Chúng ta sợ suy tư



Hãy đừng tự dối mình! Chúng ta tất cả - kể cả những chuyên gia trí thức- thiếu suy tư và dễ dàng để đầu óc trống rỗng. "Để đầu óc trống rỗng" là trạng huống hiện hữu khắp nơi trong xã hội ngày nay. Ngày nay chúng ta tiếp thụ quá nhanh và không lao lực mọi sự để mà vội vã hay tức khắc quên đi. Từ hội thảo này sang hội thảo khác; những dịp khánh lễ càng ngày càng nhiều và vô ý thức. Những dịp khánh lễ và "để đầu óc trống rỗng" sẵn cứ thế mà tiếp tay nhau.

Nhưng ngay cả những khi "để đầu óc trống rỗng", chúng ta không mất khả năng suy tư. Chỉ là chúng ta ôm giữ bản năng suy tư một cách phi lý: chúng ta để đầu óc chúng ta hoang dại. Tuy rằng như những cánh đồng, nơi nào hoang dại cũng vẫn là nơi ta có thể gieo hạt. Những xa lộ tốc độ không phải là cánh đồng hoang, không phải là nơi ta có thể đặt mầm cho cây cỏ. Như chúng ta trở nên điếc vì chúng ta có thính giác; chúng ta già vì chúng ta đã trẻ; chúng ta thiếu suy tư và để đầu óc trống rỗng, vì đã là người bản chất của chúng ta là "suy tư". Chúng ta có đầu óc và có khả năng lý giải, sinh ra để mà suy tư. Ôi! Chúng ta mất và để lạc mất những gì ta biết đã có hay vô tình đã có.

"Để đầu óc mỗi ngày một thêm trống trải" phải là do một tật luỵ nào đang xâm nhập vào tận xương tuỷ của con người: con người ngày nay sợ suy tư! Sợ suy tư đưa đến "đầu óc trống rỗng". Người ta chạy trốn mà không tự thấy và còn phủ nhận rằng mình đang chạy trốn suy tư. Trái lại nữa, họ còn nói -dẫu không phải là hoàn toàn vô lý- rằng ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta có những đồ án quy mô rộng lớn, những khảo sát trên nhiều lĩnh vực, những nghiên cứu thử nghiệm tận tình tận sức của tâm trí. Đúng! Những xảo nghệ những lý giải rất có ích và cũng rất cần thiết. Nhưng chuyện "con người suy tư" nằm ở giai tầng khác.

Vấn đề là mỗi khi chúng ta xếp đặt, tìm tòi, tổ chức, chúng ta hội nhập vào những đề án đã quy ước. Chúng ta luận giải tính toán cho nó thật thích đáng. Chúng ta chờ đợi những kết quả trong một tiêu chuẩn rõ ràng. Chúng ta luận giải xếp đặt tính toán tìm tòi dù chúng ta không làm việc với con số, với máy tính cộng trừ hay máy vi tính…Chúng ta chỉ máy móc giải tính không ngừng để luôn luôn tìm ra cái gì mới, thích ứng, tiện nghi, kinh tế hơn nữa. "Máy móc luận giải tính toán" chạy từ kí hiệu này sang kí hiệu khác. Không bao giờ ngừng, không giây nào định lại tự tổng quát. "Luận giải tính toán" không phải là "trầm tư suy nghiệm", suy tư nghiệm thức cái lẽ huyền diệu của mỗi từng sự vật, "hiện là" trong càn khôn.

Như thế đó, chúng ta có hai loại đầu óc tác dụng chính đáng khác nhau: "máy móc luận giải tính toán" và "trầm tư suy nghiệm".

Khi chúng tôi nói: "con người ngày nay sợ suy tư", là chúng tôi muốn nói: "chúng ta sợ trầm tư suy nghiệm". Tuy nhiên, các bạn có thể bác bỏ, vì theo các bạn, "trầm tư suy nghiệm" chỉ là viển vông, bay trên trời, xa thực tế. Không đặt chân trên đất! Không có ích lợi gì cho công việc thường xuyên, không mang lại gì cho cuộc sống hàng ngày!

Và sau hết, các bạn cũng có thể nói: "trầm tư suy nghiệm" là quá xa ngoài sở trường tư duy của con người bình thường. Lời tự thứ này hàm chứa một sự thật: vì cũng như "luận giải tính toán", "trầm tư suy nghiệm" không phải là tự nhiên; nó đòi hỏi một quá trình nhiều công phu, nhiều thực tập có khi hơn nữa; chắc chắn là nó tinh tế hơn nhiều xảo nghệ. Một điều nữa là trước hết chúng ta phải biết định tâm chiêm ngưỡng chờ đợi như người nông phu ngóng đợi hạt gieo trổ mầm, lên cây và chín quả.

Nhưng mỗi người chúng ta đều có thể trầm tư suy nghiệm, trong tư duy cá biệt hạn hẹp của mình. Tại vì sao? Vì đã là người, chúng ta đều là "sinh thể" biết suy tư. "Trầm tư suy nghiệm" không cần phải bay cao; chúng ta chỉ cần tự tại với những sự vật bao quanh, suy tư nghiệm thức những sự vật gần nhất, những gì thuộc về vũ trụ cá biệt nơi đây và phút này, nơi đây trên "mảnh cố quận", phút này trong "giờ sử thi" của chính mình.

Martin Heidegger
Ngô Văn Tao phỏng dịch
Theo Talawas.org

Tại sao phỏng dịch? Tiếng Đức và tiếng Anh rất gần gũi; người ta có thể dịch văn bản tiếng Đức ra tiếng Anh, theo sát từng chữ, theo sát cấu trúc văn phạm của từng câu. Nhưng từ ngôn ngữ Âu Mỹ sang ngôn ngữ Việt Nam là một bước nhảy lớn trong từ ngữ,văn phạm và cấu trúc; một bước nhảy lớn trong tư duy, trong vũ trụ quan, trong cuộc sống mỗi ngày…Nên khi dịch đoạn văn này của Heidegger, tôi đã không ngần ngại dựa trên bản dịch Anh ngữ của Anderson và Hans Freund; và hơn nữa tôi đã tự tái tạo lại trong từ ngữ Việt Nam của chúng ta, nghĩa là tôi đã không sợ suy tư lại trong ngôn ngữ của chính mình.
Người dịch
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
1 Comments

1 nhận xét:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất