Câu chuyện giáo dục (13)

JEAN-JACQUES ROUSSEAU: Đa tài, đa nạn, đa đoan



Immanuel Kant, đại triết gia Đức, cứ đúng bốn giờ chiều là ra khỏi nhà, đi dạo một mình và trên cùng một con đường. Dân thành phố đợi ông ra khỏi nhà để... lên dây cót đồng hồ! Nhưng, suốt mấy mươi năm trời, chỉ có hai lần, ông bỏ dở "thời khóa biểu" ấy. Lần thứ nhất, mê mải đọc quyển Emille hay là về giáo dục của Rousseau vừa mới xuất bản (1762), và, lần thứ hai, khi nghe tin Đại Cách mạng Pháp bùng nổ (1789). Năm 1762 ấy cũng đồng thời là năm xuất bản quyển Về Khế ước xã hội của Rousseau.

Immanuel Kant, đại triết gia Đức, cứ đúng bốn giờ chiều là ra khỏi nhà, đi dạo một mình và trên cùng một con đường. Dân thành phố đợi ông ra khỏi nhà để... lên dây cót đồng hồ! Nhưng, suốt mấy mươi năm trời, chỉ có hai lần, ông bỏ dở “thời khóa biểu” ấy. Lần thứ nhất, mê mải đọc quyển Emille hay là về giáo dục của Rousseau vừa mới xuất bản (1762), và, lần thứ hai, khi nghe tin Đại Cách mạng Pháp bùng nổ (1789). Năm 1762 ấy cũng đồng thời là năm xuất bản quyển Về Khế ước xã hội của Rousseau. Cả hai quyển đều bị cấm lưu hành và bị hạ lệnh thiêu hủy ngay từ lần xuất bản thứ nhất! Quyển trước đã ảnh hưởng sâu đậm lên tư duy giáo dục hơn bất kỳ tác phẩm nào khác. Quyển sau đã góp phần trực tiếp vào việc lật đổ chế độ chuyên chế, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa hiện đại như chúng ta đều biết. Hai buổi đi dạo bị bỏ lỡ của ông triết gia bên kia bờ sông Rhin (cách nhau 17 năm!) đã nói lên rất nhiều!

Rousseau trọn đời lận đận, nghèo túng và bị truy đuổi, nhưng “hậu vận” khá tốt! Như một lời ghi nhận và biết ơn, năm 1794, vào lúc cao điểm của Cách mạng Pháp, di hài ông được long trọng chuyển vào an nghỉ trong điện Panthéon (Paris) ở vị trí danh dự bên cạnh Voltaire, tác giả luận văn Về sự khoan dung, nhà chiến sĩ dân chủ tiền phong, dù khi sinh thời, hai ông không phải lúc nào cũng hòa thuận với nhau.

Học thuyết chính trị và triết thuyết giáo dục của Rousseau (thường gọi là “thuyết duy nhiên”) không phải là hai bộ phận độc lập mà là một khối thống nhất: triết thuyết giáo dục duy nhiên nhằm đào tạo con người thực hiện lý tưởng chính trị dân chủ. Tuy nhiên, nơi Rousseau, “tính tự nhiên” trong giáo dục và nền “dân chủ” chính trị lại là hai vấn đề không ngừng gây tranh cãi cho đến tận ngày nay! Điều này xảy ra không chỉ vì sự phức tạp của bản thân vấn đề mà do chính những phát biểu hàm hồ, nước đôi trong các tác phẩm của ông, có thể làm đảo lộn và xuyên tạc hoàn toàn ý hướng ban đầu. Về giáo dục, “tính tự nhiên” do ông đề xướng (“hãy để cho đứa bé tự phát triển”) dường như đã giành được thắng lợi hoàn toàn khi “tự nhiên” đồng nghĩa với cái đúng, cái tốt, còn “trái tự nhiên” là sai, là xấu. Nhưng, liệu nền giáo dục triệt để chống quyền uy ấy có thể thực hiện trong môi trường cách ly với xã hội một cách giả tạo, bằng những biện pháp giáo dục có tính lèo lái rất đáng ngờ? Về chính trị, người thì tôn vinh ông là “nhà dân chủ tiên phong”, nhà “dân chủ tự do, tiến bộ”, đồng thời không thiếu người xem ông là “có xu hướng bảo thủ, quyền uy, phản đa nguyên”, thậm chí, là “kẻ đào mồ chôn nền dân chủ”. Tại sao có sự đánh giá mâu thuẫn nhau đến như thế? Việc đưa di hài ông vào điện Panthéon vừa xứng đáng với tầm vóc của ông, vừa không khỏi gợi nên thắc mắc: tại sao lại từ tay Robespierre, thủ lĩnh phái Jacobins khét tiếng độc tài, khát máu trong thời kỳ đại khủng bố của cách mạng Pháp? Và sau cùng, chính cuộc đời ông cũng là hiện thân của một khối mâu thuẫn lớn. Yêu trẻ em, chủ trương “lấy trẻ em làm trung tâm” trong giáo dục, tại sao nỡ giao hết mấy đứa con mình vào trại trẻ mồ côi? Là một trong những khuôn mặt sáng giá nhất của “thế kỷ ánh sáng”, tại sao đi đến chỗ xung đột kịch liệt với Voltaire, đoạn giao với những người bạn lừng danh trong “nhóm Bách khoa thư” như Diderot, d’Alembert... của phong trào khai minh đang lên? Nhận xét của Eugen Fink: “mọi sự vĩ đại đều mang tính nước đôi” tuy không phải lúc nào cũng đúng, nhưng dường như không sai trong trường hợp Rousseau! Khác với những bậc “thánh hiền” thường có hình ảnh toàn bích, Rousseau có lẽ bắt đầu thuộc về một loại hình mới và khác: nhà trí thức hiện đại. Ta sẽ lần lượt tìm hiểu ông ở cả ba phương diện: cuộc đời, học thuyết chính trị và triết thuyết giáo dục.

CUỘC ĐỜI ĐA NẠN VÀ ĐA ĐOAN

J. J. Rousseau (1712-1778) bất hạnh từ nhỏ. Mẹ mất ngay sau khi sinh. Cha ông, thợ đồng hồ ở Genève, gà trống nuôi con không lâu thì phải bỏ trốn sau một vụ ẩu đả khi ông lên mười. Mười hai tuổi phải kiếm sống bằng đủ thứ nghề. 16 tuổi, trốn nhà từ Genève lên Turin. Từ đó bắt đầu cuộc đời phiêu bạt, mà những phút giây yên ổn, hạnh phúc là ngoại lệ. Làm đủ thứ chuyện (khoa học, xã hội, nghệ thuật), nhưng chủ yếu độ nhật bằng nghề chép nhạc. Dang díu với nhiều “quý Bà”, cha của năm đứa con, đều gửi hết vào trại mồ côi! Việc làm này gây tổn hại lớn đến thanh danh “nhà giáo dục” của ông, nhất là từ sự công kích của Voltaire. Ông cũng tỏ ra rất đau khổ và nhiều lần biện bạch: cuộc sống quá bấp bênh, không có lối thoát, khó có điều kiện nuôi dạy con cái đàng hoàng (nhưng ông cũng có lúc khá sung túc với người vợ kia mà?).

Năm 1742, ông lên Paris, kết bạn với Diderot và các nhà “Bách khoa thư”. Năm sau, được làm thư ký cho sứ quán Pháp ở Venise, được ủy thác soạn phần nhạc học cho bộ Bách khoa thư, trình diễn được mấy vở nhạc kịch khá thành công. Sau đó, đổ vỡ quan hệ với Diderot và nhóm Bách khoa thư vì bất đồng quan điểm. 

1762 là năm quyết định của đời ông: xuất bản một lúc cả hai tác phẩm bất hủ: “Émille” và “Khế ước xã hôi”. Không tán đồng quan niệm về “tội tổ tông” do chủ trương con người “tính bản thiện”, sách bị cấm và lệnh truy nã được ban ra. Ông phải trốn chạy sang Thụy sĩ, rồi ba năm sau lại bị trục xuất và rút về ẩn cư nơi một đảo nhỏ, thời gian hạnh phúc ngắn ngủi vì được đắm mình trong thiên nhiên như sở nguyện. Năm 1766, sang Anh theo lời mời của triết gia David Hume, được dư luận Anh chào đón nhưng lại sớm xích mích với Hume! Suốt bốn năm sau đó, sống lang bạt đầy bất an ở các vùng nông thôn nước Pháp do lệnh truy nã vẫn còn hiệu lực. Mãi đến 1770 mới về lại Paris, tiếp tục viết nhạc độ nhật.

Ta không quên mấy mốc lớn khác trong đời ông:

- 1749: đi bộ từ Paris đến nhà tù Vincennes thăm Diderot đang bị giam cầm, viết Luận văn thứ nhất về các ngành khoa học và nghệ thuật.

- 1754: viết Luận văn thứ hai về nguồn gốc và căn nguyên của sự bất bình đẳng giữa con người. Hai luận văn then chốt, xác lập vị trí riêng biệt của Rousseau trong đấu trường tư tưởng đương thời.

- 1763: chuẩn bị tư liệu cho tác phẩm Tự thú nổi tiếng, một loại tự truyện “tự phơi bày chính mình”, mô phỏng tác phẩm cùng tên của thánh Augustino thời trước.

- 1761, công bố tiểu thuyết dưới hình thức các bức thư: Nàng Heloise mới, mở màn thể loại tiểu thuyết diễm tình ở châu Âu (trong đó có Tình sầu của chàng Werther của Goethe).

- 1774, xuất bản Từ điển thuật ngữ thông dụng trong ngành thực vật học, và, 1776-1778, soạn tập thơ văn xuôi Những giấc mơ của kẻ bộ hành cô độc, tác phẩm lớn cuối cùng, khai mào cho nền văn học lãng mạn.

- 1778, về nghỉ ngơi ở lâu đài Ermenonville theo lời mời của bá tước de Girardin và mất ít lâu sau đó.

Một cuộc đời sóng gió, đầy ắp năng lực sáng tạo và lòng tự tin: “Tôi bắt tay vào một công việc vô tiền khoáng hậu. Tôi muốn cho mọi người thấy một con người tràn đầy mãnh lực tự nhiên, và con người ấy sẽ là chính tôi đây!” (Tự thú).

Bùi Văn Nam Sơn
(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 13, 12.12.2013)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất