Một số quan niệm cổ điển về xã hội dân sự


Tóm tắt

Trong lịch sử sinh thành của khái niệm "xã hội dân sự" nơi các nhà tư tưởng cổ điển Tây phương, người ta có thể nhận thấy rằng diễn trình biến chuyển của khái niệm này thực ra biểu hiện những sự thay đổi trong các quan điểm lý thuyết về các mối quan hệ giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội. Quá trình biến chuyển này xét về đại thể đã trải qua bốn quan niệm khác nhau : từ (1) quan niệm đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia qua Thomas Hobbes, John Locke và Jean-Jacques Rousseau vào các thế kỷ XVI-XVIII, (2) quan niệm xã hội dân sự là xã hội thị trường với Bernard Mandeville, Adam Ferguson và Adam Smith vào các thế kỷ XVII-XIX, (3) quan niệm xã hội dân sự tách khỏi nhà nước với Immanuel Kant, Benjamin Constant vào các thế kỷ XVIII-XIX, đến (4) quan niệm xã hội dân sự là xã hội thị dân hay xã hội tư sản với Georg Hegel, Karl Marx, Friedrich Engels và Antonio Gramsci vào các thế kỷ XIX-XX.

Trong tiếng Việt, các cụm từ "xã hội dân sự" và "xã hội công dân" thường được dùng để biểu thị khái niệmcivil society trong tiếng Anh, société civile trong tiếng Pháp, hay bürgerliche Gesellschaft trong tiếng Đức.

Thực ra, tính từ civil (dân sự, hay dân chính, hay thuộc về lĩnh vực công dân) có thể mang những ý nghĩa khác nhau tùy theo văn cảnh sử dụng. Nó có thể được hiểu là đối lập với cái gì thuộc về tôn giáo (religious), đối lập với lĩnh vực quân sự (military), hay trong luật học là đối lập với hình sự (penal) hay thương mại (commercial), trong chiến tranh thì được hiểu là nội chiến (civil war) đối lập với chiến tranh với ngoại bang, hay còn có thể hiểu theo nghĩa là văn minh, lịch sự (cùng gốc với chữ civilized) đối lập với cái gì hoang dã, thô lỗ, và cuối cùng cũng có nghĩa là lĩnh vực dân sự đối lập với lĩnh vực chính trị (political).

Trong tiếng Đức, tính từ bürgerliche (trong cụm từ bürgerliche Gesellschaft mà Georg F. Hegel và Karl Marx sử dụng) xuất phát từ chữ Bürger (tương ứng với chữ bourgeois trong tiếng Pháp hay tiếng Anh) là một thuật ngữ khó tìm được một chữ tương đương duy nhất trong tiếng Việt, và cần được hiểu và được dịch theo từng văn cảnh, chứ không thể chỉ đơn giản dùng chữ “tư sản”. Ở châu Âu ngày xưa, chữ Bürger haybourgeois thoạt đầu là kẻ bảo vệ một lâu đài hay một thị tứ (Burg, bourg), rồi từ thế kỷ XII, trong thời trung cổ, là cư dân ở đô thị, gần với nghĩa “thị dân”. Nó còn có nghĩa là citizen (“thường dân”) tức những tầng lớp không thuộc hàng giáo sĩ (tăng lữ) mà cũng không phải là quí tộc hay quan lại, nhưng có tài sản và không phải sống bằng lao động chân tay. Nhưng, kể từ Hegel, nó lại được phân biệt với citoyen (từ La Tinh : civis), tức với “công dân” của một “nhà nước”, xuất phát từ quan niệm của Hegel về xã hội dân sự. Hegel coi "xã hội dân sự" là lĩnh vực nằm ngoài nhà nước và ngoài gia đình, ông coi đây là lĩnh vực hoạt động kinh tế-xã hội của những cá nhân với nhau, trong khi nhà nước có mục đích cao hơn nhiều so với sự điều tiết những quan hệ giữa những cá nhân trong xã hội dân sự. “Xã hội dân sự” biến cá nhân thành một Bürger, còn “nhà nước” biến cá nhân thành một citoyen, tức thành một công dân của một nhà nước nhất định như nước Pháp, nước Phổ, chứ không đơn thuần là một Bürger (trader) có thể làm ăn buôn bán với cả người Pháp lẫn người Phổ. Nhưng chữ Bürger trong tiếng Đức hiện nay lại chỉ có nghĩa là “người công dân”, còn bürgerliche Gesellschaftcó nghĩa là “xã hội tư sản” hay “xã hội dân sự”.[1]

Ở Tây Âu, thuật ngữ civil society kể từ khi ra đời tới nay thực ra là một thuật ngữ khá mơ hồ và đa nghĩa, thậm chí có thể mang những nội hàm trái ngược hẳn nhau, tùy theo từng tác giả vào từng thời kỳ lịch sử, và gần đây được cả những người phe tả lẫn phe hữu sử dụng theo những ý nghĩa khác nhau nhằm biện hộ cho các quan điểm của mình, đến mức mà cụm từ này gần như trở thành một thứ khẩu hiệu thời trang hay đồ trang sức ! (xem thêm Rangeon, 1986, tr. 9-10, và Lochak, 1986, tr. 44-45)

Trong các ngành khoa học xã hội, người ta thường không đồng ý với nhau về sự tách biệt trên bình diện lý thuyết, cũng như về mối quan hệ, giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Sự biến chuyển về ý nghĩa của khái niệm "xã hội dân sự" thực ra biểu hiện sự thay đổi trong các quan điểm lý thuyết về các mối quan hệ này, đặc biệt là mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội (xem Abercrombie et al., 1988, tr. 34).

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm lại các quan niệm của một số tác giả cổ điển Tây phương về xã hội dân sự.

Theo Guy Berger, tựu trung chúng ta có thể phân biệt được sáu quan niệm chủ yếu sau đây về xã hội dân sự (société civile) :[2]

. Trước hết là quan niệm theo truyền thống Aristoteles do Thomas d’Aquin lấy lại và khai triển, đó là quan niệm về một tập hợp con người hoàn chỉnh, có thể tự nuôi sống mình, mang mục tiêu đem lại hạnh phúc trần thế cho con người và sự hòa thuận giữa các thành viên với nhau.

. Thứ hai là các định nghĩa của Hobbes, Locke và Rousseau. Xã hội dân sự là một tập hợp con người ở trình độ cao, phát sinh từ ý chí của các cá nhân và được thiết lập vì lợi ích chung nhằm giúp cho các cá nhân và gia đình thoát ra khỏi tình trạng tự nhiên (état de nature).

. Thứ ba là định nghĩa của Hegel. Xã hội dân sự là một giai đoạn của trật tự đạo đức, được thiết lập trong kỷ nguyên hiện đại, nằm giữa tập hợp tự nhiên là gia đình và nhà nước.

. Thứ tư là định nghĩa của Marx : đó là một xã hội phi chính trị được cấu trúc bởi các quan hệ kinh tế và hệ thống các giai cấp.

. Thứ năm là định nghĩa của Gramsci : đó là toàn bộ các định chế và các nhóm xã hội chi phối và thống lãnh hệ tư tưởng.

. Thứ sáu là quan niệm của các nhà tư tưởng Ba Lan khi họ phê phán chế độ toàn trị : xã hội dân sự là toàn thể xã hội với tất cả các thành tố của mình trong chừng mực mà những thành tố này chỉ theo đuổi những mục tiêu tự nhiên.

Ở La Mã vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Cicero (106-43 trước Công nguyên) đã từng dùng từsocietas civilis (tiếng La-tinh) để nói về res publica (có nghĩa là việc công, nhà nước, hay đời sống chính trị) hoặc nói về đô thị, xét như một thực thể được hợp nhất trong cùng một nền luật pháp : "Lex est civilis societatis vinculum" ("Luật pháp là sợi dây liên kết xã hội dân sự" (De Republica, I, 32). Đối với Cicero,societas civilis là cộng đồng được tổ chức về mặt chính trị và về mặt pháp lý, khác với nhân loại nói chung hay xã hội con người nói chung (xem Rangeon, 1986, tr. 11).

Vào năm 1677, nhà tư tưởng người Pháp Bossuet (1627-1704) định nghĩa cụm từ "société civile" phần nào tương tự như ý niệm của Cicero nói trên : đó là "xã hội con người hợp nhất với nhau dưới cùng một chính quyền và cùng các luật lệ" (dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 12).

Theo François Rangeon, chúng ta cũng có thể nhận diện bốn nhóm quan niệm khác nhau về xã hội dân sự nơi các tác giả cổ điển Tây phương như sau : (1) quan niệm đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia (State hay État) ; (2) xã hội dân sự là xã hội thị trường ; (3) xã hội dân sự tách khỏi nhà nước ; và (4) xã hội dân sự là xã hội thị dân hay xã hội tư sản (Rangeon, 1986, tr. 12-27).

1. Đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia

Ở đây, thoạt tiên chúng ta cần lưu ý rằng chữ État trong tiếng Pháp hay chữ State trong tiếng Anh không phải chỉ có nghĩa là "nhà nước", mà còn có nghĩa là "quốc gia" hay "nước". Vì thế, quan niệm coi xã hội dân sự như đồng hóa với État hay State ở đây là hiểu theo nghĩa rộng, chứ không phải là "nhà nước" theo nghĩa là một bộ máy chính quyền.

Khái niệm xã hội dân sự trong thế kỷ XVII ở Tây Âu gắn liền chặt chẽ với những ý niệm liên quan tới quốc gia, dân tộc hay tổ quốc (xem Rangeon, 1986, tr. 18). Theo Z.A. Pelczynski, với tư tưởng đề cao ý niệm quốc gia-dân tộc (nation-state) và chủ nghĩa quốc gia (nationalism), giai cấp tư sản Âu châu vào các thế kỷ XVIII và XIX đã khai triển ý niệm xã hội dân sự trong các phân tích triết học và chính trị học, và quan niệm rằng xã hội dân sự cần được xem như một yếu tố hiện đại quan trọng nhằm thực hiện một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ nền dân chủ tự do quốc gia.[3]

Nhà chính trị và nhà tư tưởng người Anh Thomas Hobbes (1588-1679) được coi là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "xã hội dân sự" (societas civilis) theo nghĩa đối lập với "tình trạng tự nhiên" (status naturae) trong quyển De Cive xuất bản năm 1649. Trong quyển Elements of Law (1640), Hobbes đã sử dụng cụm từcivil society để dịch chữ Hy Lạp polis (đô thị) : nhưng theo Hobbes, khác với đô thị Hy Lạp cổ, "xã hội dân sự" không phải là một xã hội tự nhiên, mà ngược lại, là kết quả của một sự sáng tạo, một sự quyết định của các cá nhân nhằm mục tiêu tạo nên một trật tự chính trị ổn định và thuận hòa. Hobbes phân biệt "xã hội dân sự" một mặt với tình trạng tự nhiên trong đó "mọi người chống lại mọi người" (Bellum omnium contra omnes), và mặt khác, với những xã hội tự nhiên mà Hobbes cho là được cấu tạo nên bởi các gia đình (xem Rangeon, 1986, tr. 11-12).

Nhà luật học và sử học người Đức Samuel Pufendorf (1632-1694) trong quyển De jure naturae et gentium(Bàn về luật pháp của tự nhiên và của người dân) đã phát triển ý tưởng của Hobbes và đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia (Rangeon, 1986, tr. 12).

Cũng đi theo chiều hướng của Hobbes và Pufendorf, nhà triết học người Anh John Locke (1632-1704) cũng phân biệt giữa xã hội dân sự vốn là cái "được thiết lập", "được cấu tạo", với tình trạng tự nhiên vốn là nơi chứa đựng nhiều cái xấu. Tuy nhiên, nếu Hobbes coi xã hội dân sự có mục tiêu đầu tiên là đảm bảo sự thuận hòa và sự an ninh cho các thành viên, thì Locke lại coi "mục tiêu chính yếu [của xã hội dân sự] là bảo vệ quyền sở hữu" (Of political or civil society, 1690). Như vậy, theo Locke, "xã hội dân sự", ngoài trật tự pháp lý(hay chính trị, như trong định nghĩa của Hobbes), còn mang ý nghĩa của một trật tự kinh tế (Rangeon, 1986, tr. 13-14).

Tương tự như Hobbes và Locke, nhà triết học Pháp Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) cũng gắn liền xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia, nhưng nhấn mạnh thêm khía cạnh sở hữu tư nhân : "Người đầu tiên nào có một miếng đất rào kín và biết nói được rằng đất này là của tôi... thì đó là kẻ sáng lập thực thụ của xã hội dân sự" (Discours sur l'origine et les fondements de l'inégalité parmi les hommes, 1755) (dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 14).

2. Xã hội dân sự là xã hội thị trường

Năm 1714, Bernard Mandeville (1670-1733), một nhà tư tưởng gốc Hà Lan sinh sống ở Anh, xuất bản tác phẩm The Fable of the Bees (Ngụ ngôn về những con ong), trong đó ông đưa ra một quan niệm mới về xã hội dân sự, coi đây là nơi của các lợi ích và các nhu cầu. P.F. Moreau viết như sau : "Theo Mandeville, thuật ngữ xã hội dân sự vốn từ lâu được coi là đồng nghĩa với xã hội chính trị có xu hướng tách ra khỏi ý nghĩa này và biểu thị vô số những mối quan hệ trao đổi, tiêu thụ và lợi ích vốn được coi là dệt nên mạng lưới xã hội".[4]Luận điểm chính của Mandeville là cho rằng : lợi ích chung có thể đạt được mà không phụ thuộc vào ý muốn riêng của các cá nhân ; mỗi người theo đuổi lợi ích riêng của mình và qua đó, góp phần vào lợi ích của mọi người mà không hề mong muốn.

Adam Ferguson (1723-1816), một nhà tư tưởng người Anh, cho rằng xã hội dân sự là "kết quả của hoạt động của con người, chứ không phải của ý định của con người" (An Essay on the History of Civil Society, 1767). Ông còn coi "civil society" là một trạng thái của "tính văn minh" (civility) và là kết quả của quá trình văn minh hóa (civilization), trái với xã hội thô lỗ, man rợ trong một tình trạng chuyên chế (despotic state) (xem Abercrombie et al., tr. 34). Cả Mandeville và Ferguson đều cho rằng xã hội dân sự không xuất phát từ sự chủ định của con người, mà là từ sự vận động tự phát của các lợi ích, các nhu cầu và các tham vọng của con người. Ở đây, chúng ta thấy thuật ngữ xã hội dân sự đã chuyển từ khái niệm "xã hội dân sự mang tính quốc gia/nhà nước" (société civile étatique) nơi những tác giả như Hobbes hay Locke, sang khái niệm "xã hội dân sự mang tính thị trường" (société civile commerçante hay marchande) (Rangeon, 1986, tr. 17).

Nhà triết học và kinh tế học người Anh, Adam Smith (1723-1790), trong quyển An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của sự thịnh vượng của các quốc gia) (1776) không lần nào sử dụng thuật ngữ "civil society" mà chỉ dùng gọn chữ "society", có lẽ vì muốn tránh né tính từ "civil" vốn lúc ấy có thể gây hiểu lầm vì còn mang nặng hàm ý quốc gia/nhà nước. Tuy vậy, theo Pierre Rosanvallon, chúng ta có thể hiểu "xã hội" mà Smith nói tới chính là "xã hội dân sự" (dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 17). Adam Smith hiểu đây là một xã hội của sự trao đổi thương mại, một cơ chế trong đó các lợi ích tự chúng phối hợp hài hòa với nhau ngoài ý muốn chủ định của các cá nhân. Xã hội này có những qui luật riêng của nó, đó là những qui luật của lợi ích riêng tư, của sự trao đổi, của các nhu cầu, mà nhà nước hoàn toàn không nên can thiệp vào. Theo Adam Smith, nhà nước chỉ có ba chức năng hay ba "bổn phận" chính : bảo đảm an ninh đối với bên ngoài, duy trì trật tự đối với bên trong, và "đảm đương một số công trình công cộng" mà tư nhân không thể đảm đương nổi (Rangeon, 1986, tr. 17-18).

3. Xã hội dân sự tách khỏi nhà nước

Khác với nhiều nhà tư tưởng của thế kỷ XVIII vốn chỉ chú trọng tới khía cạnh kinh tế của xã hội dân sự, nhà triết học Đức Immanuel Kant (1724-1804) nhấn mạnh tới khía cạnh pháp lý. Ông cho rằng xã hội dân sự là lĩnh vực của luật pháp, kể cả công pháp lẫn tư pháp. Ông viết trong công trình Schriften zur Rechtstheorie(Những bài viết về lý thuyết pháp quyền) : "Những thành viên tập hợp trong xã hội ấy (societas civilis), nghĩa là trong đô thị, nhằm vào pháp chế, thì được gọi là công dân". Ông còn nói thêm rằng "xã hội dân sự [đảm bảo] cái của-tôi, cái của-anh, bằng các luật lệ nhà nước".[5] Còn trong quyển Kritik der Urteilskraft (Phê phán năng lực phán đoán) (1790), Kant đã mô tả như sau về xã hội dân sự : "... việc sắp xếp các mối quan hệ giữa con người với nhau, sao cho pháp quyền (gesetzmässige Gewalt) trong một cái toàn bộ - mà ta gọi là Xã hội dân sự (bürgerliche Gesellschaft) - đối lập lại sự lạm dụng của các quyền tự do đang xung đột nhau ; và, chỉ trong một xã hội như thế, sự phát triển tối đa những tố chất tự nhiên mới diễn ra được."[6]

Trong thế kỷ XVIII, chính nhờ sự phát triển của các bộ luật, nên khái niệm xã hội dân sự bắt đầu có cơ sở cắt đứt sợi dây để thoát ra khỏi ý niệm nhà nước/quốc gia, và kể từ đây, người ta thấy xuất hiện cặp khái niệm đối lập dân sự/chính trị (civil/politique) – khác hẳn quan niệm về sự đồng hóa giữa xã hội dân sự với xã hội chính trị hay với nhà nước/quốc gia như trước kia. Tác giả thể hiện rõ sự đoạn tuyệt này là nhà chính trị và nhà tư tưởng người Pháp-Thụy Sĩ Benjamin Constant (1767-1830). Sự xuất hiện của xã hội dân sự trong tư thế độc lập với nhà nước chính là một trong những điểm đặc trưng nhất của xã hội theo nền kinh tế tự do. Trong quyển De la liberté chez les Modernes (Bàn về tự do nơi các nhà tư tưởng cận đại), B. Constant tin tưởng rằng xã hội dân sự hoàn toàn có thể tồn tại tự nó, và ông đề cao quyền tự do dân sự (tức là quyền "được yên ổn hưởng quyền độc lập cá nhân"), cho rằng nó quan trọng không thua kém gì so với các quyền tự do chính trị. Khác với nhiều tác giả trước, ông đảo ngược trật tự và cho rằng xã hội dân sự quan trọng hơn và có trước nhà nước xét về mặt bản thể học (ontologique). Nhà nước xuất phát từ xã hội dân sự, chứ không phải ngược lại. Constant viết : "Kể từ khi có xã hội, thì giữa con người với nhau hình thành nên một số mối liên hệ... Các luật lệ... không phải là nguyên nhân của những mối liên hệ ấy – những mối liên hệ này vốn có trước các luật lệ" (dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 21). Ông cho rằng chính sự tiến bộ của nền văn minh đã làm cho xã hội dân sự ngày càng tự trị so với nhà nước. Nhưng theo Constant, quá trình củng cố nhà nước diễn ra song song với quá trình tự trị hóa của xã hội dân sự, chứ hai quá trình này không hề loại trừ nhau, mà thậm chí còn bổ trợ cho nhau. Khác với quan điểm của nhiều nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do hiện nay, B. Constant cho rằng xã hội dân sự và nhà nước không phải là hai lĩnh vực đối lập nhau, mà ngược lại, còn "phối hợp" với nhau : muốn có một nhà nước mạnh, thì nhất thiết phải có một xã hội dân sự cường tráng (Rangeon, 1986, tr. 21-22).

4. Xã hội dân sự là xã hội thị dân hay xã hội tư sản

Trong số các tác giả cổ điển, chính nhà triết học Đức Georg W. F. Hegel (1770-1831) mới là người có công xác lập rõ rệt nhất khái niệm xã hội dân sự theo nghĩa hiện đại của thuật ngữ này. Theo Pelczynski, sự tách biệt của Hegel về mặt khái niệm giữa nhà nước với xã hội dân sự đã tạo ra một trong những thay đổi nền tảng quan trọng nhất trong ý thức Âu châu hiện đại (dẫn lại theo Babi, 1998).

Có thể nói một cách vắn tắt rằng, theo Hegel, xã hội dân sự (bürgerliche Gesellschaft) không phải được hình thành bởi sự khế ước, mà là lĩnh vực của sự khế ước, nghĩa là lĩnh vực của sự liên kết tự nguyện giữa các cá nhân. Xã hội dân sự là một khía cạnh, một giai đoạn, hay một "mô-men" của trật tự chính trị, mà khía cạnh khác của trật tự này chính là nhà nước (Scruton, 1982, tr. 66).

Ảnh hưởng bởi tư tưởng của các nhà kinh tế học thế kỷ XVIII như Adam Smith, Hegel cũng cho rằng xã hội dân sự là lĩnh vực của các nhu cầu, của sự sản xuất, và của sự phân công lao động. Tuy nhiên, phần nào tương tự như Kant, ông cũng nhấn mạnh ngay sau đó đến vị trí của luật pháp và của nhà nước trong sự hình thành nên xã hội dân sự. Hegel viết trong quyển Grundlinien der Philosophie des Rechts (Những nguyên lý của triết học pháp quyền) (1821) : "Xã hội dân sự [là] một sự liên hợp của những thành viên với tư cách là những cá nhân tự lực mưu sinh [self-subsistent] trong một sự phổ quát [universality] vốn chỉ mang tính chất trừu tượng, bởi tính chất tự lực mưu sinh của họ. Sự liên hợp của họ là hệ quả phát sinh từ các nhu cầu của họ, từ hệ thống luật pháp – phương tiện đảm bảo an ninh cho con người và tài sản – và từ một tổ chức ngoại hiện [external organisation] nhằm đạt được các lợi ích đặc thù và các lợi ích chung của họ" (Hegel, 1952, §157).

Khi ra khỏi gia đình, con người trở thành một người bourgeois (hiểu theo nghĩa thị dân) : Hegel ít khi sử dụng tiếng nước ngoài, nhưng ở mục §190 trong quyển sách dẫn trên, ông cố ý dùng chữ bourgeois của tiếng Pháp ("der Bürger als bourgeois") để phân biệt rõ với chữ Bürger theo nghĩa "công dân" (citizen hay citoyen) (Hegel, 1952, phần ghi chú của Hegel cho mục §190). Chính vì thế mà cụm từ bürgerliche Gesellschaft đối với Hegel gần với nghĩa "xã hội thị dân" hơn. Chữ bourgeois (thị dân) ở đây không phải là tư sản, cũng không chỉ bao gồm các nhà buôn và các nhà công nghiệp, mà là bao gồm chung mọi cá nhân chỉ quan tâm tới lợi ích riêng của mình (đối lập với "công dân", là người quan tâm tới lợi ích công cộng) (Rangeon, 1986, tr. 23).

Theo Hegel, xã hội dân sự là "giai đoạn của sự khác biệt nằm xen vào giữa gia đình và nhà nước". Sự hình thành nên xã hội dân sự là "một thành tựu của thế giới hiện đại". Xã hội dân sự là nơi bao gồm những "con người" với tính cách là những cá nhân vị kỷ vốn chỉ quan tâm tới những nhu cầu của mình mà thôi, trong đó "mỗi cá nhân là cứu cánh của chính mình, ngoài ra mọi cái khác đều vô nghĩa đối với anh ta". Thế nhưng chính là thông qua người khác, anh ta mới đạt được mục tiêu của mình, và do đó, "một mục tiêu cụ thể khoác lấy hình thức phổ quát tính thông qua mối quan hệ với tha nhân". Chính là "vì tính đặc thù [particularity] bị điều kiện hóa một cách tất yếu bởi tính phổ quát [universality], nên toàn bộ lĩnh vực xã hội dân sự là lãnh địa của sự trung giới [mediation]" (Hegel, 1952, phần ghi chú của Hegel cho mục §182).[7]

Ông còn viết một câu tóm gọn như sau : "Trong luật học, đối tượng là nhân thân [Person]; đứng trên quan điểm đạo đức, đó là chủ thể [Subjekt]; trong gia đình, đó là thành viên gia đình [Familienglied]; trong xã hội dân sự, đó là thị dân xét như là người bourgeois [der Bürger (als bourgeois)]. Ở đây, xét trên quan điểm các nhu cầu, chính là cái biểu hiện cụ thể của cái biểu tượng mà chúng ta gọi là con người [Mensch]; như vậy, trước hết ở đây và nói đúng ra thì cũng chỉ ở đây, mới nói tới con người theo nghĩa này" (Hegel, 1986, mục §190).

Theo Hegel, xã hội dân sự là mô-men (das Moment)[8] trung gian giữa gia đình và nhà nước trong tiến trình của trật tự đạo đức (Sittlichkeit) ; nói chính xác hơn, gia đình là mô-men thứ nhất của trật tự đạo đức, xã hội dân sự là mô-men thứ hai, và nhà nước là mô-men thứ ba – mô-men cuối cùng và hoàn chỉnh nhất củaSittlichkeit (xem thêm Dupire, 1986, tr. 33-43). Đặc điểm của xã hội dân sự là lĩnh vực bao hàm cả cái đặc thù lẫn cái phổ quát. Nhưng tính phổ quát chỉ đạt tới sự hoàn chỉnh ở mô-men nhà nước. Vì thế, theo Hegel, nhà nước mới chính là "nền tảng thực thụ" của cả gia đình lẫn xã hội dân sự, là giai đoạn, là mô-men phát triển cao nhất của trật tự đạo đức (Sittlichkeit). Nhưng Hegel không quan niệm rằng xã hội dân sự chỉ tồn tại trong mối quan hệ với nhà nước ; nó vẫn mang tính độc lập tương đối so với nhà nước. Xã hội dân sự không phải là một "tình trạng tự nhiên" trong đó mọi người chống lại nhau, bellum omnium contra omnes ; trong xã hội dân sự, các thị dân đã tự tổ chức với nhau và đạt được một mức độ phổ quát nhất định, bao gồm các công ty, các hiệp hội... Nhưng nó vẫn mang những nguy cơ tranh chấp và xung đột tiềm ẩn trong nội bộ do các định chế tư nhân không phải lúc nào cũng giải quyết được ổn thỏa các tranh chấp và đạt được lợi ích chung. Chỉ có nhà nước mới xứng đáng là mô-men "hòa giải" hiệu quả nhất các mối tranh chấp trong xã hội dân sự.

Khác với các nhà tư tưởng theo quan điểm khế ước xã hội của thế kỷ XVII và XVIII vốn đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia, Hegel coi xã hội dân sự là lĩnh vực của nhu cầu, chủ yếu dựa trên lối tư duygiác tính (Verstand, understanding, entendement), nghĩa là tương đương với loại lương tri thông thường (common sense) vốn hời hợt, mang nhiều định kiến, chỉ dựa trên kinh nghiệm, trong khi nhà nước mới là lĩnh vực đặt nền tảng trên lý tính (Vernunft, reason, raison), tức quan năng suy luận, có vai trò cao hơn giác tính, "có khả năng phản tư về những nhận thức của giác tính và hướng dẫn nhận thức này vươn đến cái toàn bộ tuyệt đối vượt ta khỏi các giới hạn của kinh nghiệm".[9]

Nói tóm lại, Hegel vừa nhấn mạnh đến tính chất độc lập lẫn tính chất phụ thuộc của xã hội dân sự đối với nhà nước. Xã hội dân sự chỉ được hiện thực hóa bằng một cái khác với nó, đó là nhà nước. Đối với Hegel, xã hội dân sự không phải là nhà nước, nhưng đồng thời, xã hội dân sự chỉ tồn tại trong mối quan hệ với nhà nước(Rangeon, 1986, tr. 24).

Liên quan tới khái niệm xã hội dân sự, Karl Marx (1818-1883) viết như sau trong phần mở đầu cho quyểnGóp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1859) : "Các công trình nghiên cứu của tôi đi đến kết quả này, đó là : các mối quan hệ pháp lý – cũng như các hình thái của nhà nước – không thể được giải thích nếu dựa vào chính chúng mà thôi, hay nếu dựa trên cái mà người ta cho là sự tiến hóa chung của ý thức con người, nhưng ngược lại, phải xem chúng như bắt nguồn từ trong những điều kiện vật chất sinh tồn mà Hegel, theo gương những người Anh và người Pháp ở thế kỷ XVIII, gọi chung dưới cái tên 'xã hội dân sự', và việc giải phẫu xã hội dân sự, đến lượt nó, cần được tìm thấy trong môn kinh tế học chính trị" (phần "Préface", trong Marx, 1972, tr. 18).

Marx cho rằng nếu đối chiếu quan niệm của Hegel về xã hội dân sự với xã hội dân sự và nhà nước trong thực tế, chúng ta sẽ thấy sự bất tương thích : nhà nước không phải là nơi hiện thực hóa thực thụ sự tự do và lợi ích chung, mà xã hội dân sự cũng chẳng phải chỉ phụ thuộc một cách đơn giản vào nhà nước. Marx đảo ngược lại quan niệm về xã hội dân sự của Hegel, và cho rằng nhà nước không phải là nền tảng của xã hội dân sự, mà ngược lại, chính xã hội dân sự mới là nền tảng trên đó nhà nước được thiết lập. Trong quyển Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel (1843), Marx viết như sau : "Gia đình và xã hội công dân được Hê-ghen coi là những lĩnh vực của khái niệm nhà nước, cụ thể là những lĩnh vực của giai đoạn hữu hạn của nhà nước, là tính hữu hạn của nhà nước. (...) Trên thực tế, gia đình và xã hội công dân là những tiền đề của nhà nước, chính chúng mới là những yếu tố thật sự tích cực ; nhưng trong tư duy tư biện thì tất cả điều đó đều bị đặt lộn ngược. (...) nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không có cơ sở tự nhiên là gia đình và cơ sở nhân tạo là xã hội công dân. Chúng là conditio sine qua non - điều kiện cần thiết của nhà nước. Nhưng [ở Hê-ghen] điều kiện biến thành cái chịu điều kiện, cái quy định biến thành cái bị quy định, cái sản sinh biến thành sản phẩm của sản phẩm của nó" (C. Mác, 1995, tr. 312-315).[10]

Marx cũng nhấn mạnh tới nội hàm kinh tế và khía cạnh phát triển của luật pháp trong khái niệm xã hội dân sự, coi đây như một bước phát triển "văn minh" của xã hội, vì đã chuyển những "quan hệ cá nhân" sang những "quan hệ chung", đồng thời nhờ có những "quan hệ pháp luật" mới nên đã vượt qua được "những biện pháp dã man để thực hiện pháp luật". Điểm mới trong luận điểm của Marx về xã hội dân sự là nhấn mạnh tới sự xuất hiện của các "giai cấp" (Klasse) trong xã hội dân sự tư bản chủ nghĩa, xét như là một sự khác biệt căn bản so với sự tồn tại của các "đẳng cấp" (Stand) trong các thể loại cộng đồng cổ truyền tiền tư bản chủ nghĩa (Gemeinwesen). Marx và Engels viết như sau trong quyển Hệ tư tưởng Đức (1845-1846) : "Với sự phát triển của xã hội công dân, nghĩa là với sự phát triển của những lợi ích cá nhân thành lợi ích giai cấp, những quan hệ pháp luật thay đổi và có một hình thức văn minh. Người ta không còn coi những quan hệ đó là những quan hệ cá nhân mà là những quan hệ chung. Đồng thời, do phân công lao động, việc bảo vệ những lợi ích của những cá nhân riêng rẽ – những lợi ích này xung đột lẫn nhau, – chuyển vào tay một số ít người cho nên biện pháp dã man để thực hiện pháp luật cũng biến mất" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen, 1995, tr. 494).

Đồng ý với Hegel, Marx nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của xã hội dân sự, hay nói cách khác, sự tách biệt giữa nhà nước với xã hội dân sự, không phải là một hiện tượng đương nhiên, phi thời gian, mà là một hiện tượng mang tính lịch sử. Trong thời trung cổ, chưa có xã hội dân sự, cũng chưa có sự phân biệt giữa civil(dân sự/thị dân) với politique (chính trị), bởi lẽ lúc ấy tất cả mọi lĩnh vực đều thuộc về nhà nước, đều bị đồng nhất với chính trị. Marx viết trong quyển Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel : "Thời trung cổ đã có nông nô, sở hữu ruộng đất phong kiến, phường hội thủ công, hội của các học giả v.v.; nghĩa là vào thời trung cổ, sở hữu, thương nghiệp, đoàn thể xã hội, con người đều đã có tính chất chính trị ; ở đây nội dung vật chất của nhà nước được quy định bởi hình thức của nhà nước. Ở đây, mọi lĩnh vực tư nhân đều có tính chất chính trị, hoặc đều là lĩnh vực chính trị; nói cách khác, chính trị cũng là tính chất của những lĩnh vực tư nhân. (...) Ở thời trung cổ, đời sống nhân dân và đời sống nhà nước là đồng nhất" (C. Mác, 1995, tr. 353).

Chỉ trong chế độ tư bản chủ nghĩa, nghĩa là vào "thời hiện đại" (modernen Zeit), mới xuất hiện sự tách biệt giữa "đời sống nhà nước" với "đời sống tư nhân", nghĩa là giữa nhà nước với xã hội dân sự/thị dân. Marx viết : "Sự tách biệt [Abstraktion] của nhà nước xét như là nhà nước chỉ thuộc về thời hiện đại, vì sự tách biệt của đời sống tư nhân chỉ thuộc về thời hiện đại mà thôi. Sự tách biệt của nhà nước chính trị là một sản phẩm hiện đại."[11]

Nhưng khác hẳn với quan niệm của Hegel vốn coi xã hội dân sự là một "mô-men" của Ý niệm đạo đức, Marx quan niệm xã hội dân sự là nơi diễn ra các mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ sản xuất, trong những điều kiện tồn tại vật chất của các cá nhân, nơi biểu hiện thực thụ của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Theo Marx, xã hội dân sự chỉ xuất hiện trong chế độ tư bản chủ nghĩa, từ khi giai cấp tư sản nắm quyền thống trị. Trong Hệ tư tưởng Đức, Marx và Engels viết như sau : "Xã hội công dân [bürgerliche Gesellschaft] bao trùm toàn bộ sự giao tiếp vật chất của các cá nhân trong một giai đoạn phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Nó bao trùm toàn bộ đời sống thương nghiệp và công nghiệp trong giai đoạn đó và do đó, vượt ra ngoài phạm vi quốc gia và dân tộc, mặc dù, mặt khác, về đối ngoại nó vẫn phải hiện ra như là một dân tộc và về đối nội nó vẫn phải tự tổ chức thành một nhà nước. Thuật ngữ 'xã hội công dân' [bürgerliche Gesellschaft] xuất hiện trong thế kỷ XVIII khi những quan hệ sở hữu thoát khỏi thể cộng đồng [Gemeinwesen] cổ đại và trung cổ. Xã hội tư sản [bürgerliche Gesellschaft] với tính cách là xã hội tư sản chỉ phát triển cùng với giai cấp tư sản [der Bourgeoisie]" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen, 1995, tr. 51-52).[12]

Hiểu theo nghĩa đó, xã hội dân sự không phải chỉ là nền tảng của nhà nước, mà còn của toàn bộ lịch sử : "... đó là trung tâm thực sự, vũ đài thực sự của toàn bộ lịch sử" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen, 1995, tr. 51). Điều này có nghĩa là, theo Marx, các sự kiện chính trị, những sự thay đổi về luật pháp, những sự phát triển về văn hóa, chỉ có thể được giải thích nếu tìm về ngọn nguồn của sự phát triển của cấu trúc của xã hội dân sự, nơi diễn ra những cuộc xung đột cũng như đấu tranh giữa các giai cấp đối kháng (Abercrombie et al., 1988, tr. 34).

Tựu trung, Marx nhìn xã hội dân sự dưới hai khía cạnh : một mặt, nó là nền tảng hiện thực và vật chất của nhà nước, mặt khác, nó là mặt đối lập với nhà nước. Hay cũng có thể nói, theo lời một tác giả, rằng Marx có hai quan niệm về xã hội dân sự, hay "hai lý thuyết về nhà nước".[13] Xét về mặt kinh tế học, xã hội dân sự là cơ sở hạ tầng trên đó xây dựng nên kiến trúc chính trị nhà nước ; theo nghĩa này, xã hội dân sự chính là xã hội tư sản nhìn dưới góc độ vận hành kinh tế-xã hội. Xét về mặt xã hội học, trong lịch sử nhà nước hiện đại (Marx lấy hai thí dụ là nhà nước của Bonaparte và nhà nước Phổ), xã hội dân sự chính là tổ chức xã hội vốn được hình thành từ quá trình biệt dị hóa (différentiation) của nhà nước. Như vậy, sự hình thành của xã hội dân sự xét về mặt lịch sử đã diễn ra song hành với sự hình thành của nhà nước hiện đại. Và xã hội dân sự có thể được hiểu theo hai nghĩa : một mặt là xã hội dân sự kinh tế (société civile économique), và mặt kia là xã hội dân sự chính trị (société civile politique) (Rangeon, 1986, tr. 26). Chính là thiên về nghĩa thứ hai này mà Gramsci đã khai triển khái niệm của mình về xã hội dân sự.

Nhà triết học và nhà chính trị mác-xít người Ý Antonio Gramsci (1891-1937) phân biệt giữa "xã hội dân sự" với "xã hội chính trị", tức là nhà nước. Cho đến nay, nhiều người thường lầm tưởng rằng quan niệm về "xã hội dân sự" của Gramsci chỉ thuộc về kiến trúc thượng tầng, khác với quan niệm của Marx cho rằng xã hội dân sự chủ yếu thuộc về cơ sở hạ tầng. Nhưng theo Jacques Texier, Gramsci trong tập các luận văn viết trong nhà tù phát-xít đã có ít nhất hai cách hiểu về xã hội dân sự. Cách thứ nhất là coi xã hội dân sự như là nơi đấu tranh giành quyền "thống lãnh" (hégémonie) về văn hóa-tư tưởng, và cách thứ hai coi đây là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế của một cấu trúc kinh tế nhất định (Texier, 2000, tr. 50-51).

Theo Gramsci, xã hội dân sự "nằm giữa cơ sở kinh tế và nhà nước với nền pháp chế và sự cưỡng chế của mình" (Gramsci, 1975, tr. 270-271). Ông coi xã hội dân sự như một "tầng" (étage) nằm trong lĩnh vực kiến trúc thượng tầng : "Người ta có thể... hình dung hai 'tầng' chính trong các kiến trúc thượng tầng, một tầng mà người ta có thể gọi là tầng 'xã hội dân sự', tức bao gồm các tổ chức thường gọi nôm na là 'tư nhân', và tầng 'xã hội chính trị' hay nhà nước ; [cả hai tầng này] tương ứng với chức năng 'thống lãnh' [hégémonie] mà nhóm thống trị thực thi đối với toàn bộ xã hội, và với chức năng 'thống trị trực tiếp' [domination directe] hay chỉ huy [commandement] vốn được biểu hiện trong nhà nước và trong sự cai trị 'pháp lý'" (Gramsci, 1975, tr. 606-607).

Ông coi xã hội dân sự là lĩnh vực bao gồm những định chế 'tư nhân' (private) về mặt pháp lý như các giáo hội, các nhà trường, các phương tiện truyền thông đại chúng và các nghiệp đoàn. Trong các xã hội tư bản chủ nghĩa, những định chế này đảm bảo sự "thống lãnh" (hégémonie)[14] hoặc "lãnh đạo" của giai cấp tư sản về mặt hệ tư tưởng, bên cạnh sự thống trị về mặt kinh tế và chính trị, bằng cách tạo ra sự "đồng thuận" (consensus) của các giai cấp bị trị trong lòng xã hội dân sự.

Quan niệm này của Gramsci đã phát triển một cách phong phú và sâu sắc luận điểm của Marx và Engels trong quyển Hệ tư tưởng Đức (1845) : "Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị. Điều đó có nghĩa là giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội. (...) Chừng nào họ [tức giai cấp thống trị] thống trị với tư cách là giai cấp và quyết định quy mô và phạm vi của một thời đại lịch sử thì dĩ nhiên là họ thống trị về mọi mặt, cho nên ngoài ra, họ cũng thống trị với tư cách là những người đang tư duy, là những người sản xuất ra tư tưởng, điều tiết sự sản xuất và sự phân phối những tư tưởng của thời đại họ; bởi vậy, những tư tưởng của họ là những tư tưởng thống trị của thời đại" (C. Mác và Ph. Ăng-ghen, 1995, tr. 66-67).

Định nghĩa của Antonio Gramsci về xã hội dân sự gần như luôn luôn đi đôi với, và chỉ có thể hiểu được,trong mối quan hệ với khái niệm xã hội chính trị hay nhà nước. Trong Các lá thư trong tù, Gramsci cho rằng khái niệm nhà nước, vốn thường được hiểu như là sự "chuyên chính",[15] cần được hiểu là "sự cân bằng giữa xã hội chính trị với xã hội dân sự, hay là sự thống lãnh (hégémonie) của một nhóm xã hội đối với toàn thể xã hội quốc gia, một sự thống lãnh được thực hiện thông qua các tổ chức tư nhân như giáo hội, các nghiệp đoàn, các nhà trường, v.v."[16] Nếu đối với Marx, xã hội dân sự là nơi biểu hiện tập trung nhất phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì đối với Gramsci, xã hội dân sự là nơi hiện thực hóa chức năng "thống lãnh" về hệ tư tưởng cũng như về chính trị của nhà nước. "Xã hội chính trị" (tức nhà nước) là nơi thực hiện chức năng cưỡng chế, còn "xã hội dân sự" là nơi thực hiện chức năng quyền lực về mặt hệ tư tưởng. Chính vì thế, theo ông, "nhà nước chỉ là một đường hào tiền tiêu, phía sau nó mới là một chuỗi vững chắc các chiến lũy và pháo đài" (dẫn lại theo Cot và Mounier, 1974, tr. 60). Tuy nhiên, theo Gramsci, cả xã hội chính trị (tức nhà nước theo nghĩa hẹp) và xã hội dân sự đều thuộc về nhà nước "theo nghĩa rộng", như ông tóm tắt trong câu sau : "Nhà nước/quốc gia [État] = xã hội chính trị + xã hội dân sự, nghĩa là sự thống lãnh được bọc sắt bằng sự cưỡng chế" (Gramsci, 1975, tr. 577).[17]

Như vậy, chúng ta có thể thấy định nghĩa của Gramsci về xã hội dân sự chủ yếu là một định nghĩa triết học chính trị hay xã hội học chính trị, và ông luôn luôn phản bác quan niệm "duy kinh tế" về xã hội dân sự vốn thường thấy nơi các nhà kinh tế học theo trường phái tự do khi họ sử dụng quan niệm này để phủ nhận vai trò điều tiết hay can thiệp của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế-xã hội. Theo Gramsci, sự phân biệt giữa xã hội dân sự với nhà nước là một sự phân biệt về mặt phương pháp luận, nghĩa là trên bình diện lý thuyết trừu tượng, còn trong thực tế, xã hội dân sự và nhà nước là hai cái luôn gắn quyện với nhau, xâm nhập vào nhau. Ông viết : "Các quan điểm của trào lưu mậu dịch tự do đặt nền tảng trên một sự sai lầm lý thuyết mà người ta không khó nhận ra nguồn gốc thực tiễn của nó : [đó là dựa trên] sự phân biệt giữa xã hội chính trị và xã hội dân sự, vốn từ chỗ phân biệt mang tính phương pháp luận chuyển sang một sự phân biệt máy móc (...). Chính do vậy mà người ta khẳng định rằng hoạt động kinh tế là cái chỉ thuộc về xã hội dân sự và rằng nhà nước không được can thiệp bằng cách điều tiết nó. Nhưng, vì trong thực tế hiện thực, xã hội dân sự và nhà nước đồng hóa với nhau [s'identifient], nên chúng ta buộc phải thừa nhận rằng hệ thống mậu dịch tự do chính nó cũng là một sự 'qui định hóa' [réglementation] mang dấu ấn của nhà nước, do các luật lệ và sự cưỡng chế đưa ra và duy trì" (Gramsci, 1975, tr. 469). Với câu này, chúng ta thấy cách hiểu của Gramsci về xã hội dân sự bao hàm cả các hoạt động kinh tế, như nhận xét của Jacques Texier nói trên.

Chúng ta có thể nhận thấy rằng, đến Gramsci, quan niệm về xã hội dân sự đã khác rất xa so với những định nghĩa ban đầu của John Locke hay Adam Smith. Thuật ngữ civil society từ chỗ mang nội hàm đồng hóa với nhà nước/quốc gia nơi Pufendorf hay Locke nhằm thoát ra khỏi sự áp chế của những chế độ quân chủ và thần quyền, chuyển sang nội hàm xã hội của những quan hệ thị trường nơi Ferguson hay Adam Smith, rồi tách ra khỏi nhà nước kể từ Benjamin Constant và Hegel, mang nội dung "xã hội thị dân" của những quan hệ kinh tế nơi Hegel, đến "xã hội tư sản" mang nội dung đấu tranh giai cấp nơi Marx, để rồi cuối cùng mang nội dung "xã hội dân sự" mang tính chất chính trị và "thống lãnh" về mặt tư tưởng của giai cấp tư sản nơi Gramsci.

Diễn trình chuyển biến của khái niệm "xã hội dân sự" hoàn toàn không phải ngẫu nhiên hay tự phát. Có thể nói như Anil Louis-Juste rằng toàn bộ lịch sử "biến thể lý thuyết" [transsubstantiation théorique] của khái niệm "xã hội dân sự" qua các tác giả cổ điển nêu trên thực chất mang tính chất ý thức hệ [idéologique], bởi lẽ lịch sử này tương ứng với những quá trình đấu tranh chính trị : "Như vậy, người ta có thể hiểu rằng ý niệm về xã hội dân sự phản ánh những hoàn cảnh cụ thể đang tồn tại ; nó biểu hiện tình hình đấu tranh xã hội diễn ra trong những thời cơ nhất định" (Louis-Juste, 2006).

Sang thế kỷ XX, những sự chuyển hóa về nội dung của thuật ngữ này vẫn còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ cho đến tận ngày nay mà chúng tôi sẽ đề cập trong một bài khác.

TPHCM, ngày 11-6-2009

TRẦN HỮU QUANG

Tài liệu tham khảo
Abercrombie Nicholas, Stephen Hill, Bryan S. Turner. 1988. The Penguin Dictionary of Sociology, 2nd edition, London, Penguin Books.
Babi Loghman Pireh. 1998. "Reflections on the Role of Civil Society in the Democratisation Process of Third World Countries", IDS (Phần Lan), Working Paper, 10/1998, www.valt.helsinki.fi/kmi/Julkais/WPt/1998/ WP1098.HTM.
CHEVALIER Jacques et al. 1986. La société civile, Paris, Presses Universitaires de France.
Cot Jean-Pierre, et Jean-Pierre Mounier. 1974. Pour une sociologie politique, tome 2, Paris, Ed. Seuil.
Dupire Philippe. 1986. "Famille, besoin, travail et société civile chez Hegel", in Jacques Chevalier et al.,La société civile, Paris, Presses Universitaires de France.
Gramsci Antonio. 1975. Gramsci dans le texte, François Ricci et Jean Bramant (Ed.), traduit par J. Bramant, G. Moget, A. Monjo, F. Ricci, Paris, Ed. Sociales.
Hegel Georg W. F. 1952. Philosophy of Right, translated by T. M. Knox, Clarendon Press.
Hegel Georg W. F. 1986. Principes de la Philosophie du Droit, traduit par Robert Derathe, Librairie Philosophique J. Vrin.
Hegel Georg W. F. 2006. Hiện tượng học tinh thần (Phänomenologie des Geistes), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Văn học.
Kant Immanuel. 2006. Phê phán năng lực phán đoán (Kritik der Urteilskraft), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức.
Lochak Danièle. 1986. "La société civile : du concept au gadget", in Jacques Chevalier et al., La société civile, Paris, Presses Universitaires de France.
Louis-Juste Anil. 2006. "La société civile hier et aujourd’hui", in Alter Presse, 12-1-2006, 16-1-2006, 20-1-2006 et 25-1-2006, www.alterpresse. org.
MÁC C. 1995. "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen", trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen,Toàn tập, tập 1, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia.
MÁC C. và Ph. Ăng-ghen. 1995. "Hệ tư tưởng Đức", trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 3, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật.
Marx Karl. 1972. Contribution à la critique de l’économie politique, traduit par Maurice Husson, Paris, Éd. Sociales.
Nguyễn Ngọc Giao. 2009. "Xã hội dân sự, Trung Quốc và Việt Nam", Tạp chí Thời đại mới, số 15, 3-2009, www.tapchithoidai.org
Rangeon François. 1986. "Société civile : histoire d'un mot", in Jacques Chevalier et al., La société civile, Paris, Presses Universitaires de France.
Scruton Roger. 1982. A Dictionary of Political Thought, London, Pan Books.
Texier Jacques. 2000. "Une lettre de clarification de Jacques Texier", in International Gramsci Society Newsletter, No 11, December.
Weber Max. 2008. Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, bản dịch tiếng Việt của Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang, Hà Nội, Nxb Tri thức.

Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học xã hội, số 07 (131), 2009, trang 3-16.

[1] Xem phần chú giải về thuật ngữ Bürger trong Max Weber, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, 2008, tr. 423.

[2] Theo Guy Berger, "La société civile et son discours" (từ bài I đến bài VI), trong Commentaire, từ số 46 đến số 52, năm 1989-1990, dẫn lại theo Jean-Joseph Régent, trong www.nantes-citoyennete.com.

[3] Z.A. Pelczynski, "The significance of Hegel’s separation of the state and civil society", in Z.A. Pelczynski (Ed.), The State and Civil Society, Cambridge University Press, 1984, dẫn lại theo Babi, 1998.

[4] P.F. Moreau, "Société civile et civilisation", in F. Châtelet, Histoire des idéologies, Hachette, 1978, dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 16.

[5] Immanuel Kant, Schriften zur Rechtstheorie, dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 20.

[6] Immanuel Kant, Phê phán năng lực phán đoán (Kritik der Urteilskraft), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2006, §83, tr. 468.

[7] Xem thêm đoạn diễn giải sau đây của Bùi Văn Nam Sơn và Nguyễn Ngọc Giao : "Trong xã hội hiện đại, quyền và hạnh phúc cá nhân đã có được vị trí chính đáng độc lập với lợi ích của toàn bộ xã hội. Việc theo đuổi lợi ích của toàn bộ xã hội này đòi hỏi một loại định chế xã hội mới mẻ, trong đó sự tham gia của cá nhân trong đời sống xã hội phải được trung giới thông qua ý chí tự do lựa chọn của cá nhân và phải diễn đạt được ý kiến chủ quan của cá nhân (Sđd, §206). Hegel gọi định chế xã hội mới mẻ ấy là bürgerliche Gesellschaft" (Nguyễn Ngọc Giao, 2009).

[8] "Das Moment" là một chữ khó dịch và được nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn dùng chữ phiên âm là "mô-men", với lời giải thích như sau : mô-men "vừa là yếu tố bản chất hay phương diện (Seite) của một toàn bộ xét như một hệ thống tĩnh tại, vừa là một giai đoạn bản chất trong một toàn bộ xét như một tiến trình vận động biện chứng" (xem Hegel, 2006, chú thích số 8 của Bùi Văn Nam Sơn, tr. 4-5).

[9] Bùi Văn Nam Sơn, phần chú giải về sự phân biệt giữa khái niệm "giác tính" và khái niệm "lý tính" theo Hegel (xem Hegel, 2006, tr. 563-566).

[10] Ở đây, bản dịch của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sử dụng cụm từ "xã hội công dân" để dịch thuật ngữ bürgerliche Gesellschaft, nhưng chúng tôi cho rằng đáng lý phải dịch là "xã hội thị dân" thì mới chính xác hơn, nhất là trong dòng mạch tư tưởng của Hegel.

[11] Karl Marx, Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel (đoạn này do chúng tôi dịch lại, T.H.Q.) (những chỗ nhấn mạnh là do Marx). Chữ Abstraktion trong câu này cũng có thể được dịch là "sự trừu xuất". Bản dịch câu này của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia là như sau : "Sự trừu tượng của nhà nước với tính cách là nhà nước chỉ là đặc trưng của thời cận đại, vì sự trừu tượng của đời sống tư nhân chỉ là đặc trưng của thời cận đại thôi. Sự trừu tượng của nhà nước chính trị là sản phẩm của thời đại ngày nay." (C. Mác, 1995, tr. 353). Việc dịch từ Abstraktion trong đoạn này là "sự trừu tượng" theo chúng tôi là không ổn và vì thế làm cho câu này trở nên khó hiểu.

[12] Theo bản dịch của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, ở câu đầu của đoạn này, thuật ngữ bürgerliche Gesellschaft được dịch là "xã hội công dân", nhưng ở câu cuối thì lại được dịch là "xã hội tư sản", và các dịch giả chú thích thêm rằng thuật ngữ bürgerliche Gesellschaft bao hàm cả hai nghĩa này. Chúng tôi cho rằng ở đoạn này, nên dịch bürgerliche Gesellschaft là "xã hội thị dân" hoặc "xã hội tư sản" ở cả câu trên lẫn câu dưới thì mới xác đáng.

[13] Theo B. Badie, P. Birnbaum, Sociologie de l'Etat, Le livre de poche, coll. Pluriel, 1983, tr. 15, dẫn lại theo Rangeon, 1986, tr. 26.

[14] Thuật ngữ hégémonie (tiếng Pháp, hay hegemony tiếng Anh, egemonia tiếng Ý) lâu nay thường được dịch trong tiếng Việt là "bá quyền", nhưng trong bối cảnh tư tưởng của Gramsci, chúng tôi cho rằng nên dùng chữ "thống lãnh" thì xác đáng hơn, phân biệt với khái niệm "thống trị" (domination) hay khái niệm "lãnh đạo" (direction).

[15] Gramsci phân biệt rất rõ giữa sự "chuyên chính" (dictature) với sự "thống lãnh" (hégémonie) : chế độ chuyên chính là một chế độ mà trong đó một nhóm thực hiện sự thống trị xã hội (domination) bằng cách chiếm giữ bộ máy nhà nước, chứ không thống lãnh được xã hội bằng sự lãnh đạo (direction) về mặt ý thức hệ. Một giai cấp nắm giữ sự thống lãnh có thể đến một lúc nào đó đánh mất và để rơi sự thống lãnh này vào tay một giai cấp khác, và lúc đó nó chỉ còn duy trì sự thống trị của mình bằng sự cưỡng chế của nhà nước mà thôi ; đó là trường hợp của chế độ phát-xít của Mussolini ở Ý (xem Cot và Mounier, 1974, tr. 60-61).

[16] Antonio Gramsci, Lettres de la prison, bản dịch từ tiếng Ý ra tiếng Pháp của J. Noaro, Paris, Ed. Sociales, 1953, thư số 89, tr. 313, dẫn lại trong Gramsci, 1975, tr. 148-149.

[17] "Etat = société politique + société civile, c'est-à-dire hégémonie cuirassée de coercition". Từ État (tiếng Pháp) hay State (tiếng Anh) cũng có nghĩa là quốc gia, nước, chứ không chỉ có nghĩa là nhà nước. Vì thế, chữ État trong câu trên đây cần được hiểu thiên về nghĩa "quốc gia" chứ không phải là nhà nước theo nghĩa hẹp.

Nguồn:http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/phan-khoa-triet-hoc/triet-hoc-xa-hoi/mot-so-quan-niem-co-dien-ve-xa-hoi-dan-su_203.html
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất