Triết học là một môn học về tư tưởng thấy trong bất cứ dân tộc nào. Tư tưởng, hay suy tư tự nó chưa phải là triết học. Chỉ có những suy tư có hệ thống, minh bạch xác đáng, có hiệu năng cũng như có tính chất khoa học mới đáng được gọi là triết học.
Thế nên từ đông sang tây, tự cổ tới kim, triết học thường được định nghĩa như là nền học về sự khôn ngoan (hay yêu quý sự khôn ngoan, đeo đuổi sự khôn ngoan - philosophia), hoặc như là một khoa học thực hành (practical sciences), hay như một công cụ của chân lý hay của thần học. Tự thời nhà Châu (1111-249 BC), những suy tư về vũ trụ, về Thượng Ðế và về định mệnh của con người đã được hệ thống cũng như bàn luận. Mặc dù danh từ triết học chỉ mới được dịch sang tiếng Trung Hoa từ Nhật ngữ vào cuối thế kỷ 19, ý nghĩa của triết học như là một hệ thống về sự khôn ngoan, về tính chất thực hành (đạo đức) đã thấy ngay trước thời Châu (tức thời Hạ và Thượng, quãng 2183-1112 BC). Tương tự, mặc dù triết học mới chỉ xuất hiện một cách chính thức trong các trường học từ thời Pháp thuộc, Việt Triết như là một hệ thống tư tưởng về định mệnh Việt dân, về nếp sống, đạo đức cũng như tổ chức xã hội của dân tộc, đã xuất hiện ngay thời lập quốc, tức thời Hồng Bàng. Ðiểm mà chúng ta muốn bàn tới không phải chúng ta có một nền Việt Triết hay không, song là Việt Triết có những đặc tính gì, phương pháp chi, hiệu năng ra sao, v.v... Lý do dễ hiểu là, nếu chúng ta theo một chiều hướng triết học của tây phương, thí dụ triết học phân tích (analytics), hay chiều hướng thực chính (positivism), hay thực nghiệm (exprimentalism), hay duy nghiệm (empiricism), chúng ta khó có thể kiếm ra, đừng nói đến hiểu cái gọi là Việt Triết. Song nếu coi triết học như là triết lý thực hành, triết học nhân sinh, hay triết lý về định mệnh, thì chúng ta rất dễ dàng nhận thấy có một nền Việt Triết. Ðể giúp các bạn trẻ hiểu thêm về những điểm chính yếu của Việt Triết (sẽ được bàn đến trong phần tới), chúng tôi xin mạn phép được mạn đàm về những khuynh hướng chính trong nền triết học từ thời Hy lạp, hay từ thời trước Khổng Tử cho tới hiện đại, và sau đó thử xác định Việt Triết trong những chiều hướng này.
1. Triết Học như là môn học về nguyên lý tối hậu, hay những nguyên nhân chính yếu của con người và vũ trụ
Triết học, được sử sách ghi lại, phát hiện từ khi có lịch sử con người. Vào thời đầu, triết học được hiểu như môn học về những huyền bí, những sự biến đổi của thế giới thiên nhiên. Những hiền triết Hy Lạp quan sát sự kiện thiên biến vạn hóa, và tìm ra một nguyên lý, hay một động lực, hay một yếu tố để giải thích hiện tượng thiên nhiên. Họ hoặc nhận nguyên chất như thủy, hỏa, khí, hay yếu tố như vô định, số tượng, hoặc nguyên tử như là căn nguyên của người Tàu về luật biến hóa của vũ trụ. Ðạo, lưỡng cực, tứ tượng, bát quái, v.v... là những yếu tố cũng như biến dạng của vũ trụ. Trong Việt Triết, chúng ta cũng thấy những tư tưởng về vũ trụ (vũ trụ luận) tương tự. Qua những huyền thoại như truyện bà "Nữ Oa đội đá vá trời", hay truyện của ông "Bành Tổ", hay truyện "Lạc Long Quân với bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng", hay truyện "Thần Kim Quy", v.v..., ta thấy tư tưởng chính yếu của Việt Triết vẫn là đi kiếm một nguyên lý tối hậu giải thích vũ trụ, định mệnh con người và dân tộc.
2. Triết Học như là công cụ khoa học giúp con người nhận thức chân lý, cũng như Thượng Ðế
Sự thực, như các triết gia nhận ra, là không có một yếu tố chi, cũng không có một nguyên chất nào, càng không có một động lực nào khác có thể giải thích được cái toàn thể, sự biến hóa, cũng như định luật của vũ trụ. Ðiều này, ngay từ thời Su-Cát (Socrates) từng ngạo cười những nhà ngụy biện (Sophists), triết gia bắt đầu nhận ra sự vô bổ của những kiến thức về vũ trụ. Ðối với Su-Cát và ngay cả A-Lý-Ða-Ðức (Aristoteles), triết học là triết học về con người! Thế nên, triết học mang một mục đích giúp con người nhận thức được chính con người. Lần đầu tiên chúng ta thấy xuất hiện môn nhân học (Anthropology). Song con người là gì? Câu hỏi hóc búa này, cho đến nay vẫn chưa tìm ra được câu trả lời thỏa mãn. Ðể giải thích linh ư vạn vật, triết gia bắt buộc phải tìm kiếm những yếu tính khoa học (tức những yếu tính có thể giải thích, phán quyết, tiên đoán cũng như xác quyết sự vật hay hiện tượng. Hai tính chất phổ biến (universal) và tất yếu (necessity) được coi như là yếu tính của khoa học. Theo các triết gia, những yếu tính này hoặc phải là lý tính (reason) với trường phái duy lý (rationalism), hoặc là tinh thần (Spirit) với trường phái duy linh (spiritualism), hoặc là nguyên chất với trường phái duy vật (materialism); chúng có thể giải thích bản chất linh ư vạn vật của con người. Bồ-La-Thư (Platon) gọi cái nguyên lý tối hậu có tính chất phổ biến và tất yếu này là "quan niệm" hay "lý hình", trong khi A-Lý-Ða-Ðức cho là nguyên nhân tối hậu. Dù sao đi nữa, triết lý Hy-Lạp vẫn không thỏa mãn được trí thức của con người về vũ trụ. Lịch sử con người cũng như định mệnh của con người không được triết Hy-Lạp giải thích một cách thỏa đáng. Ðây là một lý do chính yếu khiến các thần học gia như thánh Âu-Cơ-Tinh (St. Augustine) phải tổng hợp triết lý Hy-Lạp với truyền thống Dothái: đối với ngài chỉ có Thượng Ðế mới là nguyên lý, động lực cũng như căn nguyên tối hậu giải thích cũng như quyết định vận mệnh, quy luật của vũ trụ, hạn chế vào công việc tìm cách chứng minh sự hiện hữu của Thượng Ðế mà thôi. Triết học biến thành nữ tì của Thần Học (philosophia theologiae ancilla). Trong triết học Trung Hoa, chúng ta nhận thấy một biến thiên tương tự, tuy thiếu minh bạch và biện luận, từ việc giải thích vũ trụ như là thiên, (thiên đồng nghĩa với thiên nhiên, hay thế giới nằm trên con người) cho tới việc coi Thiên như là chúa tể. Người Tàu tự trước thời Châu tới thời Xuân Thu (thời Khổng Tử) đã coi Thiên như là một nguyên lý, động lực cũng như Thượng Ðế để giải thích cũng như quyết đoán số mệnh của vũ trụ và con người. Trong Việt Triết, chúng ta nhận thấy những suy tư tương tự. Con người, trên con đường đi tìm nguyên lý tối hậu, hay một động lực tối thượng thường phát hiện đấng tối cao, tức Thượng Ðế. Nếu không tìm ra Ngài, chúng ta tự thần thánh hóa con người, với mục đích nhờ Thượng Ðế để giải đáp những khó khăn mà con người không thể tự lực giải quyết. Những khó khăn này thường là những vấn nạn của con người như định mệnh, sinh mệnh vấn đề sống còn, cũng như những vấn nạn liên quan như chủng tộc và quốc gia. Thế nên khi tổ tiên chúng ta tôn thờ thánh Dóng, tôn kính thánh Trần Hưng Ðạo, hay bái thờ hai bà Trưng, đây không phải chỉ là những hành vi thiếu ý thức. Ngược lại, chúng mang một ý nghĩa triết học sâu sa về định mệnh của dân tộc. Chính vì thế, chúng ta không được phép khinh thường dã sử. Trong dã sử, thí dụ những truyện về bà Nữ Oa đội đá vá trời, ông Bành Tổ khai thiên lập quốc, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ 100 trứng, v.v..., đều hàm ngụ minh triết của Việt dân. Sự gắn bó với định mệnh cũng như công việc đi tìm kiếm và giải đáp định mệnh của con người nói lên tinh thần tôn giáo của người Việt. Nơi đây có một điểm khác biệt nhỏ giữa Việt Triết và Hán Triết, đó là nếu ở bên Trung Hoa, Nho học được chia ra làm hai nhánh: tư tưởng nho gia và nho giáo, và nếu người Tàu họ trọng dụng Nho học nhưng khinh thường Nho giáo, thì người Việt chúng ta thường chú trọng nhiều hơn tới Nho giáo. Ðiểm này cũng nói lên, Việt Triết không chỉ bị hạn hẹp trong trí thức, song tiềm tàng trong đời sống của Việt dân.
3. Triết Học như là môn học giúp con người đạt tới tri thức chân thực
Thế nhưng, định mệnh của con người không thể chứng minh một cách khoa học được. Ðịnh mệnh, Thượng Ðế, khát vọng về cực lạc, tuy chân thật song ta không dễ dàng gì chứng minh được sự hiện hữu cũng như bản chất của Ngài, cũng như khó có thể xác định được những khát vọng con người một cách minh bạch. Thượng Ðế chỉ mặc khải cho những người tin yêu Ngài. Thượng Ðế chỉ xuất hiện với những người đơn sơ như các trẻ nhỏ. Chính vì vậy, ngay vào thời Trung Cổ, các triết gia đã nhận ra điểm này khi họ xác định tính chất thiết yếu và ưu tiên của đức tin: credo ut intelligam (tin để hiểu), hoặc credo quia absurdum (tin vì phi lý). Ngay cả vào thời hiện đại, những triết gia duy lý như Khang-Ðức (Kant) cũng phải chấp nhận một sự kiện, đó là ba nguyên tố (postulata) như Thượng Ðế, Tự Do và Linh Hồn bất diệt là những sự thật hiển nhiên, song không thể dùng lý trí để chứng minh.
Sự phát triển của khoa học, nhất là toán học và thiên văn học, khiến con người có ảo tưởng, quả quyết cho bất cứ điều gì chân thực, cũng có thể chứng minh được. Sự thành công của các nhà bác học như linh mục Cơ-Bạch-Ni (N. Copernicus, Kopernig), Kép-Lân (J. Kepler) và Gia-Li-Lê-Âu (G. Galileo), và nhất là Như-Tuần (Isaac Newton) vào những thế kỷ 16 và 17 khiến ảo tưởng này biến thành một tín lý. Với một niềm tin như vậy, họ cổ võ triết học tự lập, thoát khỏi sự trao buộc của thần học. Triết học đầu thai biến thành một công cụ trí thức. Chúng ta không lấy làm lạ gì nếu nền triết học hiện đại (epistemology hay gnoseology). Ðối với những triết học như Ðệ-Các (René Descartes) hay Ba-Công (Francis Bacon), mục đích của triết học hạn hẹp vào trong công việc chứng minh sự chân thật hay giả dối, đúng hay sai mà thôi. Là một công cụ của trí thức, triết học càng chú trọng tới phương pháp. Một phương pháp đúng sẽ đưa tới một kiến thức xác thực. Thế nên, đối với các triết gia này, để chứng minh đúng hay sai, chúng ta trước hết phải tìm ra một phương pháp có hiệu năng. Nói cách khác, triết học của họ chỉ là một phương pháp luận (methodology) nhiều hơn là tri thức luận. Phương pháp hiệu năng nhất đối với Ðệ-Các đó là phương pháp của toán học, nhất là phương pháp phân tích (analytic). Phương pháp này có thể chứng minh bất cứ điều chân thật nào cũng phải tinh tuyền và minh bạch (clara et distincta) mà chúng ta không thể hồ nghi. Ðối với Ba-Công, phương pháp hữu nghiệm nhất là phương pháp quy nạp (induction): chỉ những tri thức nào có thể chứng minh được bằng kinh nghiệm (empirical) hay thực nghiệm (experimental) mới đáng được gọi là tri thức. Những triết gia sau, bao gồm Khang -Ðức và Lữ-Kha (John Locke) cũng như Huy-Mai (David Hume) phát triển hai phương pháp của Ðệ-Các và của Ba-Công tới mức điêu luyện hơn mà thôi.
Nhiều người bị ảnh hưởng của triết Tây Phương, thường nhận định là triết đông nói chung, và Việt Triết nói riêng, thiếu một nền trí thức luận, và nhất là phương pháp luận. Lối phê bình của họ một phần nào đúng, song cũng có phần sai. Trên thực tế, triết đông nói chung và Việt Triết nói riêng, quả thực không có cống hiến được một phương pháp hoàn toàn khoa học chắc chắn. Ngay trong Kinh Dịch, những bản tính toán cũng không được chính xác như toán học của Âu-Kỳ-Ðệ (Euclides). Ngay vào thời gọi là duy lý như thời Tống và Minh, những luận lý của Công Tôn-Dương cũng khó có thể đạt được tính chất chặt chẽ thấy trong hệ thống luận lý hình thức của Tây Phương. Song, nếu chúng ta chú ý tới lối tư duy của người Việt, một điểm mà không ai có thể từ chối được, là người Việt áp dụng thực nghiệm với kinh nghiệm để đưa ra một tri thức xác đáng. Thí dụ câu phong dao: "Chết cha ăn cơm với cá, chết mẹ liếm lá đầu đường" nói lên một kiến thức xã hội: người mẹ chăm sóc con kỹ lưỡng hơn người cha. Kiến thức này rút ra từ những kinh nghiệm của đại chúng được thực nghiệm quảng đại. Mức xác đáng của câu phong dao trên có thể đạt tới gần 100%. (Tuy nhiên kiến thức trên không thể bảo đảm là người mẹ yêu con cái hơn người cha).
4. Triết Học như là một hệ thống luận lý xác định lịch sử nhân loại
Nhưng hạn chế triết học vào một nền tri thức luận không những chỉ biến triết học thành một công cụ hay phương pháp, mà còn làm triết học nghèo đói thêm. Những triết gia như Huyền-Cách (Georg F. Hegel) và ngay cả Mã-Sỹ (Karl Marx) nhận định triết học như là một tinh thần của thời đại hay của một dân tộc (Zeitsgeist và Volksgeist). Như là tinh thần, triết học hướng dẫn cả lịch sử nhân loại, cũng như xác định và tiên đoán được cả lịch sử. Mỗi thời kỳ, mỗi biến cố, mỗi nền văn hóa hay nghệ thuật, mỗi tôn giáo, v.v..., chỉ là những lối xuất hiện khác biệt của tinh thần mà thôi. Tuy phản đối Huyền-Cách, Mã-Sỹ vẫn theo lịch sử quan của Huyền-Cách. Họ Mã chỉ lật ngược lại cái luận lý tinh thần của Huyền-Cách mà thôi. Ðối với Mã-Sỹ, triết học không những chỉ hướng dẫn lịch sử mà còn phản ảnh tất cả thế giới con người. (Karl Marx, Theses ober Feuerbach, These 11).
Triết đông, nhất là triết của Nho giáo, Ðạo giáo và Phật giáo, không những phản ảnh được tâm linh con người, mà còn đòi hỏi biến đổi định mệnh hay lịch sử của con người. Những quan niệm cho rằng triết đông thụ động, không liên quan tới lịch sử, thật ra hoàn toàn sai lầm. Việt Triết, một phần bị ảnh hưởng của tam giáo rất sâu, một phần tự bản chất của mình, không những không phải là một suy tư thiếu liên quan tới vận mệnh con người. Việt Triết, như thấy trong huyền thoại, luôn đưa ra một cái nhìn, hay một luận lý về lịch sử của Việt dân. Bản Bình Ngô Ðại Cáo không chỉ bàn đến việc đánh bại quân Ngô, bảo vệ đất nước, song còn nói đến tương lai tinh thần dân tộc, nói lên cái cộng cảm (consensus communis), cộng tính siêu việt (transcendence) và những bản chất khác của người Việt. Bình Ngô Ðại Cáo không chỉ là một lời hịch; Bình Ngô Ðại Cáo là một bản tuyên ngôn (Manifesto). Ðây là những điểm mà triết gia người Phổ, ông Phi-Thời (J. Fichte), mãi vào thế kỷ 19 mới nhận ra khi viết bản Ðức Quốc Tuyên Cáo Luận (Reden an die deutsche Nation); những điểm mà Mã-Sỹ mới nhận thức được khi soạn thảo bản tuyên ngôn của cộng sản (1848).
5. Triết Học như là một suy tư tìm cách biến đổi thế giới
Như từng bàn tới trong điểm trên (2.4), triết học cũng là một triết lý hành động. Khác với những lối triết học được bàn cãi tại các bữa tiệc, hay trong phòng khách; ngược lại với những triết học được coi như đồ trang sức cho các vua chúa hay các bà hoàng, hay như công cụ thuần túy, triết đông nói chung và Việt triết nói riêng, là một nền triết lý hành động. Song không hoàn toàn giống triết học của Mã-Sỹ (như nhiều vị bị ảnh hưởng của Mã-thuyết (Marxism) hay cộng-thuyết (communism) như nhóm triết gia tại Trung Hoa đại lục, hay tại Việt Nam chủ trương, triết hành động của đông phương không nhằm gạt bỏ những điều kiện của thiên nhiên một cách quá khích, song sống theo thiên nhiên (Ðạo Lão), hoặc dựa vào luật thiên nhiên để xây dựng xã hội (Khổng giáo). Ngoại trừ Phật giáo, tìm cách thoát ly vòng luân hồi của sinh tử, va coi hư vô như là một lối giải quyết tường tận của những vấn nạn nhân sinh (sinh, lão, bệnh và tử). Triết đông nói chung liên hệ trực tiếp với con người trong xã hội hay trong vũ trụ (thiên nhiên). Như chúng tôi đã nhận định, Việt triết không chỉ thụ hưởng những tư tưởng của tam giáo, mà Việt Triết còn tổng hợp những tư tưởng này với tư tưởng của Việt dân. Thí dụ như cụ Nguyễn Du, tuy bị ảnh hưởng của Phật giáo về định mệnh con người:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
song cụ không yếm thế, bi quan tìm cách trốn lánh cuộc đời như Phật Giáo, cụ nhận định là tu tâm mới chính là phương thế hữu hiệu đạt thân, hay đi xa hơn, tu tâm là một phương cách biến đổi con người và thế giới:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Như cụ Nguyễn Du, đa số các triết gia Việt hướng theo triết lý thực hành, tổng hợp lối nhìn của tam giáo với lối tư duy của Việt Triết để cải biến con người và xã hội Việt. Về phương diện này, ảnh hưởng của Nho Học trên tư tưởng Việt Triết rất rõ rệt: quan niệm "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" (Ðại Học, chương I) ảnh hưởng tới thuyết thiện tâm (Mạnh Tử) và tu tâm (Khổng Tử) của Nguyễn Du.
6. Triết Học như là môn học giúp con người sống có giá trị và nhân cách
Tương tự như khuynh hướng trên (2.5), triết học thực hành đòi hỏi một triết học tự thức (self-consciousness). Một triết gia người Ðức, Khang-Ðức tiên sinh (Kant) từng nhận định một cách rất xác đáng về tự thức. Ông cho tự thức như là tượng trưng của tự do, lý tính và đạo đức. Thiếu tự thức, con người không ý thức được tự do, đạo đức. Nói cách khác, con người thiếu lý tính. Triết học tự thức, có lẽ trừ Trương Tử và các triết gia bị ảnh hưởng của Phật Giáo từng nhấn mạnh tới tự thức, đa số các triết gia đông phương không để tâm nhiều tới cái tự ngã. Như chúng ta biết, từ Ðệ-Các qua Khang-Ðức tới triết học đương thời như Hốt-Siêu (Edmund Husserl), tự thức là điểm tối yếu của suy tư. Trong Việt Triết, chúng ta không kiếm ra một triết gia nào chú trọng tới vấn đề tự thức. Ngay vào những thời nhà Ðinh, Lê, Lý và Trần, khi mà Phật giáo rất hưng thịnh, triết lý nhập thế vẫn lấn át những khái niệm về tự tính và chân tâm hay phật tính. Ðây có lẽ là một nguyên do, tại sao trên thực hành, Người Việt có một nền đạo đức cao độ, song trên lý thuyết, chúng ta chưa có một nền đạo đức cá biệt nào. Sự thiếu lý thuyết về đạo đức khiến chúng ta thiếu một nền khoa học đặc biệt về đạo đức của người Việt.
Tương tự, vì thiếu một lý thuyết căn bản, chúng ta thường dựa vào cảm tính hơn là lý tính. Sự kiện này có thể thấy rõ ràng trong việc chúng ta tôn trọng con người, song không có một nền luật pháp bảo vệ giá trị con người. Việt Triết, để có thể phát xuất hiệu năng trong những lãnh vực thực hành như đạo đức, chính trị, bắt buộc phải chú trọng nhiều hơn đến vấn đề tự thức. Lối tự thức này không phải kiểu tự thức của Lão-Trương hay Phật giáo, mà hành động tự thức mà Khang-Ðức từng nhấn mạnh. Ðó là hành động tự thức về quyền tự lập (autonomy) của con người trong những hành vi lập pháp, lập đức. Ðó cũng là hành động tự thức về tự do tính do Thượng Ðế phú bẩm cho mọi người.
7. Triết Học là một môn học giúp con người kiếm ra lối giải đáp tối hậu cho những vấn nạn con người
Như trong 2.4 và 2.5 cũng như 2.6 liên hệ tới triết lý thực hành, Việt Triết rất chú trọng tới việc làm sao có thể giải đáp những vấn nạn tối hậu của con người. Thực ra, lối giải đáp mà tổ tiên chúng ta chấp nhận, phần nào ảnh hưởng của Phật giáo, song phần lớn phát xuất tự cõi lòng của dân tộc. Nếu Phật giáo nhận định niết-bàn (nivana) như là lối giải đáp tối hậu (theo đó, con người hoàn toàn thoát ly vận mệnh, đi vào một chân không: không còn sinh, không còn tử, cũng không có chi liên hệ đến thế gian). Nếu Kitô giáo và cả nền văn hóa Âu Mỹ nhận định là, chỉ khi nào con người tự thoát khỏi những dơ bụi trần thế (tội lỗi), và trở lại kết hiệp với Thượng Ðế, thì lúc đó chúng ta mới tìm ra được chung cực, thì Việt triết nhận định, giải đáp về những vấn nạn của con người, tuy theo tầm mức khó khăn của mọi vấn nạn, đòi hỏi chúng ta phải có nhiều lối giải quyết khác biệt:
1. Lối giải quyết tối hậu thấy trong Phật giáo và Kitô giáo liên quan tới những vấn nạn hằng hữu về định mệnh của con người, về sự tương quan giữa con người và Thượng Ðế và về tương lai của con người và vũ trụ.
2. Lối giải quyết bằng cách biến hóa bản tính của con người nhằm đạt tới một mục đích thiện hữu. Thí dụ quan niệm nhân quả như trồng thiện đạt thiện, gieo gió gặt bão, ác giả ác báo, v.v... Lối giải quyết bằng những cách cải đổi bản chất của con người có thể giải quyết những vấn nạn một cách hiệu quả và tương đối lâu dài. Ðây cũng là một lối giải đáp mà chúng ta thường thấy trong Phật giáo và trong một tương quan thường nhật của con người. Trên thực tế, tuy người Việt theo nhân quả, song họ không hoàn toàn theo lý thuyết của Phật giáo. Bởi vì nếu hành thiện chỉ để có thể thoát khỏi vòng luân hồi, theo người Việt, vẫn chưa đủ. Chúng ta hành thiện, mục đích chính là để cải hóa hiện sinh và hậu sinh. Chính nơi đây, chúng ta nhận thấy lối suy tư của người Việt không hoàn toàn theo định luật của nhân quả, theo luận lý của tương quan hiện sinh, một hiện sinh trường cửu nối dài từ đời này đến đời khác; một lối hiện sinh của dòng dõi và của một dân tộc. Chính vì vậy mà chúng ta hành thiện mục đích để nhân lại cho thế hệ sau, giúp người nối dõi có thể đạt được thiện quả. Thế hệ sau, nhất là trưởng nam, được coi như nối dõi tông đường, biểu hiện cho sự hiện sinh của chính chủ thể.
3. Lối giải quyết thứ ba cũng là một lối giải quyết hiện thực, tức cải thiện chế độ hay chính trị và kinh tế. Như chúng ta thấy, các triết gia Việt chia làm ba trường phái, mỗi phái chọn lựa một lối giải quyết khác biệt, nhưng không hoàn toàn tách biệt. Nhiều học giả, thoạt nhìn ba lối giải đáp khác nhau đã vội kết luận là ba phái chính, tức phái Phật giáo, phái Ðạo giáo, và phái Khổng giáo, hoàn toàn khác nhau, bởi vì họ chọn lựa ba lối giải đáp khác nhau: diệt thế (Phật), thoát thế (Ðạo) và Nhập thế (Khổng). Trên thực tế, đa số Việt dân không phân biệt tam giáo, hoặc đa số nhận định tam giáo được đồng nguyên, nên ba giải đáp trên đều được chấp nhận, và nhất là được tổng hợp một cách siêu việt (điểm này sẽ bàn rộng hơn trong phần bàn về Siêu Việt Biện Chứng phần 3.2.2). Hiểu theo lối này, Việt Triết mang tính chất thực dụng song không duy vật, thực tiễn song lại lãng mạn, vị lý song không duy lý, vị cảm song không duy cảm.
Thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn, nhưng trên thực tế và trên bình diện hiện sinh, Việt triết có thể phát xuất nhiều hiệu năng hơn bất cứ các nền triết học duy tâm, duy lý, duy linh, duy nghiệm, hay duy vật. Những tôn giáo như Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Cao Ðài, đạo Dừa, v.v..., tuy mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 song đã được hàng triệu người Việt tin theo, chứng minh là những tôn giáo này bị ảnh hưởng nặng nề của Việt Triết, hay đúng hơn, lối tư duy của Việt Triết. Những đạo này có thể được gọi một cách không sai lầm là đạo dân gian (Volksreligion), vì chúng đại biểu tinh thần của quần chúng Việt.
8. Triết Học là một môn học đại biểu tinh thần dân tộc, giúp dân tộc nhận ra bản tính đồng nhất, cũng như giúp con người xã hội giải quyết những vấn nạn xã hội
Phần này, tuy lập lại phần nào mục đích thấy trong các phần trên song càng thực tiển. Nó nói lên phần quan trọng nhất của triết lý thực hành. Như là một triết lý thực hành, triết học phải vạch rõ rệt và cụ thể cái mục đích của mình. Thế nên, triết học phải nhắm tới giải đáp những vấn nạn không phải của cá nhân mà còn của cả dân tộc. Chính vì thế, triết học còn đại biểu cho một ý thức hệ, hay tinh thần của dân tộc cũng như của một thời đại. Nếu chúng ta hiểu ý thức hệ, tôn giáo, hay triết học như tinh hoa, cũng như sự biểu tượng và dự phóng tính của con người thực tế trong một xã hội hiện thực thì điểm mà chúng ta bắt buộc phải thảo luận là triết học có thể đại biểu Việt dân và tinh thần của dân tộc hay không. Như thường thấy, các nền tư tưởng Việt thường biểu lộ lối suy tư của dân tộc trong một thời đại cũng như trong một không gian nào đó. Thí dụ, tư tưởng yếm thế của Trần Tế Xương, hay Tản Ðà phản ảnh thời loạn ly, đạo đức suy đồi và tâm lý bất lực của kẻ sĩ. Những cái nhìn bất cần đời của Tú Xương nói lên những vấn nạn của dân tộc vượt khỏi khả năng của kẻ sĩ. Tương tự, tư tưởng của Hồ Biểu Chánh, phần nào bị ảnh hưởng của xã hội thời Pháp thuộc tại miền Nam, phần do địa lý thuận hòa cũng như sự chất phác của nông dân miền Nam vào đầu thế kỷ 20. Chính vì thế mà chúng ta có thể xác quyết là, mỗi thời đại đều có một nền triết học. Triết học, cũng như tôn giáo, giống như tấm gương, phản chiếu lại thời đại và con người trong thời đại này.
Triết học không chỉ phản ảnh thời đại hay tâm lý quần chúng (thấy trong các văn phạm, thí dụ của Tản Ðà hay Hồ Biểu Chánh). Triết học tìm cách giải quyết những điều khó khăn mà chính trị, kinh tế hay vũ lực không thể giải quyết. Chỉ ở vào thời đại loạn ly như thời Xuân thu (480-BC) khi mà mạng sống con người hoàn toàn mất giá trị, chúng ta mới thấy được khát vọng hòa bình của người dân. Chỉ vào thời loạn quốc, khi mà vũ lực, uy lực, quyền lực không thể giải quyết được chiến tranh, không thể tạo hòa bình và hạnh phúc, con người mới nỗ lực đi tìm kiếm một giải đáp. Triết học của Khổng Tử không những nói lên khát vọng này mà còn cố gắng đưa ra một biện pháp nhằm giải quyết, cũng như mang hòa bình lại cho đất nước, mang hoan lạc cho quần chúng. Tương tự, tư tưởng của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn phản ảnh lối nhìn chung của giới trí thức muốn cải đổi đất nước vào đầu thế kỷ này. Những chứng minh trên khiến chúng tôi đi đến một số điểm mà, triết học bắt buộc phải có như sau:
1. Triết học phải nói lên khát vọng chung của dân tộc trong một thời đại;
2. Triết học phải tìm ra những vấn nạn của con người cũng như của đất nước;
3. Triết học phải cố gắng đi tìm giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết những vấn nạn này.
Nói chung, triết học có thể được coi như là một ý thức hệ, cũng như phản tỉnh và tu chính nền ý thức hệ này. Ðồng thời, triết học cũng là một nền triết học thực hành, chứng nghiệm, gạt bỏ và bổ túc những ý thức hệ. Triết tây tiến bộ hơn Triết Ðông, lý do chính là họ biết phản tỉnh và phê bình những ý thức hệ cũ. Trong khi ở đông phương, những tư tưởng nhất là phần hủ bại của Nho giáo, Ðạo giáo, Phật giáo không hề được phản tỉnh đừng nói đến phê bình và cải tiến.
9. Triết Học như là một lối biểu hiện tính chất tồn tại của con người
Tuy hướng về quan niệm của một nền triết lý thực hành, chúng ta cũng không được phép gạt bỏ những quan niệm về triết học như một lối biểu tượng của con người cá nhân, hay con người tại thế, hay của con người ý thức về thân thể, cảm giác cũng như định mệnh của mình. Vào đầu thế kỷ 20, khi nhận ra hiện tính của con người, tức bản chất tại thế, hiện sinh, hiện thực, cũng như cảm giác đã từng bị các triết học duy lý, duy linh, duy vật và duy tâm gạt bỏ, những nhà triết gia thuộc trường phái hiện sinh khai quật những tư tưởng của Nghịch-Tài (Friedrich Nietzche) và Kỳ-Cơ-Nhã (Soren Kierkegaard) (hai triết gia vào cuối thế kỷ 19) về hiện thực tính của hữu thể. Những triết gia như Hải-Ðức-Cách (Martin Heidegger), Gi-Phi (Karl Jaspers) tại Ðức, Mạc-Sen (Gabriel Marcel), Sa-Thời (Jean-Paul-Satre), Ca-Mỹ (Albert Camus), v.v..., tại Pháp phát động phong trào tồn sinh và hiện sinh nhận định ưu tiên tính của hiện tính vuợt khỏi bản thể tính của con người (existence prior to essence).
Suy tư về hiện tính của con người là một phần quan trọng trong triết đông nhất là Việt Triết. Tuy không hoàn toàn đồng ý với nhiều chuyên gia nhận định là triết đông thiếu hữu thể học (ontology) cũng như trí thức luận (epistemology) và siêu hình học (metaphysics), chúng tôi phải chấp nhận là, triết học ở Việt Nam trên thực tế là triết hiện sinh. Hai luận văn của Giáo Sư Vũ Ðình Trác về triết học của Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Du chứng minh rõ điều này. Tuy thế, chúng ta phải chú ý là, khi nói tới hiện sinh, ý nghĩa chính là hiện tính tức tính chất hiện thể và thực thể của cuộc sống nhân sinh, chứ không phải cái hiện tượng của thân thể như thấy trong các phân tích của Sa-Thời, Ca-Mỹ và nhất là Mặc-Lự Phong-Ðệ (Merleau-Ponty).
10. Triết Học chỉ là một công cụ phân tích
Ðây là một lối nhìn cho triết học chỉ là một công cụ để giúp tư tưởng, hay ngôn ngữ minh bạch, và không hồ đồ. Lối nhìn này, tuy kế tiếp truyền thống duy nghiệm và thực nghiệm của các nhà triết học người Anh, phát triển mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 20 tại Anh và Mỹ. Nhà triết học người Áo, ông Vỹ-Cân-Ðan (ludwig Wittgenstein) có thể nói là một trong những triết gia quan trọng nhất của trường phái này. Tuy về cuối đời, triết gia họ Vỹ có đổi lối nhìn, nhận định vai trò của triết học vuợt khỏi vai trò phân tích, và triết học như là một cuộc phản ảnh của thế giới, song các đồ đệ của ông phát triển những kỹ thuật, nhất là môn luận lý [bao gồm tượng trưng (symbol logic), hình thái (modal logic), và hình thức (formal logic) cũng như luận lý thực chính luận (logical positivism)] và ngôn ngữ [nhất là ngôn ngữ nguyên tử (linguistic atom, hay atomic language)] đến một mức độ tinh vi. Chính vì thế, tuy triết học phân tích không đưa ra được những tư tưởng cải đổi thế giới, trường phái này hiện làm mưa làm gió trong các đại học tại Anh và Mỹ. Nên triết học này tương đối xa lạ với triết đông và Việt Triết. Tuy thế, chúng ta không được phép gạt bỏ, song phải siêu việt triết học phân tích, bằng cách áp dụng những kỹ thuật tinh vi của triết học này để tìm ra chân tính (truth) cũng như xác thực tính (exactitude) của Việt triết.
11. Triết Học là một môn khoa học xã hội, nhắm đến một tương thông tư tưởng và nhằm giải quyết những hiểu nhầm
Ngoài những trường phái trên, chúng ta nhận thấy còn có rất nhiều trường phái khác như phái lịch sử, phái Tân-Mã-Sỹ (Neo-Marxism), phái Kết-Cấu (Structuralism), phái Chuyển-Thích hay Thông-Diễn (Hermeneutics) và phái Hậu-Hiện-Ðại (Post-modernism). Những phái này tương đối xa lạ với triết đông. Tuy thế ảnh hưởng của chúng càng ngày càng lớn mạnh trong các giảng đường đại học tại Á Châu. Có những đường lối triết học có thể giúp ích cho chúng ta trong việc nghiên cứu Việt triết như lý thuyết chuyển thích, hay những phê bình của một số triết gia thuộc trường phái Tân Mã-Sỹ. Cũng có những luận đề rất đông phương thấy trong Hậu Hiện-Ðại thuyết. Trong bài có tính chất nhập môn này, chúng tôi xin được phép tạm gác lại một bên. Chỉ xin được bàn thêm vài lời về triết thuyết câu thông của ông Hà-Bác-Mã (Jorgen Habermas), lý do tôi thấy trong lý thuyết này có một số điểm mà Việt triết đã từng phát hiện. Một lý do khác là lý thuyết của ông Hà-Bác-Mã tổng hợp nhiều lý thuyết của nhóm Tân Mã-Sỹ, triết học chuyển thích và triết học phân tích. Trong phần bàn về bản chất của Việt Triết, chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào những chi tiết của triết thuyết này.
Theo Hà-Bác-Mã, vấn nạn chính yếu của con người là sự bất khả trong câu thông (communication) hay tương thông. Cái khó khăn của tương thông phát sinh từ sự việc:
1. hai chủ thể không có những ngôn ngữ tương đồng;
2. do sự khác biệt hay tương khắc về ý-hướng, trí hướng và tư lợi của hai chủ thể;
3. do sự khác biệt của môi trường cũng như điều kiện ảnh hưởng tới sự hình thành của con người sinh vật và con người xã hội, và do đó ảnh hưởng tới lối tư duy của mọi người;
4. sự khác biệt của phương pháp mà mỗi chủ thể áp dụng. Ngay cả phương pháp cũng bị ảnh hưởng của lối sống của con người. Không cần đi sâu vào chi tiết của lý thuyết Hà-Bác-Mã, chúng ta đã nhận ra một điểm, đó là việc họ Hà nhấn mạnh đến tính chất tương quan của tương hộ chủ thể (Inter-Subject), chứ không theo lối nhìn của nhóm duy lý, phân biệt chủ thể và khách thể (subject-object), và nhấn mạnh tới chủ thể, hay lối nhìn nhị nguyên coi khách thể như là một ngoại tại đối lập với chủ thể (objecttum). Ðồng thời, ông cũng tổng hợp hai lối nhìn của duy vật và duy linh: đối với ông cái lợi ích (interest) đồng thời cũng là tri hướng (intellectual interest), và là chí hướng (emancipatory interest). Do đó con người là một con người toàn thể chứ không chỉ duy vật hay duy tâm, hay duy linh. Những lối nhìn này rất tương đồng với lối nhìn của Việt Triết về con người và xã hội, con người và Thượng Ðế, và con người với con người (Thiên, Ðịa, Nhân).
Giáo Sư John B. Trần Văn Ðoàn
Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan
Nguồn: http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/thanhoc/chhuong.htm
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!