Bàn về tinh thần công dân và vấn đề giáo dục tinh thần công dân trong xã hội dân chủ

“Công dân là cá nhân về chính trị”
(Trần Đình Hượu)

Nhân loại đang phát triển và hình thành những hệ thống giá trị chung. Các quốc gia đang tiến lên xây dựng xã hội dân chủ và phát triển đất nước theo hướng đặt con người làm trung tâm, lấy con người làm mục tiêu. Đó là hướng phát triển mới của nhân loại. Tuy nhiên, mức độ và tiến trình xây dựng xã hội dân chủ ở các quốc gia lại khác nhau tùy vào điều kiện phát triển của đất nước đó. Một vấn đề chung đặt ra là làm thế nào để nâng cao tinh thần dân chủ của người công dân. Từ Montesquieu của thời đại Khai sáng đã đặt ra vấn đề này nhưng hơn hai thế kỷ rưỡi qua nó vẫn là vấn đề nan giải, nhất là ở các nước đang giai đoạn đầu bắt tay vào xây dựng nền dân chủ.



Từ Thần dân đến Công dân


Con người, thoát khỏi giới động vật không phải thành con người đúng nghĩa ngay được mà phải trải qua một quá trình tiến hoá liên tục. Khi xã hội loài người hình thành cũng là thời điểm con người xuất hiện với tư cách là con người sơ khai. Nhà nước xuất hiện và con người chính trị cũng xuất hiện. Từ đó, con người dần hình thành và phát triển các thể năng khác nhau để hoàn thiện thành Người như trong xã hội dân chủ hiện đại.

Thể năng có thể hiểu là năng lực thể hiện bản thân, thể hiện cái cá nhân của con người xã hội. Từ trong lịch sử hình thành dân tộc và nhà nước, con người Việt Nam cũng trải qua những thể năng khác nhau trong xã hội từ Thần dân đến Công dân. Có thể nói, đó là một quá trình tiến hoá lâu dài để hình thành con người Công dân. Từ xã hội phong kiến trở về trước, con người Việt Nam (trong cái chung của các nước phương Đông) là con người Thần dân. Khi xã hội dân chủ xuất hiện ở Việt Nam thì con người Công dân cũng được hình thành.

Thần dân là con người quy phục, trước hết là quy phục tự nhiên. Mọi sinh hoạt trong xã hội truyền thống đều thể hiện rõ sự quy phục tự nhiên của con người. Tiếp theo là sự quy phục con người, quy phục Vua, quan. Nói chung, là Thần dân nên con người không tồn tại một cách đúng nghĩa mà phải sống dưới lốt của cộng đồng, nương nhờ vào lòng thương cảm của thần thánh và Vua. Như Trần Đình Hượu phân tích: “Xưa kia người nông dân không có gì cả: thân thể của cha mẹ, tấc đất của cải thì của làng, của nước, của vua, số phận thì do mệnh trời… muốn tồn tại phải dựa vào làng, vào cộng đồng để xin lòng thương của mọi người, ngõ hầu xà xẻo chút gì đó của cộng đồng mà sống” [Trần Đình Hượu, 2007: 295].

Đặc tính của Thần dân là chấp nhận sự an phận và chờ mong sự bố thí. Hai đặc tính này ăn sâu vào tâm thức của người Việt từ thưở sơ khai cho đến khi họ được coi là Công dân thì vẫn chưa thoái bỏ được hết.

Thần dân thực sự thức tỉnh cùng với sự tan rã của chế độ phong kiến. Đó là một hệ quả tất yếu của quá trình vận động và phát triển của nhân loại. Con người, từ Thần dân đến Công dân là quá trình nhận thức về tự do, là kết quả của cuộc đấu tranh đòi tự do.

Ở Việt Nam, quá trình từ con người Thần dân đến con người Công dân còn mang một nét khác biệt là tồn tại một giai đoạn trung chuyển ngắn vào đầu thế kỷ XX với sự xâm lược của Thực dân Pháp và hình thành một con người mà như Trần Đình Hượu gọi là con người Quốc dân: “Đầu thế kỷ XX, chúng ta mới có người quốc dân chứ chưa phải người công dân. Quan hệ của chúng ta mới dừng lại ở quan hệ cha chú, anh em chứ chưa có quan hệ có tính nhà nước, nghĩa là chưa có con người độc lập” [Trần Đình Hượu, 2007: 295]. Quốc dân khác Thần dân là họ không an phận thủ thường, không quy phục một cách gần như triệt để vào thần quyền mà đã có niềm tin vào bản thân, vào sự tranh đấu của con người. Nhưng họ cũng chưa ý thức được về bản thân của mỗi một con người cá nhân hay con người độc lập để thành con người như tự nhiên nó vốn có với đầy đủ quyền của tạo hóa ban cho, hay nhân quyền. Việc hình thành Quốc dân đầu thế kỷ XX bên cạnh sự phát triển về nhận thức của người Việt, về phát triển khoa học kỹ thuật, cũng thể hiện sự ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa phương Tây mà đặc biệt là văn hóa Pháp. Cùng lúc đó, chế độ phong kiến tàn lụi, thần không còn quyền, vương cũng không còn quyền. Nhưng dân quyền và nhân quyền chưa xuất hiện.

Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 đã đưa lịch sử Việt Nam sang một trang mới: Đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng cũng đưa con người đến một thể năng khác là con người Công dân. Con người Công dân xuất hiện đầu tiên trong lịch sử Việt Nam với cuộc phổ thông đầu phiếu năm 1946 bầu cử Quốc hội khóa I của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, trải qua hơn nửa thế kỷ, con người Công dân ở Việt Nam vẫn đang lửng lơ giữa một mức độ chưa đạt đến sự hoàn thiện. Điều này cũng thể hiện một chế độ dân chủ chưa được xây dựng đầy đủ ở Việt Nam.

Con người Công dân gắn liền với xã hội dân chủ. Xã hội dân chủ, như Nguyễn Trần Bạt định nghĩa “Là sự tôn trọng các quyền của cá nhân, là sự nhận thức được các quyền ấy của cá nhân và cấu trúc nó thành ra các quyền pháp định”. [Nguyễn Trần Bạt, 2006: 207]. Theo đó, chúng ta không ngạc nhiên khi nói rằng chúng ta chưa phải là những con người Công dân thực thụ, hay công dân chuyên nghiệp của xã hội dân chủ. Vấn đề này nên xem xét từ hai phía nhà nước và người dân. Nhà nước đã thực sự tôn trọng các quyền của người dân, các quyền cá nhân của con người, đã thực sự tôn trọng nhân quyền hay chưa? Và về phía người dân, nhận thức về các quyền của cá nhân, của bản thân mình, của con người đến mức độ nào? Muốn cấu trúc các quyền cơ bản của con người con người Công dân thành các quyền pháp định thì nhận thức của người dân về vấn đề này phải đầy đủ và phải được tiến hành khi một nhà nước dân chủ thực sự được hình thành. Như xậy, xã hội dân chủ là một yếu tố cơ sở đề hình thành con người Công dân.

Con người Công dân gắn với nhận thức về nhân quyền. Nhân quyền là quyền con người. “Quyền con người không phải là các quyền chính trị đơn giản, quyền con người là nâng cao tính hiệu lực làm người, nâng cao mật độ hạnh phúc của đời sống con người” [Nguyễn Trần Bạt, 2008: 391]. Nói như vậy thì nhân quyền không phải là một vấn đề đơn giản mà ở mọi trình độ xã hội và trình độ con người đều nhận thức được. Hay nói cách khác, để nhận thức được về nhân quyền cần có thời gian và hội đủ điều kiện của xã hội. Tức là xã hội và con người phải phát triển đến một mức độ nhất định thì mới nhận thức được về nhân quyền. “Những xã hội lạc hậu chừng nào còn chưa hiểu được giá trị của nhân quyền thì cả nhà chính trị và người dân của họ đều không thể có được cảm hứng. Nếu chỉ coi dân quyền là đủ, mà tầm thường hóa hay không cần đến nhân quyền thì con người không bao giờ vươn tới được trạng thái Người vì không có đủ cảm hứng để phát triển”. [Nguyễn Trần Bạt, 2008: 28].

Tinh thần dân chủ và tinh thần công dân

Trong "Tinh thần pháp luật", Montesqiueu (1689 - 1755) lập luận: “Điều tôi nói về phẩm hạnh trong nước cộng hòa chính là tình yêu tổ quốc, cũng tức là tình yêu đối với sự bình đẳng. Đó không phải là phẩm hạnh của sự luân lý, cũng không phải phẩm hạnh của Thiên chúa giáo, mà là phẩm hạnh chính trị. Phẩm hạnh chính trị là động cơ thúc đẩy hoạt động của chính thể cộng hòa, cũng như danh dự là động cơ thúc đẩy chính thể quân chủ. Vì vậy tôi gọi phẩm hạnh chính trị là tình yêu tổ quốc và tình yêu bình đẳng” [Montesquieu, 1874: 37]. Lúc đó, nhà hiền triết của thời đại Khai sáng Pháp chưa thể khái luận về tinh thần dân chủ, nhưng ông đã đề cập được một vấn đề quan trọng mà ông gọi là phẩm hạnh. Phẩm hạnh, như Montesquieu thì đó là tình yêu Tổ quốc và tình yêu bình đẳng. Như vậy, nếu nói tinh thần dân chủ là phẩm hạnh chính trị thì quá đơn giản hóa tinh thần dân chủ. Bởi tình yêu Tổ quốc và tình yêu bình đẳng gắn liền với con người từ rất sớm trong lịch sử chứ không phải đến thời Khai sáng mới xuất hiện.


Từ khái niệm phẩm hạnh như trên, Montesquieu đã dẫn dắt đến một khái niệm khác rất quan trọng khác là Đạo đức dân chủ. Tinh thần dân chủ là sự thể hiện đạo đức dân chủ của con người đối với xã hội và đối với chính họ. Không chỉ những người dân thường mà cả nhà lãnh đạo đều phải có tinh thần dân chủ. Hay nói cách khác, Tinh thần dân chủ là nhận thức về các quyền con người, nhận thức về việc thực hành các quyền con người của người Công dân trong xã hội dân chủ. Và Tinh thần dân chủ cũng là yếu tố đảm bảo để xây dựng và thực hành nền dân chủ. Điều đó đòi hỏi con người phải xây dựng đạo đức dân chủ cho chính mình.

Montesqiueu (1689 - 1755)

Luận bàn vai trò của đạo đức dân chủ, Montesquieu đã phân tích: “Một khi đạo đức của nền dân chủ đã mất, tính tham lam lọt vào các trái tim, cái hư hỏng lồng vào tất cả mọi ngóc ngách của xã hội. Các ước vọng bị đổi mục tiêu: cái người ta vốn yêu thì người ta không yêu nữa, người ta thấy mình vẫn tự do, nhưng tự do làm trái pháp luật. Mỗi công dân giống như một một nô lệ trốn khỏi nhà chủ nô. Điều trước đây được coi là kỷ cương thì nay người ta coi là hà khắc. Cái trước đây được coi là luật thì nay họ coi là phiền nhiễu. Điều đáng lưu ý người ta coi là đáng sợ. Cách sống thanh đạm bị coi là thói hà tiện. Trước kia, tài sản của mọi công dân được coi như một phần của sự giàu có của quốc gia, thì nay kho tàng chung bị coi như sở hữu tư nhân. Nước cộng hòa chỉ là cái túi cho người ta bòn rút, và sức mạnh quốc gia chỉ còn là quyền lực của một vài công dân, là nơi phá rối của mọi người”. [Montesquieu, 1874: 55]. Hiện nay, nhiều ý kiến trong phân tích này đã được nhân loại vượt qua, vậy nên cần phải xem xét kỹ và tiếp thu chọn lọc bởi xã hội dân chủ hiện nay cũng khác với khát vọng của Montesquieu thế kỷ XIX.

Từ tinh thần dân chủ, con người Công dân tiến tới xây dựng tinh thần Công dân. Như vậy, tinh thần Công dân là sự thể hiện, sự thực hành tinh thần dân chủ, đạo đức dân chủ trong xã hội dân chủ. Để có tinh thần công dân, người Công dân phải nhận thức được tinh thần dân chủ và phải tự xây dựng đạo đức dân chủ cho bản thân và góp phần xây dựng đạo đức dân chủ trong xã hội.

Tinh thần Công dân gắn liền với tự do. Tự do để nhận thức và thực hành tinh thần Công dân. Tự do, như Nguyễn Trần Bạt nói, “đó là quá trình dịch chuyển song song giữa ý nghĩa và hành vi” [Nguyễn Trần Bạt, 2008: 15]. Tự do làm cho con người chủ động. Tính chủ động của con người là một dấu hiệu của tinh thần Công dân. Xã hội dân chủ càng phát triển thì tinh thần Công dân càng được đẩy mạnh và tính chủ động của con người càng được nẩy nở, bồi đắp và vun cao. Muốn được như vậy, phải đảm bảo sự tự do và nhận thức về sự tự do cho con người.

Vấn đề giáo dục tinh thần công dân

Cùng với sự phát triển chung của nhân loại, các quốc gia đều không ngừng mở rộng xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ. Xây dựng nền dân chủ là đi đúng hướng phát triển của nhân loại. Nếu một quốc gia có xu hướng phát triển xã hội phi dân chủ, phản dân chủ thì điều đó có nghĩa là đi ngược sự phát triển và sẽ có nguy cơ bị diệt vong.

Để xây dựng xã hội dân chủ vững mạnh, cần phải nâng cao tinh thần Công dân cho con người. Như đã phân tích trên đây, tinh thần Công dân phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của nền dân chủ, vào trình độ nhận thức của con người và nhiều điều kiện khác. Không phải mọi con người khi trở thành công dân đều có thể thực hành tinh thần dân chủ hay là phát huy tinh thần Công dân được ngay. Họ cũng cần phải được dạy học để thể hiện tinh thần công dân và trở thành công dân đúng nghĩa trong xã hội dân chủ.

Trong xã hội dân chủ truyền thống, ở mỗi con người luôn luôn tồn tại một bản năng hay cảm giác về việc thực thi tinh thần Công dân. Những cảm giác đó thể hiện ở nhiều góc độ và trình độ khác nhau và với mỗi con người cũng khác nhau. Tuy nhiên, con người đều có cảm giác đó. Và cần phải có niềm tin vào cảm giác bản năng đó của con người như Montesquieu đã tin: “Dân chúng rất giỏi khi họ chọn người để giao cho một phần quyền lực của mình. Họ chỉ cần xác định những điều mà họ biết, họ thấy, họ cảm nhận được. Dân biết rất rõ ai đã đánh thắng nhiều trận, nên họ có thể bầu ra một người chỉ huy quân đội. Nhân dân biết ông quan tòa nọ không nhận hối lộ, xử án cương quyết khiến nhiều người tham dự phiên tòa hài lòng, thế là đủ để họ bầu ông kia làm Thẩm phán. Dân rất nhạy bén biết tin một công dân kia trở nên giàu sang vì đâu, để họ bầu hay không bầu anh ta làm Nghị viên thành phố. Đó là những điều dân chúng học được nơi quan trường một cách sâu sắc mà ông vua không thể học được trong cung điện”. [Montesquieu, 1874: 49]. Trong xã hội dân chủ hiện đại, yêu cầu về tinh thần Công dân lên cao hơn và nó cũng không thể biểu hiện dưới dạng bản năng, cảm giác. Tinh thần công dân cần được biểu hiện thường xuyên, hàng ngày, có hệ thống. Muốn vậy phải giáo dục tinh thần công dân.

Giáo dục tinh thần Công dân là tổ chức hướng dẫn và thực hành về tinh thần công dân. Đất nước càng phát triển thì vấn đề giáo dục tinh thần công dân phải được đặt lên cao.

Giáo dục tinh thần Công dân, trước hết phải bắt đầu từ quan điểm xây dựng chế độ dân chủ. Phải dựng nền dân chủ mà trong đó, “Con người cần phải được xem như là đối tượng cao nhất. Mục tiêu của xây dựng nền dân chủ là vì hạnh phúc của con người chứ không phải vì nền dân chủ”. [Nguyễn Trần Bạt, 2008: 385].

Giáo dục tinh thần công dân, quan trọng nhất là giáo dục về quyền dân chủ cho công dân. Như phân tích của Nguyễn Trần Bạt: “Tổ chức và rèn luyện nền dân chủ chính là tổ chức tiếp cận với sự phát triển hay sự nới rộng một cách tự nhiên của khái niệm dân chủ… tức là phải giáo dục, tổ chức và rèn luyện các thói quen dân chủ, làm cho người dân ý thức về tự do, dân chủ”. [Nguyễn Trần Bạt, 2008: 386]. Cũng theo nhà nghiên cứu này, “Rèn luyện năng lực làm chủ của người dân chính là nâng cao năng lực hiểu các quyền cơ bản và biến các quyền cơ bản không chỉ trở thành kiến thức mà còn trở thành khát vọng của mình”. [Nguyễn Trần Bạt, 2008: 389].

Ở Châu Âu, các xã hội dân chủ phát triển nhất đều đang tìm cách đẩy mạnh giáo dục tinh thần công dân. Ví như ở Pháp, nhiều tỉnh vẫn tổ chức những cuộc thi về “Tinh thần công dân Châu Âu” (oncours Citoyenneté Européenne) để giáo dục thanh niên Pháp hiểu rõ hơn về tinh thần công dân Pháp và Châu Âu. Không những vậy, họ còn mời các nhà văn hóa nước ngoài đến trao đổi về tinh thần công dân. (Dương Thụy (2011). Điều này cho thấy họ rất chú trọng đến vấn đề giáo dục tinh thần công dân và thể hiện khát vọng làm chủ cuộc sống của người công dân nước họ.

Tóm lại, tinh thần công dân là một vấn đề quan trọng. Nếu nhận thức đầy đủ và tinh thần công dân và giáo dục tinh thần công dân thay vì xâm phạm, hạn chế tinh thần công dân thì xã hội dân chủ sẽ được xây dựng vững mạnh. Lúc đó, con người sẽ trở thành con Người thật sự với đầy đủ quyền, nghĩa vụ và không ngừng được nâng cao năng lực làm người, làm công dân./.

BÙI MINH HÀO

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Trần Bạt. 2006. Văn hóa và Con người. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Nguyễn Trần Bạt. 2008. Cội nguồn cảm hứng. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

3. Trần Đình Hượu. 2007. Các bài giảng về tư tưởng phương Đông (Lại Nguyên Ân biên soạn). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Montesquieu. 1874. De L’esprit des lois (Tinh thần pháp luật). Bản dịch của Hoàng Thanh Đạm (1996). Nxb Giáo dục và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khoa Luật, Hà Nội.

5. Dương Thụy.2011.Công dân Châu Âu: chỉ tự hào khi có đóng góp cho cộng đồng.(duongthuy.net).

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất