Con đường triết học

Nhiều nhà triết học đã nhận thấy «sự suy nghĩ những vấn đề triết lý qua thứ tiếng thông dụng (mẹ đẻ) của mỗi người nhiều khi đem lại cho ta những ý nghĩa sâu sắc không ngờ». Ý nghĩa của danh từ triết lý chẳng hạn đã hiện ra với ta dưới những hình thể đặc biệt khi ta trở về nguồn gốc của tiếng nói. Ta thấy rằng danh từ thông dụng triết lý có một nguồn gốc Tây phương. Điều mà ta thường gọi là triết lý của triết gia phương Đông thường gọi là đạo. Đạo như chúng ta đã thấy là một con đường đi. Và chúng ta là những kẻ bộ hành.



Nhưng điều làm cho ta ngạc nhiên hơn cả là danh từ, dù mang nguồn gốc Tây phương hay Đông phương, đều chứa đựng ý nghĩa tương đồng. Con đường (đạo) mặc dầu không đòi hỏi, tranh chấp hơn kém được thua cũng không một ai có thể khước từ, hủy bỏ, bởi vì mỗi hành động của ta đều bao hàm một ý nghĩa chọn lựa, một bước tiến trên đường. Danh từ triết lý cũng vạch cho ta ý nghĩa của đường đi đó. Đường của người đi tìm(triết) cái lẽ phải (lý) mà chưa bao giờ đạt tới, bởi vì nếu đã tới thì sao lại còn tìm?

Nhưng con người biết rằng chỉ đạt được chân lý ở đầu đằng kia của cuộc sống vẫn không ngừng tìm kiếm tin tưởng mỗi ngày. Người không thể không tìm kiếm. Chỉ khi ta chết ta mới biết ta là gì, ta sẽ đi đâu, nhưng từ hôm nay ta đã phải sống, phải chọn lựa ngày mai, phải đi trên con đường (triết học) qua mỗi hành động hàng ngày nên ta vẫn phải tìm kiếm, tin tưởng không ngừng.

Nghĩ rằng triết học vốn là một con đường mà mỗi người trong chúng ta lại phải một lần sống trải với những cố gắng cá nhân, ta không tránh khỏi được những tình cảm lo âu, ngần ngại. Nhưng những tình cảm ám ảnh người bộ hành nhận định về những khó khăn của đường dài không phải là một chướng ngại vật ngăn cản người dấn bước. Biết rằng đường đi khó khăn hiểm trở còn hơn là dấn bước đi liều. Biết mình, biết địa thế, hoàn cảnh là dấu hiệu của sáng suốt, tinh tường chứ không phải là e dè, sợ sệt, trốn tránh. Biết rằng đời người không tránh được khổ đau, như: sinh, bệnh. lão, tử không phải là bi quan, yếm thế mà chính để tìm ra những đầu mối, những căn do nguồn gốc của mọi sự đau khổ ngõ hầu kiếm được phương sách giải thoát khỏi trầm luân. Càng nhìn vào hoàn cảnh, vào thực trạng, vào những khó khăn chướng ngại của đường đi, ta càng lo âu ngần ngại. Nhưng nếu nhắm mắt không nhìn, ta sẽ không biết phải sổng phải chết ra làm sao. Không nhìn nhận mà cứ lấy không làm có, có làm không, vì những mục đích nhất thời, thực tiễn, ta cũng không thể kéo dài thời gian sinh sống của ta đến thành bất tử, cũng không thể cải tử hoàn sinh, đi ngược thời gian trở về ngày son trẻ, bất chấp đau khổ của đời người. Con đường đi chúng ta không thể không chân thành nhận biết. Nếu vì những lý do nhất thời, ta phải đề cao một vài phương châm thực tiễn, ta cũng không được nhầm chiến thuật ra chiến lược, phương tiện thành cứu cánh, khẩu hiệu thành chân lý. Lầm lẫn ta sẽ rơi vào tình trạng những người phù thủy tưởng mình là thần thánh mà thật ra chỉ là một anh chàng hô hoán âm binh.

Bởi vậy, phủ nhận, nhắm mắt trước con đường đi vẫn là chọn lựa. Chọn lựa sống qua ngày đoạn tháng, không cần đo đếm, ý thức, nhìn trước, nhìn sau.

Từ chối chọn lựa, ta vẫn chọn một cách vô ý thức, bởi vì sống đã bao hàm ý nghĩa lựa chọn. Chọn giữa sống và chết, và coi sống có một giá trị ít ra là cao hơn chết, nên mới chưa hủy diệt đời mình.

Phải sống trên con đường của đời người. Phải nhìn trước, nhìn sau để đừng gục ngã, nhưng cũng đừng quyết đoán một mình. Nhìn cho rõ những hoàn cảnh bao quanh, những trở ngại bốn bề (sinh, bệnh, lão, tử) của đời người. Nhìn cho rõ ràng ta chưa có phương sách gì để thoát chết - sự sống của ta sớm muộn cũng đưa đến chỗ tận cùng như sông về biển. Và chân lý của sự sống vẫn ở đầu đằng kia sự sống. Phải đến đích ta mới biết được ta là gì, và ta sẽ đi đâu?

Không phô trương mình nắm được chân lý không hề làm giảm bớt sự tin tưởng vào chân lý của mình. Ta không thể bảo rằng có Trời với tình cảm chắc chắn như đọc lên một công lý toán học. Không biến tín ngưỡng thành khoa học không những không làm giảm sút giá trị của tín ngưỡng mà còn tăng cường. Khi sự phán xét tương lai đã đến ở cuối cùng của đời người thì ta sẽ không còn hoài nghi. Nhưng sự tin tưởng cũng tan theo, sự chọn lựa, tự do cũng tan theo vì ta đã chắc chắn rồi. Những phương sách đề nghị giúp ta, đưa ta ra khỏi những hoàn cảnh đau đớn của đời người, thoát qua chết chóc, đều đòi hỏi ở ta sự thể hiện, sự đi hết một đoạn đường một cách sáng suốt, tin yêu. Phật Thích Ca đã truyền bảo cho con người phải lần theo con đường dắt díu, khúc mắc của «thập nhị nhân duyên» mà cởi gỡ từng đầu mối thắt buộc trầm luân. Cái chết của chúa Cứu Thế đã soi sáng tỏ con đường trong trẻo nghĩa yêu thương.

Nhưng đi hết một con đường thương mến, gỡ cởi được mười hai mối nhân duyên vẫn là con đường đi của mỗi cá nhân. Mỗi người phải tự quyết định, lựa chọn. Mỗi người phải tự vượt qua những chướng ngại, thử thách để trong khi hành động, thể hiện đời mình và sự tin tưởng của mình. Mỗi người sẽ bị day dứt bởi hoài nghi. Bởi lẽ, trong mỗi câu tin đều ẩn một câu ngờ. Nhưng chính nghi ngờ, ngần ngại mới lại càng làm tăng giá trị của những hành động thật dạ thương yêu. Con đường triết học cũng vậy, vẫn là con đường ta đi để đạt tới chân lý ở đầu đằng kia. Đi để chứng minh ý nghĩa của đời sống, thể hiện đời mình, và sự tin tưởng ở chân lý.

Chân lý ta không nói lên là năm chắc, bởi vì đó là một chân lý tin tưởng hơn là phô trương. Cho nên không nói lên là nắm chắc mà lòng tin tưởng ở chân lý không vì thế mà suy giảm, tiêu tan.

*

Lên đường với một sức tin tưởng thành khẩn, với một tinh thần cố gắng nhìn cho rõ trước sau, nên mặc dầu không có một lối cỏ mòn để lại bởi người xưa, chúng ta cũng không hề bơ vơ lạc lõng. Lịch sử triết học đã có một quá vãng chạy dài hai mươi nhăm thế kỷ. Đã từ hơn hai ngàn năm trời, con người biết xếp đặt tư tưỏng của mình cho có mạch lạc, đầu cuối, hệ thống. Nhưng ngoài hai nghìn năm trời, không làm nên được một bản cửu chương cho ta tụng niệm. Những kinh nghiệm để lại bởi tiền nhân vẫn chỉ là những kinh nghiệm chứ không phải là những bức họa đồ. Kinh nghiệm có ít nhiều nhưng hoàn cảnh liên tiếp đổi thay. Không ai dạy cho ta biết phải ứng dụng thế nào cho phù hợp với hướng chiều của hoàn cảnh, tương xứng với ước muốn, dự thảo tương lai. Con đường đi của mỗi người không thể là con đường có sẵn, bởi vì mỗi người thường sống trong những điều kiện cá biệt, sinh hoạt riêng tư. Kinh nghiệm của người xưa mới chỉ giúp ta vốn liếng, nhưng để sinh sôi nẩy nở hay kiệt quệ hao mòn là ở nơi ta. Ta có thể xem lại thuật công phá thành trì của Tôn Tử, nhưng chiến thuật cũng phải được bổ khuyết cho hợp với chiến lược ta theo đuổi, và cũng đừng quên khí giới tối tân, địch quân nhiều ít... Aristote, Không Tử đều dạy ta hành động cho hợp lẽ trung dung. Nhưng không phải ăn sáu bát gạo là nhiều, ăn một là ít, thì ta cứ nhất đán ăn ba. Còn sức khoẻ của bản thân, bữa chiều hay bữa sáng, cơm rau đậu hay nặng chất thịt thà... Không biết cố gắng tìm lấy đường đi, kịp thời ứng dụng, mà chỉ khư khư tụng niệm kinh nghiệm trong sách vở để lại bởi người xưa, chú trọng về hình thức mà lãng bỏ tinh thần, ta sẽ rơi vào tình trạng của những người đồng bóng dị đoan.

Cũng chính vì kinh nghiệm của người xưa để lại bao giờ cũng chỉ là kinh nghiệm chứ không phải là họa đồ nên triết lý mới còn tồi tại. Nếu chân lý đã được nắm vững, soi tỏ, chứng minh như hai lần hai là bốn, thì còn ai đi tìm (triết) cái lẽ phải (lý) làm gì. Và nếu tất cả đều xong xuôi, ta đã biết rõ tất cả cuốn sổ đoạn trường, đời sống bên này và đời sống bên kia, trần thế, thiên đàng, thì ta cứ việc ngồi đợi «những gì phải đến sẽ đến», cần gì phải lo âu về trách nhiệm, về chọn lựa, tự do... Nhưng cuộc đời còn chăng ý nghĩa cuộc đời?

*

Có lẽ cũng vì đã nhận thấy rõ ràng con đường mà mỗi người sẽ phải trải qua không bao giờ được vạch định sẵn sàng, nên các bậc thượng trí, hiền nhân vẫn hằng khuyên nhủ con người trở về với lòng mình. Người xưa bảo ta phải trở về nguồn. Cái nguồn sâu xa không bao giờ được cô đọng một cách đầy đủ trong kinh thư sách sử. Làm thế nào ta hiểu được kinh thư sách sử, kinh nghiệm của người xưa, nếu không biết âu lo, ứng dụng, quyết định, chọn lựa. Và làm thế nào mà người xưa để lại được những kinh nghiệm giá trị vô vàn, nếu người xưa không biết suy tư sau khi va chạm với vạn vật, muôn loài. Cho nên nguồn gốc sâu xa mà ta luôn luôn phải trở về để lấy ánh sáng soi tỏ đường đi bao giờ cũng ở nội tâm ta, ở lòng ta, cũng như người xưa đã gặp ở lòng mình. Cái nguồn gốc sâu xa ấy không ẩn nấp như một thực thể trời sinh linh diệu, vô hình, mà chỉ là một dòng nước trong sáng được vỡ ra từ cuộc va chạm với đời sống mà dấu hiệu là sự bở ngỡ, lạ lùng. Plalon đã nói đến sự «ngạc nhiên» khai nguồn cho mọi sự hiểu biết của con người đó: «Ta ngạc nhiên khi ta thấy mỗi sáng mỗi chiều có mây bay gió thổi nên ta mới tìm hiểu truy tầm những lẽ huyền bí của vũ trụ vô cùng». Aristote cũng ca ngợi sự «ngỡ ngàng tuyệt diệu đã thúc đẩy ta tự hỏi tại sao trăng tròn rồi trăng lại khuyết, tại sao tinh tú luân lưu và tại sao vũ trụ và đời người phát sinh, hiện hữu». Sự ngạc nhiên mà triết học Á đông cũng đã đúc cốt lên trong những câu chuyện đầy hình ảnh nhưng cũng nặng đầy ý nghĩa bao hàm. Như chuyện Phật Thích Ca dạo bốn cửa thành và ngạc nhiên trước những khổ đau của con người ốm đau, già lão và chết chóc. Sự ngạc nhiên đã thúc đẩy Người đến âu lo rồi khám phá một con đường diệt khổ. Cũng như sự ngạc nhiên đã giúp các nhà triết học phương Tây lên con đường tìm sự thật sáng tỏ. Làm thế nào mà tiến triển, nếu ở nguồn gốc lòng mình bao giờ cũng lạnh lùng, lãnh đạm. Không một luồng ánh sáng nào sẽ lọt vào nếu mình không mở cửa ra. Nên ta ngạc nhiên để mà thu nhận, mà mở rộng lòng mình, mà hướng về kiến thức mênh mông. Thu nhận để có thể sau đó loại dần những điều sai lầm, giữ lấy những điều chính xác.

Thu nhận để rồi lại phải dò hỏi, tự vấn, hoài nghi về những điều ta đã tiếp thu để tránh những sai lầm, hư ảo. Đó là con đường đi mà các triết gia Tây phương nghĩ rằng đã đã đặt nên một vài định hướng. Ngạc nhiên để mà tìm hiểu. Tìm hiểu nhưng rồi lại hoài nghi về sự hiểu biết của mình, bởi vì giác quan lừa đảo, mộng thực khôn lường, quan niệm kỵ xung. Sự hoài nghi đó đã đưa Socrate đến sự hiểu biết chính xác hơn người. Đó là biết mình còn kém, biết mình chưa biết được bao nhiêu, «chưa biết gì cả». Ít ra còn biết hơn những người tưởng mình biết mà vẫn chưa biết gì, để rơi vào chỗ hai lần ngu độn. Sự hoài nghi đã đưa Descartes đến chỗ khám phá ra mối tương quan giữa tư duy và hiện hữu. Khi hoài nghi về tất cả mọi sự, Descartes đã tìm ra một điều chắc chắn: sự có mặt của hoài nghi. Nên nếu lòng mình đã lạnh lùng khép kín, không ngạc nhiên, bỡ ngỡ, tự vấn, hoài nghi, thì không những va chạm không mở được lòng ta, mà cả sách sử cổ kim cũng chỉ là giấy xếp thành chồng vô dụng.

*

Con đường triết học mà ta phảí tự vạch định, chọn lựa như vậy bao giờ cũng bắt nguồn ở lòng ta. Nói khác đi,chính vì nó bắt nguồn ở lòng ta, nên không thể nào ta nhắm mắt theo được những con đường vạch sẵn. Và cũng chính vì thế, ta không thể biến đường lối ta đi thành con đường bắt buộc cho muôn người. Cố gắng đi vàtỉnh táo nhưng cũng đừng quên cởi mở, vị tha. Ta không thể nhất quyết bảo rằng con đường phải đi là tiên nghiệm (a priori) hay hậu nghiệm (a posteriori). Duy lý và duy nghiệm hình như đã bị nối liền từ lúc ta ngạc nhiên để bắt đầu tiếp nhận sự vật, bị nối liền như khổ đau và vui sướng của đời người, như ngày và đêm của trái đất. Ta ngạc nhiên trước sự vật, nhưng sự ngạc nhiên sẽ biến thành kinh ngạc nếu không được suy nghĩ, thấu hiểu. Sự hiểu biết cũng sẽ rơi vào chỗ vu vơ nếu không được đem hoài nghi, áp dụng, thử thách. Cũng như lịch sử triết học đã vạch cho ta thấy rằng duy nghiệm cần phải được hiểu thấu, điều động, và duy lý cần phải được áp dụng. Sự xuất híện, thành công của cái này chứng minh sự cần thiết của cái kia. Một chủ nghĩa duy nghiệm không có định luật sáng tỏ, phối hợp, diễn dịch... tất nhiên không thể đem ra suy tưởng và truyền dạy. Ngược lại, một thuyết duy lý không chứng cớ cụ thể, không áp dụng được vào thực tại, cũng khó chinh phục lòng người.

Kinh nghiệm ta thu lượm được trên đường đi cần phải được suy nghĩ, diễn giải, và nó sẽ có giá trị khi đáng được đem làm nền cho lý luận. Cũng vậy, mọi suy luận của ta không thể được đem đặt thành nguyên lý như một sự kiện toàn, mà trái lại phải đem áp dụng, nếu thất bại sẽ sửa đổi dần dà. Lý luận sẽ thâu lượm được giá trị khi được đem dùng làn nền tảng vững chắc cho kinh nghiệm.

Như vậy, con đường ta đi sẽ là con đường cởi mở. Lúc nào cũng mở rộng để tiếp nhận nhũng kinh nghiệm tương lai. Và lúc nào cũng cởi mở, để giữa ta và mọi người gây nên một sự thông cảm, bạn bè. 


NGUYÊN SA
Nguồn: Nguyên Sa. Con đường triết học. Tạp chí Sáng Tạo, số 9, tháng 6-1957, trang 1-6. Bản điện tử:http://amvc.free.fr
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất