Karl Marx (1818 – 1883) là vị triết gia vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản. Tác phẩm mang tính đại chúng nhất của ông là Bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (The Manifesto of the Communist Party) trong đó có phần góp của Friedrich Engels.
Tác phẩm bất hủ mang tính kinh viện của ông là bộ Tư bản (Das Kapital). Hầu hết những nguyên lý chủ yếu của cộng sản được đề cập bên dưới đây đều thuộc về tư tưởng của Marx (Engels nhìn nhận vai trò chủ đạo của Marx đối với “những đứa con tinh thần ” chung của hai người)
Chủ nghĩa cộng sản
- Định nghĩa: Trái ngược với những giả định mang thành kiến sai lầm cho chủ nghĩa cộng sản, về bản chất, đây là học thuyết cổ vũ cho việc công hữu hoá các phương tiện sản xuất. Không cá nhân nào (hay nhóm người nào) được độc quyền chiếm hữu tài sản, ngoại trừ những vật dụng thuộc về nhu cầu cá nhân, bởi lẽ tài sản vốn thuộc về cộng đồng (toàn thể nhân dân). Một khi tài sản bị tư hữu, tình trạng người bóc lột người tất xảy ra.
Học thuyết giá trị lao động
Giá trị hàng hoá mang tính đặc trưng cho giờ công lao động mà con người đã bỏ ra trong quá trình tạo ra sản phẩm. Số lượng giờ công nhân càng lớn, giá thành của sản phẩm càng cao. “Chúng ta thấy rằng yếu tố quyết định quy mô giá trị của bất kỳ món hàng nào chính là lượng công sức cần thiết mà xã hội đã bỏ ra…. Vì thế, giá trị của một món hàng hoá sẽ không đổi nếu thời gian lao động dành cho quá trình sản xuất nó ra cũng giữ nguyên không đổi”. Tuy nhiên, một món hàng vô dụng, bất kể thời gian lao động mà người ta dành ra để tạo ra nó, sẽ không đáng một giá nào cả; bởi lẽ nếu không có giá trị sử dụng, một món hàng sẽ trở thành vô giá trị.
Xã hội không giai cấp
Theo Engels, học thuyết có giá trị bậc nhất của Marx là đấu tranh giai cấp (Inherent Class War), vạch ra sự xung đột tất yếu giữa hai tầng lớp xã hội có mâu thuẫn không thể dung hoà: giới chủ tư bản (giới tư sản – the Bourgeoisie) và giới lao động (giới vô sản – the Proletariat). Do lợi ích của hai giai cấp này đối kháng hoàn toàn và mâu thuẫn trực tiếp với nhau, giải pháp duy nhất là loại trừ đi giai cấp tư sản – Tầng lớp không cống hiến sức lao động cho xã hội, và vì thế họ là những kẻ ăn bám xã hội. Trong xã hội cộng sản chủ nghĩa, mọi người phải lao động và cống hiến sức lao động của mình. “Mỗi người làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu” (From each according to his abilities, to each accoding to his needs.)
Mặt khác, giới tư sản chịu trách nhiệm đối với một số tệ nạn trong xã hội như: Họ đã bóc lột nhân công bằng cách trả lương ít hơn những gì mà công nhân có quyền được hưởng. Họ đã đối xử với công nhân như một loại hàng hoá trên thị trường, thu nhập của công nhân phụ thuộc vào sự trồi sụt thất thường của thị trường, không được xét theo công sức lao động đã bỏ ra. Hơn nữa, họ còn góp phần thương mại hoá hầu hết mọi nghề nghiệp, thậm chí cả một số giá trị đạo đức (chẳng hạn như nạn gả bán trong hôn nhân).
Bằng cách loại trừ tầng lớp tư bản, xã hội sẽ an bình với sự tồn tại của một giai cấp duy nhất. Đó là một xã hội không còn giai cấp, được cấu thành bởi những người cống hiến sức lao động chân tay và hoạt động sáng tạo trí óc của họ.
Chuyên chính vô sản
Trong một xã hội như thế, giới vô sản (công nhân), giai cấp duy nhất còn lại, sẽ đảm nhận mọi trách nhiệm trong xã hội, không chỉ giới hạn trong lãnh vực lao động và quản lý lao động, mà cả trong lãnh vực tổ chức và quản lý chính quyền. Xét đến phần đóng góp của giai cấp vô sản cho quốc gia, chỉ có họ mới được quyền thống trị. Vì thế, chính thể của họ phải là chế độ chuyên chính vô sản (Dictatoship of the Proletariat). Họ, những người vô sản, sẽ tự làm chủ vận mệnh đời mình. Và khi thời điểm chín muồi, khi quốc gia không còn cần thiết trong một thế giới chỉ bao gồm những người vô sản, con người sẽ có được một xã hội đại đồng, không còn ranh giới giữa các quốc gia. (Quan điểm về một thế giới đại đồng đã từng là đề tài tranh luận của nhiều nhà tư tưởng Marxist quốc tế)
Thuyết bạo lực cách mạng
Trong quá trình đấu tranh giai cấp, tầng lớp thống trị không dễ dàng tự nguyện rời bỏ sự giàu có, vốn tư bản và quyền lực của họ. Vì thế giai cấp vô sản sẽ phải dùng đến vũ lực, thậm chí là bạo lực cách mạng khi cần thiết. Bởi lẽ tài sản và quyền lực ấy thuộc về quyền lợi chính đáng của giai cấp lao động, giới vô sản có đủ lý lẽ để giành lại bằng vũ lực “Những người cộng sản… công khai tuyên bố rằng các mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng vũ lực lật đổ mọi ách thống trị hiện hành. Hãy để các tầng lớp thống trị run rẩy trước một cuộc cách mạng của những người cộng sản…Hỡi những người lao động trên toàn thế giới, hãy đoàn kết lại!” Bản tuyên ngôn của Đảng Cộng sản kết thúc với những lời lẽ hùng hồn như thế.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng
Mọi hàng hoá đều là vật chất, và hàng hoá vật chất là nguồn gốc của quyền lực. Kiểm soát được vốn sản suất là kiểm soát được tất cả. Vì thế, nhất thiết nhà nước phải tập trung kiểm soát mọi phương tiện sản xuất. “Lịch sử tư tưởng của nhân loại chứng minh điều gì khác hơn là khả năng tạo ra các thành quả trí tuệ thay đổi theo tỷ lệ so với sự thay đổi về khả năng sản xuất ra các thành quả vật chất? Ý tưởng thống trị của mỗi thời đại mãi là ý tưởng của giai cấp thống trị.”
Kinh tế quyết định luận
Kinh tế quyết định luận ( Economic Determinism) là học thuyết cho rằng dòng lịch sử nhân loại được quyết định bởi các thời kỳ phát triển kinh tế, cuối cùng hướng mọi quốc gia tiến đến chủ nghĩa xã hội của những người cộng sản (Communitic Socialism). Đó là hệ quả tất yếu. Cho dù các quốc gia có định hướng đi đến mục đích ấy hay không, chủ nghĩa cộng sản vẫn sẽ phát triển từ tất cả mọi hệ thống xã hội hiện hành, bởi lẽ mỗi xã hội đều mang trong mình “những mầm mống băng hoại của chính nó”. Theo những người cộng sản, một cuộc cách mạng chưa dẫn đến thành công bởi vì “thời cơ của nó chưa chín muồi”.
Các biện pháp cải cách xã hội
Bản tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nêu ra 10 biện pháp cải cách xã hội, được tóm tắt dưới đây như sau:
1. Xoá bỏ mọi hình thức tư hữu đất đai. Sử dụng đất đai cho mục đích công cộng.
2. Áp dụng mức thuế thu nhập có tính luỹ tiến.
3. Xoá bỏ mọi quyền thừa kế.
4. Tịch thu tài sản của tất cả bọn phản cách mạng và những kẻ đào tẩu khỏi đất nước.
5. Tập trung quản lý tiền tệ bằng bộ máy Ngân hàng nhà nước, hoạt động với vốn nhà nước và cơ chế độc quyền.
6. Tập trung quyền quản lý các phương tiện thông tin và giao thông trong tay nhà nước.
7. Phát huy quyền làm chủ của nhà nước đối với cá xí nghiệp và cơ xưởng sản xuất; tập trung quản lý việc khai thác đất hoang, cải tạo đất trồng theo quy hoạch chung.
8. Xác lập quyền bình đẳng của mọi người đối với nghĩa vụ lao động. Đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt dành cho sản xuất nông nghiệp.
9. Kết hợp phát triển nông nghiệp với các nghành công nghiệp chế biến; dần dần tiến đến xoá bỏ sự cách biệt giữa thành thị và thôn quê bằng các biện pháp điều phối dân cư.
10. Thực hiện giáo dục miễn phí cho mọi trẻ em tại các trường học công lập. Xoá bỏ các hình thức lao động trẻ em hiện hành. Kết hợp giáo dục với trình độ sản xuất công nghiệp.
S.T
Nguồn: http://www.reds.vn/index.php/tri-thuc/triet-hoc/3949-chu-nghia-cong-san-cua-karl-marx
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!