, như chân lý toán học hay chân lý lô gíc vốn liên quan đến các khả tính thuần túy, có nền tảng từ chính trí năng tuyệt đối của Thượng Đế (Leibniz: necessariae veritates [….] fundantur in divino intellectu, MGL: 60). Các chân lý tùy thuộc khởi nguồn từ ý chí của Thượng Đế (Leibniz: veritates contingentes oriuntur a voluntate Dei, MGL: 60). 

Khi xác định yếu tính của tri thức Thượng Đế Leibniz xem đó như “một trực thức ngay lập tức mà tất cả mọi hiện vật đều phải qui phục về trong sự trình hiện của chúng” (intuitus praesens omnia subjecta sibi praesentialiter, MGL: 71). “Ngay lập tức” (praesens) có nghĩa là “không phải diễn ra một cách tuần tự nối tiếp nhau” (cum successione). Trực thức- nhìn thẳng, trực tiếp vào bản chất của sự vật- của Thượng Đế diễn ra ngay lập tức, nhưng thời khắc để trực thức này diễn ra là thời khắc vĩnh cửu, không diễn ra trong cõi thời gian. Tri thức tuyệt đối chính là một trực thức vĩnh cửu như thế: nó tóm thâu toàn bộ yếu tính của vạn vật trong một trình diện hiện tiền (Anwesenheit) của chúng trong một thời khắc bây giờ vĩnh viễn (nunc stans).

Heidegger kết luận: “Lô gíc về chân lý của Leibniz chỉ khả thể dựa trên nền tảng của siêu hình học đơn tử về bản thể. Chân lý này chủ yếu có nền tảng siêu hình học. Như một sự phân tích rốt ráo có thể chứng minh, lô gíc này không gì khác hơn là một siêu hình học về chân lý” (MGL: 127).

“Siêu hình học đơn tử về bản thể” có nghĩa là gì? Trước hết là thuật ngữ bản thể (Substanz), Descartes từng viết: “Với bản thể, chúng ta có thể hiểu nó không gì khác hơn là một sự vật có thể tự nó tồn tại mà không cần đến bất kỳ sự vật nào khác” (Per substantiam nihil aliud intelligere possumus quam rem quae ita existit, ut nulla alia re indigeat ad existendum, Principia philosophiae I, 51). Spinoza cũng viết: “Bản thể có nghĩa là cái gì tồn tại trong nó và do chính nó quan niệm: đây là điều mà khái niệm về nó không cần đến khái niệm của một sự vật khác để có thể hình thành” (Per substantiam intelligo id, quod in se est, et per se concipitur: hoc est id, cujus conceptus non indiget conceptu alterius rei, a quo formari debeat, Ethica, I, def.3). Khái niệm này đã tồn tại từ lâu trong triết học Hi Lạp với danh xưng hupokeimenon. Leibniz liên kết khái niệm bản thể với khái niệm đơn tử (monad, bắt nguồn từ gốc Hi Lạp monas có nghĩa là “cái đơn nhất, duy nhất”). Như vậy Leibniz vẫn nằm trong khuôn khổ của siêu hình học Tây Phương (mà Nietzsche là người cuối cùng), nghĩa là vẫn rơi vào sự quên lãng Tính Thể (Seinvergessenheit).

QUAN ĐIỂM CỦA HEIDEGGER VỀ CHÂN LÝ VÀ LÔ GÍC 

Kể từ khi viết bài điểm cuốn Logik der Philosophie của Emil Lask (1912), lô gíc học đối với Heidegger luôn luôn là triết học về lô gíc (Philosophie der Logik), một kiểu “lô gíc về lô gíc” hay “siêu lô gíc” trong luận án tiến sĩ của ông viết về Dun Scotus. Heidegger dùng nhiều danh xưng khác nhau để chỉ thị lô gíc học theo quan điểm riêng của mình (lô gíc học siêu nghiệm, lô gíc học hiện tượng luận, lô gíc học thông diễn, lô gíc học căn nguyên) và cuối cùng ông gọi luôn đó là “tính thể học” (Ontologie) vì cả hai, theo ông, cũng là “khoa học về Tính Thể” có nhiệm vụ đưa ra những khái niệm sơ nguyên, nền tảng nhất (Grundbegriffen) của thực tại (Wirklichkeit). Chính vì thế Heidegger phê phán kịch liệt lô gíc học truyền thống, kể cả hệ thống lô gíc biện chứng của Hegel. Để tránh gây ngộ nhận rằng khi phê phán lô gíc học truyền thống, ông đã bênh vực cho một loại chủ nghĩa phi lý nào đó, Heidegger nhấn mạnh: “Lô gíc học lãnh hội tư tưởng như là biểu tượng về vật hiện thể trong tính thể của nó, tính thể này do biểu tượng tự ban cho mình trong tính tổng quát của ý niệm. Nhưng còn bản chất của suy tư về chính Tính Thể, nghĩa là của Tư Tưởng suy tư đến chân lý của Tính Thể, bản chất ấy là gì? Tư tưởng đó là tư tưởng lần đầu tiên đã đạt đến thể tính uyên nguyên của lógos. Nơi Platon và Aristote, người sáng lập nên lô gíc học, lógos ấy hoàn toàn bị che khuất và trầm diệt đi. Tư tưởng chống lại lô gíc học không có nghĩa là cam tâm bảo vệ những điều phi lô gíc, nhưng có nghĩa là: trong sự suy tưởng của mình, quay trở về với lógos, quay trở về với thể tính của lógos y như lúc nó đã từng hiển lộ vào buổi sơ nguyên của tư tưởng, nghĩa là một lần phải nỗ lực chuẩn bị cho một công cuộc tư tưởng phục bản qui nguyên (Nachdenken) như thế” (Die «Logik» versteht das Denken als das Vorstellen von Seiendem in seinem Sein, das sich das Vorstellen im Generellen des Begriffes zustellt. Aber wie steht es mit der Besinnung auf das Sein selbst und das heißt mit dem Denken, das die Wahrheit des Seins denkt? Dieses Denken trifft erst das anfängliche Wesen des λόγος, das bei Plato und Aristoteles, dem Begründer der «Logik», schon verschüttet und verloren gegangen ist. Gegen «die Logik» denken, das bedeutet nicht, für das Unlogische eine Lanze brechen, sondern heißt nur: dem logos und seinem in der Frühzeit des Denkens erschienenen Wesen nachdenken, heißt: sich erst einmal um die Vorbereitung eines solchen Nach-denkens bemühen).[8] Phê phán lô gíc học, mà Leibniz là người đại diện tiêu biểu cho tư tưởng Aristote và truyền thống kinh viện học đạt đến đỉnh cao huy hoàng với Thomas d’Aquin, Heidegger nhằm trùng phục lại ý nghĩa sơ nguyên của lógos và thông qua đó cho chúng ta hé nhìn thấy, ít nhất là từ thời Platon, triết học Tây Phương đã đi vào con đường “quên lãng Tính Thể” (Seinsvergessenheit) và “đánh mất quê hương” (Heimatlosigkeit) như thế nào. Siêu hình học, giam hãm tư duy con người trong thế giới vật hiện thể, đã mở ra định mệnh của thế giới được Heidegger định danh là “sự mất quê hương.”

Walter Biemel trong một tác phẩm nhập môn vào tư tưởng Heidegger đã liên kết khái niệm chân lý (aletheia) với tất cả các khái niệm nền tảng khác trải dài trong toàn bộ tác phẩm của triết gia này.[9] Aletheia ἀλήθεια một khái niệm trong tư tưởng tiền Socrates đã được Heidegger phục sinh lại. Nghĩa đen của ἀ–λήθεια là "tình trạng không ẩn dấu” (Unverborgenheit). Nó cũng có nghĩa là thực tại tính (Wirklichkeit). Trong tư tưởng Heidegger, chủ yếu là trên cơ sở giải thích siêu hình học Aristote, aletheia chỉ tình trạng sự vật tự trình hiện ra như là những thực thể trong thế giới. Ban đầu Heidegger dùng aletheia để chỉ khái niệm “chân lý” (Wahrheit) để đối lập với chân lý hiểu theo nghĩa triết học truyền thống theo đó chân lý bao gồm những câu phát biểu chính xác về một sự thể nào đó (lý thuyết adequatio= correspondence= Übereinstimmung der Aussage mit der Sache) hay những câu phát biểu tương hợp với một hệ thống cho sẵn (lý thuyết nhất quán= coherence). Ông đã bàn đến khái niệm này trong Tính Thể và Thời Tính (SZ), đi sâu phân tích toàn diện trong Về yếu tính của chân lý (Vom Wesen der Wahrheit, bài giảng của ông tại đại học Freiburg khóa mùa đông 1930), khai triển rộng ra trong Dẫn vào siêu hình học (Einführung in die Metaphysik, Freiburger Vorlesung Sommersemester, 1935), và Nguồn gốc của tác phẩm nghệ thuật (Der Ursprung des Kunstwerkes, 1950), cuối cùng sửa chữa lại khái niệm này (aletheia chưa phải là chân lý) trong bài “Mục đích của triết lý và nhiệm vụ của tư tưởng” (Das Ende der Philosophie und die Aufgabe des Denkens 1964: HGA 14) in trong tập Về thời tính và tính thể(Zeit und Sein, 1962: HGA 14). Tác phẩm quan trọng nhất để hiểu được quan điểm của Heidegger đương nhiên vẫn là Về yếu tính của chân lý (Vom Wesen der Wahrheit: WW).[10]



Để hiểu rõ hơn lập trường của Heidegger chúng ta hãy xem xét khái niệm chân lý của ông được trình bày qua cái mà chính ông gọi là tính thể học căn nguyên về Hiện-tính (Dasein). Bản chất của chân lý gắn liền với câu hỏi về tính thể của con người (Dasein=Hiện Tính). Vấn tính về Tính Thể (die Frage nach dem Sein) chỉ có thể hiểu được trong cấu trúc tồn sinh của con người: “Tính thể của chân lý quan hệ một cách uyên nguyên với Hiện-Tính. Và chỉ do Hiện-Tính được hình thành thông qua sự khai mở, một cái gì đó mới có thể được tri nhận như là tính thể, chính nhờ sự khai mở này mà tri thức về tính thể mới có thể có được” (Das Sein der Wahrheit steht in ursprünglichem Zusammenhang mit dem Dasein. Und nur weil Dasein ist als konstituiert durch Erschlossenheit, das heißt Verstehen, kann überhaupt so etwas wie Sein verstanden werden, ist Seinsverständnis möglich. SZ: 230). Câu này còn quan trọng hơn: “Tính thể- chứ không phải các vật thể- hiện tồn thì mới có chân lý. Và Tính Thể chỉ có được khi chân lý hiện tồn. Tính Thể và chân lý đồng khởi nguyên” (Sein – nicht Seiendes – »gibt es« nur, sofern Wahrheit ist. Und sie ist nur, sofern und solange Dasein ist. Sein und Wahrheit »sind« gleichursprünglich. SZ: 230). Con người là sinh thể duy nhất đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của tồn tại nói chung và tồn tại của chính mình. Heidegger viết: “Sự thấu hiểu Tính Thể là tính chất xác định đặc trưng trong tính thể của Hiện-Tính. Dấu hiệu hiện thể của Hiện Tính nằm ở điểm nó thuộc về Tính Thể” (Seinverständnis ist selbst eine Seinsbestimmtheit des Daseins. Die ontische Auszeichnung des Daseins liegt darin, daß es ontologisch ist: SZ: 12). Điều này có nghĩa là Hiện Tính không đơn thuần chỉ là tự ý thức mà chủ yếu là ý thức về chính mình như Tại Thế Tính (In-der-Welt-Sein= Being-in-the-world), như sự mở ra đón chào các hiện thể khác và đón nhận cả tính thể của các hiện thể đó. Nói khác đi, không thể có chân lý tồn tại độc lập với Hiện-Tính (Dasein). Heidegger khẳng định: “Chân lý, hiểu theo ý nghĩa uyên nguyên nhất, thuộc về cấu tính nền tảng của Hiện-Tính” (Wahrheit, im ursprünglichsten Sinne verstanden, gehört zur Grundverfassung des Daseins: SZ: 226).

Theo Heidegger, ý nghĩa sơ nguyên ban đầu của logos là apophansis, có nghĩa là việc cho thấy, trình hiện ra, khai mở ra bản chất của các thực thể. Về sau logos mới được diễn giải theo nghĩa là một phát ngôn, một khẳng định, hay một phán đoán, mệnh đề. Quan niệm về ý nghĩa sơ nguyên của logos như thế gắn liền quan điểm của Heidegger trong thời kỳ đầu về chân lý. Trong SZ khái niệm chân lý như là sự khai mở đã được công bố ngay trong phần dẫn nhập (phần 7) và đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc của tác phẩm, ví dụ như trong phần phân tích về thế tính (Weltlichkeit) của thế giới như được khai thị của chân lý trong ý nghĩa sơ nguyên là aletheia. Thế tính không thể được khai mở trong các mệnh đề (phần I, chương 3), sự phân tích “Tại-tính như là thế” (phần 1, chương 5), cấu trúc của Ưu Tâm (Sorge: phần 1, chương 6), và “xác quyết của Tại Thế Tính (Dasein) về tính chân thực (Eigentlichkeit) và quyết tâm (phần 2, chương 2). “Điều đúng” trong logos như là aletheuien có nghĩa là trong legein như là apophainesthai các thực thể mà chúng ta nói đến phải được đưa ra khỏi tình trạng ẩn dấu. Chúng ta phải giúp cho chúng được nhìn thấy trong tình trạng không ẩn dấu (alethes). Có nghĩa là chúng phải được khám phá (entdeckt). Tương tự như thế, “sai lầm” (pseudesthai) có nghĩa là lừa gạt hiểu theo nghĩa “che đậy không cho thấy” (verdecken). Như thế ngay từ đầu trong tư tưởng Hi Lạp, chân lý kết nối chặt chẽ với câu hỏi về Tính Thể. Nói cách khác, đặt vấn đề chân lý chính là một một truy cầu tính thể học. Chân lý không bao giờ có ý nghĩa “tương hợp” (correspondence=adequatio) theo nghĩa triết học Kinh Viện[11] hay “tiền tượng thể” (representation) theo nghĩa Descartes hay “đồng nhất” (identitas) theo nghĩa Leibniz giữa chủ thể/chủ tri (subjectum) và khách thể/ sở tri (objectum). Nhìn theo quan điểm này, chính chủ thể/chủ tri quyết định nội dung của chân lý: không có chân lý nếu không có ai phát biểu chân lý đó dưới hình thức một mệnh đề. Heidegger nhấn mạnh rằng đối với người Hi Lạp vấn tính về chân lý là một vấn đề tính thể học, không phải là một vấn đề tri thức luận thuần túy như lô gíc học hiện đại đã khẳng định. 

Yếu tính của chân lý là sự khai mở ra (Erschlossenheit). Và như thế aletheia vẫn là sự không ẩn dấu (Unverborgenheit) trong ý nghĩa căn nguyên nhất của nó. Nhưng các tư tưởng này của Heraclitus và Parmenides đã trải qua một sự thay đổi kể từ Platon và Aristote. Đây chính là điểm khởi đầu của siêu hình học Tây Phương. Sự nhấn mạnh Tính Thể như trạng thái không ẩn dấu đã phôi phai đi mất. Dụ ngôn Cái Hang của Platon,[12] như Heidegger phân tích, là nơi chân lý hiểu như “nhận thức đúng đắn” (orthotes) đã thay thế khái niệm aletheia. Khi Tính Thể được đồng hóa với ý niệm (idea) chiếm một vị thế thượng phong thì tính không ẩn dấu của Tính Thể trở thành một quan điểm đúng đắn của một hữu thể tuyệt đối nào đó. Chân lý trở thành sự tương thông giữa tư tưởng và thế giới ý niệm. Chốn sở cư của chân lý bị chuyển hộ khẩu từ cõi khai mở uyên nguyên sang địa chỉ mới là các phán đoán lô gíc của con người.[13] Nhưng cần lưu ý là Heidegger không phản đối các phán đoán lô gíc. Ông chỉ muốn nhắc cho chúng ta nhớ rằng nguồn gốc của chúng là aletheia: “Chân lý uyên nguyên là chốn sở cư của phán đoán/ diễn ngôn và là điều kiện về mặt tính thể để có được khả tính là diễn ngôn/ phán đoán có thể đúng hay sai (được khai mở/ hay bị che dấu đi” (Die ursprünglichste »Wahrheit« ist der »Ort« der Aussage und die ontologische Bedingung der Möglich-keit dafür, daß Aussagen wahr oder falsch (entdeckend oder verdeckend) sein können. SZ: 226).

Thế còn quan điểm của Aristote về chân lý?

Theo sự trình bày của Heidegger, Aristote quan niệm đệ nhất triết học chính là “tri thức về chân lý” (episteme tes aletheias) và là “tri thức về tính thể như là tính thể” (on he on).[14] Theo Heidegger, người Hi Lạp không cho rằng tri thức hàm chứa trong một mệnh đề phán đoán đúng. Khái niệm này hoàn toàn xa lạ với thế giới tinh thần của họ. Aristote cho rằng chân lý (aletheia) có nghĩa là sự khai mở của Tính Thể cho chúng ta. Chỉ sau khi Tính Thể đã bộc lộ chính nó cho con người thì nó mới có thể được trình hiện ra trong hình thức các phán đoán đúng. Điều này trái với tư duy lô gíc Kinh Viện khi xem chân lý được thể hiện ra trong các mệnh đề đồng nhất cho thấy sự phù hợp giữa các tiền tượng thể trong trí năng con người và sự vật (adequatio intellectus et rei). Khai thác tư tưởng của Aristote vốn cho rằng “tính thể là chân lý” (to on hos alethes) Heidegger chia chân lý thành ba loại từ thấp đến cao nhất: chân lý của phán đoán (khoa học, toán học), chân lý về hiện thể (ontische), và chân lý về Tính Thể (ontologische) là chân lý uyên nguyên nhất, căn cơ nhất, nền tảng của hai loại chân lý đi trước.

Như thế, đối lập với chân lý chính là phi chân lý được hiểu như sự che dấu, ẩn dấu đi (Verborgenheit). Sự ẩn dấu xảy ra khi một tiền tượng thể (Vorstellung) của một sự thể nào đó lại chiếm vị thế thượng phong như là chuẩn thức tối cao về chính sự thể đó và như thế che dấu đi những khả tính xuất hiện khác của nó. Nói khác đi, nhìn từ quan điểm Heidegger, lịch sử siêu hình học Tây Phương là một chuỗi dài những nỗ lực nhằm ẩn dấu đi ý nghĩa căn nguyên của Tính Thể. Tính Thể trong tư tưởng sơ nguyên Hi Lạp được nhìn nhận trong viễn tượng tự-trình-hiện (Anwesen) thông qua các khái niệm lógos, phusis, và aletheia. Kể từ Platon và Aristote, sự tự trình hiện căn nguyên sơ thủy này đã bị đông cứng lại thành idea, ousia, và energeia một hiện thực thường trực. Tuy vậy trong sự đông cứng này agathos[15] và aition[16] vẫn còn được cho phép xuất hiện, có nghĩa là, dù sao đi nữa, ousia vẫn còn âm vang trong bản thân nó, dù là xa lắc xa lơ, những tư duy tinh tuyền Hi Lạp cổ xưa. Nhưng đến thời triết học Kinh Viện (thế kỷ 12-13) thì chút ít dư âm ngày xưa ấy cũng biến mất khi energeia lại sa đọa thành actualitas (=thực tại tính, Heidegger chuyển sang tiếng Đức là Wirklichkeit), tức là tính nhân quả (Wirken), quan hệ giữa cái gây ra hiệu ứng và cái bị ảnh hưởng của hiệu ứng đó, tức là giữa nguyên nhân và hậu quả. Cả actualitas và existentia đều bị định nghĩa theo chiều hướng đó. Cả sự trình hiện của Thượng Đế (omnipraesentia) cũng chỉ là nguyên nhân tối hậu trong một chuỗi dài nhân quả. Toàn thể các hữu thể bị phân ra thành hai loại: đấng sáng tạo (ens infinitum, creator) và loại thụ tạo (ens finitum, creatum). Thần học Kinh Viện đã chi phối tận gốc rễ những vấn đề triết học Tây Phương cho đến tận thời hậu hiện đại. Hiểu được điều này chúng ta mới đánh giá đúng đắn tư tưởng của Heidegger và chủ nghĩa hậu hiện đại (Derrida, Foucault, Lyotard) khi cả hai đều phê phán quyết liệt tinh thần hiện đại vốn cắm rễ sâu xa trong mảnh đất siêu hình-thần học nhị nguyên thời Trung Cổ.

Nên nhận định thế nào về quan điểm của Heidegger khi ông khẳng định chân lý là aletheia?

Paul Friedländer[17], một học trò của Heidegger đã phản đối quan điểm của thầy dựa trên cơ sở từ nguyên học. Trong một nghiên cứu viết về Platon, ông cho rằng giải thích ý nghĩa của chữ aletheianhư Heidegger không hề có cơ sở vững chắc trong văn học Hi Lạp. Không phải lúc nào aletheiacũng có nghĩa là “không ẩn dấu” (Unverborgenheit) mà thật ra ý nghĩa này chỉ xuất hiện một lần trong vở kịch Theogony của Hesiod.[18] Ngay cả trong hoàn cảnh này nếu hiểu aletheia là “nhận thức đúng đắn”- điều mà Heidegger gán cho thời kỳ “sa đọa” của triết học Hi Lạo- thì cũng không sai. Friedländer dẫn thêm hai từ cùng ngữ căn với aletheia là atrekeia and akribeia, cả hai từ này đều có nghĩa là “chân lý, sự đúng đắn, chính xác.” Tóm lại, không phải như Heidegger trình bày, “Khái niệm về chân lý của người Hi Lạp không thay đổi từ giai đoạn aletheia (hiểu theo nghĩa không ẩn dấu) sang giai đoạn orthotes (=nhận thức đúng đắn) (như Heidegger đã nói một cách sai lầm).”[19]

Chắc hẳn ý thức được lập luận vững chắc của Friedländer, trong bài giảng năm 1964 về “Sự cáo chung của triết học và nhiệm vụ của tư tưởng” (The End of Philosophy and the Task of Thinking) Heidegger đã viết: “Về phạm vi của vấn đề này chúng ta phải thừa nhận rằng aletheia, không ẩn dấu theo ý nghĩa mở ra sự hiện diện, lúc ban đầu được kinh nghiệm như là orthotes hiểu theo nghĩa là tính đúng đắn của các tiền tượng thể hay phát biểu. Nhưng như thế thì lời khẳng định về chân lý như một quá trình chuyển đổi thiết yếu từ tình trạng không ẩn dấu sang tính đúng đắn cũng không thể đứng vững” (In the scope of this question we must acknowledge the fact that aletheia, unconcealment in the sense of the opening of presence, was originally only experienced as orthotes, as the correctness of representations and statements. But then the assertion about the essential transformation of truth, that is, from unconcealment to correctness, is also untenable).[20] Heidegger đã chỉnh sửa lại quan điểm của mình: aletheia chưa phải là chân lý: “Nêu vấn đề aletheia, khai mở như là thế, không giống như nêu vấn đề chân lý. Vì thế không phù hợp và đi lạc hướng nếu xem aletheia, trong ý nghĩa khai mở, là chân lý.”[21]

Ngay từ thập niên 1960, Ernst Tugendhat, một học trò khác của Heidegger, cũng đã phê phán quan niệm về chân lý của Heidegger là quá chật hẹp, không thể hiện được hết các sắc thái đa diện của chân lý, đặc biệt là trong truyền thống triết học phân tích của Frege, Tarski, Davidson và Wittgenstein.[22] Heidegger, theo Tugendhat, cho rằng mọi lý thuyết chân lý truyền thống từ Platon, Aristote, Thomas Aquinas, cho đến Leibniz, đều là lý thuyết tương hợp (adequatio intellectus et rei) trong khi triết học phân tích cho rằng chân lý là những phán đoán mệnh đề được cấu trúc theo các qui luật lô gíc nhất định nhưng gạt bỏ mối quan hệ (nếu có) giữa những phán đoán lô gíc và thế giới thực thể khách quan, nghĩa là lô gíc học không nhất thiết phải chấp nhận quan điểm kinh viện chân lý là adequatio intellectus et rei. [23] Sự phê bình của Tugendhat tương đối phức tạp, sẽ là chủ đề riêng cho một bài nghiên cứu khác.

TẠM KẾT

Quan điểm của Heudegger về lô gíc và chân lý không phải nhà lô gíc học nào cũng có thể dễ dàng đón nhận, đặc biệt những nhà lô gíc toán (Russell, Carnap, Wittgenstein), những người luôn khẳng định cấu trúc lô gíc phản ánh chính cấu trúc của thế giới khách quan bên ngoài chủ thể nhận thức. Toàn bộ các yếu tố siêu hình- được hiểu như tập hợp những lời khẳng định bất khả kiểm chứng về thực tại- hoàn toàn vắng mặt trong các mệnh đề lô gíc. Để giải quyết vấn đề chân lý W.V.O Quine chủ trương một loại lý thuyết duy danh tối thiểu (minimalist nominalism), B. Russell đề nghị một loại chủ nghĩa Plato toán học (xem các thực thể trừu tượng, thí dụ các quan hệ lô gíc, là tồn tại thực sự), Kaminsky và Strawson đề nghị quay lại với Kant để xác lập các điều kiện cần thiết cho bất cứ một quy chỉ (reference) nào đối với thực tại ngoài ngôn ngữ (extralinguistic reality).

Để hiểu được sự đóng góp của Heidegger trong lãnh vực triết lô gíc, chúng ta cần nhớ lại rằng các triết gia phương Tây từng tranh luận rất gay gắt về vấn đề: “Liệu rằng tính tất yếu của lô gíc có phản ánh các đặc tính tất yếu của thế giới thực tại hay không? Các hệ thống lô gíc có hữu ích trong việc giúp chúng ta mô tả chính xác thế giới khách quan không? Hay sự tất yếu, nhất quán, mạch lạc mà chúng ta tìm thấy trong các mệnh đề lô gíc chỉ phản ánh chính cấu trúc ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng để mô tả các đặc trưng trong thế giới thực?” Bản thân từ logic/ logique trong tiếng Anh, tiếng Pháp, cũng bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp logos có nghĩa là “ngôn ngữ, diễn ngôn, phán đoán” (Rede, Aussage) như chính Heidegger đã chỉ ra trong phần dẫn luận (Einleitung) của MGL. Trong phần này Heidegger đã mô tả lô gíc học truyền thống như khoa học về tư duy xác định tự thể hiện thành các khẳng định (Aussage= phán đoán= Urteil), đối lập với điều mà Heidegger gọi là triết lô gíc. Theo Heidegger chính Plato và Aristotle đã biến triết lô gíc thành lô gíc học như chúng ta hiểu hiện nay và nhiệm vụ mà Heidegger tự đặt ra cho ông là trùng phục triết lô gíc trên cơ sở phá hủy lịch sử lô gíc học truyền thống vốn xây dựng trên siêu hình học xét như một khoa học về hiện thể như là hiện thể. Ý định này thống nhất với nỗ lực của Heidegger trong tác phẩm Tính thể và Thời Tính (Sein und Zeit: SZ, 1927) trong việc vượt qua siêu hình học mà ông lên án là thủ phạm chính gây ra sự quên lãng tính thể (Seinsvergessenheit) kéo dài trong lịch sử triết học Tây Phương từ thời Platon và Aristote mãi cho đến tận ngày nay. Sự chống đối của Heidegger đối với siêu hình học hệ tại ở điểm chính siêu hình học, theo Heidegger, là chướng ngại lớn nhất ngăn cản một nhận thức rõ ràng về mối quan hệ căn nguyên giữa tính thể và tại thể (Dasein) hiểu như hữu-tại-thế (In-der-Welt-Sein). Để trùng phục lại mối quan hệ căn nguyên thiết cốt giữa Tính Thể, Hiện Tính, và Chân Lý, Heidegger đã truy nguồn về tận aletheia mà ông xem là ý nghĩa u uyên nhất của chân lý hiểu như “tình trạng khai mở/ khai thị” (Erschlossenheit) hay “không ẩn dấu” (Unverborgenheit) của Tính Thể đối với Hiện-Tính (Dasein= con người). Dưới góc nhìn của Heidegger, siêu hình học, giam hãm tư duy con người trong thế giới vật hiện thể, đã mở ra định mệnh của thế giới được định danh là “sự mất quê hương” (Heimatlosigkeit). Ông gợi ý chúng ta phải tư duy định mệnh của thế giới nhìn từ góc độ lịch sử của Tính Thể. “Sự mất mát quê hương” này không hề liên quan gì đến chủ nghĩa quốc gia hay lòng ái quốc. Trong viễn tượng triết học Heidegger, khái niệm này nói đến sự kiện con người, bị sa lầy trong thế giới của vật hiện thể, đã quên lãng ý nghĩa của Tính Thể, và chính sự quên lãng này đã gây ra tình trạng tư duy rối loạn, bát nháo hiện nay. Chìm đắm trong thế giới của hiện thể, chúng ta khẳng định ưu thế tuyệt đối của một loại hiện thể nào đó, một đối thể của tư duy siêu hình học, có thể là hữu hạn hay vô hạn, hay một thứ bản thể nào đó bao trùm tất cả vật hiện thể. Tính Thể vẫn bị che khuất trong đêm trường của sự thiếu vắng chân lý. Chỉ có sức mạnh của thi ca, như được thể hiện trong những bài thơ trầm thống của Hoelderlin, theo Heidegger, mới có thể cứu vớt các triết gia ra khỏi hố thẳm của siêu hình học và phục hồi ký ức của họ về ý nghĩa của Tính Thể. Vì triết học đã kết thúc, đã cáo chung. Sửa lại một câu nói thời danh của Nietzsche, “nhà siêu hình cuối cùng,” chúng ta có thể nói, trong tinh thần triết lý Heidegger, “con người đã chết vì triết lý đã chết.”

DƯƠNG NGỌC DŨNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

W. Biemel, Martin Heidegger (Rembek bei Hamburg: Rowohll Verlag, 1998).
Martin Heidegger, Zur Sache des Denkens (Max Niemayer, Tubingen, 1969).
M.Heidegger, Metaphysische Anfangsgründe der Logik im Ausgang von Leibniz (NXB. Vittorio Klostermann, 2007).
M. Heidegger, The Metaphysical Foundations of Logic. Bản dịch của Michael Heim (Indiana University Press, 1992).
M. Heidegger, Brief über den "Humanismus" (1946), in: Wegmarken, Frankfurt/M: Klostermann 2004.
M. Heidegger, The Essence of Truth: On Plato's Cave Allegory and Theaetetus, bản dịch của Ted Sadler (NXB. Continuum, 2002).
M. Heidegger, The Principle of Reason (Bloomington: Indiana University Press, 1991).
M. Heidegger, Basic Writings (do David F. Krell chủ biên, NXB. Harper San Francisco, 1977).
M. Heidegger, “Das Ende der Philosophie und die Aufgabe des Denkens 1964: HGA 14) in trong tập Về thời tính và tính thể (Zeit und Sein, 1962: HGA 14). Ký hiệu HGA có nghĩa là toàn tập Heidegger (Heideggers Gesamtsausgabe), 14 là số tập. Toàn tập này do nhà xuất bản Vittorio Klostermann thực hiện một năm trước khi Heidegger qua đời năm 1976.
M. Heidegger, Vom Wesen der Wahrheit, in Wegmarken, ed. Vittorio Klosterman (Frankfurt am Main: V. Klostermann, 1978), pp. 175-199. Bản này đã được Phạm Công Thiện dịch sang Việt Ngữ Về thể tính của chân lý (NXB. Hoàng Đông Phương, 1968). Có thể tham khảo bản dịch Anh ngữ “On The Essence of Truth” của John Sallis, in trong Pathmarks, Cambridge: Cambridge University Press, [1930]1998, tr. 136-137.
M. Heidegger, Sein und Zeit (Max Niemeyer Verlag Tübingen 1967). Bản dịch tiếng Anh của Joan Stambaugh, Being and Time (State University of New York Press, Albany, 1996).
M. Heidegger, Kant and the Problem of Metaphysics, bản dịch tiếng Anh của Overgaard, 2002.
M. Heidegger, Die Onto-Theologische Verfassung der Metaphysik, in trong Identität undDifferenz (1955–1957), Verlag Günther Neske Pfullingen, 1957.
M. Heidegger, Tác phẩm triết học (NXB. Đại học Sư Phạm, 2004).
Paul Friedländer, Plato. An Introduction, bản dịch Anh ngữ của H. Meyerhoff (New York: Harper 1964). [Nguyên tác tiếng Đức: Platon. Seinswahrheit und Lebenswirklichkeit, Band 1 (Berlin: W. de Gruyter, 1964.]
G.W. Leibniz Discourse on Metaphysics and the Monadology (bản dịch của George R. Montgomery. NXB. Prometheus Books, 1992).
Lê Tôn Nghiêm, Lịch sử triết học Tây Phương, tập II (NXB. Thành phố HCM, 2000)


* Tiến sĩ. Giảng viên Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh
[1]Martin Heidegger, Sein und Zeit (Max Niemeyer Verlag Tübingen 1967), tr. 11. Bản dịch tiếng Anh của Joan Stambaugh, Being and Time (State University of New York Press, Albany, 1996), tr.9.
[2]Martin Heidegger, Kant and the Problem of Metaphysics, bản dịch tiếng Anh của Overgaard, 2002, tr.76, chú thích 7.
[3]Martin Heidegger, Die Onto-Theologische Verfassung der Metaphysik, tr.19, in trong Identität und Differenz (1955–1957), Verlag Günther Neske Pfullingen, 1957.
[4]Heidegger trích từ Nouvelles Lettres et Opuscules inédits de Leibniz, do L.A. Foucher de Careil xuất bản (Paris, 1857), tr. 179.
[5]Theo truyền thống của các giáo sư triết học Đức, Heidegger chỉ trích dẫn nguyên văn Pháp Văn, La Tinh hay Hy Lạp mà không phiên dịch sang tiếng Đức trong các khóa giảng của mình. Chúng tôi tự dịch tất cả những câu Heidegger trích dẫn Leibniz dựa trên bản dịch tiếng Anh của quyển Discourse on Metaphysics and the Monadology (bản dịch của George R. Montgomery. NXB. Prometheus Books, 1992).
[6]Heidegger trích từ G.W. Leibniz, Hauptschriften zur Grundlegung der Philosophie, bản dịch của A. Buchenau, được biên tập và hiệu đính lại kèm theo lời giới thiệu của Ernst Cassirer, 2 cuốn (Philosophische Bibliotek, cuốn 107 và 108), Leipzig 1904-6 (ấn bản lần thứ 3, Hamburg, 1966), cuốn 2, tr. 143.
[7]Heidegger trích từ Opuscules et Fragments inédits de Leibniz, L. Couturat xuất bản (Paris, 1903), bản in lại (Hildesheim, 1966), tr. 388.
[8]M. Heidegger, Brief über den Humanismus, tr. 34
[9] W. Biemel, Martin Heidegger (Rembek bei Hamburg: Rowohll Verlag, 1998)
[10]Martin Heidegger, Vom Wesen der Wahrheit, in Wegmarken, ed. Vittorio Klosterman (Frankfurt am Main: V. Klostermann, 1978), pp. 175-199. Bản này đã được Phạm Công Thiện dịch sang Việt Ngữ (NXB. Hoàng Đông Phương, 1968). Có thể tham khảo bản dịch Anh ngữ “On The Essence of Truth” của John Sallis, in trong Pathmarks, Cambridge: Cambridge University Press, [1930]1998, pp. 136-137. Không nên lầm lẫn bài giảng năm 1930 (xuất bản năm 1943) này của Heidegger với hai bài giảng khác có tựa đề và nội dung tương tự. Bài luận này có tựa đề tiếng Đức là Vom Wesen der Wahrheit. Trong ấn bản toàn tập Heidegger chính thức, Gesamtsausgabe (GA) , nó được đánh số GA9. Không nên lầm nó với bài giảng ở đại học Marburg “Lô gíc: Vấn tính về Chân Lý” (“Logik: Die Frage nach der Wahrheit”, 1925, đánh số GA21) hay “Thể tính của Chân Lý”(Vom Wesen der Wahrheit. Zu Platons Höhlengleichnis und Theätet, 1931, đánh số GA31).
[11]Chính Thomas Aquinas, trong Questiones Disputationes de Veritate, 1.1 đã đưa ra công thức veritas adequatio intellectus et rei est=truth is the correspondence of the mind with the thing= chân lý là sự tương hợp của trí năng với sự vật.
[12]Trong tác phẩm The Republic (Hi Lạp: Πολιτεία, Politeia; La Tinh: De Republica) của Platon (cuốn VII). Có thể tham khảo bản dịch Việt ngữ của Đỗ Khánh Hoan (Cộng Hòa, NXB. Thế Giới, Hà Nội, 2012) từ trang 480. Có điều không biết dịch giả căn cứ vào bản tiếng Anh nào nên khó lòng đánh giá chất lượng bản dịch một cách chính xác. Tôi đoán Đỗ Khánh Hoan dựa vào bản dịch nổi tiếng của Benjamin Jowett. Plato: The Republic (1871). Bản dịch mới nhất là của R.E. Allen, The Republic (Yale University Press: 2006). Nhưng công phu nhất, chú giải đầy đủ nhất là bản của Allan Bloom, The Republic of Plato (Basic Books, New York, 1991). Bộ phim nổi tiếng The Matrix(Ma Trận do Keanu Reeves thủ vai chính) được xây dựng trên chính dụ ngôn về Cái Hang này.
[13]Dĩ nhiên là người đọc có cố gắng cách mấy thì cũng không tìm thấy trong dụ ngôn này bất cứ chổ nào Platon nói đến việc chân lý thay đổi từ khái niệm aletheia sang orthotes. Đây hoàn toàn là giải thích theo kiểu Heidegger. Về dụ ngôn này nên tham khảo một giải thích rất hay của Arthur Herman, The Cave and the Light: Plato Versus Aristotle, and the Struggle for the Soul of Western Civilization (Random House, 2014). Về ảnh hưởng của Platon đối với Heidegger, nên tham khảo Mark A. Ralkowski 2009. Heidegger’s Platonism (New York and London: Continuum Publishing, 2009)
[14]Aristote, Met. 1025b 3, 1026a 31, 1060b 32, 1064b 15. Cụm từ ὂν ἢ ὀν (on he on=Being qua Being=Tính Thể như là Tính Thể) chỉ xuất hiện trong các tập IV, VI và XI của tác phẩm Siêu hình học (Metaphysics). Xem: Aristotle - Metaphysics. Text and Commentary - William David Ross biên tập và phiên dịch (NXB: Oxford University Press 1924, bản hiệu đính lại 1953). Tác phẩm Metaphysics (Hi Lạp: τὰ μετὰ τὰ φυσικά; La Tinh: Metaphysica) là tác phẩm quan trọng nhất về chủ đề Heidegger đang thảo luận. Nên tham khảo phần trình bày rất chi tiết về tư tưởng triết học Aristote trong Lịch sử triết học Tây Phương (cuốn 2) của GS. Lê Tôn Nghiêm (NXB. Thành phố HCM, 2000), đặc biệt từ trang 402 đến 434.
[15] ἀγαθός, (tương đương với ἄγαμαι = ngạc nhiên, khâm phục,ἀγαστός =đáng khâm phục, theo sự giải thích của Platon, Cratylus., tr. 412 c., nói chung là chỉ thị sự hoàn hảo về bất kỳ phương diện nào, có thể dùng cho người hay bất kỳ khái niệm hay sự vật nào "perfectus, ... qui habet in se ac facit omnia quae habere et facere debet pro notione nominis, officio ac lege"(Irmisch ad Herodian, 1, 4, tr. 134). Nói chung agathos= tốt đẹp, hoàn hảo, thiện hảo, lý tưởng tối cao trong triết học Platon.
[16]Chữ dùng của Aristote αἴτιον, aition, để chỉ một sự giải thích mối quan hệ nhân quả giữa hai hiện tượng. Cần nhớ lại chủ trương của Aristote là có bốn nguyên nhân tất cả để giải thích mối quan hệ này: nguyên nhân vật chất (causa materialis), nguyên nhân mô thức (causa formalis), nguyên nhân cứu cánh (causa finalis), nguyên nhân hiệu dụng (causa efficiens). Heideger có giải thích bốn nguyên này trong Vấn đề kỹ thuật (bản dịch tiếng Anh The Question Concerning Technology in trong M.Heidegger, D. F. Krell chủ biên, Basic Writings (New York: Harper & Row, Publishers. 1977), tr. 289-290. Theo giải thích của Heidegger bốn nguyên nhân này chính là ý nghĩa căn nguyên của từ poiesis (=sáng tạo, hình thức cao nhất của phusis), mà sáng tạo chính là quá trình khai mở chân lý uyên nguyên về một sự vụ nào đó, vậy poiesis chính là aletheia, nhưng khi aletheia được dịch sang tiếng La Tinh là veritas thì ý nghĩa này đã bị che khuất đi mất
[18]Paul Friedländer, Plato. An Introduction, bản dịch Anh ngữ của H. Meyerhoff (New York: Harper 1964). [Nguyên tác tiếng Đức: Platon. Seinswahrheit und Lebenswirklichkeit, Band 1 (Berlin: W. de Gruyter, 1964).]
[19]Paul Friedländer, sách đã dẫn, tr. 229
[20]Martin Heidegger, Basic Writings (do David F. Krell chủ biên, NXB. Harper San Francisco, 1977), tr. 390
[21]Martin Heidegger, Zur Sache des Denkens (Max Niemayer, Tubingen, 1969), tr. 86.
[22]Ernst Tugendhat, Der Wahrheitsbegriff bei Husserl und Heidegger (Berlin: Walter de Gruyter &Co. 1967)
[23]Một số học giả hiện đại vẫn tiếp tục bênh vực cho luận điểm của Heidegger như Taylor Carman (Carman, T. (2003) Heidegger's Analytic: Interpretation, Discourse, and Authenticity in Being and Time (Cambridge: Cambridge U. Press)) and Daniel Dahlstrom (Dahlstrom, D. (2001) Heidegger's Concept of Truth (Cambridge: Cambridge U. Press).

Theo triethoc.edu
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất