Các quy luật cơ bản của tư duy


Ta xét hai ví dụ suy luận:

“Mọi người đều phải chết.
Socrate là người.
Vậy, Socrate phải chết." (1)

và:

“Vợ tôi là đàn bà.
Em là đàn bà.
Vậy, em là vợ tôi” (2)

Rõ ràng suy luận thứ nhất đúng, còn suy luận thứ hai thì sai. Nhưng căn cứ vào cơ sở nào mà ta xác định được như vậy? Tất nhiên là có thể căn cứ trực tiếp vào thực tiễn. Tuy nhiên thực hiện việc đó gặp phải rất nhiều khó khăn, vì ở đây sau khi kiểm tra thấy kết luận đúng ta cũng không thể nói rằng chắc chắn suy luận đúng. Một phương pháp khác thuận tiện và hiệu quả hơn nhiều là sử dụng các quy luật của tư duy, tức là các quy luật mà môn logic nghiên cứu, để làm cơ sở cho việc xét đoán. Suy luận nào tuân theo các quy luật đó thì hợp lý, đúng; suy luận nào không tuân theo những quy luật đó thì vô lý, sai.

Như đã biết, quy luật của tư duy là những mối liên hệ bên trong, bản chất, lặp đi lặp lại trong các quá trình tư duy. Con người phát hiện ra các quy luật của tư duy thông qua hoạt động nhận thức trải nhiều thế kỷ chứ không phải bẩm sinh đã biết đến chúng. Con người biết cách vận dụng các quy luật đó, biết suy luận tuân theo các quy luật đó là nhờ quá trình học tập và rèn luyện chứ không phải có tính chất bản năng.

Trong số các quy luật của tư duy có bốn quy luật cơ bản. Các quy luật này được gọi là cơ bản vì: thứ nhất, chúng phản ánh những tính chất cơ bản nhất của các quá trình tư duy; thứ hai, vì bất cứ quá trình tư duy nào cũng phải tuân theo chúng; thứ ba, vì các quy luật khác có thể rút ra được từ chúng, nhưng không thể rút ra chúng từ các quy luật khác. Các quy luật cơ bản đó là: quy luật đồng nhất, quy luật không mâu thuẫn, quy luật triệt tam.

I. QUY LUẬT ĐỒNG NHẤT

Phát biểu: A là A. Một tư tưởng, khi đã định hình, phải luôn là chính nó trong một quá trình tư duy.

Quy luật này phản ánh tính ổn định, xác định của tư duy. Điều này có nghĩa là, trong quá trình hình thành của mình, một tư tưởng (khái niệm, phán đoán, lý thuyết, giả thuyết, …) có thể thay đổi, nhưng khi đã hình thành xong thì không được thay đổi nữa. Nếu nó vẫn tiếp tục thay đổi thì logic hình thức sẽ coi nó là tư tưởng khác. Tính ổn định như vậy là điều kiện cần cho mọi quá trình tư duy. Mặc dù tư tưởng - cũng như mọi sự vật và hiện tượng khác -, luôn luôn vận động và biến đổi, nhưng nếu tuyệt đối hóa mặt biến đổi đó của tư tưởng thì không thể nào tư duy được. Một ý kiến được nói ra phải có nội dung không đổi ít nhất là trong cùng một quá trình tranh luận, trình bày ý kiến, chứng minh quan điểm, … nghĩa là một quá trình tư duy, thì người ta mới có thể căn cứ vào nó để xét đoán đúng sai, hợp lý hay bất hợp lý, …

Nội dung của quy luật đồng nhất có thể được diễn giải cụ thể hơn thông qua những yêu cầu sau:

1. Một từ chỉ được dùng trong suy luận với một nghĩa duy nhất. Không được phép dùng một từ hoặc một biểu thức ngôn ngữ nói chung lúc thì với nghĩa này, lúc thì với nghĩa khác trong cùng một quá trình suy luận. Cũng vậy, trong cùng một quá trình suy luận một khái niệm, một tư tưởng, … không được thay đổi nội dung của mình. Nếu một tư tưởng xuất hiện nhiều lần trong một quá trình tư duy thì tất cả những lần xuất hiện đó nó phải có cùng một nội dung, phải có giá trị chân lý như nhau. Điều này có nghĩa là ở các quá trình tư duy khác nhau ta có thể dùng từ với nhiều nghĩa khác nhau, tư tưởng có thể có những giá trị chân lý khác nhau, nhưng trong cùng một quá trình suy luận thì từ ngữ bao giờ cũng được dùng với một nghĩa duy nhất, tư tưởng phải có cùng một nội dung duy nhất, phải có cùng một giá trị chân lý duy nhất. Vi phạm yêu cầu này, tư duy sẽ không nhất quán, lẫn lộn và người khác sẽ không hiểu.

2. Những từ ngữ khác nhau nhưng có nội dung như nhau, những tư tưởng tương đương với nhau về mặt logic, nghĩa là bao giờ cũng có giá trị chân lý như nhau, phải được đồng nhất với nhau trong quá trình suy luận. Vi phạm yêu cầu này, ta không rút ra được thông tin cần thiết. Ví dụ: người ta cho biết rằng, tác giả Truyện Kiều là người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, và hỏi quê quán của nhà thơ Nguyễn Du. Nếu ta không đồng nhất nhà thơ Nguyễn Du với tác giả Truyện Kiều thì ta không trả lời được cho câu hỏi này. Ta cũng không thể suy luận được.

Đây là những yêu cầu dành cho quá trình tư duy, những yêu cầu này bắt buộc phải tuân theo để tư tưởng được sáng tỏ, dễ hiểu. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta gặp rất nhiều trường hợp chúng bị vi phạm một cách vô tình hay cố ý. Ví dụ, các trò chơi chữ là những vi phạm cố ý:

Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng ?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn.

Ở đây, cùng một chữ “lợi” nhưng được hiểu theo hai nghĩa khác nhau.

Yêu cầu của quy luật này rất đơn giản. Tuy nhiên, để tuân thủ yêu cầu này không phải là dễ. Đồng nhất những cái gì và không đồng nhất những cái gì là dựa vào sự hiểu biết, dựa vào trình độ văn hóa của chủ thể tư duy, và dựa vào bối cảnh tư duy. Bởi vì, xét cho cùng, quy luật này đòi hỏi phải đồng nhất những thứ không đồng nhất. Chính điều này giải thích tại sao khi nghe một câu chuyện vui thì nhiều người bật cười nhưng một số người khác thì không. Người ta cười vì đã đồng nhất được những cái mà người kể muốn đồng nhất, còn nếu không làm được điều đó thì người ta không cười. Như trong ví dụ sau đây:

Lớp đang học về truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, Cu Tèo ngủ gật. Thấy vậy, thầy giáo hỏi: “Tèo, ai đã lấy cắp nỏ của An Dương Vương ?”. Giật mình, Cu Tèo vội đáp: “Thưa thầy con không lấy, con không lấy, bạn nào lấy con không biết…”.

Thầy giáo chán nản, đem câu chuyện kểlại cho hiệu trưởng nghe. Hiệu trưởng nghe xong, trầm ngâm một lúc rồi bảo: “Thôi được, chuyện đâu còn có đó, trẻ con ấy mà. Thầy xem thử cái nỏ đó giá bao nhiêu để trường bỏ tiền ra mua một cái khác thay thế. Rõ khổ, đồ dùng dạy học thì đang thiếu tứ bề!”.

Câu chuyện được đem kể lại ở sở giáo dục và đào tạo. Những người có mặt bò lăn ra cười, chỉ một người không cười, đó là kế toán trưởng. Mọi người ngạc nhiên nhìn bà ta, bà ta nói: “Tôi mà là giám đốc sở thì tôi sẽ cách chức tay hiệu trưởng đó. Tiền đâu ra mà cái gì cũng mua, cái gì cũng chi như vậy?…”

(Theo báo “Người lao động”)

