Ý kiến của tôi về các khiếm khuyết của hệ thống tri thức mà ở thời đại chúng ta được thừa nhận và được gọi là khoa học, như sau: chỉ những tập hợp tri thức, trong đó mọi tri thức được phân bố đồng đều như nhau và được hoàn thiện đồng đều như nhau, mới có thể gọi là khoa học đích thực. Trường hợp ngược lại, như hiện nay đang xẩy ra trong thế giới Kitô giáo, khi mà cái được xem là khoa học, thứ khoa học đích thực, đáng tin, chỉ là tập hợp, một mặt, của bản thân những tri thức đôi khi cần thiết cho các mục đích thực tiễn, đôi khi hoàn toàn chẳng cần cho bất kì ai, như các khoa học tự nhiên, sinh học, thiên văn v.v…, những khoa học đã được hoàn thiện tới chỗ tột đỉnh, và, mặt khác, đây lại là tập hợp của những chuyện bịa tạc nhằm biện hộ cho trật tự hiện hành hay đúng hơn là sự mất trật tự của đời sống, ví như tất cả các khoa lịch sử học, kinh tế học cũng như những thứ được gọi là khoa học pháp quyền, đồng thời, khi mà loại tri thức thứ ba, cần thiết và quan trọng nhất, như tôn giáo và đức lí lại không được thừa nhận, không được nghiên cứu, thì một tập hợp những tri thức như thế không thể nào có thể gọi là “khoa học”, tức là đối tượng quan trọng, đáng tin cậy và nghiên cứu
Đã nhiều lần tôi phát biểu quan niệm trên, bằng cách so sánh cái mà theo tôi có thể và cần phải xem là khoa học với một hình cầu mà trong đó các bán kính có độ dài bằng nhau và chúng được phân bố theo khoảng cách đồng đều như nhau từ bán kính này đến bán kính kia. Với so sánh như thế, tôi đã nói lên điều này: chỉ khi nào các bán kính và độ dài của chúng được phân bổ đều nhau, thì mới có thể xác lập được hình cầu, hệt như vậy, chỉ khi nào các tri thức được phân bố đồng đều với cùng một mức độ hoàn thiện, thì mới có thể xác định được cái có thể xem là khoa học đích thực; còn nếu như ở phía này thì các bán kính có độ dài lớn, nhưng phía kia bán kính lại có độ dài nhỏ, hoặc không có bán kính, thì sẽ không xác lập được hình cầu, hoặc ý niệm về hình cầu sẽ biến mất, cũng hệt như thế trong khoa học, việc đẩy sự hoàn thiện một phần nhỏ của các tri thức lên mức độ thật cao, nhưng lại coi thường, không đếm xỉa tới các phần khác, chẳng những không thể giúp xác lập được cái có thể gọi là khoa học, mà còn tạo ra một sự lắp ghép giả tạo những sản phẩm ngẫu nhiên của trí tuệ, khiến nhân loại đánh mất ngay cả bản thân ý niệm về cái có thể và cần được gọi là khoa học đích thực.
Vậy mà chính điều đó lại xẩy ra với cái được gọi là khoa học trong thế giới nguỵ Kitô giáo của chúng ta; và xẩy ra vì lí do (tiếp tục so sánh các tri thức với hình cầu), giống như muốn xác lập một hình cầu, trước tiên cần tạo ra ba đường kính có độ dài bằng nhau, vuông góc với nhau rồi sau đó, từ những góc vuông được tạo thành bời sự giao cắt của các đường kính ấy kẻ những đường kính cùng chung một độ dài, cách đều nhau, cũng như thế trong khoa học, nói chung, muốn xác lập nó, trước hết cần phải đặt được các nền móng cơ bản của tất cả tri thức tạo thành khoa học. Mà những nền móng như thế, cũng như các đường kính xác lập hình cầu, theo ý kiến không phải là của tôi, mà là của tất cả các nhà thông thái và các bậc thầy vĩ đại nhất của đời sống trên toàn thế giới, chỉ có ba: thứ nhất – học thuyết về cái tôi tách biệt với cái Toàn Thể, tức là học thuyết về linh hồn, – thứ hai – học thuyết nói về Toàn Thể là cái gì, nhờ đâu mà cái tôi nhân tính nhận ra mình là cái tách biệt, tức là học thuyết về Thượng Đế, và thứ ba – học thuyết về “tôi” phải có thái độ thế nào với cái Toàn Thể mà nó bị tách biệt, tức là học thuyết về đạo đức.
Hệt như việc phải xác lập các đường kính vuông góc với nhau thì mới có thể vẽ được các đường kính tiếp theo và xác định được các cung, cũng như vậy, trong công việc khoa học, với ý nghĩa đích thực của nó, chỉ khi nào đưa được ba học thuyết cơ bản nói trên vào nền móng của tất cả các loại tri thức, thì mới có thể phát triển tiếp tục các tri thức và giải quyết được vấn đề, trong số các tri thức, loại nào cần được chọn lựa trước, loại nào nên chọn lựa sau, cũng như mỗi loại trong đó cần được phát triển tới mức độ nào. Cho nên, nếu chưa có các học thuyết: về linhhồn, về Thượng Đế và về đạo đức thì chưa thể có tri thứ hợp lí, tức là chưa có cái có thể được gọi là khoa học.
Mà những học thuyết ấy thì vẫn hoàn toàn vắng bóng trong thế giới của chúng ta, và vì thế, như nó đúng phải thế, trong thế giới của chúng ta, cái được thừa nhận là khoa học, một lĩnh vực vốn dĩ được xem là công việc tối quan trọng, lại là một tụ hợp ngẫu nhiên của các bài tập vô tích sự và những tư tưởng thường có hại, chẳng những tước bỏ của con người khả năng có được một quan niệm hợp lí về cái có thể và cần phải trở thành khoa, mà còn làm mất cả khả năng có được một học thuyết đức lí nào đó gắn với khoa học ấy. Cuộc sống vô đạo đức của nhân loại ở thế giới của chúng ta có nguồn cội ở đấy, sự dối trá của khoa học cũng có nguồn cội từ đây. Và chẳng có lối nào khác để thoát khỏi cái vòng dối trá kia, ngoài việc thừa nhận sự giả dối của nền khoa học hiện hành cùng với nỗ lực xây dựng một thứ khoa học đích thực.
Theo tôi, khoa học đích thực, có thể và chỉ có thể là loại khoa học được đặt trên nền tảng của học thuyết tôn giáo – đạo đức về linh hồn hồn con người, về Thượng Đế và về đức lí, và khi mà nhờ đó, khoa học ấy không còn là phương tiện mua vui, giết thì giờ, nhằm thoả mãn sự hiếu kì nhàn rỗi, hay thoả mãn nhu cầu cải thiện vật chất ở mỗi một đẳng cấp của những kẻ giàu có như hiện nay, mà trở thành học thuyết về đời sống cần thiết cho hết thảy, trong cả ý nghĩa đạo đức, tinh thần, lẫn ý nghĩa thực tiễn và trở thành phù hợp với hết thảy, với toàn bộ nhân loại, trước hết là đẳng cấp cần lao, chứ không phải mỗi một giai cấp nhỏ bé của những người nhàn rỗi. Nhờ thế, khoa học ấy sẽ không còn bị mua và bán như hiện nay, không còn lâytì nghệ, là phương tiện cải thiện hoàn cảnh vật chất của mình, mà sẽ được truyền bá một cách tự nhiên, vô tư, vui sướng, như mọi thứ tinh thần, từ những người này sang những người khác.
Khoa học ấy sẽ như thế nào, nó sẽ xuất hiện trong những hình thức ra sao, trong nền khoa học này sẽ còn lại nhiều hay ít từ những gì mà bây giờ đang được xem là khoa học, chúng ta không biết và không thể biết, nhưng nhất định có thể nói, rằng nền khoa học ấy, khoa học của toàn thể nhân dân, sẽ hoàn toàn khác so với khoa học hiện nay, khoa học của mỗi một tầng lớp sa đoạ nhất.
Nhưng có thể những người tin vào khoa học sẽ nói, rằng xác quyết của tôi về nền tảng của tất cả các tri thức phải là học thuyết về linh hồn, về Thượng đế và về đức lí, là xác quyết võ đoán, rằng con người vẫn cần biết trọng lượng mặt trời, về các loài vi khuẩn, về nguồn gốc của các loài động vật, về 700 giống ruồi v.v… và v.v… nhiều hơn là cần biết xem nó là cái gì, cái gì là Toàn Thể, vì sao nó cảm thấy mình là tách biệt, và nó phải sống như thế nào. Tôi biết rằng, nhiều người ở thời đại chúng ta, do tin vào khoa học cũng như những người khác tin vào học thuyết của giáo hội, sẽ nói hoặc sẽ nghĩ như thế. Hệt như những người tin vào giáo hội vẫn nghĩ và nói rất chân thành và ngây thơ, rằng việc khẳng định toàn bộ tín ngưỡng là cốt sao để kính Chúa, yêu người đồng loại, là một khẳng định võ đoán, và rằng, biết được những tranh thánh nào có thể chữa lành bệnh và đích thị vào lúc nào thì bánh mì biến thành thánh thể v.v… là quan trọng hơn rất nhiều, cũng hệt như thế, những người tin vào khoa học cũng hoàn toàn thành thật tin chắc rằng ý kiến khẳng định học thuyết tôn giáo – đức lí chứa đựng bản chất của khoa học là ý kiến phi lí và cổ hủ, còn khoa học đích thực thì là sự hiểu biết, Sa hoàng nào và bao giờ đã gây chiến với ai, ai đã viết những bài thơ như thế nào, ngài R. Đã xác định quyền hạn của nhà nước hoàn toàn trái với những gì được ngài G. và ngài S.xác định ra sao, con đười ươi phát sinh từ đâu, bao giờ một ngôi sao chổi nào đó sẽ xuất hiện v.v… Những người này tin chắc đang đứng trên đỉnh cao của sự phát triển nhân loại chỉ vì họ đã dùng trí nhớ để nhét đầy đầu mọi thứ luận thuyết quàng xiên của những quý ngài khác nhau về các đối tượng vô dụng nhất đối với con người đến mức, chứng minh cho họ một điều gì đó chỉ hoàn toàn uổng công. Còn những ai người mà ở họ niềm tin mù quáng vào khoa học chưa hoàn toàn làm lu mờ khả năng có thái độ phê phán với cái mà họ gọi là khoa học, thì tôi thành khẩn cầu xin họ, sau khi họ đã hiểu rõ thực chất lí lẽ của tôi, hãy chỉ cho tôi, tôi sai lầm ở đâu.
Để những người phản biện tương lai của tôi không lạc ra ngoài bản chất của vấn đề, ở đây, một lần nữa, trong chừng mực có thể, tôi cố gắng trình bày ngắn gọn và rõ ràng bản chất thái độ chỉ trích và phủ định của tôi với những gì ở thời đại chúng ta đang được thừa nhận và được gọi là khoa học.
Tôi phủ định cái mà giữa chúng ta được gọi là khoa học vì rằng, toàn bộ những gì được gọi giữa chúng ta bằng cái tên ấy chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên của những tri thức cần thiết hoặc kì thú, hoặc mua vui cho một số người ít ỏi đã giải phóng bản thân khỏi lao động chân tay cần thiết cho đời sống và đã chất thứ lao động ấy lên cổ nhân dân – những người phần lớn không có được những tri thức sơ khai cần thiết nhất với họ.
Tôi phủ định cái trong giới chúng ta được gọi là khoa học còn bởi vì, những tri thức được xem là khoa học trong thế giới của chúng ta đang được mua và bán như mọi thứ hàng hoá, và vì thế chúng chỉ hợp với các giai cấp giàu có và một ít người trong nhân dân, mà hoặc là có những năng lực đặc biệt, nhất là có bộ nhớ để nghiên cứu những tri thức ấy, hay là những ngẫu nhiên đặc biệt của cuộc đời đã tạo cho họ khả năng lĩnh hội thứ khoa học có lợi theo ý nghĩa thông thường ấy để thoát khỏi môi trường của nhân dân lao động và, nhờ “khoa học” ngồi lên đầu lên cổ họ.
Cái chính, tôi phủ định những gì được gọi trong giới chúng ta là khoa học bởi vì, thứ “khoa học” ấy chẳng những không bao gồm những tri thức cần thiết nhất của nhân loại về linh hồn, về Thượng Đế và về đức lí, mà ngược lại, còn cố ý coi thường những tri thức ấy, xuyên tạc chúng hoặc truyền bá những học thuyết sẽ phải thay thế chúng. Bởi thế, tất cả những gì ở ta được xem và được gọi là khoa học chẳng những không phải là cái chân thực hiển nhiên và tốt lành với nhân dân, với toàn thể nhân dân, như đám con nhang đệ tử của “khoa học” vẫn tỉ tê đường mật, mà còn là thứ lừa bịp thô bỉ và tàn độc, giống như sự lừa bịp giáo luật nhà thờ của Chúa Trời nơi giáo hội với mục đích: một mặt, thoả mãn những yêu cầu của óc tưởng tượng, của trí não và thậm chí của thói đa cảm ở những người nhàn rỗi, mặt khác, biện hộ cho thể chế đời sống phi luân, giả dối hiện nay.
9 tháng Mười Hai 1909
L. TOLSTOY (1828-1910)
Jasnaja Poliana
LÃ NGUYÊN dịch
Nguồn: vanhoanghean.vn
Không có nhận xét nào:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!