Luân lý như một cái gì phản tự nhiên



§1

Tất cả mọi đam mê đều có một thời trong đó chúng chỉ là tai hoạ, trong đó chúng dìm những nạn nhân dưới sức nặng của sự điên cuồng của chúng, - và một thời kế tiếp, rất lâu sau trong đó, chúng kết hợp với tinh thần, trong đó chúng tự “tinh thần hoá”. Ngày xưa, vì sự điên cuồng trong đam mê, người ta đã gây chiến với chính đam mê: người ta âm mưu tiêu diệt nó, - tất cả mọi quái vật luân lý cổ điển đều đồng tâm nhất trí với nhau về điểm này: “il faut tuer les passions”[1]. Định thức lừng danh nhất cho việc này nằm trong Tân Ước, đoạn Bài Giảng trên Núi, nơi, xin nói qua, những sự vật không hề được nhìn từ một đỉnh cao. Chẳng hạn nói về dục tình: “Nếu con mắt các ngươi lăng nhục các ngươi, hãy móc mắt ra.”: may mắn thay không tín đồ Kitô giáo nào theo lời khuyên này. Tiêu diệt những đam mê và khát vọng chỉ vì sự điên cuồng của chúng, và để ngăn ngừa những hậu quả tai hại của chúng - dường như đối với chúng ta ngày nay chỉ là một hình thức bén nhọn của điên cuồng. Chúng ta không còn thán phục những nghệ sĩ chuyên nhổ răng để chúng không làm đau được nữa… Đằng khác có thể công bình chấp nhận rằng, trên lãnh vực mà Kitô giáo tăng trưởng, ý tưởng về sự “tinh thần hoá đam mê” không thể quan niệm được. Bởi Giáo Hội nguyên thuỷ, như mọi người đều biết, chống lại những kẻ “thông minh” vì lợi ích của những kẻ “nghèo khó trong tinh thần”, làm sao người ta có thể trông đợi nó một cuộc chiến thông minh chống lại đam mê được? Giáo Hội đánh phá những đam mê bằng cách làm cỏ tận rễ, biện pháp cách “chữa trị” của Giáo Hội là thiến. Giáo Hội không bao giờ hỏi: “Làm thế nào người ta có thể tinh thần hoá, tô điểm, thần thánh hoá một dục vọng?”- Giáo Hội luôn đặt nặng kỷ luật của mình lên sự tuyệt diệt (dục vọng, lòng kiêu căng, tham vọng quyền lực, biển lận, thù hận) - Nhưng tấn công đam mê tận gốc rễ của nó có nghĩa là tấn công cuộc đời tận gốc rễ của nó vậy: biện pháp của Giáo Hội thù nghịch với cuộc đời…

§2

Cũng phương thuốc đó: sự thiến và diệt dục đó, được chọn dùng một cách tự nhiên theo bản năng trong cuộc chiến đấu chống lại dục vọng bởi những ý chí quá yếu đuối, quá sa đoạ để có thể cưỡng bách dục vọng đó phải chấp nhận một giới hạn; bởi những bản chất cần la Trappe[2] , nói một cách ẩn dụ (và không hình ảnh), một sự khai chiến quyết liệt của lòng cừu hận, một vực thẳm ngăn cách giữa họ và đam mê. Chính những kẻ sa đoạ mới thấy những phương tiện triệt để là tối cần thiết; sự yếu đuối của ý chí, rõ rệt hơn sự bất lực không thể phản ứng chống lại một sự kích thích, chính nó mới là một hình ảnh của sa đoạ. Lòng cừu hận triệt để, sự căm thù không đội trời chung đối với nhục cảm luôn luôn là một triệu chứng trầm trọng cần phải xét lại; người ta có quyền đặt những giả thiết về tình trạng chung của một kẻ cực đoan về phương diện này. - Tuy nhiên, lòng cừu hận, sự căm thù này chỉ lên tới cao độ khi những bản chất này không còn đủ quả cảm ngay cả cho sự chữa trị tận gốc rễ, cho sự khước từ “ma quỷ” của họ. Thử nhìn lướt qua toàn thể lịch sử những tu sĩ và những triết gia, kể cả những nghệ sĩ nữa: những lời nói hiểm độc nhất nhằm chống lại giác quan không xuất phát từ những kẻ bất lực cũng chẳng từ những kẻ khổ hạnh, mà là từ những kẻ thấy mình không thể trở nên khổ hạnh, vì những kẻ cần trở nên khổ hạnh…

§3

Sự tinh thần hoá nhục cảm được gọi là tình yêu: đó là một chiến thắng lớn lao trên Kitô giáo. Một chiến thắng khác nữa là sự tinh thần hoá lòng cừu hận của chúng ta. Nó hệ tại sự thấu hiểu sâu xa giá trị của việc có kẻ thù: tóm lại, hệ tại sự hành động và suy tưởng ngược lại đường lối người ta hành động và suy tưởng ngày xưa. Giáo Hội bao giờ cũng chỉ muốn tiêu diệt kẻ thù: chúng ta, những kẻ vô luân và chống Kitô giáo, chúng ta thấy rằng Giáo Hội tồn tại là điều ích lợi cho chúng ta… Trong chính trị cũng vậy, lòng cừu hận đã trở nên tinh thần hơn - thận trọng hơn, chín chắn hơn, an hoà hơn rất nhiều. Hầu hết mọi đảng đối lập của họ không đi đến chỗ suy yếu là điều có lợi cho chính sự tự bảo tồn của họ; sự kiện này đúng cả trong trường hợp đại chính trị. Một sự sáng tạo mới, một Đế quốc chẳng hạn, cần thù hơn cần bạn: chỉ khi đối chọi, nó mới tự cảm thấy cần thiết, chỉ khi đối chọi, nó mới trở nên cần thiết… Chúng ta chấp nhận một thái độ tương tự đối với kẻ “nội thù”: ở đó chúng ta cũng tinh thần hoá cừu hận, ở đó chúng ta mới hiểu giá trị của nó. Người ta chỉ phong phú với điều kiện phải trả giá bằng cách có nhiều mâu thuẫn; người ta chỉ trẻ với điều kiện tâm hồn không nghỉ ngơi, tâm hồn không khát khao yên ổn. Không có gì xa lạ với chúng ta hơn cái khát vọng “thanh bình của tâm hồn” ngày xưa, khát vọng của người Kitô; không có gì khơi dậy trong lòng chúng ta ít thèm muốn cho bằng con bò cái luân lý và sự thoả mãn mập ú của lương tâm yên ổn… Người ta đã khước từ cuộc đờivĩ đại khi người ta khước từ chiến tranh… Quả thực, trong nhiều trường hợp, sự “thanh bình của tâm hồn” chỉ là một điều ngộ nhận, - nó là một cái gì khác không biết làm thế nào tự cho mình một cái danh xưng lương thiện hơn. Không quanh co và không thành kiến, đây là một vài trường hợp. Chẳng hạn sự “thanh thản của tinh thần” có thể là sự phát quang êm dịu của một thú tính phong phú vào trong lãnh vực luân lý (hay tôn giáo). Hay có thể là sự bắt đầu của mỏi mệt, bóng tối đầu tiên mà buổi chiều, tất cả mọi thứ chiều, toả ra. Hay có thể là một dấu hiệu chỉ rằng không khí ẩm ướt, rằng gió nồm sắp thổi. Hay có thể là lòng cám ơn miễn cưỡng đối với một sự tiêu hoá tốt đẹp (đôi khi còn có tên là tình thương nhân loại). Hay có thể là sự tĩnh lặng tạm thời của người mới khỏi bệnh thấy tất cả mọi sự vật đều có một hương vị mới và chờ đợi… Hay có thể là trạng thái tiếp theo sau một sự thoả mãn mãnh liệt của nỗi đam mê mạnh nhất của chúng ta, cảm giác thích thú của một sự no đầy hiếm có. Hay có thể là sự suy nhược của ý chí chúng ta, của những ước vọng của chúng ta, của những tật xấu của chúng ta. Hay có thể là sự lười biếng, bị thuyết phục bởi lòng phù phiếm, tự trang điểm bằng luân lý. Hay có thể là sự xuất hiện của một niềm xác tín khủng khiếp, sau sự căng thẳng kéo dài và sự dày vò của hồ nghi. Hay có thể là sự biểu lộ của trưởng thành và tự chủ, giữa hành động, sự sáng tạo, cố gắng, ước muốn, một hơi thở lặng lẽ khi sự “tự do của ý chí” đã đạt tới… Hoàng Hôn của những thần tượng: Ai biết? Hay đó cũng có thể là một thứ “thanh bình của tâm hồn” mà thôi…

§4

Tôi đặt một nguyên tắc thành định thức. Tất cả mọi chủ trương duy nhiên trong luân lý, nghĩa là tất cả luân lý lành mạnh, đều bị chế ngự bởi bản năng sống[3],- một giới luật của cuộc sống nào đó, được làm tròn qua một qui luật “Phải” và “Không được”, một sự ngăn cấm hay một sự cừu hận nào đó trên đường đời, như thế đều bị gạt qua một bên. Luân lý phản tự nhiên, nghĩa là tất cả nền luân lý từ xưa tới nay đã được giảng dạy, tôn kính và thuyết giáo, ngược lại, chắc chắn nhằm chống lại những bản năng sống, nó là một sự lên án những bản năng này, khi thì bí mật, khi thì ồn ào và trơ trẽn. Khi nói rằng: “Thượng Đế nhìn thấu suốt con tim”, nó đã khước từ những ước vọng sâu xa nhất và cao viễn nhất của cuộc sống và coi Thượng Đế như kẻ thù của cuộc đời… Bậc Thánh mà Thượng Đế hài lòng là một kẻ bị thiến lý tưởng… Cuộc đời chấm dứt ở nơi mà “nước Chúa” bắt đầu…

§5

Khi người ta đã hiểu sự phạm thượng trong một cuộc đời loạn chống lại cuộc đời như thế này, như nó đã trở thành cực kỳ tôn nghiêm trong luân lý Kitô giáo, chính nhờ điều đó người ta sẽ may mắn hiểu được thêm một vài điều khác nữa: đó là sự vô ích, mê vọng hão huyền, phi lý, dối trá của một sự nổi loạn như vậy. Vì một sự lên án cuộc đời bởi một kẻ đang sống cuối cùng chỉ là triệu chứng của một lối sống xác định nào đó: vấn đề sự lên án này đúng hay không đúng không hề được đặt ra. Người ta phải đặt mình ở bên ngoài cuộc đời, và mặt khác phải hiểu biết thấu suốt cuộc đời như bất kỳ, như đa số, như tất cả mọi người đã cảm nghiệm nó, mới được phép đụng chạm tới vấn đề giá trịcủa cuộc đời: đó là những lý do túc lý để thấy rằng vấn đề này là một vấn đề ở ngoài tầm đối với chúng ta. Khi chúng ta nói về giá trị, chúng ta không nói vì cảm hứng và từ lăng kính của cuộc đời: chính cuộc đời buộc chúng ta phải thiết định những giá trị; chính cuộc đời đã đánh giá trị qua chúng ta khi chúng ta thiết định những giá trị[4]… Do đó tất cả mọi luân lý phản tự nhiên coi Thượng Đế như khái niệm mâu thuẫn và lên án cuộc đời, thực ra đầu chỉ là một sự đánh giá giá trị cuộc đời, - cuộc đời nào? Thứ cuộc đời nào? - Nhưng tôi đã trả lời rồi: cuộc đời xuống dốc, suy nhược, mệt mỏi, bị lên án - Luân lý, như được hiểu từ xưa tới nay - như cuối cùng được thiết định thành định thức bởi Schopenhauer, như là sự “khước từ ý chí sinh tồn” - thứ luân lý này chính là bản năng suy đồi, tự biến thành một mệnh lệnh: nó nói: “Hãy diệt vong đi!” - đó là sự phán xét của những kẻ bị phán xét…

§6

Sau cùng chúng ta hãy thử xem người ta ngây thơ đến chừng nào khi nói rằng: “Người ta phải thế này thế nọ!” Thực tế cho chúng ta thấy biết bao mẫu người kì lạ, biết bao sai biệt và biến đổi trong hình thức; thế mà nhà luân lý lười biếng đã đi rêu rao: “Không, con người bắt buộc phải khác”?... Hắn còn biết con người bắt buộc phải khác như thế nào nữa, kẻ cuồng tín đáng thương này, hắn tự vẽ chân dung hắn lên tường và nói: “ecce homo!”[5] … Nhưng ngay cả khi nhà luân lý quay sang nói riêng một mình với cá nhân: “Bạn phải giống như thế này!”, hắn vẫn không ngừng khiến mình trở thành lố bịch. Cá nhân, trong quá khứ và trong hiện tại, là một mảnh định mệnh, một luật lệ thêm nữa, một thiết yếu thêm nữa cho tất cả những gì biển hiện và tất cả những gì sắp tới. Nói với nó: “Bạn hãy thay đổi bạn đi!” có nghĩa là đòi hỏi rằng tất cả phải thay đổi, ngay cả trong quá khứ… Quả thật, có nhiều nhà luân lý hợp lý khi muốn rằng con người phải khác, nghĩa là phải có đức hạnh, họ muốn hắn phải rập theo hình ảnh của họ, theo hình ảnh của những kẻ giả đạo đức. Chính vì lẽ đó mà họ đã chối bỏ thế giới. Không phải không điên chút nào!... Chừng nào mà luân lý lên án vì lợi ích của chính nó, không đếm xỉa gì tới cứu cánh và mục đích của cuộc đời, thì nó là một sự sai lầm đặc biệt người ta không thể nương tay, một đặc chất của những kẻ sa đoạ đã gây ra không biết bao nhiêu là tai hại! Trái lại chúng ta, những kẻ phi luân, chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận tất cả mọi thứ hiểu biết, thấu hiểu và tán thành[6]. Chúng ta không phủ định một cách nông nổi dễ dàng, chúng ta tìm danh dự của chúng ta trong việc trở thành những kẻ khẳng định[7]. Cặp mắt chúng ta luôn luôn mở rộng hơn nữa cho sự cần kiệm còn cần dùng và biết dùng tất cả cái mà sự điên rồ thiêng liêng của những tu sĩ và lý trí bệnh hoạn của những tu sĩ thải đi, cho sự cần kiệm trong luật đời rút tỉa lợi ích cho mình từ những loại đạo đức giả, những tu sĩ và những kẻ đức hạnh nhơ nhớp nhất, - lợi ích gì? - Nhưng mà chính chúng ta, chúng ta những kẻ phi luân, chính chúng ta đây đã là một lời giải đáp sống động rồi…