Quy luật đồng nhất là quy luật của tư duy hình thức, không nên nhầm lẫn rằng đây là quy luật của hiện thực khách quan bên ngoài tư duy. Quy luật đồng nhất, vì vậy, không dẫn đến việc phủ định nguyên lý biện chứng là sự vật và hiện tượng luôn luôn vận động và biến đổi, trong cùng một thời điểm một sự vật vừa chính là nó vừa không phải là nó. Tư duy hình thức phản ánh hiện thực khách quan một cách lý tưởng[1], phản ánh hiện thực khách quan trong sự đứng im tương đối của nó, bỏ qua sự vận động và biến đổi của nó, phản ánh các sự vật và hiện tượng trong sự tách rời ra khỏi các sự vật và hiện tượng khác. Một sự vật của hiện thực khách quan có thể được tư duy phản ánh từ nhiều góc độ khác nhau, tạo nên những đối tượng khác nhau trong tư duy. Nếu hai sự vật trong hiện thực khách quan A và B có chung một tính chất nào đó thì tư duy có thể phản ánh tính chất chung đó ở hai sự vật đã nêu và tạo thành hai đối tượng khác nhau trong tư duy. Hai đối tượng này của tư duy đồng nhất với nhau. Chính vì vậy mà mặc dù trong hiện thực khách quan không hề có hai sự vật hoàn toàn giống nhau, nhưng ta vẫn có thể đồng nhất chúng với nhau. Có thể làm như vậy là bởi ta chỉ đồng nhất chúng trong một mối quan hệ nhất định mà thôi. Ví dụ, Nguyễn Trãi và Nguyễn Du là hai người khác nhau, tuy nhiên, khi tư duy phản ánh các ông từ góc độ là nhà thơ thì tạo thành hai đối tượng đồng nhất với nhau trong tư duy.

Vì tư duy phản ánh hiện thực khách quan nên thông qua quy luật đồng nhất của tư duy ta có thể nói về ba loại đồng nhất khác nhau: đồng nhất tư tưởng với tư tưởng, đồng nhất tư tưởng với đối tượng trong hiện thực và đồng nhất đối tượng trong hiện thực với đối tượng trong hiện thực. Cần lưu ý rằng ở đây thông qua sự đồng nhất tư tưởng với tư tưởng ta mới có thể đồng nhất đối tượng trong hiện thực với đối tượng trong hiện thực. Điều này làm cho phạm vi ứng dụng của quy luật này được mở rộng hơn nhiều.

Ta xét vài ví dụ:

Ví dụ 1. Trước Tòa bà Minh nói “Tôi đồng ý bán nhà giúp con trả nợ” nhưng thư ký phiên tòa ghi “Tôi đồng ý bán nhà trả nợ giúp con”. Sai lầm này của thư ký phiên tòa đã làm cho việc thi hành án sau này gặp nhiều khó khăn.[2]

Ví dụ 2. Có diễn giả nói: “Hình như trên đời có luật bù trừ. Người ta bị mù một mắt thì mắt kia sẽ tinh hơn. Bị điếc một tai thì tai kia sẽ nghe rõ hơn, ....”. Nghe vậy, có thính giả kêu lên: “Rất đúng, tôi cũng thấy rằng nếu một người cụt chân thì y như rằng chân kia sẽ dài hơn”. Câu nói này của anh ta làm cho cả thính phòng cười ồ lên. Anh ta đã không nhận thấy rằng khi diễn giả nói “…mắt kia sẽ tinh hơn”, “…tai kia sẽ nghe rõ hơn” là tác giả so sánh với mắt và tai bình thường, còn anh ta thì so sánh “chân kia” với chân cụt.

Quy luật đồng nhất là quy luật vô cùng quan trọng của logic hình thức. Nếu như các quy luật khác có thể đúng trong một số hệ logic hình thức và không đúng trong một số hệ logic hình thức khác thì cho đến nay chưa ai xây dựng được hệ logic hình thức nào có giá trị mà trong đó quy luật đồng nhất không đúng.

II. QUY LUẬT KHÔNG MÂU THUẪN

Phát biểu: Hai phán đoán, nhận định mâu thuẫn nhau, trái ngược nhau không thể nào cùng đúng. Trong hai phán đoán, nhận định như vậy có ít nhất là một phán đoán, nhận định sai.

Quy luật này phản ánh tính chất không mâu thuẫn của quá trình tư duy. Mâu thuẫn phá vỡ quá trình tư duy nên trong tư duy nhất định phải tránh nó. Tư duy của chúng ta không được chứa mâu thuẫn vì tư duy phản ánh hiện thực khách quan, mà trong hiện thực khách quan thì ở mỗi thời điểm không thể có trường hợp một đối tượng vừa có, lại vừa không có một tính chất nhất định nào đó. Ví dụ, tại một thời điểm, một bông hồng cụ thể không thể nào vừa có màu đỏ, vừa không có màu đỏ. Cần lưu ý rằng, mâu thuẫn mà chúng ta nói đến ở đây là mâu thuẫn hình thức, chứ không phải là mâu thuẫn biện chứng. Mâu thuẫn hình thức không thể có được vì, như đã biết, logic hình thức nghiên cứu tư duy với tư cách là sự phản ánh các sự vật và hiện tượng của hiện thực khách quan trong sự đứng im của nó, nghĩa là phản ánh hiện thực khách quan theo kiểu lý tưởng hóa.

Nội dung của quy luật không mâu thuẫn được diễn giải cụ thể hơn qua các yêu cầu sau đây:

1. Quá trình tư duy không được chứa mâu thuẫn trực tiếp. Cụ thể là không được cùng một lúc vừa khẳng định vừa phủ định một điều gì đó. Ví dụ, không thể vừa khẳng định rằng Liên minh châu Âu sẽ có được bản hiến pháp của mình, lại vừa khẳng định rằng Liên minh châu Âu sẽ không thể thông qua được một bản hiến pháp như thế.

Trong thực tế đôi khi ta gặp những câu nói có vẻ như chứa mâu thuẫn trực tiếp nhưng vẫn thấy chấp nhận được. Ví dụ, câu “Giải vô địch bóng đá quốc gia V-leage vừa qua vừa đạt, vừa chưa đạt” nhìn bề ngoài như chứa mâu thuẫn trực tiếp, nhưng lại vẫn chấp nhận được. Vậy phải chăng ở đây ta đã bỏ qua yêu cầu của quy luật không mâu thuẫn? Thật ra thì trong trường hợp này yêu cầu của luật không mâu thuẫn vẫn được tôn trọng, vì từ “đạt” trong câu nói trên được hiểu theo nhiều cách khác nhau, và vì vậy ở đây không có mâu thuẫn. Nếu tiếp tục làm rõ ý kiến của mình thì người đưa ra câu nói đó sẽ giải thích đã đạt ở mặt nào và không đạt ở mặt nào (đó là các mặt khác nhau). Nghĩa là anh ta sẽ cho biết hiểu theo nghĩa nào thì chuyến tập huấn được coi là đạt và hiểu theo cách nào thì không đạt.

2. Quá trình tư duy không được chứa mâu thuẫn gián tiếp. Cụ thể là không được khẳng định (hay phủ định) một vấn đề nào đó rồi lại phủ định (hay khẳng định) các hệ quả của nó. Ví dụ, nếu khẳng định rằng lý thuyết tương đối hẹp của Einstein là đúng thì không thểphủnhận công thức E = mc2 thể hiện mối liên hệ giữa năng lượng và khối lượng của ông.

Nếu như mâu thuẫn trực tiếp dễ được nhận thấy, và vì vậy dễ tránh, thì mâu thuẫn gián tiếp khó nhận thấy hơn, và vì vậy khó tránh hơn nhiều.

Ví dụ 3. Lời nói của Đức Phật với quỷ Mala: “(…) Ta không cần danh vọng, Mala, mi hãy thuyết những điều đó với những kẻ hám danh vọng. (…) Thành đạt, danh tiếng, danh dựvà vinh quang chỉ là sự hư ảo, sự thắng lợi của kẻ này là thất bại của người kia. (…) Ta trải cơ mạn xa để chiến đấu với người đây. Ta thà chết vinh trong trận chiến, còn hơn sống nhục trong đầu hàng.”[3] Trong lời nói này ta thấy câu cuối cùng “ta thà chết vinh trong trận chiến, còn hơn sống nhục trong đầu hàng” mâu thuẫn với những câu ở phía trên.

Khi rèn luyện tư duy nhiều ta sẽ nâng cao được khả năng phát hiện mâu thuẫn trong các suy luận của chính mình và của người khác, phát hiện thấy những cái không ổn trong các suy luận đó. Khi phát hiện rằng suy luận “có điều gì đó không ổn”, nghĩa là phát hiện ra khả năng chứa mâu thuẫn gián tiếp của nó, ta có thể tiến hành đặt liên tiếp các câu hỏi để người đưa ra suy luận trả lời và bằng cách đó chỉ ra mâu thuẫn trực tiếp.

Ví dụ 4. Khi thấy lời khai của người bị tình nghi phạm tội có chứa điều gì đó không ổn, cán bộ điều tra sẽ đặt ra cho người đó hàng loạt câu hỏi cho đến khi người đó không trả lời được nữa, vì thấy mình đã gặp mâu thuẫn rõ ràng, trực tiếp.

Ví dụ 5. Trong câu chuyện tiếu lâm về con rắn vuông, khi nghe chồng kể về một con rắn khổng lồ, chị vợ đã liên tục tỏ ý nghi ngờ về chiều dài của nó. Điều này làm cho anh chồng liên tục rút ngắn chiều dài của con rắn, và cuối cùng là có được con rắn vuông. Như vậy, mâu thuẫn chưa lộ rõ hẳn giữa sự tồn tại của con rắn khổng lồ trong câu chuyện của người chồng với thực tế đến lúc này đã trở thành mâu thuẫn rõ ràng giữa sự tồn tại của con rắn vuông với thực tế.

Câu “nói dối hay cùng” chính là nói về những trường hợp như thế này.

Nắm vững nội dung và áp dụng thành thạo quy luật không mâu thuẫn giúp ta trình bày tư tưởng nhất quán và dễ dàng phát hiện các biểu hiện ngụy biện trong suy luận.

III. QUY LUẬT TRIỆT TAM

Phát biểu: Một phán đoán, nhận định hoặc đúng hoặc sai chứ không thể có một giá trị thứ ba nào khác.

Đây là quy luật đặc trưng của logic hai giá trị - logic thông thường mà ta vẫn sử dụng.

Với một phán đoán, nhận định nhất định, quy luật triệt tam không cho biết nó đúng hay sai, nhưng cho biết rằng nó chỉ có thể hoặc đúng, hoặc sai chứ không thể có giá trị nào khác. Ví dụ, ta chưa biết câu nói “Có người ngoài Trái đất đến thăm Trái đất” đúng hay sai, nhưng quy luật triệt tam khẳng định rằng hoặc nó đúng, hoặc nó sai!

Quy luật triệt tam không cho phép người ta tránh né vấn đề khi trả lời câu hỏi. Nó không cho phép trả lời lấp lửng, nước đôi, mà đòi hỏi câu trả lời dứt khoát.

Ví dụ, khi một thanh niên đi kiếm việc làm được hỏi có biết ngoại ngữ hay không thì anh ta chỉ có thể trả lời “có” hoặc “không”, tất cả các câu trả lời khác đều không có giá trị.

Trong thực tiễn, người ta ứng dụng quy luật triệt tam để chứng minh bằng phản chứng.

Đôi khi ta gặp những câu nói rất sâu sắc mà biểu hiện trực tiếp là quy luật triệt tam. Ví dụ, cuối bộ sách Tam quốc diễn nghĩa, sau khi kể chuyện nhà Tấn thống nhất Trung Quốc, tác giả La Quán Trung đã viết, đại ý: Lịch sử các nước cứ như vậy, hết hợp thì tan, hết tan rồi lại hợp. Hay, cuối bộ sách Hồng lâu mộng, sau khi kể vợ Bảo Ngọc sinh con trai và gia đình họ Giả bắt đầu hưng thịnh trở lại, tác giả Tào Tuyết Cần viết, đại ý: Ở đời cứ như vậy, hết thịnh rồi thì suy, hết suy rồi lại thịnh.

Một số tác giả cho rằng quy luật triệt tam là hệ quả của quy luật đồng nhất. Đây là một sự nhầm lẫn. Ta có thể bác bỏ điều đó hết sức dễ dàng. Thật vậy, nếu quy luật triệt tam là hệ quả của quy luật đồng nhất thì ở bất cứ chỗ nào mà quy luật đồng nhất đúng thì quy luật triệt tam cũng phải đúng. Nhưng rõ ràng là trong các hệ logic ba giá trị quy luật đồng nhất vẫn đúng, trong khi đó thì quy luật triệt tam không đúng. Trong những suy luận nhằm rút ra quy luật triệt tam từ quy luật đồng nhất mà thỉnh thoảng ta gặp trong các tài liệu logic đã chứa sẵn vòng tròn logic. Thật vậy, những suy luận kiểu này được thực hiện trong khuôn khổ của logic hai giá trị và sử dụng các tính chất của logic đó. Tuy nhiên sở dĩ logic hai giá trị là logic hai giá trị là vì nó tuân thủ quy luật triệt tam. Như vậy có nghĩa là những tính chất của logic hai giá trị được sử dụng để rút ra quy luật triệt tam từ quy luật đồng nhất phụ thuộc vào chính quy luật triệt tam! 

IV. QUY LUẬT LÝ DO ĐẦY ĐỦ

Phát biểu: Một tư tưởng chỉ có giá trị khi nó có đầy đủ các cơ sở.

Khác với ba quy luật trên, - những quy luật được Aristote tìm ra từ thời cổ đại -, quy luật này được Leibnitz phát hiện ở thế kỷ thứ XVIII.

Quy luật lý do đầy đủ đòi hỏi các tư tưởng phải được đưa ra trên những cơ sở nhất định. Tư duy của chúng ta cấu thành từ một chuỗi các tư tưởng như vậy. Những tư tưởng đi trước làm cơ sở cho những tư tưởng đi sau. Chỉ trong trường hợp đó thì tư duy mới được coi là chặt chẽ, có logic. Ngược lại, tư tưởng sẽ lủng củng. Người nghe sẽ thấy người nói nhảy từ vấn đề này qua vấn đề khác một cách tùy tiện. Trong thực tế, đòi hỏi làm một việc gì đó hoặc trình bày một vấn đề nào đó theo một trình tự nhất định chính là đòi hỏi thỏa mãn quy luật này.

Quy luật lý do đầy đủ dựa trên một quy luật rất cơ bản của tự nhiên là quy luật nhân - quả: Mọi sự vật và hiện tượng đều có nguyên nhân của nó. Trong cùng một điều kiện, cùng một nguyên nhân sẽ đưa đến cùng một kết quả. Nếu như tư tưởng phản ánh hiện tượng thì cơ sở của nó là cái phản ánh nguyên nhân của hiện tượng đó. Trong tự nhiên, nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả. Nhưng trong tư duy ta lại có thể biết hiện tượng trước rồi mới đi tìm nguyên nhân sau, nên thứ tự ở đây không giống trong tự nhiên.

Nguyên nhân mà chúng ta nói đến ở đây là nguyên nhân hiện thực, chứ không phải là nguyên nhân siêu nhiên, thần thánh, ma quỷ.

Ví dụ 6. Một người lái taxi nào đó luôn có thu nhập cao hơn so với nhiều người khác, mặc dầu anh ta làm việc trong cùng một điều kiện như họ. Khi đó, người ta hay nói rằng số anh ta may mắn. Nhưng nếu quan niệm như vậy thì ta sẽ không cải thiện được tình hình của mình. Ngược lại, nếu hiểu rằng hiện tượng này cũng phải có nguyên nhân của nó, và nguyên nhân đó là nguyên nhân vật chất, nghĩa là nguyên nhân có thể hiểu và ứng dụng được, thì ta sẽ tìm hiểu, phân tích những yếu tố đưa lại thành công cho người kia, rồi tìm cách để áp dụng, và nhờ đó có thể nâng cao thu nhập của mình.

Tuân thủ nghiêm các quy luật cơ bản trình bày trên đây sẽ giúp chúng ta suy nghĩ và trình bày tư tưởng của mình một cách rõ ràng, chính xác, ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu. Ứng dụng các quy luật này chúng ta cũng dễ dàng phát hiện các sai lầm trong suy luận của người khác và của chính mình để phản bác, để vạch trần sự ngụy biện, hoặc để tránh sai lầm.

PHẠM ĐÌNH NGHIỆM

Nguồn. Phạm Đình Nghiệm. Nhập môn Logic học. Nxb. Đại học quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr. 35-42. Bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được tác giả cho phép.
Bản điện tử: http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/phan-khoa-triet-hoc/logic-hoc/cac-quy-luat-co-ban-cua-tu-duy_234.html

[1] Chữ lý tưởng ở đây hiểu theo nghĩa là đẩy đến giới hạn, như các trừu tượng hóa toán học vậy.
[2] Lấy từ tư liệu của ThS. Lê Duy Ninh.
[3] Daisaku Ikeda Quan điểm của tôi về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mầu Ni, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1996, tr.91.

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất