Câu chuyện giáo dục ( 6)

Cần đập vỡ bao nhiêu quả trứng?


Isaiah Berlin (1909-1997)

Cần và được phép đập vỡ bao nhiêu quả trứng để có được một đĩa trứng rán lý tưởng mà có lẽ chẳng bao giờ có được trên đời này? Isaiah Berlin (1909-1997), tác giả nổi tiếng của luận văn “Hai khái niệm về Tự do” (1958), trong một tác phẩm khác, đã đặt câu hỏi đầy băn khoăn như thế đối với mô hình giáo dục lý tưởng kiểu Platon.

Từ giác độ của “nạn nhân”, câu hỏi sẽ trở thành: bao nhiêu quả trứng đã bị đập vỡ cho một giấc mơ lý tưởng? 

BA NIỀM TIN CHẮC NỊCH

Mô hình Platon, theo I. Berlin, gồm ba niềm tin chắc nịch: 

1. Đối với mọi câu hỏi, phải và chỉ có thể có một câu trả lời duy nhất đúng; mọi câu trả lời khác tất yếu phải sai;

2. Nhất định có một con đường đáng tin cậy để phát hiện những “chân lý” ấy; 

3. Các câu trả lời đúng - một khi đã được tìm ra - tất yếu phải phù hợp với nhau và kết thành một toàn bộ hoàn chỉnh, vì chân lý thì không thể tương thích với cái gì khác nó. 

Niềm tin thứ nhất là thuyết nhất nguyên trong triết học hay tôn giáo, xuất phát từ niềm tin vào sự hiện hữu của một - và chỉ một - nguyên lý nền tảng. Niềm tin này lan sang lĩnh vực khoa học, chính trị, xã hội, theo đó chỉ có một viễn tượng đúng để giải quyết vấn đề, còn những viễn tượng khác là không hoặc ít chính đáng hơn và câu trả lời của chúng nhất định phải sai. Ngay cả khi không hoặc chưa tìm ra câu trả lời đúng, người ta vẫn tin rằng chỉ có thể có một câu trả lời duy nhất đúng mà thôi.

Niềm tin thứ hai có tác động lớn đến tư duy giáo dục. Phải có một con đường đi đến chân lý và có thể tìm ra nó! Lý tưởng có ích gì nếu ta tuyệt nhiên không biết có thể đến gần hơn với nó hay không? Thế nhưng, sự hiện diện của một lý tưởng - dù hấp dẫn và tốt đẹp đến mấy - có nhất thiết bảo đảm sẽ có một con đường dẫn đến nó không? Chưa chắc! Tuy thế, niềm tin này vẫn cứ ăn sâu vào nền văn hóa giáo dục: vẫn có một con đường để đi từ hiện tượng đến bản chất, từ cái vô thường, tương đối đến cái vĩnh hằng, tuyệt đối. “You can get it, if you really want” (“Bạn có thể đạt được nó, nếu bạn thật sự mong muốn”), hầu như là tín điều khó lay chuyển của mọi nỗ lực sư phạm.

Niềm tin thứ ba là về sự hài hòa, trong đó mọi bộ phận đều phù hợp hoặc có thể trở nên hòa hợp với nhau trong một tổng thể. “Vương quốc” của những câu trả lời đúng là một cái toàn bộ có sự nhất trí nội tại, do đó, không có mâu thuẫn, hàm hồ, nghịch lý, nghĩa là, rành mạch, nhất phiến, không có bi kịch. Trong tâm thức ngày nay, niềm tin ấy tuy có trở nên khả nghi, nhưng vẫn chưa đánh mất sức hấp dẫn!

Nói chung, niềm tin rằng chân lý là cái gì có sẵn và có thể được tìm ra chứ không phải được cấu tạo nên, là hòn đá tảng của tư duy siêu hình học Tây phương kết hợp từ hai truyền thống lớn: tư duy Hy lạp - Platon và đức tin Kitô giáo. Dưới nhiều hình thức khác nhau, niềm tin này hóa thân vào trong nhiều lý tưởng luân lý, giáo dục, chính trị, xã hội cho tới ngày nay. Ít ra là ở hai “thái độ” cơ bản: tin rằng tư tưởng có thể thay đổi thế giới, và tin vào sự phát triển ngày càng cao hơn (tuy có thể có sự bất liên tục) của cá nhân, xã hội và, thậm chí, của cả nhân loại. 

Dưới ánh sáng của “lý tưởng đúng”, xã hội và nền luân lý cần được biến đổi. Câu hỏi chỉ còn là: điều gì sẽ xảy ra khi không phải ai cũng chia sẻ lý tưởng ấy hoặc xem đó là mục tiêu để phấn đấu. Trong khi Karl Popper nhận ra mầm mống của tư tưởng toàn trị trong mô hình Platon và lưu ý rằng con người có quyền hy sinh cho lý tưởng của riêng mình, nhưng không nên bằng “máu của người khác”, thì Max Brod viết một cách mạnh mẽ: “địa ngục ắt sẽ không hoàn chỉnh, nếu thiếu những lời hiệu triệu của… thuyết duy tâm (thuyết lý tưởng)”!

Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục, mô hình lý tưởng tỏ ra ít nguy hại hơn, vì dường như không thể thiếu việc nhìn con người theo khả thể hơn là theo hiện trạng của họ. Giáo dục sẽ ra sao nếu không có lòng tin vào năng lực tiềm tàng của trẻ em và không có sự tin cậy được “ứng trước” cho thầy cô giáo? Bạn có yên tâm giao phó con em mình cho những người thầy không có “tâm hồn” và lý tưởng?

TỪ TẦM CAO CỦA LÝ TƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ GIÁO DỤC THỰC TẾ

Một trong những vấn đề lớn của mô hình giáo dục lý tưởng nằm ngay trong “tầm cao” của lý tưởng! Lý tưởng không nhất thiết lúc nào cũng “phi thực tế”, nhưng sẽ mất đi sức hấp dẫn khi nó đòi hỏi quá nhiều và quá cao nơi con người. Một khi cái “phải là” và cái “có thể là” có khoảng cách quá xa, lý tưởng sẽ đẩy con người vào chỗ thất vọng, yếm thế, chán chường hơn là nâng họ lên khỏi thực tế tầm thường. 

Một cách tóm tắt, người ta có thể nêu những điểm yếu không thể phủ nhận của mô hình lý tưởng trong giáo dục: 

1. Xã hội công nghiệp hiện đại đặt ra những yêu cầu cho nhà trường và giáo dục mà mô hình lý tưởng ít có khả năng thỏa ứng;

2. Mô hình ấy thiếu một quan niệm về “giáo dục kỹ thuật”;

3. Mô hình “duy thực” mà ta sẽ làm quen tiếp theo đây tỏ ra đáp ứng nhiều yêu cầu của thời đại một cách hiệu quả hơn;

4. Mô hình lý tưởng có thể trở nên đặc tuyển, đặc quyền và ít quan tâm đến sự bình đẳng xã hội trong thế giới dân chủ hiện đại.

Tuy vậy, mô hình ấy vẫn có những điểm mạnh không thể xem nhẹ:

1. Nhờ mô hình lý tưởng, con người ngày càng đạt tới những thành tựu giáo dục và khoa học ở mức độ cao;

2. Chú ý nhiều đến việc vun bồi nền văn hóa tinh thần trong lĩnh vực giáo dục, nhất là giáo dục đạo đức và tính cách;

3.Đặt vai trò người thầy vào trung tâm của trách nhiệm giáo dục;

4. Nhấn mạnh viễn tượng “nhân bản” trong đời sống cá nhân và xã hội. 

Trong “hoàn cảnh hậu-hiện đại” của một xã hội toàn cầu hóa ngày nay, mô hình lý tưởng trong giáo dục dễ trở thành đối tượng của sự nhạo báng và nghi ngại. Tuy nhiên, vẫn không đủ lý do để hoàn toàn loại bỏ nó, hay, để nói ngược lại với Max Brod: trần gian ắt sẽ không hoàn chỉnh, nếu thiếu đi những lời hiệu triệu của mô hình lý tưởng trong giáo dục!

Bùi Văn Nam Sơn
(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 6, 24.10.2013)
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất