Nhà nước lý tưởng của Aristotle



Aristotle (384-322 TCN, nhà triết học cổ đại Hy Lạp), giống như Plato, xây dựng học thuyết nhà nước lý tưởng trên nền tảng bản chất con người. Tuy nhiên, khác với Plato, ông đặt ra vai trò và lợi ích của nhà nước lên trên quyền lợi và tầm quan trọng của cá nhân.

Aristotle cho rằng con người, về bản chất, là một tạo vật có tính xã hội và chính trị, rằng cá nhân không thể có đời sống ẩn dật chỉ kéo dài một sự tồn tại khác thương, một đời sống dẫn đến sự biến dạng tính cách của anh ta. Đời sống cô độc đi ngược lại bản chất và lợi ích của con người. Thực tế, Aristotle nhận định, mục đích trong đời của mỗi cá nhân là thực hiện toàn mãn bản chất của mình để trưởng thành, thăng hoa và hưởng thụ hạnh phúc. Trong chuyến hành trình cuộc đời ấy, điều tốt đẹp nhất (hạnh phúc) chỉ có thể đạt được ở môi trường xã hội.

Với cái nhìn như thế, xã hội không được tạo ra vì con người, vì thiên hướng và lợi ích của con người. Trên tất cả, nó là một thực tại có ý nghĩa sống còn đối với nhân loại, là một nhu cầu không thể thiếu của cuộc sống con người. Chính vì lẽ đó, đạo đức xã hội (thể hiện qua đời sống chính trị) phải được đặt trên một đạo đức cá nhân. Khi cần thiết, mỗi cá nhân phải tự nguyện hy sinh cho lợi ích quốc gia. Thực chất, không phải xã hội cần đến con người mà ngược lại, con người phải cần đến xã hội; bởi lẽ xã hội là một thực tại có giá trị đạo đức, phát sinh từ những nhu cầu thiết yếu của nhân loại.

Mục đích của nhà nước

Để phát triển một cách lành mạnh, thoả mãn mọi nhu cầu như: sinh lý, giao tiếp, trí tuệ, văn hóa v.v..., con người phải sống cuộc đời của mình bên trong khuôn khổ xã hội (social matrix). Hơn nữa, do được hình thành từ một ý tưởng tốt lành, hướng đến mục đích đạo đức và xã hội nền tảng luân lý, nhà nước chính là chỗ dựa cần thiết cho mỗi cá nhân trong quá trình hoàn thiện bản thân và thành tựu hạnh phúc trong đời. Mục tiêu cơ bản của nhà nước là tạo điều kiện cho mỗi công dân được hưởng một cuộc sống thư nhàn, có cơ hội nhận thức được giá trị tối thượng của con người. Đó là cuộc sống hướng đến các giá trị văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị, khoa học và trên tất cả, triết học.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong xã hội của Aristotle, quyền công dân chỉ được dành cho các tầng lớp thượng đẳng (upper classes); tầng lớp nô lệ và nông dân, do đời sống nghèo khổ, bị buộc phải lao động. Bởi vì chỉ có các tầng lớp thượng đẳng hưởng được cuộc sống thư nhàn và đắm mình trong các hoạt động nghiên cứu chính trị, khoa học, triết học, v.v..., chỉ riêng họ mới có cơ hội đạt được hạnh phúc, điều tốt đẹp nhất của cuộc sống và là sản phẩm có giá trị nhất được tạo ra từ hoạt động trí tuệ ưu việt của con người.

Nhà nước lý tưởng

Theo Aristotle, chính thể lý tưởng là vấn đề mang tính tương đối; không thể có thể chế tối hảo cho mọi dân tộc, cho mọi thời đại. Một chính thể được xem là "tốt đẹp" khi giới cai trị quan tâm đến vấn đề an sinh của dân chúng; trong khi một chính thể bị xem là "thối nát" khi giới cai trị quan tâm chủ yếu đến mục đích tư lợi. Do vậy, một chỉnh thể "tốt đẹp" có thể bị tha hoá và rơi vào tình trạng "thối nát" nếu giới cai trị bắt đầu mưu cầu tư lợi, lơ là trách nhiệm đối với vấn đề an sinh cộng đồng. Xét từ cái nhìn đó, mỗi chính thể tốt đẹp đều có một hình thức thối nát tương ứng với nó.

Chính thể tốt đẹp
Chính thể thối nát
Quân chủ (Monarchy)
Quý tộc (Aristocracy)
Hợp tiến (Polity) 
Độc tài (Tyranny)
Đầu sỏ (Oligarchy)
Dân chủ (Democracy)

Như đã đề cập, trong chính thể quân chủ, quyền điều hành tối thượng thuộc về một nhà lãnh đạo đức độ và thông tuệ, người quan tâm đến phúc lợi cộng đồng. Chỉ khi nào người đảm nhận cương vị ấy không nghĩ đến lợi ích của dân chúng, bắt đầu thâu tóm quyền lực và tiền của, chính thể ấy mới rời vào tình trạng độc tài.

Tương tự, trong chế độ quý tộc, quyền điều hành thuộc về nhóm quý tộc (công dân) có phẩm chất và năng lực ưu việt. Khi quyền hành ấy rơi vào tay của một nhóm người chỉ quan tâm đến việc lạm dụng chức quyền để mưu cầu tư lợi, chế độ quý tộc bị thao túng bởi các nhà tài phiệt, trở nên thối nát và thoái hoá thành chính thể đầu sỏ.

Cuối cùng, chính thể hợp hiến, được điều hành bởi một số người dân có phẩm chất xứng đáng, chỉ thoái hoá thành chế độ dân chủ khi đa số giới cầm quyền phớt lờ lợi ích của Nhà nước và quần chúng, lạm dụng chức quyền để mưu cầu tư lợi. Trong chính thể dân chủ, quần chúng quyết định các chính sách quốc gia vì lợi ích cục bộ hơn là vì lợi ích của đất nước.

Điều tiết cơ cấu hành chính

Aristotle áp dụng nguyên tắc "tiết độ trong mọi sự" vào vấn đề thẩm định cơ cấu của một quốc gia. Thí dụ: Liệu bộ máy chính quyền hiện tại có quá nhỏ, hay quá cồng kềnh so với dân số, điện tích của đất nước, hoặc so với dân trí?

Ông đi đến kết luận rằng một nhà nước lý tưởng phải có đa số dân thuộc tầng lớp trung lưu. Tầng lớp nghèo khổ chiếm đa số sẽ là một gánh nặng đối với vấn đề an ninh quốc gia; đồng thời, sự vượt trội về số lượng người giàu thuộc tầng lớp thượng lưu cùng tạo ra tình trạng mất cân đối về mặt phân phối phúc lợi và quyền lực trong đất nước. Giới trung lưu chiếm đa số và quyền điều hành thuộc về giới trung lưu là điều kiện "lành mạnh nhất" đối với sự phát triển của một quốc gia.

"Mọi hình thức thái quá đều phải được loại trừ". Dành quá nhiều nhân lực cho một chức nghiệp nào đó sẽ phá vỡ sự cân bằng và ổn định của một đất nước. Ngoại trừ giới trung lưu, quá nhiều phục vụ cho một lãnh vực nào đó, sẽ gây phương hại thậm chí huỷ hoại cả một quốc gia. Aristotle dẫn chứng: "Người Sparta mải đầu tư cho chiến tranh, không chuẩn bị cho hoà bình. Vào thời bình, họ rỉ sét như thanh gươm nằm trong vỏ".

S.T
Nguồn: http://www.reds.vn/index.php/tri-thuc/triet-hoc/3800-nha-nuoc-ly-tuong-cua-aristotle
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ



TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

Google Suy nghiệm Triết học

Bài đăng mới nhất