Friedrich Nietzsche
Friedrich Nietzsche, “Luân lý như một cái gì phản tự nhiên”, trong Buổi hoàng hôn của những thần tượng, hay làm thế nào triết lý với cây búa. Nguyễn Hữu Hiệu dịch. Nxb. Văn học, 2006.


[1] Pháp văn trong nguyên bản: “Phải giết chết những đam mê”. - G.c.D.
[2] Dòng Trappe, dòng luyện tâm, nổi tiếng vì kỷ luật khắt khe. - G.c.D.
[3] Instinkte des Lebens, Thoát ra ngoài sự câu thúc của ngôn ngữ, “Instinkte des Lebens”, ở đây còn có thể hiểu như “khuynh hướng về đời sống”. Trái với tất cả những nền luân lý khác đàn áp cuộc sống, đầy những cấm kỵ, hướng về điều “thiện” như một cứu cánh tuyệt đối, đức lý lành mạnh theo Nietzsche nhằm xiển dương cuộc đời, kích thích bản năng sinh động, hướng về một cuộc sống giải thoát, nguy hiểm, mãnh liệt. Tư tưởng sau có thể nói lên chủ trương của tất cả những nền đức lý lành mạnh (gesunde Moral) ấy: “Tất cả những gì sống đều thiêng liêng.” (everything that lives is holy - William Blake, America) và Cuộc sống đích thực của những giác quan và xác thịt tôi siêu thăng những giác quan và xác thịt tôi” (the real life of my senses and flesh transcending my senses and flesh - Walt Whitman, Leaves of Grass) - G.c.D.
[4] das Leben selbst zwingt uns, Werte anzusetzen; das Leben selbst wertet durch uns, wenn wir Werte ansetzen…
[5] Lời của Pilate khi rửa tay trao Jésus Christ do dân Do Thái “Ecce homo” có nghĩa là: “”Đây là con người đó!” hay “Hãy nhìn người này!” (Saint Jean, XIX, 5) - G.c.D.
[6] Ở đây chúng ta không thể không nhắc tới Spinoza, một trong những triết gia mà Nietzsche coi như tiền bối của mình, với chủ trương đón nhận tìm hiểu và không bao giờ lên án con người tương tự: “Seduce curavi, humanas actiones non redere non lugere neque detestari, sed intelligere”,Tractatus politieus (1677) ch. 1, 4. “Tôi đã cố gắng một cách thận trọng để không chế giễu hay thương hại hoặc ghê tởm những hành vi con người, mà chỉ để thấu hiểu chúng” - G.c.D.
[7] Wir verneinen nicht leicht, wir suchen unsre Ehre darin, Bejahende zu sein. Tất cả định tắc luân lý của Nietzsche nằm trong một chữ “Ừ” hoặc “Phải” hay “Vâng” (Yea) trước cuộc đời, trước tất cả những nguồn vui, trước tất cả khổ đâu, trước tất cả dâu biển tang tương thê thảm và khủng khiếp của cuộc đời. Con người lý tưởng của Nietzsche khẳng định giống như những nhân vật bi tráng trong bi kịch Hy Lạp sau khi đã trải qua tất cả khảm kha bất bình: “Tất cả đều tốt lành.” (Tout est bien) - G.c.D.

Nguồn: triethoc.edu
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất