Thuyết Nhân học thời cổ


Về con người cổ không có ví dụ nào đúng đắn hơn là sử dụng nội dung cuốn sách Puggala Pannatti (Nhân Thi Thuyết ) của Phật giáo. Cuốn sách nói về các dạng người sở dĩ rất tuyệt vời bởi vì không chỉ có hệ thống, có thể dẫn dắt người đọc một cách hoàn hảo bởi sự phân loại các tính cách một cách hiện đại, mà còn vì đưa ra hình ảnh rõ ràng về tính chất nhân học thời cổ.

Nếu ai đó đặt câu hỏi, cái gì là đặc trưng của thuyết nhân học cổ, có thể trả lời ngắn gọn như sau: đặc tính nổi bật của nhân học dựa trên nền tảng của thời kỳ cổ và truyền thống là: tính chất tôn giáo hóa. Tri thức nói về con người nằm trên sự nhận thức của linh hồn. Nhưng linh hồn không bao giờ có thể hiểu được từ thiên nhiên, và giữa bất kỳ môi trường nào: duy nhất chỉ hiểu được từ phương pháp siêu nhiên, hay còn gọi là từ cách nhìn tôn giáo.

Nhân chủng học ngày nay, nhất là thuyết tính cách học cho rằng: hiện thực đầu tiên là thể loại và tính cách, là cái phi bản chất và hời hợt, thuần túy vật chất tự nhiên và là mặt nạ. Không thể hiểu được vị trí tuyệt đối của con người từ điều này: thể loại và tính cách của nó như thế nào, nó khoác lên mình tấm chăn phủ và mặt nạ ra sao.

Chỉ trong hiện thực tôi nhìn thấy con người, vị trí nó chiếm trong thế gian tôi chỉ nhận ra nếu tôi biết nó đang đứng ở đâu trên con đường đời của con người vĩnh cửu. Vị trí này trong thiên nhiên vật chất không thể tìm thấy; về điều này những tấm chăn phủ, mặt nạ, thể loại, tính cách không nói đến. Về điều này chỉ linh hồn biết, và nếu ai hiểu ra, cần phải đi hỏi các linh hồn. Bởi vậy thuyết nhân học đích thực ngay lập tức hướng về linh hồn; bởi vậy cần trở nên siêu nhiên, hay mang tính tôn giáo vì thế.

Mối quan hệ giữa lời tuyên ngôn và tôn giáo bao phủ lên mối quan hệ giữa sruti và szmriti. Bởi ngay từ buổi ban đầu đã có rất nhiều tư tưởng đáng ghi nhớ, nhưng lời tuyên ngôn chỉ có một; có nhiều tôn giáo, nhưng siêu hình chỉ có một. Rất nhiều tư tưởng đáng ghi nhớ cũng như rất nhiều tôn giáo thực ra chỉ là sự hành lời tuyên ngôn siêu hình duy nhất.

Siêu hình đứng bên trên tất cả các thực hành, như Lão tử đã nói: Đạo bảo rằng, đẹp thì đẹp thật, nhưng không thể ứng dụng; chính cái vĩ đại trong đạo là không thể ứng dụng, bởi sự ứng dụng sẽ dẫn tới sự chia cắt từng mảnh.

Các tôn giáo đều đưa đến tới sự cắt rời từng mảnh: bởi vậy những sáng tạo theo thời gian, những sáng tạo của con người sẽ mất, sẽ qua đi. Chỉ thời gian siêu hình còn lại trên tất cả, trên con người, vĩnh viễn; cùng với thế giới, bởi tinh thần và ý nghĩa của thế giới là logos, sự tuyệt đối.

Các tôn giáo là sự thực hành, ứng dụng của siêu hình: với các hoàn cảnh, các mối quan hệ, với những con người, các chủng loài, các thời đại. Bởi vậy nền tảng của các tôn giáo là siêu hình, nhưng không bao giờ tập hợp thành một thể hoàn chỉnh, thành lời tuyên ngôn siêu hình. Mọi tôn giáo chỉ là sự dính mắc với một bộ phận riêng rẽ phù hợp với mục đích và thời đại của tôn giáo ấy, và đẩy những điều này lên thành các ưu tiên.

Đạo Phật nâng hai tư tưởng của lời tuyên ngôn lên cao vượt bậc: Sự lặp lại và sự giải thoát. Tư tưởng đầu tiên gọi là luân hồi (szamszara) và tư tưởng sau gọi là niết bàn. Trong khi những tư tưởng khác rập rình ẩn hiện xung quanh, nhưng thực chất tôn giáo đều chỉ nằm trên nền tảng hai tư tưởng này.

2.

Một chương của Puggala Pannatti (Nhân Thi Thuyết) tên là Abhidammo, là nhân học về tính cách của đạo Phật đánh dấu những bến đỗ giữa hai chặng đường của sự mê muội (luân hồi) và sự giải thoát (niết bàn).

Sự mê muội lầm lạc tất nhiên không phải hình ảnh bên ngoài, mà là sự đờ đẫn của linh hồn; là ý thức mê ngủ; là sự cùn nhụt mơ hồ do quên lãng của tăm tối mang đến. Còn sự giải thoát không là gì khác ngoài sự tỉnh táo, là ánh sáng hoàn hảo, là sự thanh toán với toàn bộ các lớp chăn ảo ảnh bao phủ và mọi sự nhầm lẫn.

Luân hồi (szamszara) là sự sợ hãi-đau khổ của nhốn nháo hỗn loạn vô nghĩa. Buddha, Đấng Giác Ngộ hoàn toàn đã dạy làm cách nào để giải thoát dứt hẳn sự sợ hãi-khổ đau này. Sự sống là đau khổ; nguyên nhân của sự đau khổ là u tối, là sự nhầm lẫn của bản thân linh hồn với cái phi linh hồn; sự u tối lầm lẫn sẽ tan, nếu linh hồn từ bỏ đồng nhất lầm lẫn này với bản thân nó; sự đau khổ sẽ chấm dứt nếu linh hồn vứt bỏ u tối lầm lẫn, và linh hồn thức tỉnh; con người sẽ được giải thoát.

Trên đây là lời tuyên ngôn. Gần như đồng nghĩa với siêu hình học.

Nhưng tôn giáo của đạo Phật nói: Ta không chỉ được giải thoát bằng sự nhập định huyền bí, cái gọi là sự thức tỉnh, mà còn có các hành động, lời nói, tư tưởng đạo đức, những quá trình xã hội cũng giải thoát cho ta.

Sự khác biệt cơ bản giữa siêu hình học của lời tuyên ngôn và các tôn giáo, là lời tuyên ngôn không nói về các phương pháp thức tỉnh-giải thoát. Siêu hình không ứng dụng lời tuyên ngôn; không chẻ nhỏ, xé nhỏ,”đạokhông dẫn tới sự chia, xé nhỏ”. Các tôn giáo lấy lời tuyên ngôn làm nền tảng và ứng dụng. Tôn giáo cho ta biết, trên nền tảng một trường hợp cụ thể, làm thế nào để thức tỉnh và giải thoát.

Thế là thế nào, khi con người kiệt sức và ở lại trạng thái kiệt sức?- Đấy là con người bị sức nặng của những sự vật độc ác ấn đè xuống. Nên con người này kiệt sức và ở lại trạng thái kiệt sức.”

”Thế là thế nào, khi con người hồi tỉnh, và một lần nữa hồi tỉnh?- Đấy là con người hồi tỉnh, có giác quan lành mạnh, có lòng tin, có cảm giác biết xấu hổ, có đạo đức, sẵn sàng hành động, có cái nhìn thấu suốt. Nhưng lòng tin trong nó không ở lại, không tăng lên mà ngót đi. Cảm giác biết xấu hổ, đạo đức bên trong nó, lòng sẵn sàng hành động, và thấu kính tỉnh táo không còn lại và tăng lên, trái lại bị ngót đi. Thế là con người một lần nữa lại kiệt sức.”

Sau những câu nói về sự thức tỉnh từ đắm chìm quên lãng trong vật chất, về sự lặp lại và về sự tăm tối bên ngoài, phân tích văn bản này không còn đặc biệt khó khăn. Hình ảnh đã rõ ràng: Con người hồi tỉnh, nhưng sự đờ đẫn trong nó vẫn quá mạnh, linh hồn vẫn ngu ngơ, cùn nhụt, mơ hồ, mù quáng để một lần nữa lại kiệt sức. Đi đâu? Vào bóng tối bên ngoài.

Câu hỏi tiếp theo: „ Thế là thế nào khi con người hồi tỉnh và ở lại trong trạng thái này?

Câu trả lời: „ Đấy là con người hồi tỉnh, có giác quan lành mạnh, có lòng tin, có cảm giác biết xấu hổ, có đạo đức, sẵn sàng hành động, có cái nhìn thấu suốt. Lòng tin trong nó không ngót đi cũng không tăng lên: còn lại đúng như thế. Cảm giác biết xấu hổ, đạo đức bên trong nó, lòng sẵn sàng hành động, và thấu kính tỉnh táo không ngót đi cũng không tăng lên: còn lại đúng như thế. Thế là con người đã hồi sức và ở lại trong trạng thái đó.” Đây là con người, sự tỉnh táo không tăng lên nhưng được gìn giữ. Con người này không lặp lại quá trình kiệt sức một lần nữa.

„ Con người vội vã đi từ bóng tối sang bóng tối như thế nào?- Đấy là con người, từ giai cấp thấp hơn tái sinh, hoặc bị chối bỏ, giữa những kẻ đi săn, hoặc giữa những người đan sọt, những tiểu công thương, hoặc giữa những kẻ cạo ống khói, trong những gia đình nghèo khổ ít thức ăn đồ uống, nơi đời sống chỉ là lo âu và rất ít khi có cái ăn. Đấy là con người xấu xí, có vẻ ngoài què quặt, bị hắt hủi, ốm yếu. Đấy là con người mù, mang bướu lưng, khập khễnh hoặc què. Không có cái ăn, cái mặc, không nhà cửa, xe cộ, không có phần trong hoa lá, hương hoa, tiện nghi, ánh sáng. Ngoài ra đấy là con người ác trong hành động, trong lời nói, trong tư tưởng…con người vội vã đi từ bóng tối sang bóng tối là như thế.”

3.

Thuyết nhân học dựa trên siêu hình học truyền thống khác với thuyết nhân học thời lịch sử, nhất là thuyết nhân học khoa học hiện đại ở chỗ: thuyết này ngày nay coi những đặc điểm, hình dáng, cái mẽ bên ngoài là hiện thực và hướng vào đó; còn thuyết nhân học truyền thống chỉ quan tâm tới vị trí thế gian của linh hồn, ngoài ra không nói về điều gì khác. Thuyết nhân học truyền thống mang tính phổ quát và chính xác; còn thuyết nhân học khoa học trừu tượng và mang tính cá nhân.

Những chương dưới đây làm sáng tỏ những điều này hơn nữa:

„ Con trai của thế gian. – Ai là con trai của thế gian? Kẻ giữa ba xiềng xích của thế gian không từ bỏ một thứ nào, và cũng không bước đi trên con đường dẫn tới sự giải thoát khỏi ba xiềng xích ấy, kẻ đó gọi là con trai của thế gian.”

Lời giải thích: Ba xiềng xích là ba hình ảnh mộng chính của sự mê muội vật chất hóa: lòng tin mù quáng vào cái TÔI trần thế của con người, sự nghi ngờ không ngừng của trí óc và sự khăng khăng giữ chặt những tập quán thói quen bên ngoài của xã hội. Kẻ nào bị ba xiềng xích này ràng buộc, và không bước tới con đường giải thoát khỏi những xiềng xích này, kẻ đó là con trai của thế gian.

„ Ý chí giữ chặt lấy cái mà nó yêu thích”. Sự yêu thích của con người này nhắm đến thế gian và ý muốn giữ lấy thế gian. Đây là kẻ hồi lại sức, nhưng một lần nữa lại kiệt sức.

„ Có khả năng tiến bộ. – Ai là kẻ có khả năng tiến bộ? Là kẻ mà hậu quả của hành động đã trải, hậu quả của sự hư hỏng hoặc độc ác đã làm, không ngăn nổi con đường của nó, kẻ có lòng tin, kẻ hiểu biết và có sức mạnh hành động, kẻ biết đạt tới con đường đúng, kẻ biết hoàn lương, đấy là kẻ người ta gọi là có khả năng tiến bộ.”

Lời giải thích: Nội dung nhân học chính xác của Abhadammos cuối cùng bao giờ cũng được làm sáng tỏ vì là điều cần cho con người, con người cần làm. Còn tính cách học hiện đại tạo ra những cơ cấu tính cách người trừu tượng mang tính ứng dụng, và cho rằng những cơ cấu đó là con người sống động. Thuyết nhân học hiện đại mang lại tri thức. Còn Abhadammos đưa vào tay con người công cụ, để giúp con người nhận biết vị trí của bản thân và giúp con người thức tỉnh.

Tất cả các thuyết nhân học truyền thống đều mang đến sự tỉnh táo.

„ Khả năng tái phát. – Ai là kẻ mang khả năng tái phát? Là kẻ có những khả năng bị ràng buộc và không bị ràng buộc vào đặc tính bên ngoài. Nhưng nó không tận hưởng những khả năng này theo ý thích, không tận hưởng thiếu sự mệt mỏi và gắng sức. Thế là rất có thể, kẻ này từ sự lười biếng, cẩu thả đánh mất một phần khả năng của mình. Kẻ như thế người ta gọi là kẻ mang khả năng tái phát.”

„ Khả năng chống lại sự tái phát.- Ai là kẻ có khả năng chống lại sự tái phát? Là kẻ có những khả năng bị ràng buộc và không bị ràng buộc vào đặc tính bên ngoài. Nó tận hưởng những khả năng này theo ý muốn, không mệt mỏi và gắng sức. Kẻ như vậy không thể bị mất một phần khả năng của nó vì sự lười biếng, cẩu thả được. Đấy là kẻ có khả năng chống lại sự tái phát.”

Lời giải thích: Khả năng ràng buộc với đặc tính bên ngoài là việc làm và lời nói; khả năng không ràng buộc với đặc tính bên ngoài là tư tưởng. Hình ảnh tái phát không cần giải thích cũng có thể hiểu được. Sự cẩu thả, lười biếng, ở đây nằm trong trục tư tưởng, là một loại u mê: kẻ cẩu thả, lười biếng, bất lực, mê muội –đời sống của kẻ ấy suy thoái.

Với khả năng tái phát, kẻ không lười biếng, là kẻ có khả năng chống lại sự tái phát. Sự giải thoát là con đường không có khoảnh khắc dễ dàng dẫn đến sự lười biếng, cẩu thả. Sự tỉnh táo không chịu nổi sự lười biếng cẩu thả. Sự tỉnh táo dẫn dắt trở lại trạng thái cổ.” Kẻ cam lòng và thực hiện hết nghĩa vụ của ngày thường nhật, Thượng đế mở cho kẻ đó vương quốc và sự bí ẩn của ngài.”

„ Thức tỉnh hoàn toàn. – Ai là kẻ thức tỉnh hoàn toàn? Đấy là kẻ đạt tới cả những việc trước đó chưa bao giờ nghe thấy, nhận biết những sự thật trước đó chưa bao giờ học đến, đạt tới mọi tri thức, là thày của mọi sức mạnh.Người ta gọi đấy là kẻ thức tỉnh hoàn toàn.”

Lời giải thích: là thày của các sức mạnh nghĩa là gì? Có nghĩa: người đó là chủ của các sức mạnh, các khả năng, tài năng trong con người họ. Sức mạnh tự bản thân nó không có giá trị. Nhưng được dẫn dắt đúng đắn, sức mạnh trở nên to lớn. Con người biết rằng sức mạnh không phải là cái TÔI. Không nhầm lẫn bản thân với các khả năng của mình. Không đồng nhất bản thân với các đặc tính của mình.

Bản thân con người: linh hồn. Là hiện thực không nắm bắt được, bất diệt trên tất cả, phi cá nhân, tuyệt đối. Các sức mạnh và các đặc tính không phải là hiện thực, mà là ảo ảnh của linh hồn. Kẻ nào biết và sống với điều đó, kẻ đó thức tỉnh. Là chủ của mọi sức mạnh. Kẻ đó biết tất cả.

4.

Môn tính cách học hiện đại soi sáng những nguyên tố tính cách của con người. Còn thuyết nhân học cổ truyền không làm sáng tỏ các nguyên tố mà chỉ ra đường đi của con người, nhưng một cách như nó tuyên bố: con đường mi đi không là gì khác, ngoài sự sống, và sự sống chính là mi.

Nỗ lực mà môn tính cách học hiện đại từ các nguyên tố, các đặc tính và các thể loại mong muốn hiểu được con người, hoàn toàn giống như từ khoa học muốn hiểu được truyền thuyết, từ trí óc muốn hiểu được trực giác tâm linh, từ kinh nghiệm bên ngoài muốn hiểu được siêu hình.

Nói ngắn gọn: từ cái thứ yếu muốn hiểu cái chính yếu. Mọi điều này đều viparjaja, là sự lộn ngược ý nghĩa một quan hệ căn bản: từ hiện thực thứ yếu muốn hiểu một hiện thực đầu tiên cơ bản.

Trong mọi trường hợp, điểm xuất phát của thuyết nhân học cổ là sự thống nhất của sự sống. Đây là ấn tượng đầu tiên cơ bản (primer). Tính cách con người, hình dạng, tính tình, sự say mê luôn luôn phụ thuộc vào vị trí nó chiếm trong sự sống. Không phải sự sống là bộ mặt của con người, mà con người là bộ mặt của sự sống. Trái ngược với thuyết nhân học hiện đại không đánh giá ý nghĩa sống, thuyết nhân học cổ bao giờ cũng ghi nhớ ý nghĩa của con người.

Nhân học cổ mang tính đẳng cấp: ở cấp thấp nhất là „ con trai của thế gian”, linh hồn đi từ bóng tối sang bóng tối, u mê, đờ đẫn. Đây là sự tuyệt vọng.

„ Loại người nào là trường hợp tuyệt vọng? – Là loại người vô đạo đức, độc ác, ý đồ xấu, lừa lọc, đạo đức giả, hợm hĩnh, hư hỏng, suy đọa, vô cảm, bẩn thỉu. Khi kẻ đó nghe thế này: „đây là con người hoàn toàn giải thoát, vứt bỏ mọi đam mê khỏi bản thân, thức tỉnh từ ảo ảnh và đạt đến sự thông thái” - Kẻ đó không hề nghĩ rằng: thế thì khi nào ta sẽ hoàn toàn giải thoát, khi nào ta sẽ rũ bỏ mọi đam mê khỏi bản thân, khi nào ta sẽ thức tỉnh từ ảo giác, khi nào ta sẽ đạt sự thông thái? Đây là loại người không có hy vọng.”

Ở cấp cao nhất là vị thánh hoàn hảo.” Kẻ trên con đường từ bỏ những dục vọng gắn với thế giới vật chất, kẻ thực hiện những khát vọng gắn với thế giới siêu việt, để từ bỏ tính ích kỷ, sự lơ đễnh, sự mù quáng, người ta gọi kẻ này là vị thánh hoàn hảo.”

5.

„ Ai là kẻ bỏ ngỏ không canh chừng cổng của các giác quan? –Kẻ thoáng thấy một hình dáng mắt gắn liền vào đó. Và nếu hậu quả của một khoảnh khắc không canh chừng là đam mê, hay sự tò mò, sự buồn bã hay nỗi đau đớn, nó không hề nghĩ sẽ phải ngăn chặn những thứ đó. Không canh chừng và trừng phạt đôi mắt. Nếu nghe âm thanh bằng tai, mũi ngửi thấy mùi hương, tay chạm vào đồ vật liền bị dính luôn vào đấy. Và nếu hậu quả của một khoảnh khắc không canh chừng là đam mê, hay sự tò mò, sự buồn bã hay nỗi đau đớn, nó không hề nghĩ sẽ phải ngăn chặn những thứ đó. Không canh chừng và trừng phạt đôi mắt. Đấy là kẻ người ta gọi là kẻ bỏ ngỏ không canh chừng cổng của các giác quan.”

„ Ai là kẻ lạc trên đường?- Kẻ đánh mất mình trong lời nói, đánh mất mình trong hành động, đánh mất mình trong tư tưởng, người ta gọi là sự lầm đường. Kẻ là nạn nhân của sự lầm đường này người ta gọi là kẻ lạc đường.”

„ Ai là kẻ giả nhân giả nghĩa? Đấy là kẻ tiếp tục lối sống đê hèn trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động, và để che dấu điều này, đầy những mong muốn giả tạo. Ô! đừng ai nhận ra và lật tẩy ta, nó mong muốn thế. Ô! đừng ai nhận ra và lật tẩy ta, nó nghĩ thế. và lựa chọn những từ ngữ để người khác đừng nhận ra. Và để người khác đừng nhận ra, trước đám đông nó sôi nổi. Nó thay đổi bản thân, đeo mặt nạ, lừa, nói dối, đánh lạc hướng, im lặng, trốn tránh, giữ bí mật, chui lủi, phủ nhận, không trung thực. Người ta gọi kẻ này là kẻ giả nhân giả nghĩa.”

6.

„ Ai là người tri thức trong sạch? Tri thức là sự chú ý, là trí tuệ, sự tìm kiếm, sự chăm chỉ, kỷ luật, trí óc sắc sảo, sự cân nhắc, sự sáng sủa, sự suy tính, thấu đáo, sự thông thái, ánh sáng, đấy là tri thức. Ai có tri thức như trên là kẻ tri thức trong sạch.”

„ Ai là kẻ hiếm có? Kẻ nhậy cảm và có ơn nghĩa là hai loại người hiếm có.”

„ Ai là kẻ đứng lại trên con đường tăm tối? – Đấy là kẻ không hối tiếc điều không cần hối tiếc, cái cần hối tiếc thì hối tiếc, là kẻ đứng lại trên con đường tăm tối.”

„ Ai là kẻ ngôn từ như thức uống của thượng đế?- Là kẻ ngôn từ cao quý, đẹp đẽ, thân ái, ấm áp, cảm động, dễ chịu, lôi cuốn, đấy là người có ngôn từ như thức uống của thượng đế.”

„ Ai là người có trái tim như kim cương?- Đấy là người đã thức tỉnh từ ảo giác cuộc đời, từ bỏ sự u mê đờ đẫn, đạt đến thông thái và tri thức, nhận biết về bản thân và thế giới, là người có trái tim như kim cương. Bởi vì trên trái đất không có gì cứng bằng kim cương, dù đá hay quặng, và cũng không gì làm xây xát và lu mờ được kim cương.”


HAMVAS BÉLA (1897-1968)

NGUYỄN HỒNG NHUNG dịch
từ nguyên bản tiếng Hung
Budapest 2012-05-10



Nguồn: http://triethoc.edu.vn/vi/chuyen-de-triet-hoc/phan-khoa-triet-hoc/nhan-hoc-triet-hoc/thuyet-nhan-hoc-thoi-co_10.html
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất