Câu chuyện giáo dục (15)

J.J. Rousseau: Tự do, giao mà không mất?

Chân dung Rousseau trong trang phục
của người Armenia do Allan Ramsay
vẽ năm 1766

Con người là tự do. Nhưng xã hội - dưới mắt Rousseau - lại không như thế, bởi đâu đâu con người cũng ở trong xiềng xích và mất tự do. Đó là điều ông không thể chấp nhận được! Học thuyết chính trị của Rousseau, vì thế, xoay quanh hai câu hỏi lớn:

1. Tại sao con người tự do nguyên thủy lại rơi vào cảnh nô lệ, nhưng đồng thời vẫn có tiềm năng để trở thành người "công dân tự do"?

2. Làm sao "tìm ra một hình thức sống chung vừa đủ sức bảo vệ nhân thân và tài sản, vừa giúp cho mỗi người, khi tham gia cùng với mọi người khác, vẫn chỉ tuân lệnh chính mình và được tự do như trước kia?".

Nói ngắn gọn, đâu là con đường đi từ sự "tự do tự nhiên" đến sự "tự do công dân" (bao gồm tự do đạo đức và tự do chính trị)?

TỰ DO TỰ NHIÊN

Trong trạng thái tự nhiên (giả định), con người là tuyệt đối tự do, sống trong sự cô lập, không dựa vào ai và cũng không bị ai cưỡng chế. Sở dĩ như thế vì nhu cầu và sự thỏa mãn nhu cầu sinh tồn vốn giới hạn ở mức tối cần thiết. Tình trạng tự do nhờ sự độc lập này không thể kéo dài khi con người không còn có thể tự cấp tự túc được nữa.

TỰ DO CÔNG DÂN

Từ bỏ trạng thái tự nhiên đi vào trạng thái xã hội, quan niệm về tự do cũng thay đổi theo.Vấn đề bây giờ là phải đi tìm một hình thức xã hội chính đáng, sao cho mỗi người vẫn được hưởng tự do hệt như trước đây, dù phải sống trong lòng nhà nước.

Trước hết là tự do đạo đức. Con người từ nay phụ thuộc vào nhau, nhưng vẫn phải phù hợp với căn tính tự do cùng với lý trí của họ. Sự hợp quần không phải để phục tùng ý chí xa lạ, mà là một sự tự nguyện phục tùng có tính đạo đức đối với pháp luật do mọi người cùng ban hành, gắn kết cá nhân với xã hội. Nếu con người nguyên thủy chỉ biết nghe theo tiếng gọi của tự nhiên, thì con người công dân hiện đại tự giác tuân theo lương tâm và lý trí của mình để thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ vì hạnh phúc cá nhân và xã hội.

Từ đó dẫn đến sự tự do chính trị. Giả sử con người là xấu xa và không có năng lực dùng lý trí để sống chung với nhau trong cộng đồng, ắt mô hình nhà nước hung dữ như quái vật (Leviathan) theo hình dung của Thomas Hobbes là không thể tránh khỏi, nhằm ngăn chặn cuộc chiến triền miên của "tất cả chống lại tất cả". Theo Rousseau, tình hình không bi quan đến như thế! Cuộc sống chung hòa bình là có thể thực hiện được, khi con người đến với nhau trong sự đồng thuận về đạo đức, tạo nên một khối đoàn kết hoàn hảo bằng cách "giao nhượng trọn vẹn" phần của mình cho hạnh phúc của cộng đồng và cho sự tự do của chính mình. Nếu ai ai cũng làm như thế, thì mọi người đều bình đẳng - bình đẳng và tự do. Trong nền cộng hòa của Rousseau, mỗi công dân là một bộ phận của nhà nước, mất bao nhiêu thì sẽ nhận lại được bấy nhiêu, vừa "làm chủ" trên tất cả, vừa "làm tớ" cho tất cả! Con người thoát khỏi sự độc tài cá nhân lẫn tập thể, và tận hưởng sự tự do chính trị lâu bền.

NHỮNG MÂU THUẪN NAN GIẢI

Học thuyết chính trị của Rousseau vừa tân kỳ, vừa chứa nhiều mâu thuẫn nan giải. 

Trước hết là câu hỏi cơ bản: sự tự do có thể "xuất nhượng", hay nói nôm na, có thể giao mà không mất? Để biện minh cho việc thiết lập "khế ước mới" (như là cơ sở cho tự do công dân và nhà nước hiện đại), ông lấy gia đình - tổ chức xã hội mang tính tự nhiên nhất - làm hình mẫu cho cộng đồng chính trị: "người đứng đầu nhà nước tương ứng khuôn mặt người cha, còn nhân dân như là con cái. Tất cả sinh ra bình đẳng và tự do và chỉ nhường sự tự do, khi nó mang lại ích lợi". Một mặt, ông xem tự do là căn tính, mặt khác lại đòi giao nhường nó cho "người cha". Hiểu sao đây? Chính ông bảo rằng "từ bỏ tự do có nghĩa là từ bỏ tính người, từ bỏ quyền và nghĩa vụ làm người (...) Lấy mất tự do là lấy mất ý nghĩa đạo đức của hành động" kia mà? Dùng kịch bản gia đình (con cái nhường sự tự do cho cha cho đến khi trưởng thành vì chính lợi ích của con cái) áp dụng cho xã hội, liệu có chính đáng và không nguy hiểm?

Về quan hệ giữa tự do và quyền lực cai trị, Rousseau giải quyết bằng cách đòi cho mỗi cá nhân đều được tham gia vào sự cai trị. Đồng thời, khác với Hobbes, ông tước bỏ tính chính đáng của "bạo lực thân thể" (như là sự biện minh cho quyền cai trị), vì sẽ dẫn con người trở lại với sự mất tự do và sự lệ thuộc phản tự nhiên. Vì thế, chủ quyền nhất thiết phải do toàn dân thực thi một cách trực tiếp, chứ không được phép thông qua sự đại diện nào cả. Ý tưởng về chủ quyền thuộc về nhân dântrong cách hiểu hiện đại về nền dân chủ là cống hiến lịch sử, là nét son bất hủ của học thuyết Rousseau! Tuy nhiên, các biện pháp thực thi của ông lại có nhiều tính không tưởng và dễ bị lạm dụng. Nền dân chủ trực tiếp là nguyện vọng tốt đẹp, nhưng khó thực thi ở diện rộng và thường xuyên. Về quan hệ giữa ý chí cá nhân và ý chí tập thể, ông giải quyết bằng sự phân biệt nổi tiếng giữa ý chí phổ biến (volonté générale), ý chí của tất cả (volonté de tous) và ý chí đặc thù (volonté particulìere). Ý chí phổ biến nhắm đến quyền lợi chung, còn ý chí của tất cả chỉ là sự cộng dồn mọi lợi ích riêng tư, tức của những lợi ích đặc thù. Đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng là lẽ phải tự nhiên, nhưng ở đây, "ý chí phổ biến" là khái niệm rất dễ bị "nhân danh" để lấn át mọi ý kiến khác trong diễn ngôn chính trị. Trong thực tế, các nền dân chủ hiện đại vận hành theo "ý chí của tất cả" có tính thường nghiệm, hơn là từ một "ý chí phổ biến" mơ hồ và... nặc danh.

Rousseau luôn ủng hộ sự phát biểu ý kiến tự do, tuy nhiên mục tiêu của thảo luận là nhằm dẫn dắt cộng đồng càng đến gần sự nhất trí càng tốt. Ông khó chấp nhận các xung đột về lợi ích, hay nói cách khác, ông thiên về những cộng đồng với trình độ phát triển thấp về các sự dị biệt hóa và đa nguyên xã hội.

Giấc mơ của Rousseau là một đời sống cộng đồng thân mật, trong suốt, dễ kiểm soát và không có sự phân quyền như nơi Locke và Montesquieu. Nhưng, "cộng đồng" khác với "xã hội". Nền dân chủ hiện đại, khổ thay, luôn có xu hướng phá vỡ cộng đồng. Chỗ mạnh, đồng thời là chỗ yếu của nó, là ở chỗ không mong ước đạt tới sự đồng thuận và nhất trí cho bằng bảo vệ và duy trì quyền được có ý kiến khác. Quyền được bất đồng thuận, chứ không phải nghĩa vụ phải đồng thuận là đặc trưng và sức sống của xã hội dân chủ hiện đại, và chính điều này mới tạo nên "tính hiện đại" của nó ("tính hiện đại" thường được hiểu theo nghĩa: không có tính chuyên chế và không định hướng theo "luân lý cộng đồng").

Triết lý chính trị của Rousseau sẽ được bổ sung bằng triết thuyết giáo dục của ông, như ta sẽ tìm hiểu trong các bài kế tiếp.

Bùi Văn Nam Sơn
(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 15, 26.12.2013)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất