Ði Tìm Một Ðịnh Nghĩa Về Tôn Giáo

Ðây thực ra là một vấn đề không hề đơn giản và dễ dàng như chúng ta thường nghĩ. Có dễ dàng chăng cho chính riêng tôi là một định nghĩa về Kitô giáo, hoặc đơn giản hơn, là một định nghĩa về đạo Công Giáo. Công việc này có lẽ với tôi không khó cho bằng một định nghĩa chung về tôn giáo. Lý do thật đơn giản là vì bản thân tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công Giáo. Sự khó khăn trong việc đi tìm một định nghĩa chung cho hai chữ Tôn Giáo này có lẽ cũng đúng cho trường hợp của một tín hữu Phật Giáo hoặc Cao Ðài, Hòa Hảo, bởi lẽ cái nhìn của họ về tôn giáo cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi đức tin họ đã được tiếp nhận học hỏi.


Sự kiện nhãn quan của mỗi người luôn luôn bị uốn nắn, ảnh hưởng bởi tất cả những gì họ lãnh nhận từ bên ngoài cho ta thấy rõ hai cấu tố tạo thành cuộc sống và cấu trúc suy nghĩ, hành động của con người. Là một con người, trước hết nửa phần của con người của tôi được cấu thành như một sản phẩm phát triển thuộc về sinh vật hay thiên nhiên. Nửa phần kia được tạo nên hay hun đúc bởi những yếu tố đến từ bên ngoài, đó là môi trường giáo dục, huấn luyện, hay những ảnh hưởng văn hóa. Vì thế để có thể tìm một định nghĩa chung cho hai chữ tôn giáo, tôi không thể không nhìn nhận rằng định nghĩa tôi có thể tìm ra được sẽ phản ảnh phần nào bởi chính động lực tự nhiên tiềm tàng sẵn có trong con người tôi hoặc bởi chính những tư tưởng, hoạt động, hay cái nhìn tôi đã thu nhận được trong quá trình học hỏi, hoặc có thể bởI cả hai yếu tố trên. Bởi vậy, nỗ lực tìm một định nghĩa tổng quát về tôn giáo trong bài viết này sẽ là một cuộc khảo sát về bản chất của tôn giáo như là một động lực thúc đẩy tự nhiên sẵn có trong thâm tâm mỗi con người, hay tôn giáo như một yếu tố con người tiếp thu từ bên ngoài do nhu cầu cá nhân hay tập thể thúc đẩy.

Như một yếu tố phát xuất từ bên trong tâm hồn con người mà chúng ta có thể gọi là sự kiện tiền nghiệm (1), chúng ta có thể tự hỏi sự hiện diện của tôn giáo có thể được coi là một sự kiện gắn liền với bản chất của con người và tự phát dưới hình thái của một niềm tin thiêng liêng, những nghi lễ, những quy tắc luân lý, và cả dưới hình thức hội họp chung của cộng đoàn không? Và tôn giáo có phải là một cảm tính, một trực nghiệm, một hình ảnh, hay một ý tưởng phát xuất từ trong tâm tính tự nhiên của con người hay không? Ðể câu trả lời có thể đi sát với thực tại của vấn đề theo nhận định chung của mọi người, chúng ta phải nhận định rằng tôn giáo bắt nguồn từ bản chất của con người như môt động lực vô định hình luôn thúc đẩy con người đi tìm một sự giải thích hay một ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình giữa vũ trụ vạn vật và trong tương quan với đồng loại. Cùng hiện diện với động lực này như mặt thứ hai của một đồng tiền là cảm nhận yếu đuối bất lực phải phụ thuộc hay nương tựa vào một thực tại siêu việt, một thực tại nằm ngoài tầm với của con người nhưng lại có một ảnh hưởng bao quát và sâu xa trên sự hiện hữu của con người.

Thế nhưng có phải tất cả chúng ta đều đồng ý với nhau rằng tất cả mỗi người trong chúng ta đều cảm nhận được sự hiện diện của động lực này và nội dung của cảm nhận của mỗi chúng ta đều giống như nhau. Ðể trả lời chúng ta phải khởi đi từ sự kiện con người là hữu thể có nhận thức và tự nhận thức được chính mình. Với ý thức hoặc hiểu biết, con người có thể nhìn ra được điều gì đang xảy ra chung quanh mình, cho mình, cũng như có thể tự nhìn ra mình là ai, là gì, và mình phải làm gì trong tương quan với vạn vật và đồng loại. Những tác động đó có thể được coi như thuần túy nhắm đến mục đích sinh tồn và phát triển: biết người, biết ta, biết vạn vật là coi như đã biết làm thế nào để đạt được phúc lợi cho mình. Chính trong quá trình tìm hiểu thế giới bên trong và thế giới bên ngoài như vậy mà tâm thức và tâm thức phản tỉnh của con người đã tự nghiệm ra và cố gắng tìm câu trả lời cũng như một sự giải thích cho sự hiện hữu của mình, nguồn gốc, định mệnh của mình, và cho sự việc phải đối đầu với nghịch cảnh của cuộc đời như đau khổ, bệnh tật, chết chóc, sự dữ, bất công. Và chỉ khi nào tìm ra được một ý nghĩa cho cuộc đời, con người mới thực sự can đảm dấn bước trong cuộc hành trình của cuộc đời với chân giá trị tự đặt định cho mình. Như vậy, con người có thể được gọi là ''sinh vật biết ban phát ý nghĩạ''(2)

Tuy nhiên, tới đây chúng ta có thể đặt thêm một câu hỏi là cảm nghiệm về một sự liên hệ với một thực tại siêu việt có nhất thiết phải là một thành phần nội tại gắn liền với động lực đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống hay không. Ở đây một thực tại siêu việt mang ý nghĩa của một sự vật, sự việc, một thực thể nào đó vượt trên thế giới giác quan thông thường của con người, hay một mầu nhiệm siêu nhiên, một đấng thánh thiêng nào đó.(3) Câu hỏi trên có thể được triển khai thêm với câu khẳng định rằng con người là loài có ý thức tôn giáọ Như vậy ta có thể nói rằng con người mang sẵn trong mình ''một khao khát nội tạí' hay ''một khả năng bẩm sinh'' hướng về cảm nghiệm tôn giáo hay không?(4)

Thực ra phương cách giải quyết vấn đề theo lối tiền nghiệm khởi đi từ bản chất và nguồn gốc của sự cảm nghiệm tôn giáo của con người thường đưa đến nhiều tranh cãi nếu cảm nhận đó được coi như vốn sẵn có từ trong thâm tâm và hiện diện như một cảm tính hay một động lực thúc đẩy con người đi tìm kiếm và thiết lập liên hệ với một đấng siêu việt hoặc một sự thánh thiêng nào đó. Dưới cái nhìn của Freud, nhu cầu đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời nơi con người có thể là một nhu cầu căn cơ có thật và tiềm tàng nơi bản chất của con người. Nhưng hình ảnh hoặc ý niệm của một đấng siêu nhiên hoặc của một vị thần thánh vẫn chỉ là một lựa chọn hay một ảo tưởng được tạo ra như sản phẩm của những suy nghĩ mang tính chất ước ao mơ mộng của con nít. Ðối với Marx, tôn giáo hiểu như là một sự cổ võ cho sự lệ thuộc hoặc sự hoàn toàn hướng về đời sau, tác động như một thứ thuốc phiện ru ngủ sự phấn đấu của con người. Bị đặt trong hoàn cảnh bất lực, con người thường tự tạo ra cho chính mình những ảo ảnh thiêng liêng về một đấng thần thiêng và rồi chạy đến cầu khẩn xin trợ giúp với tác phẩm tưởng tượng đó của mình. Ngoài ra, có thể sẽ có không ít người không hề cảm nhận thấy một nhu cầu nội tại nào cần phải có một liên hệ với một đấng thiêng liêng nào cả, tuy họ vẫn cảm nhận thấy có một động lực thúc đẩy trong con người của họ để đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống nếu họ không muốn thấy mình phải đương đầu với sự đe dọa bị bơ vơ lạc lõng trong cuộc đời. Ðối với những người này, tiền bạc, thú vui, danh vọng rất dễ dàng biến thành những ngọn nguồn trao ban ý nghĩa hoặc đặt định mục đích cho cuộc sống của họ.

Những khó khăn mà chúng ta gặp phải trong nỗ lực đi tìm một lời giải thích cho sự cảm nhận tôn giáo tiền nghiệm về một nhu cầu liên hệ với đấng thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải tìm đến một phương cách khác. Phương cách này không gì khác hơn là sự giải quyết vấn đề dựa vào những cảm nhận hay kinh nghiệm phụ thuộc có nghĩa là những cảm nhận hay kinh nghiệm đến từ những cảm nhận căn bản hay từ những nhu cầu căn cơ nhất của con người. Theo hướng giải quyết vấn đề như vậy, chúng ta có thể khởi đi từ những kinh nghiệm về những hiện tượng tôn giáo xảy ra trong cuộc sống thực tế của chính chúng tạ Ðể trả lời cho sự chối bỏ sự hiện diện của sự cảm nhận tôn giáo tại bản chất căn cơ của con người, môt sự chối bỏ được nghiên cứu và công bố như những định luật khoa học của chủ thuyết vô thần, chủ thuyết Marxism, chủ thuyết của Freud, chủ thuyết duy khoa học, hay chủ thuyết duy vật, chúng ta có thể quả quyết rằng sự tồn tại lâu dài và sự thích ứng mau lẹ và hợp lẽ của tôn giáo đối với những biến đổi của xã hội và văn hoá đã chứng tỏ một cách mạnh mẽ là cảm nhận tôn giáo phát xuất tự căn nguyên của thân phận con ngườị(5) Cũng vậy, nếu tôn giáo được coi là một trong những nỗ lực của con ngưới nhắm đến việc tìm cho được một ý nghĩa cho cuộc sống, thì chắc chắn tôn giáo phải là nỗ lực kiên cường, bền bỉ, và thỏa đáng nhất khi so sánh với triết học và khoa học.(6)

Với những suy luận rút ra từ những khó khăn nêu trên của hai giải pháp tiền nghiệm và suy luận từ kinh nghiệm, vấn đề nêu ra cho một định nghĩa tổng quát về tôn giáo, như chúng ta thấy, vẫn là một chuyện nan giải. Lý do thứ nhất của sự khó khăn này là sự vô định hình của ước muốn căn nguyên của con người trong việc đi tìm một ý nghĩa cho cuộc sống. Chính với tính vô định hình này mà ước muốn mong tìm ý nghĩa sống đã có thể được thể hiện, tức là được mặc cho một hình thái, một nội dung hoàn toàn tùy thuộc vào chủ thể của ước muốn đó. Nói cách khác, đây là vấn đề của một ước muốn, một cảm nhận được theo đuổi bằng nhiều cách khác biệt và do đó sẽ được cắt nghĩa đôi khi tương phản lẫn nhau. Như đã trình bày ở trên, tôn giáo cũng chỉ được coi là một trong những nỗ lực hoặc câu trả lời dù là câu trả lời thỏa đáng cho ước vọng nàỵ Và vì thế ước muốn đi tìm ý nghĩa cho cuộc sống vẫn không được coi là yếu tố duy nhất thuộc về tôn giáo, có nghĩa là không phải chỉ nơi tôn giáo người ta mới thấy có niềm ước vọng nàỵ Lý do khó khăn thứ hai hệ tại nơi sự bất đồng ý kiến về bản chất nội tại của hướng vọng của con người đối với một đấng siêu việt hay một thực tại thần thiêng. Tuy nhiên chúng ta vẫn không thể đi ra ngoài khuôn khổ của hai ước vọng căn bản đó của con người trong việc đi tìm một định nghĩa tổng quát cho vấn đề tôn giáo. Và nếu chúng ta muốn giảm thiểu tối đa những trở ngại khó khăn căn bản, phương cách giải quyết của chúng ta sẽ phải là những suy luận từ kinh nghiệm đến từ những sự thể hiện phụ thuộc của những cảm nhận căn nguyên. Từ tiền đề trên, chúng ta có thể đề ra hai đường lối hay hai cách thức để định nghĩa hai chữ tôn giáo.

Trọng tâm thứ nhất liên quan đến nhu cầu căn bản của con người hướng về ý nghĩa của cuộc sống và một lời giải thích cho những vấn nạn của đời người. Chúng ta có thể gọi cách thức này là cách thức định nghĩa dựa theo những chức năng của tôn giáọ Ðặt qua một bên yếu tố căn bản nhất của tôn giáo, yếu tố được coi như căn nguyên hình thành của tôn giáo, đó là sự liên quan đến đấng siêu việt hay một thực tại siêu nhiên, có lẽ chúng ta sẽ chú ý ngay đến những nhiệm vụ của tôn giáo trong việc đáp ứng với nhu cầu tìm lời giải thích cho sự hiện hữu của con người; nói cách khác, chúng ta đang đề cập đến cứu cánh của tôn giáo để từ đó có thể đi đến một định nghĩa xác hợp cho vấn đề tôn giáo.

Theo ý nghĩa trên, tôn giáo được coi như một phương tiện hay một môi trường mà nhờ đó con người có thể tìm ra được ''một hệ thống biểu trưng'' để xử dụng như một sơ đồ hoạch định cho việc tìm hiểu về thế giới vũ trụ.(7) Tôn giáo, như Paul Tillich đã định nghĩa, là ''sự quan tâm chủ yếu cuối cùng theo nghĩa rộng nhất và cơ bản nhất của từ ngữ.''(8) Như vậy, với một cái nhìn tinh tế và bao quát nhất về tôn giáo theo quan niệm tôn giáo là một câu trả lời cho công cuộc truy tầm ý nghĩa sống của con người, tôn giáo được coi là một hệ thống chuyên chở ý nghĩa nhằm đáp ứng mọi nhu cầu tri thức, tình cảm, và xã hội của con người. Như Roger Schmidt đã vạch ra, nhiệm vụ tri thức của tôn giáo là cung cấp cho con người một lời giải thích về ''căn nguyên và sự vận hành của vạn vật.''(9) Dưới cái nhìn mang tính cách vũ trụ học và thần học của tôn giáo, con người hy vọng có thể tìm ra được vị thế hay chỗ đứng của mình trong vũ trụ cùng với định mệnh của mình trong cuộc đờị Mang hình thái của những tín lý, giáo lý, hay niềm tin, tôn giáo là câu trả lời cho trí óc tìm tòi học hỏi, khao khát hiểu biết của con người về chính mình, về người khác, và về vũ trụ. Thêm vào những niềm tin hay những tri thức này, những sinh hoạt nghi lễ, phụng vụ và những cuộc tạo dựng hay nhóm họp cộng đồng mang lại sự trợ giúp cho con người trong việc bày tỏ, phát biểu, diễn tả những cảm xúc của mình trong việc đối đầu với những vấn nạn của của cuộc đời như đau khổ, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, hay vui mừng.(10) Cũng vậy, khung cảnh sinh hoạt mang tính cách xã hội của tôn giáo đã góp phần không ít vào sự ổn định và điều hòa xã hội nhờ việc đem đến cho cá nhân con người một ý nghĩa sâu xa của sư tương giao với người khác, một căn tính mà cá nhân con người cảm thấy có nhiều giá trị, và một nền luân lý giúp con người sống trổi vượt hơn vạn vật vũ trụ. Thật vậy, trong khung cảnh sinh hoạt hợp quần này, cộng đồng tôn giáo hoạt động như một nguồn trợ lực và khuyến khích thúc đẩy đối với mỗi cá nhân bằng những hoạt động như chia sẻ cùng một niềm tin hay thi hành cùng một nghi lễ tôn giáo.(11)

Tuy nhiên, sự khó khăn tồn đọng trong định nghĩa dựa vào chức năng tôn giáo, như đã nói ở những phần trên, phát sinh từ tính vô định hình hay tính bao quát của tôn giáo. Nói cách khác, định nghĩa theo phương pháp dựa trên chức năng của tôn giáo đã vô hình trung bao gồm quá nhiều hiện tượng và tình huống sinh hoạt xã hội của con người đến mức trở thành quá rộng rãi và mơ hồ. Mức độ bao quát này cho phép chúng ta có thể nói rằng dựa trên chức năng nhằm tìm ra ý nghĩa cuộc sống, bất kỳ nỗ lực hay công trình nào của con người cũng đều có thể dễ dàng được xếp chung vào cùng một phạm trù với tôn giáo. Triết học chắc chắn cũng sẽ được coi như là một cố gắng của con người nhắm tới mục đích cắt nghĩa ''căn nguyên và sự vận hành của vạn vật.'' Khoa học sẽ là một quyết tâm khác với cùng một trọng tâm là mang lại ý nghĩa cho tất cả mọi biến cố xảy ra chung quanh chúng ta và ngay trong chính con người chúng ta. Như một ví dụ, chủ nghĩa Marxism, một chủ thuyết vô thần, đã có thể lôi cuốn được rất nhiều người bởi việc đã đem lại cho họ một viễn ảnh của nguồn gốc và định mệnh con người cũng như đã tạo cho họ một cơ hội, một môi trường giúp họ nói lên được những uất ức đối kháng với thực tại chung quanh, một cách thức để hành xử, và hơn nữa đã tạo dựng cho họ một sự kết đoàn cần thiết cho nhu cầu quan trọng của cá nhân con ngườI, đó là nhu cầu cần có một căn tính mang nhiều ý nghĩa và một niềm tin vào chân lý tự tìm ra và theo đuổi. Suy luận tới đây, chúng ta có thể nhận ra được sự liên hệ mật thiết giữa yếu tố kế tiếp, là yếu tố của sự liên quan của con người với đấng siêu việt, và yếu tố của động lực đi tìm ý nghĩa sống. Yếu tố thứ hai kể trên là điều kiện ắt có, và yếu tố thứ nhất là điều kiện đủ cho một định nghĩa tổng quát về tôn giáo.

Thực vậy, chúng ta phải tự hỏi rằng làm cách nào chúng ta có thể phân biệt được sự khác biệt giữa nỗ lực mang tính cách tôn giáo và nỗ lực mang những tính cách không tôn giáo trong vấn nạn của sự hiện hữu của con người. Bởi lẽ chủ thuyết Marxism, là một ý thức hệ trần tục hay một vũ trụ quan vô thần, vẫn có thể dễ dàng hoạt động với tư cách một tôn giáo. Do đó chúng ta sẽ thấy yếu tố của sự liên quan đến đấng siêu việt đóng một vai trò thiết yếu cho việc phân biệt nói trên. Ðặt qua một bên điểm bất đồng còn tồn tại về thực chất của cảm nhận căn nguyên của con người hướng về đấng siêu việt, chúng ta có thể đi đến một định nghĩa rõ nét và chủ yếu hơn về tôn giáo, một định nghĩa làm nổi bật nét đặc thù của tôn giáo. Nét đặc thù đó không gì khác hơn là chiều kích vươn cao của con người theo hướng thẳng đứng trong liên quan giữa con người và đấng siêu việt như vẫn được đề cập tới ở các phần trên. Chiều kích này được diễn tả đầy đủ trong định nghĩa của Luther về tôn giáo: tôn giáo là''một mầu nhiệm vĩ đại và cuốn hút'' đối với con người (mysterium tremendum et fascinans).(12) Hoặc như Edward B. Tylor đã nhấn mạnh, trung tâm điểm của tôn giáo nằm ở ''niềm tin vào những Hữu Thể Thiêng Liêng.'' (13)

Thế nhưng vấn đề được đặt ra đối với cách định nghĩa trên là quan điểm nhị nguyên tiềm tàng trong việc đặt định thực tại ra làm hai, nhân bản và thần thiêng.(14) Quan điểm này còn dẫn tới sự bế tắc của việc áp dụng chung định nghĩa trên cho cả hai truyền thống hữu thần và phi thần (theistic and non-theistic).(15) Khó khăn thứ nhất mà chúng ta có thể kiểm nhận được là khó khăn có liên quan đến việc lãnh hội của một người không cùng một niềm tin hoặc không theo một niềm tin tôn giáo nàọ Ðối với người trong cuộc, tức ngưới mang niềm tin tôn giáo, thì sự phân đôi cuộc sống con người hoặc việc đặt để con người vào lãnh vực trần thế và đấng thiêng liêng vào lãnh vực siêu nhiên có thể hiểu được và được chấp nhận dễ dàng nhờ niềm tin vào sức mạnh biến đổi của đấng siêu việt hoặc nhờ chức năng hòa nhập hai thế giới đó của tôn giáọ Nhưng đối với người ngoài cuộc hoặc không theo niềm tin tôn giáo, thì vấn đề trở nên khó khăn hơn, bởi họ không có cái nhìn thấm nhiễm niềm tin tôn giáo cũng không cảm nhận được nhịp cầu thông giao cá nhân giữa con người và đấng siêu nhiên. Thực thế, cảm nhận tôn giáo tác động như một lăng kính qua đó một cá nhân sẽ luôn nhìn cuộc đời dưới nhãn quan của sự tương quan với đấng thánh thiêng. Do đó, mọi sự, mọi việc sẽ không thể xuất hiện tương tự dưới cùng một hình thức và mang cùng một ý nghĩa với người có một niềm tin tôn giáo và người không theo niềm tin đó. Vấn đề nhị nguyên nếu có khúc mắc hay chăng là đối với người không mang niềm tin tôn giáo, tuy vậy sự khúc mắc này lại đưa chúng ta đến khó khăn là sẽ không thể đưa ra được một định nghĩa chung mà tất cả mọi người có thể dễ dàng chấp nhận và dễ dàng lãnh hội.

Thứ đến đối với sự thiếu sót của định nghĩa dựa trên yếu tố của sự liên quan đến đấng siêu việt trong việc loại bỏ truyền thống phi thần như không đủ tiêu chuẩn của một tôn giáo, tỷ dụ như Khổng Giáo hay Phật Giáo, chúng ta cần phải xác định lại ý nghĩa bao quát của từ ngữ đấng siêu việt hay thực tại thần linh mà chúng ta đã xử dụng. Chúng ta thường xử dụng từ ngữ này để chỉ không những một hay nhiều vị thần thánh có bản vị mà còn để chỉ một thực tại hay một cảnh vực tuy khác nhưng vẫn có liên hệ đến thực tại chúng ta đang sống. Ý nghĩa bao quát hơn này giúp chúng ta có thể phân định Khổng Giáo và Phật Giáo vào cùng một định nghĩa của tôn giáo hiểu như là một con đường, một phương cách để nối liền tương quan giữa thực tại giác quan của con người và thực tại vượt trên giác quan, mặc dù hai truyền thống tôn giáo này đều không hề đề cập đến sự lệ thuộc hoàn toàn của con người vào một hoặc nhiều thực thể thần linh.

Như một vấn nạn tạo ra bởi yếu tố đặc thù là sự liên quan hay không liên quan đến thần linh, cách thức định nghĩa trên đã cho thấy những tính cách hạn hẹp, thiếu sót, siêu thực, và bị giới hạn trong tính cục bộ của lịch sử và văn hóa của một định nghĩa chủ yếu dựa trên yếu tố của sự tương giao của con người với thần linh. Vì thế, chúng ta cần phải xử dụng và phối hợp cả hai cách thức định nghĩa dựa trên chức năng và dựa trên yếu tố của việc liên quan đến thần linh trong nỗ lực đạt đến một quan điểm chung về tôn giáo, một quan điểm có thể áp dụng rộng rãi có giá trị chung cho tất cả mọi sinh hoạt có hình thức tôn giáo và do đó sẽ giúp chúng ta thực hiện dễ dàng công việc liệt kê một cách đầy đủ hơn những thành phần cấu tạo của tôn giáo.

Thực vậy, những suy luận nêu trên về một định nghĩa hai mặt về vấn đề tôn giáo đã giúp chúng ta nhận định được ba chiều kích của sự hiện hữu của con người dưới ánh sáng của sự cảm nhận của con người đối với thực thể siêu việt: chiều thẳng, chiều ngang hướng ngoại, và chiều ngang hướng nội. Chiều kích thứ nhất mà chúng ta đề cập đến là tương quan giữa con người và đấng siêu việt. Ðể có thể đi vào chiều kích này, con người cần đến sự hoán cải, hoặc mạc khải, hoặc đức tin bằng những phương cách ngoại tại mang hình thái của tín điều, niềm tin, giáo thuyết, hay thần thoại. Nghi lễ phụng tự hay những hoạt động mang tính cách biểu trưng khác cũng góp phần vào việc thiết lập tương quan chiều thẳng này. Những tiêu chuẩn luân lý thì nhắm đến mục tiêu thanh tẩy hoặc công chính hóa cuộc sống của mỗi cá nhân.

Chiều kích thứ hai của tôn giáo là tương quan phản tỉnh hàng ngang của cá nhân đối với chính con người của mình. Cũng thế, dưới ảnh hưởng của tương quan thiết lập giữa con người và thần linh, cá nhân con người có thể đưa ra xử dụng tất cả những gì lãnh hội được từ những cảm nghiệm hay những dữ kiện liên quan tới thần thoại, đức tin, tín lý, đạo đức, hay phụng tự để tạo sự sinh động hay sự tái sinh cho chính cuộc đời của mình, hay để gợi lên cũng như làm hài hòa tất cả những cảm tính hay những xúc cảm mà cá nhân con người cần đến hay gặp phải trong cuộc sống. Chiều kích thứ ba hệ tại nơi cộng đoàn hay tập thể, là môi trường mà trong đó mỗi cá nhân con người có thể thực hiện mối liên kết với người khác trong tập thể trên nền tảng của các tiêu chuẩn luân lý đã được đề ra trong tôn giáo của tập thể đó. Nhờ vào sự thiết lập mối giây liên kết có tính cách tập thể và rập theo một tiêu luân lý này mà mỗi cá nhân sẽ có thể xác lập được căn tính và vị trí của mình, và sự xác lập này sẽ giúp cho mỗi cá nhân cảm thấy dễ dàng hơn khi tiến bước trong hành trình của cuộc đời cùng với tập thể trong sự tương trợ và tương kính.

Dựa vào những lý luận và quan sát trên, tôi xin mượn định nghĩa về tôn giáo được đề cập đến trong cuốn sách nhan đề Sự Truy Tầm Thánh Thiêng -- Một Lời Mời Gọi Học Hỏi Về Tôn Giáo (The Sacred Quest -- An Invitation to The Study of Religion) để tóm gọn tầm nhìn của tôi về tôn giáo với bốn yếu tố cấu thành: ''Tôn giáo biểu thị những cách nhìn về thế giới, và những cách nhìn này (thứ nhất) có đề cập đến một khái niệm về thực tại thần thiêng (thứ nhì) được thể hiện nơi cảm nhận của con người (thứ ba) theo một cách thức đưa đến việc tạo nên những đường lối có tác dụng mạnh mẽ và lâu bền trong cung cách suy nghĩ, cảm xúc, và hành xử (thứ bốn) đối với những vấn đề của việc nhận biết và trật tự hóa sự hiện hữú'(16). Ngoài ra, tôi xin thêm vào đó chiều kích thứ ba đã được nói đến trong phần trên để có thể giúp cho câu định nghĩa của chúng ta được phổ quát hơn: (thứ năm) đó là những cung cách suy nghĩ, cảm xúc, và hành xử được thực hiện với tư cách cá nhân trong tương quan và trong môi trường của cộng đồng.

Sau khi đã duyệt xét tất cả những phương cách giải quyết tiền nhiệm cũng như dựa vào kinh nghiệm nêu trên, cũng như sau khi đã suy xét về một định nghĩa hai mặt về tôn giáo và kể cả việc cố gắng đưa ra một danh sách liệt kê những cấu tố chính của tôn giáo, ở đây tôi đã có thể nói được hay không rằng việc tìm hiểu của tôi về một định nghĩa tổng quát về tôn giáo dựa trên nghiên cứu cũng như cảm nhận tôn giáo cá nhân của riêng tôi đã đưa ra được kết quả là một cái nhìn khách quan và phổ quát về tôn giáo như một người ngoài cuộc không theo một niềm tin tôn giáo nào hoặc nếu có thì niềm tin của họ hoàn toàn không tương ứng với niềm tin của tôỉ Hoặc giả ý niệm của tôi về tôn giáo đã có thể nói được rằng đã phát xuất từ cảm nhận cá nhân riêng tư và chủ quan của tôi cũng như đã từ sự hành đạo của tôi trong đức tin Công Giáo. Ðặt câu hỏi một cách khác, phải chăng tôi đã chỉ đưa ra được một hình ảnh về tôn giáo theo đúng nhãn quan của một người trong cuộc tức là một ngưới có mang một niềm tin tôn giáo.

Câu trả lời sẽ là câu khẳng định cho câu hỏi thứ hai và thứ ba. Quả thực, định nghĩa sau cùng mà tôi đã suy luận, biên soạn, và đề nghị đã phản ảnh quá trình sống đạo và những quan niệm tiên kiến của tôi về tôn giáo. Vấn đề có liên quan đến yếu tố của đấng siêu việt là một ví dụ điển hình về sự thiên kiến sẵn có từ trong nỗ lực của tôi trong việc đi tìm một định nghĩa khách quan cho sự kiện tôn giáo. Thực vậy, tôi tự cảm thấy không thể giải quyết tận căn vấn nạn về chứng cớ của định hướng tự hữu trong bản tính con người về sự tương quan với đấng thần thánh. Vấn nạn này có lẽ cần phải đòi hỏi nhiều thời gian hơn cho những cuộc tranh luận và nghiên cứu triết học và thần học. Thế nên, sự việc tôi đã bỏ qua không giải quyết đến tận cùng vấn nạn này để đạt tới một định nghĩa cụ thể về tôn giáo phần nào đã chứng tỏ sự kiện tôi luôn sẵn sàng và dễ dàng chấp nhận không cần suy xét cặn kẽ những điều kiện của sự hiện hữu của đấng siêu việt và tương quan giữa thực tại thần thiêng này với con người.

Thực ra, như một người trong cuộc nhắm giải quyết vấn đề tôn giáo bằng chính kinh nghiệm tiếp cận trực tiếp và như vậy là chủ quan của mình, tôi có thể đưa ra nhận xét là công việc của mình làm tựa như công việc của một nhà thần học hoặc của một tín hữu đã quen nhìn mọi việc, mọi vật theo cái nhìm thấm nhiễm niềm tin tôn giáo của mình. Tuy nhiên sự cố gắng để đạt tới một cái nhìn khách quan và liên đới về văn hóa và truyền thống tôn giáo cũng vẫn nên được chấp nhận, dù rằng những sự quan sát hạn hẹp và những suy luận đơn giản tỏ ra không đủ sâu xa và rộng rãi để có thể được gọi là những sự quan sát và suy luận của người trong cuộc. Thế nên, sự nhận chân ra vấn đề nan giải của việc đi tìm một định nghĩa chung cho vấn đề tôn giáo dù sao đi nữa cũng đã đạt được bước đầu cần thiết cho những nỗ lực quan trọng kế tiếp trong việc tìm hiểu bản chất của tôn giáo.

Stephanô Nguyễn Mạnh Khả
Nguồn: http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/TRIETHOC/tongiao.html

CHÚ THÍCH

(1) A priori, xin được tạm dịch là tiền kinh nghiệm áp dụng cho những cảm nhận hoặc nguyên lý suy luận tiềm tàng sẵn trong cách suy nghĩ, cảm xúc của con người mà không cần đến những kinh nghiệm của giác quan để chứng minh sự hiện diện của nó.
(2) Roger Schmidt, Exploring Religion. Belmont, CA: Wadsworth Pub. Co, 1988, 7.
(4) Schmidt, 6.
(5) Ibid., 4.
(6) Ibid., 13-4.
(7) Keith Ạ Roberts, Religion In Sociological Perspectivẹ Belmont, CA: Wadsworth Pub. Cọ, 1990, 6-7.
(8) Larence S. Cunningham et al, The Sacred Quest -- An Invitation to The Study of Religion. NY: MacMillan Pub. Cọ, 1991, 25.
(9) Schmidt, 13.
(10) Ibid., 12.
(11) Ibid., 12.
(12) Cunningham, 15.
(13) Roberts, 3.
(14) Ibid., 4.
(15) Schmidt, 10.
(16) Cunningham, 26.

SÁCH TRÍCH DẪN

Cunningham, Lawrence S. et al. The Sacred Quest -- An Invitation to The Study of Religion. NY: MacMillan Pub. Co, 1991.
Comstock, Gary L. Religious Autobiographies. Belmont, CA: Wadsworth Pub. Co, 1995.
Roberts, Keith Ạ Religion in Sociological Perspectivẹ Belmont, CA: Wadsworth Pub. Cọ, 1990.
Schmidt, Roger. Exploring Religion. Belmont, CA: Wadsworth Pub. Co 1998.
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất