Triết lý là cái gì vậy?

Thưa Huân tước Russell, triết lý là cái gì vậy?

BERTRAND RUSSELL : Câu hỏi đó gây ra nhiều cuộc tranh luận đấy. Tôi không tin rằng sẽ có hai triết gia đáp y như nhau. Riêng tôi, tôi có thể nói với ông rằng triết lí là suy luận về những đầu đề chưa thể có một tri thức đích xác được. Và tôi nói vậy là trả lời riêng về phần tôi, chứ không trả lời thay cho một người nào khác.

Cụ có thấy triết lí và khoa học khác nhau ở chỗ nào không?

BERTRAND RUSSELL : Đại khái thì chúng ta có thể nói rằng khoa học là cái gì mình biết, mà triết lí là cái gì mình không biết. Định nghĩa đó đơn sơ; vì vậy mà chúng ta thường thấy những vấn đề triết lí chuyển qua khu vực khoa học.

Vậy, cái gì mình xác định được, chứng minh, khám phá được thì không còn là triết lí nữa mà thành khoa học ư?

BERTRAND RUSSELL : Phải. Và có nhiều vấn đề xưa kia mang cái nhãn triết lí, nay đã bỏ nhãn đó đi rồi.

Thế nào là triết lí tốt?

BERTRAND RUSSELL : Thực ra, tôi thấy triết lí có hai công dụng. Công dụng thứ nhất: duy trì sự suy tư về những môn mà chúng ta vẫn chưa thể sắp vào loại tri thức khoa học được; vì tri thức khoa học vẫn chủ bao gồm một phần rất nhỏ những vấn đề nhân loại chú điểm lợi ích vô cùng mà khoa học, ít nhất là lúc này, chưa bàn xét gì tới mấy; và nếu chúng ta không tưởng tượng gì khác ngoài những cái gì mình biết rồi thì tôi cho là đáng tiếc lắm. Tưởng tượng vũ trụ, đặt giả thuyết để mở rộng nó ra, đó có thể là một công dụng khác, theo tôi, quan trọng cũng không kém: là triết lí cho chúng ta thấy rằng có những điều chúng ta tưởng là biết rồi mà sự thật chưa biết. Một triết lí bắt chúng ta phải suy tư hoài về những cái chúng ta có thể biết được; mặt khác nó nhắc nhở chúng ta phải khiêm tốn, nghĩ rằng cái mà chúng ta cho là biết rồi, là tri thức, sự thực chưa phải là tri thức.



Triết gia Anh Bertrand Russell (1872-1970). Nguồn ảnh: http://yalebooksblog.co.uk



Cụ có thể cho chúng tôi biết vài suy tư nào đã đưa tới những kết quả cụ thể được chăng?

B.R : Được chứ. Chẳng hạn triết học Hi Lạp hồi xưa đưa nhiều giả thuyết mới đầu không thể kiểm chứng được, mà đời sau thấy là rất quí báu. Tôi nghĩ tới thuyết nguyên tử. Desmocrite đưa giả thuyết rằng vật chất gồm nhiều nguyên tử nhỏ xíu: hơn hai ngàn năm sau, chúng ta thấy rằng ý kiến đó đúng, mặc dầu Ông chỉ gợi ý ra như vậy thôi. Rồi như Aristarque nữa. Ông Aristarque này là người đầu tiên giả thiết rằng trái đất quay chung quanh mặt trời, chứ không phải mặt trời quay chung quanh trái đất; mà chính vì trái đất quay như vậy nên ta mới thấy các vì tinh tú mỗi ngày di chuyển trọn một vòng trên trời, chứ sự thực không phải vậy. Giả thuyết bị chôn vùi, bỏ quên, mãi hai ngàn năm sau, tới thời Copernic nó mới được đưa trở ra ánh sáng. Mà có phần chắc chắn rằng nếu Aristarque không nghĩ tới vấn đề đó trước thì Copernic cũng không bao giờ nghĩ tới.

Cụ có cho như vậy là nhờ một trực giác không?

B.R : Không đâu! Những người đầu tiên đưa ra những giả thuyết như vậy không thể bảo rằng: “Đây là chân lí”, mà chỉ có thể bảo: “Đây có thể là chân lí”. Có một trí tưởng tượng khoa học phong phú thì ông cũng có thể nghĩ tới vô số điều có thể đúng được. Đó là bản thể của khoa học. Ông bắt đầu suy nghĩ về một điều nào đó, rồi ông rán tìm xét xem nó có đúng không. Thường thường thì nó không đúng.

Tôi chắc Platon cho thuyết nguyên tử của Démocrite không đứng vững được?

B.R : Platon ? Ông ấy kinh hoảng lên chứ. Ông ấy bảo phải đem đốt hết các sách của Démocrite đi. Là vì Platon không thích khoa học. Ông ấy thích môn toán đấy, còn các ngành khác của khoa học thì ông không ưa.

Nhưng như vậy thì chẳng hóa ra triết lí tự lãnh nhiệm vụ phục vụ khoa học sao?

B.R : Phải, điều đó đúng một phần. Nhưng chắc chắn là triết lí không chỉ phục vụ khoa học mà thôi, vì có nhiều cái mà khoa học không nghiên cứu được. Chẳng hạn tất cả những cái gì liên quan tới vấn đề giá trị. Khoa học không thể bào cho ta biết là cái gì là tốt, là thiện, cái gì xấu, là ác - tôi nói về cứu cánh, chứ không nói về phương tiện.

Cụ có nhận thấy từ xưa tới nay các triết gia đã thay đổi thái độ, và độc giả, thính giả của họ cũng vậy không?

B.R : Cái đó còn tùy ông muốn nói về triết nào. Platon và Aristote đều cho rằng điều quan trọng là tìm hiểu thế giới (và tôi nghĩ rằng triết lí phải nhắm mục tiêu đó). Rồi sau các triết gia phải khắc kỉ nhấn mạnh vào luân lí- chúng ta phải khắc kỉ nghĩa là phải giữ vững chí của mình trong cảnh khốn cùng- riết rồi mọi người đều bảo có thái độ như vậy là có tinh thần “triết nhân”.

Cụ có cho Marx là một triết gia không?

B.R : Hiểu theo một nghĩa nào đó thì ông ấy là một triết gia, nhất định vậy. Nhưng có nhiều hạng triết gia. Có những nhà chống đỡ một trật tự, một tổ chức đã thành lập; lại có những nhà chỉ nhắm lật đổ trật tự, tổ chức đó; và dĩ nhiên Marx ở trong hạng sau. Cả hai thái độ đó đều không hợp với tôi: tôi cho đó không phải là nhiệm vụ đích thực của triết gia. Nhiệm vụ đích thực của triết gia không phải là thay đổi thế giới mà tìm hiểu nó- mà như vậy là trái hẳn với lời của Marx.

Cụ có tự đặt cụ vào một hạng triết gia nào không?

B.R : Từ trước tới nay tôi chỉ dám cho tôi mỗi một cái nhãn : phái nguyên tử về lô gích, nhưng thực ra tôi không chú trọng tới cái nhãn, trái lại coi đó là một điều nên tránh nữa.

Phải nguyên tử về lô gích là nghĩa làm sao?

B.R : Dùng tiếng đó là tôi muốn nói rằng muốn đạt được thực thể cái gì mình nghiên cứu thì phải dùng phương pháp phân tích- và ông có thể phân tích cho tới khi đụng phải những cái không thể phân tích được nữa, tức những cái nguyên tử lô gích. Tôi gọi những cái đó là nguyên tử lô gích vì nó không phải là những phần tử rất nhỏ của vật chất, mà là những phần tử rất nhỏ của những ý niệm mà tôi cho là thành phần của các vật.

Ngày nay trào lưu triết lí nào lớn nhất?

B.R : Phải phân biệt các xứ nói tiếng Anh và lục địa Âu châu. Các trào lưu tư tưởng ngày nay chia rẽ hơn hồi xưa. Hơn nhiều. Tại các xứ nói tiếng Anh, nhất là ở Anh, đã xuất hiện một triết lí mới, theo tôi, là do người ta muốn phân định cho triết học các khu vực riêng của nó. Lúc nãy tôi đã nói, cơ hồ như triết lí là một khoa học chưa thành tựu. Có nhiều người không thích lối nhận định như vậy. Họ muốn cho triết học một khu vực riêng của nó. Và như vậy họ đã tạo nên thứ triết học này mà tôi có thể gọi là triết học ngôn ngữ, nghĩa là thứ triết học không nhắm giải quyết một vấn đề mà chỉ cốt rọi thật nhiều ánh sáng vào ý nghĩa của vấn đề đó thôi. Về phần tôi, tôi không chấp nhận quan niệm đó, nhưng tôi có thể kể cho ông một thí dụ. Một hôm đi xe đạp lại Winchester, tôi lạc đường. Tới làng thứ nhất, tôi vô một tiệm nọ, hỏi thăm: “Ông làm ơn chỉ cho tôi con đường nào ngắn nhất lại Winchester”. Người đó không biết, hỏi lại một người khác ở phía trong mà tôi không thấy: “Một ông tới hỏi con đường nào ngắn nhất lại Winchester”. Người ở trong đáp: “Winchester ư ?- Ờ- Con đường ngắn nhất ư ? – Ờ – Tôi không biết”. Thế là tôi chẳng biết lại tiếp tục đi. Đấy, cái triết lí giới thiệu ở Oxford như vậy đó.

Nhận định cho đúng vấn đề mà không quan tâm tới cách giải ư?

B.R : Đúng vậy. Cách giải là công việc của người khác

Thế còn triết học ở “lục địa”, có nhận định vấn đề một cách khác vậy không?

B.R : Triết học ở “lục địa” đặt vấn đề một cách không tới nỗi “bần huyết” như vậy. Tôi không tán thành đó “đa huyết” hơn, gần với các triết học thời xưa hơn. Có nhiều triết thuyết gốc từ Kierkegaard, từ sự suy tư của ông về vấn đề hiện sinh. Người ta lại còn thấy cơ hội luận chiến với tôn giáo cổ truyền. Có một số như vậy đó. Nhưng theo tôi, chẳng có gì là quan trọng cho lắm.

Còn triết thuyết của riêng cụ, có ích lợi thực tế nào không cho một người muốn biết phải cư xử ra sao?

B.R “Ông hỏi câu đó thực hợp “tôi nhận được vô số thư của những người rất hoang mang không biết phải cư xử ra sao. Những người đó không còn nhắm theo những mục tiêu cổ truyền để tìm con đường hành động chính đáng nữa; và họ không phải nhắm theo những mục tiêu mới nào. Tôi thấy triết thuyết của tôi chủ trường có được một ích lợi này: nó giúp cho chúng ta quả quyết hành động cả những khi chúng ta không hoàn toàn chắc chắn rằng hành động của chúng ta quả thực là tốt. Tôi cho rằng chúng ta không nên chắc chắn về một cái gì hết. Nếu ông chắc chắn (về một cái gì) thì chắc chắn là ông lầm rồi, vì không có cái gì đáng coi là chắc chắn cả; và luôn luôn trong cái điều mà chúng ta tin, phải dành chỗ cho một chút hoài nghi nào đó; và mặc dầu hoài nghi như vậy, chúng ta vẫn phải có thể hành động một cách cương quyết. Xét cho cùng thì một ông tướng khi chuẩn bị giao chiến, cùng hành động như vậy, phải không? Ông ta đâu có biết chắc được quân địch sẽ làm gì, nhưng nếu ông ta có tài thì sẽ đoán đúng. Nếu vô tài, ông ta sẽ đoán sai. Mà trong đời sống thực tế, chúng ta phải dựa vào những cái có thể xảy ra mà hành động; và tôi cho rằng mục đích của triết học là khuyến khích chúng ta cứ hành động đi, không đợi phải được chắc chắn hoàn toàn.

Vâng, nhưng lại có bất tiện khác: bất tiện là làm cho thiên hạ hóa ra hoài nghi về những điểm mà dù đúng dù sai hộ cũng đã tin tưởng rồi. Như vậy chẳng là làm cho họ hóa hoang mang ư?

B.R : Phải, ngay lúc đó thì phải. Tôi cho rằng có một chút hoang mang là điều cần thiết cho sự luyện tinh thần, nhưng một chút tri thức về khoa học có thể dằn họ, tránh cho họ khỏi bị nhồi lên nhồi xuống khi họ hoài nghi, vì có lúc họ phải hoài nghi.

Theo cụ thì tương lai triết học sẽ ra sao?

B.R: Tôi không cho rằng sau này sẽ được coi trọng như thời cổ Hi Lạp hoặc thời Trung cổ. Tôi thấy sự tiến triển của khoa học nhất định làm cho triết học mất quan trọng đi.

Hiện nay chúng ta có lẽ có nhiều triết gia quá chăng?

B.R : Tôi nghĩ rằng một triết gia không nêu đưa ý kiến về vấn đề đó. Để các người không phải là triết gia đưa ý kiến thì phải hơn.

Xin cụ tóm tắt ít lời cho chúng tôi biết theo cụ thì trên thế giới này, trong những năm sắp tới, triết học quan trọng ra sao?

B.R : Tôi nghĩ rằng trên thế giới hiện đại, nó quan trọng lắm. Trước hết, như tôi đã nói, nó cảnh cáo chúng ta, nhắc nhở chúng ta rằng có những vấn đề rất nghiêm trọng mà khoa học – ít nhất là lúc này- chưa thể nghiên cứu được, mà thái độ khoa học, chỉ thuần túy khoa học thôi, không phải là thái độ thích hợp. Lại thêm, triết học làm cho chúng ta có tinh thần khiêm tốn hơn; nhờ triết học mà chúng ta nhận ra được rằng có nhiều điều hồi xưa cho là chắc chắn, thì bây giờ đã thấy là sai; và chúng ta không thể dùng con đường tắt mà đạt tới tri thức được. Loài người phát giác được rằng trong cái việc rất khó khăn tìm hiều vũ trụ- triết gia nào cũng phải nhắm mục đích ám tàng đó- cần phải mất nhiều thì giờ và phải có tinh thần không võ đoán mới được.

Bertrand Russell.

Nguồn: Bertrand Russell. Thế giới ngày nay và tương lai nhân loại, Nguyễn Hiến Lê dịch Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1996. Phiên bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
1 Comments

1 nhận xét:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất