Tôi cho rằng cuốn sách tương đối mỏng này có tầm quan trọng gấp nhiều lần sức tưởng tượng nếu chỉ nhìn vào độ dày và ngôn ngữ khiêm nhường của nó. Đây là tác phẩm bàn về xã hội tự do, bàn về điều mà hiện nay có thể được gọi là “chính sách” đối nội và đối ngoại cho một xã hội như thế; và đặc biệt là bàn về những trở ngại và khó khăn, cả thực tế lẫn tưởng tượng, trên con đường thiết lập và giữ gìn hình thức tổ chức xã hội đó.
Trong khi tất cả những vấn đề này đều không có gì đặc biệt thì điều đáng ngạc nhiên là hầu như tất cả những người ủng hộ cho bất kì một hình thức tổ chức kinh tế thay thế nào khác đều không đưa ra được cách lí giải tương tự như thế về những đề nghị của họ. Ngay cả hiện nay, khi càng ngày càng có nhiều người tham gia vào việc cung cấp cho chúng ta những lời phê bình rất chi tiết về chủ nghĩa tư bản và những lời tiên đoán về sự cáo chung không thể nào tránh được của nó thì họ lại tỏ ra kín tiếng đến khó hiểu trong việc “xử lí” những mâu thuẫn hoặc những khó khăn có thể xảy ra trong quá trình vận hành cái hệ thống mà họ bảo vệ hoặc tiên đoán.
Tuy nhiên, thái độ phớt lờ như thế dễ dàng bị bỏ qua bởi người ta thường gán trách nhiệm cho những người đáng ra không phải chịu. Lên án Marx, đây là thí dụ dễ gặp nhất, rằng trong Tư bản luận, ông ta không chỉ ra được cách thức hoạt động cụ thể của xã hội xã hội chủ nghĩa, là việc làm không thể chấp nhận được; vì tác phẩm này nhằm đúng mục tiêu mà nó được trù liệu: nghiên cứu với tinh thần phê phán hoạt động của chủ nghĩa tư bản như Marx mường tượng. Lên án Mises vì trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội (Socialism) ông đã không thảo luận những nguyên tắc của hệ thống tự do cạnh tranh cũng là việc làm vô nghĩa như thế. Điều quan trọng là Mises đã dành hẳn một cuốn sách để thảo luận bài toán này trong khi Marx thì không bao giờ làm như thế. Đấy là tác phẩm mà Marx không thể viết, còn những đồ đệ của ông cũng như những người phê phán chủ nghĩa tự do thì không thèm viết.
Nhưng giá trị thực sự của tác phẩm này không nằm ở ý nghĩa hạn hẹp và còn nhiều tranh cãi đó, nó có tính chất xây dựng và quan trọng hơn nhiều. Dù ngắn gọn, nhưng tác phẩm cố gắng giải đáp hàng loạt vấn đề, đánh tan những mối ngờ vực và lầm lẫn mà nhiều người gặp phải khi họ tìm cách giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, tình cảm còn nhiều tranh cãi. Ưu điểm đặc biệt của nó là đối với mọi vấn đề được bàn thảo Mises đều đưa ra được những nhận thức thấu triệt và những quan điểm để người ta có thể lựa chọn, và đấy là điều rất bổ ích.
Vì chắc chắn là độc giả muốn tìm hiểu ngay những vấn đề đó cho nên tôi sẽ không đưa những nhận xét riêng của cá nhân mình, ngoại trừ một vài suy nghĩ bắt buộc phải có. Thay vào đó chúng ta sẽ lựa ra những câu hỏi và những ý kiến sẽ nảy ra trong tâm trí độc giả khi họ xem xét những vấn đề còn gây tranh cãi được Mises nói đến ở đây và đáng được người đọc chú ý. Để tiện cho việc theo dõi, xin liệt kê chúng theo trình tự như được trình bày trong tác phẩm.
1. Hệ thống thị trường tự do đã khá hoàn chỉnh và tồn tại trong một thời gian dài, nhưng vẫn kém hiệu quả.
2. Chủ nghĩa tự do bị phê phán vì chỉ tập trung chú ý vào ước muốn gia tăng sản xuất và thoả mãn nhu cầu vật chất, bỏ qua những đòi hỏi về mặt tinh thần của người dân.
3. Vì không phải lúc nào người ta cũng hành động một cách duy lí, có lẽ đối với một số vấn đề nên tin vào trực giác, xung lực và cái gọi là cảm nhận “từ trái tim” thì sẽ tốt hơn là lập luận logic chặt chẽ?
4. Không thể phủ nhận việc chủ nghĩa tư bản thực chất là hệ thống có lợi cho người giàu và những người có tài sản, và bất lợi cho những tầng lớp khác.
5. Tại sao lại phải bảo vệ cái hệ thống xã hội không tạo điều kiện cho mỗi người thực hiện ước mơ của mình hay giành được kết quả mà anh ta cống hiến?
6. Quyền tư hữu tư liệu sản xuất có phải là món đồ lỗi thời trong “kho chứa đồ thừa” do những người khó thích nghi với những điều kiện đã thay đổi cố mang sang từ thời đại đã qua hay không?
7. Về bản chất, nền kinh tế thị trường cạnh tranh, trong trường hợp tốt nhất, có chống lại nền hoà bình giữa các dân tộc, và trong trường hợp xấu nhất, có gây ra chiến tranh hay không?
8. Lấy gì biện hộ cho cái hệ thống kinh tế-xã hội gây ra quá nhiều bất công trong thu nhập và tiêu thụ đến như thế?
9. Nếu để chủ nghĩa thực dụng sang một bên thì về mặt đạo đức, ta có thể biện hộ cho quyền sở hữu tư nhân được hay không?
10. Chống lại chủ nghĩa can thiệp của nhà nước, chủ nghĩa tự do có vô tình biện hộ cho một số biểu hiện của tình trạng vô chính phủ không?
11. Chưa có gì chứng tỏ rằng một xã hội dân chủ và ổn định lại dễ dàng trở thành hiện thực trong hệ thống lập kế hoạch và ra quyết định phi tập trung hơn là trong nền kinh tế kế hoạch tập trung.
12. Vì sao lại cho rằng xã hội tư bản nhất định sẽ có thái độ khoan dung đối với bất đồng chính kiến hơn là xã hội xã hội chủ nghĩa?
13. Chủ nghĩa tư bản tạo ra và tiếp tục bảo vệ địa vị ăn trên ngồi trốc cho “giai cấp ăn không ngồi rồi”, những kẻ nắm được nguồn lực nhưng không làm và không có đóng góp gì đáng kể đối với xã hội.
14. Quyền tư hữu có có thể tốn tại lâu như thế là vì nó được nhà nước bảo vệ; thực ra, như Marx khẳng định, nhà nước chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ quyền tư hữu.
15. Luận cứ cho rằng chủ nghĩa xã hội không thể hoạt động được vì nó không có phương tiện để thực hiện những tính toán kinh tế cần thiết là luận cứ rất đáng quan tâm, nhưng có chứng cứ cụ thể hay không?
16. Giả thiết cho rằng việc can thiệp của chính phủ vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân nhất định sẽ dẫn đến lệch lạc, và vì vậy mà có tính phá hoại cũng là giả thiết hay, nhưng có thể chứng minh bằng ví dụ cụ thể rằng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra không?
17. Thay vì đưa ra các lập luận rằng những hệ thống được đề nghị nhằm thay thế cho chủ nghĩa tư bản đều thua kém hơn, liệu có những lí lẽ trực tiếp và thực chứng biện hộ cho hệ thống tự do kinh doanh không?
18. Muốn hoạt động được, tất cả các hệ thống tự do cạnh tranh đều cần phải có rất nhiều công ti nhỏ, liên tục cạnh tranh với nhau, liệu hệ thống đó có teo đi khi các đại công ti và các cơ sở độc quyền phát triển không?
19. Vì ban quản trị các công ti lớn cũng có xu hướng trở thành bộ máy quan liêu, việc đặt bộ máy kiểm soát tư nhân đối lập với bộ máy quản lí công cộng có phải là vấn đề giả tạo không?
20. Có phải là trong chế độ tự do việc phối hợp giữa chính sách đối nội và đối ngoại dễ thực hiện hơn và nhất quán hơn trong các hệ thống khác không?
21. Có phải sự tồn tại và việc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân là tác nhân cản trở chứ không phải tác nhân hỗ trợ cho việc giành và gìn giữ hoàn bình cũng như sự thông cảm giữa các dân tộc không?
22. Có vẻ như rõ ràng là chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa thuộc địa và chủ nghĩa đế quốc chỉ có thể xuất hiện trong chế độ tư bản chủ nghĩa.
23. Quyền lợi ích kỉ của các doanh nghiệp tư nhân là trở ngại chính cho sự luân chuyển một cách tự do hơn hàng hóa và con người giữa các vùng trên thế giới.
24. Vì là người đại diện và cổ vũ cho quyền lợi đặc biệt của một giai cấp – giai cấp những kẻ nắm được các nguồn lực hay giai cấp tư sản – Chủ nghĩa tự do đã có một sai lầm chiến thuật ngớ ngẩn nghiêm trọng khi không tự tạo ra một chính đảng và không theo đuổi mục tiêu của mình bằng cách thoả hiệp và chấp nhận thủ đoạn chính trị.
Bất cứ ai từng có điều kiện quan sát một cách trực tiếp cách thức những tiền giả định, những nửa sự thật và những “giá trị” dường như hiển nhiên thường ngăn cản người ta xem xét một cách toàn diện và công bằng những quan điểm không có tính thời thượng trong môn kinh tế học, sẽ nhận ra ngay nhiều điểm vừa được liệt kê. Câu trả lời của Mises cho mỗi điểm vừa nêu sẽ giúp độc giả bình thường (và những người mới bắt đầu nghiên cứu) có một cái nhìn toàn diện hơn đối với những vấn đề xã hội và lí giải được những mối ngờ vực của chính mình. Dễ hiểu vì sao Đông Đức lại cấm tác phẩm này – như Mises nhắc tới trong phần giới thiệu – và đấy là một bằng chứng nữa, tuy người ta không cố ý, chứng tỏ rằng đây là tác phẩm quan trọng.
Cuối cùng, xin được bình luận ngắn về hai điểm nữa. Điểm thứ nhất đã được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm, nhưng được nói trong bối cảnh rất phức tạp và ở những chỗ cách xa nhau cho nên độc giả có thể không nhận ra tính phổ biến và vai trò quan trọng của nó.
Đó là ý tưởng mà Mises gọi là “hi sinh tạm thời” – một ý tưởng cực kì quan trọng trong lập luận của Chủ nghĩa tự do chân chính, một việc làm cực kì cần thiết và hữu ích. Giành ngay những lợi ích trước mắt, tuy có vẻ là việc làm hấp dẫn, những sẽ là việc làm ngu xuẩn, nếu trong khi làm như thế ta tự đánh mất lợi ích lớn hơn nhiều lần trong tương lai; tức là đánh mất đi cái lợi ích có giá trị đủ để bù đắp được lợi ích hiện tại và những phiền phức trong quá trình chờ đợi.
Dĩ nhiên là chỉ có ít người có lí trí lại “tính toán” chọn phía lợi ích trước mắt với những điều kiện giả định như thế. Nhưng đấy chính là khó khăn lớn nhất vì không phải lúc nào người ta cũng tính toán một cách thận trọng, và cũng chẳng có gì khuyến khích họ phải làm như vậy. Sai sót như thế thường xảy ra trong những hoàn cảnh rất khác nhau và không chỉ xảy ra với những công dân hay người tiêu thụ “bình thường”. Nó có thể xảy ra với những doanh nhân săn tìm lợi nhuận ngắn hạn hoặc lợi thế tương đối; nó có thể xảy ra với những nhà làm luật ủng hộ cho việc nâng ngay lập tức tiền tương tối thiểu, trả bảo hiểm xã hội, đặt ra thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế khoá khác; nó có thể xảy ra với những nhà kinh tế học khuyến cáo nới lỏng tín dụng hoặc tái phân phối thu nhập; và biết bao nhiêu người khác nữa. Trên thực tế, tìm thêm những ví dụ trong tác phẩm và đặc biệt là trong khi suy nghĩ về những vấn đề và những cuộc tranh luận hiện nay sẽ là một bài tập tuyệt vời đối với độc giả tập sách này.
Cuối cùng, xin được nói đôi lời về tên gọi của tác phẩm. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu vào năm 1927, với nhan đề Chủ nghĩa tự do (Liberalismus) và là tác phẩm bổ sung, như đã nói bên trên cho tác phẩm của Mises viết về chủ nghĩa xã hội. Sự kiện là khi dịch tác phẩm này trong tiếng Anh người ta đã muốn hoặc thấy cần phải đổi tên thành Xã hội thịnh vượng và tự do (Free and Prosperous Commonwealth), đã thể hiện rõ điều mà tôi tin là bi kịch trong lịch sử tri thức: đánh tráo thuật ngữ “Chủ nghĩa tự do”.
Vấn đề không chỉ là thuật ngữ, cũng không thể coi nó là một thí dụ đơn giản của sự thoái hoá ngôn ngữ – quá trình entrôpi từ ngữ, tức ý nghĩa và giọng điệu cũ biến mất cùng với thời gian. Ở đây chúng ta bắt gặp không chỉ sự mất giá của thuật ngữ, dù thuật ngữ ấy có quan trọng đến mức nào. Đây là vấn đề có ý nghĩa cực kì quan trọng cả về tri thức lẫn thực tiễn.
Trước hết, từ “tự do” (liberal) có từ nguyên rõ ràng, thể hiện trong lí tưởng về tự do cá nhân. Nó còn có nguồn gốc mang tính lịch sử đầy giá trị trong truyền thống và kinh nghiệm, cũng như được kế thừa di sản văn hoá sâu rộng trong những lĩnh vực như triết học xã hội, tư tưởng chính trị, văn học ..v.v.. Vì lí do đó và nhiều lí do khác nữa, thật không thể tưởng tượng được rằng quan điểm mà tác phẩm này trình bày lại không có quyền và tư thế để mang nghĩa Tự do.
Nhưng, mặc cho tất cả những điều đã trình bày, thuật ngữ “Chủ nghĩa tự do”, sau khi kết thúc thế kỉ XIX và vượt qua Đại Tây Dương, đã mang một ý nghĩa khác, không phải khác một chút mà là trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa vốn có của nó! Kết qủa là người ta đã nhầm lẫn và mơ hồ đến nỗi ngay cả khi có hẳn một kế hoạch thì cũng khó mà tưởng tượng nổi làm sao mà nội dung và ý nghĩa của nó lại có thể bị xuyên tạc đến mức như vậy.
Nhưng đáng buồn nhất là hai điểm sau đây. Thứ nhất, đấy là sự đồng thuận đáng kinh ngạc của những hậu duệ chính hiệu của chủ nghĩa tự do không chỉ trong việc để cho thuật ngữ này tuột khỏi tay mình, mà trên thực tế còn khước từ nó bằng cách sẵn sàng sử dụng nó như một từ thoá mạ những người có cảm tình với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, những người mà thuật ngữ phù hợp hơn với họ đã tồn tại từ trước rồi. So với điều này thì câu chuyện ngụ ngôn về con lạc đà và túp lều[1] còn có vẻ nhẹ nhàng hơn.
Thứ hai, là việc đánh mất thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” đã buộc người ta phải sử dụng một số thuật ngữ thay thế hoặc những cách nói quanh co như “chủ nghĩa tự do cá nhân” (libertarian), “chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX (nineteenth century liberalism) hay “chủ nghĩa tự do ‘cổ điển’” ("classical" liberalism). Liệu có ai đã tuyên bố rằng mình là người thuộc phái tự do “tân-cổ điển” vừa nảy nòi hay không?
Không lẽ chúng ta đã vĩnh viễn đánh mất thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” rồi ư? Trong phần phụ lục cho nguyên bản tiếng Đức (có đưa vào bản dịch này), Mises đã bàn về ý nghĩa của thuật ngữ và nói đến khả năng khôi phục lại ý nghĩa cũ cho nó. Nhưng vào năm 1962, trong lời giới thiệu tác phẩm, có vẻ như ông đã không còn bất kì hi vọng nào nữa.
Tôi không nghĩ như thế. Vì, cho dù có nói thế nào đi nữa thì Chủ nghĩa tự do vẫn là của chúng ta, tôi tin là chúng ta có trách nhiệm khôi phục lại ý nghĩa ban đầu của nó, ít nhất thì đấy cũng là vấn đề nguyên tắc. Nhưng còn có những lí do khác nữa. Thứ nhất, như Mises từng chỉ ra, Chủ nghĩa tự do có ý nghĩa rộng hơn là tự do kinh tế. Đây là thuật ngữ cần thiết vì nó là thuật ngữ phù hợp nhất và thể hiện được rõ nhất bản chất của vấn đề. Ngoài ra, để có thể nói chuyện một cách cởi mở và thẳng thắn với công chúng – sự ủng hộ của họ là yếu tố cực kì quan trọng – chúng ta cần một thuật ngữ đơn giản và dễ hiểu chứ không phải là một từ mới “khó lọt tai” đối với người bình dân. Hơn nữa, thời đại và hoàn cảnh đang có nhiều thuận lợi – dân chúng đang ngày càng bất mãn với những hành động can thiệp của chính phủ, và nhận thức về quyền tự do lựa chọn của cá nhân có thể sẵn sàng đồng nhất với một cái tên vốn được mọi người tôn trọng và bao hàm trọn vẹn ý nghĩa của tự do.
Muốn giành lại thuật ngữ này, chúng ta phải làm gì? Chắc chắn là chúng ta phải phuc hồi lại chính quá trình mà chúng ta đã đánh mất nó. Trước hết là không sử dụng nó theo nghĩa sai kia nữa, sau đó là tái khẳng định ý nghĩa đúng đắn của nó (thuật ngữ này vẫn đang được sử dụng ở một số nơi trên thế giới). Và cuối cùng là không cho những kẻ không có quyền sử dụng thuật ngữ này tiếp tục chiếm đoạt nó, họ phải tìm một tên gọi phù hợp với quan điểm của họ cũng như Chủ nghĩa tự do là tên gọi phù hợp với chúng ta vậy.
Một số người cảm thấy băn khoăn một cách vô lí về việc nhập nhằng không thể tránh khỏi của các học thuyết – tôi ngờ rằng một phần là do trước đây chúng ta đã rời khỏi căn lều của mình một cách vội vã – nhưng đấy là cái giá mà bây giờ chúng ta phải trả. Thứ nhất, hiện nay sự nhập nhằng vẫn còn tồn tại, nhưng tạm thời thì điều đó có thể chấp nhận được. Ngoài ra, sự nhập nhằng làm cho cả hai bên đều cảm thấy khó chịu, bên kia cũng phải trả giá, và có thể lần này sự bất tiện sẽ làm cho con lạc đà rút lui.
Như vậy là, trong lần in này, tên gọi ban đầu của tác phẩm đã trở lại. Hi vọng rằng những người kia cũng đồng tình với việc sử dụng thuật ngữ này mà không cần phải xin lỗi hay giải thích – không cần bất kì điều gì tương tự – để cho Chủ nghĩa tự do trở về với ý nghĩa đúng đắn và phù hợp với truyền thống của nó.
Louis M. Spadaro
Trường đại học tổng hợp Fordham,
Tháng 8 năm 1977
----------------------------------------------
Trích Lời tựa, Chủ nghĩa tự do truyền thống, Ludwig Von Mises, Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb Tri thức, 8/2013, trang 25-37.
[1] Câu chuyện kể về con lạc đà cùng thương gia Arập phải qua đêm ngoài trời giá rét. Chủ dựng lều ngủ, còn con lạc đà được buộc ở ngoài. Vì quá lạnh, con lạc đà xin chủ cho đầu vào lều, rồi thân vào lều, và cuối cùng yêu cầu chủ ra ngoài vì cái lều quá chật cho cả hai.
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!